Chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ tới Cu Ba:

Can đảm lật qua một trang mới

Thứ Tư, 23/03/2016, 14:45
Chỉ cách nhau 100 dặm biển và là láng giềng của nhau nhưng phải mất đúng 88 năm, Mỹ mới cử một vị tổng thống tới thăm Cuba. Chuyến thăm Cuba 3 ngày của ông Obama được COI là đỉnh cao ngoại giao trong tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai cựu thù Chiến tranh Lạnh.

“Cuba, cậu khỏe không?”

Que bolá Cuba? (Cuba, cậu khỏe không?). Đó là dòng Tweet bằng tiếng Tây Ban Nha đầu tiên của Tổng thống Obama khi đặt chân xuống sân bay Jose Marti ở La Habana, Cuba, vào lúc 16 giờ 15 (20 giờ 15 GMT) ngày 20-3. Câu nói này đủ để thấy ông Obama là người có thiện chí cải thiện quan hệ với Cuba và ông cũng đang cố gắng vận động Quốc hội Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận Cuba, chướng ngại vật cuối cùng trên con đường bình thường hóa quan hệ giữa hai cựu thù Chiến tranh Lạnh trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Thiện chí ấy còn được ông Obama thể hiện qua việc ông đi thăm phố cổ La Habana bất chấp trời mưa tầm tã…

Mỹ và Cuba đã chính thức phục hồi quan hệ ngoại giao cách đây 8 tháng. Phát biểu trước chuyến thăm Cuba, ông Obama nói: “Ngoại giao, trong đó có việc can đảm lật qua một trang mới về những chính sách thất bại trong quá khứ, là cách thức chúng ta bắt đầu một chương mới trong việc giao tiếp với dân chúng Cuba”. Ông Obama đã đặt việc tái thiết lập bang giao với Cuba trong vị trí là một trong những thành tựu ngoại giao đặc biệt của chính quyền ông, với lập luận rằng chính sách cô lập Cuba từ mấy chục năm này đã thất bại.

Hẳn nhiều người còn nhớ khi được trao giải Nobel Hòa bình năm 2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama từng phát biểu trước cử tọa tại thủ đô Oslo của Na Uy rằng “không một chế độ hà khắc nào có thể bước vào một con đường mới mà không lựa chọn mở cửa”. Chuyến thăm Cuba quan trọng này chính là cơ hội để chứng minh lời phát biểu trên khi ông trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm Cuba trong gần 90 năm qua kể từ sau chuyến thăm của cố Tổng thống Calvin Coolidge.

Chủ tịch Cuba Raul Castro tiếp Tổng thống Mỹ Barack ObamA tại La Habana ngày 21-3.

Có lẽ chuyến thăm kéo dài 3 ngày tới La Habana, chính là thành quả lớn nhất sau quyết định mà ông Obama đưa ra hồi cuối năm 2014: bình thường hóa quan hệ của Mỹ với Cuba sau hơn 50 năm ngoại giao băng giá. Thậm chí dư luận còn đánh giá rằng chuyến thăm của ông Obama được ví như chuyến thăm của Tổng thống Nixon tới Trung Quốc cách đây hơn 40 năm. Và một trong những dấu hiệu minh chứng cho quyết định làm tan băng mối quan hệ giữa hai cựu thù Mỹ - Cuba là ông Obama, trong trả lời phỏng vấn của Truyền hình Mỹ CNN trước chuyến thăm, nói rằng việc Quốc hội Mỹ dỡ bỏ cấm vận thương mại đối với Cuba chỉ là vấn đề thời gian. Thậm chí ông khẳng định niềm tin mạnh mẽ rằng ở nhiệm kỳ tổng thống tới, bất kể người của đảng Dân chủ hay Cộng hòa lên nắm quyền thì lệnh cấm vận (đối với Cuba) cũng sẽ được dỡ bỏ.

Mỹ đã nới lỏng các hạn chế về du hành và thương mại và ông Obama hy vọng sẽ tìm ra thêm những phương cách để giao tiếp với Cuba và dân chúng nước này. Vật cản lớn nhất hiện nay cho quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước là lệnh cấm vận của Mỹ với Cuba. Chỉ có quốc hội Mỹ mới có quyền thông qua lệnh dỡ bỏ cấm vận Cuba. Nhưng đảng Cộng hòa còn đang chần chừ, muốn sử dụng con bài này để mặc cả chính trị với đảng Dân chủ của Tổng thống Obama. Chính vì thế, trong chuyến thăm Cuba, ông Obama dẫn theo một phái đoàn gồm các nhà lập pháp của cả đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa.

William Leogrande, Giáo sư trường Đại học American, nói: “Ông Obama phải chứng minh là chính sách ấy mang lại kết quả, rằng nó đem lại kết quả trong lĩnh vực thương mại, rằng nó đem lại kết quả trong lĩnh vực ngoại giao. Để cho vị tổng thống sắp tới, cho dù là ai đi nữa, sẽ nhìn vào những gì ông Obama đã làm với Cuba và nói rằng ‘Chính sách này có tác dụng. Nó đem lại lợi ích cho quốc gia’”.

Tổng thống Obama đội mưa đi thăm phố cổ La Habana.

Dỡ bỏ cấm vận Cuba sẽ bị chi phối bởi những vấn đề nội bộ của mỗi quốc gia

Để thúc đẩy chính sách của Mỹ đối với Cuba do ông đề ra tiến tới sau khi ông mãn nhiệm kỳ, ông Obama cần được hậu thuẫn của cả hai đảng. Nhà Trắng nói chuyến thăm lịch sử của ông Obama nhắm mục tiêu làm cho tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước “không thể đảo ngược được”. Nhà Trắng hy vọng chuyến thăm sẽ đạt được hai mục tiêu: Một là, thúc đẩy nhà nước Cuba mở cửa về chính trị và kinh tế; Hai là, để người kế nhiệm ông Obama không thể đảo ngược tiến trình này và từ bỏ mưu toan can dự vào các công việc của La Habana.

Trong 3 ngày lưu lại Cuba, vào ngày 21-3, Tổng thống Mỹ Obama có cuộc gặp gỡ Chủ tịch Raul Castro, dự một cuộc đấu bóng và gặp đại diện người dân Cuba. Nhưng quan trọng nhất là ngày 22-3, với bài diễn văn gửi đến người dân Cuba. Trong bài diễn văn này, ông Obama điểm lại lịch sử giữa hai nước, trọng tâm nhất là hướng về tương lai, để xem Cuba và Mỹ có thể cùng nhau đi trên con đường tương lai như thế nào. Theo cố vấn của Tổng thống Mỹ, Ben Rhodes, bài diễn văn này là một thời khắc độc nhất vô nhị trong lịch sử hai nước.

Trước và trong chuyến thăm của ông Obama tới Cuba nhiều chính khách Mỹ và giới phân tích nói phóng rằng Tổng thống Mỹ phải có trách nhiệm (khi sang Cuba) thuyết phục chính quyền La Habana thay đổi về chính trị. Nhưng xem ra đây là điều viển vông. Hơn nửa thế kỷ cấm vận của Mỹ đã không làm lay chuyển quan điểm chính trị của Cuba. Trước khi ông Obama đặt chân xuống Cuba, La Habana đã trả lời thẳng thắn với đại ý rằng nếu ông Obama sang đây mà chỉ để cố thuyết phục Cuba thay đổi lập trường chính trị thì tốt nhất ông đừng sang!

Tấm biển có hình Chủ tịch Cuba Raul Castro (trái) và Tổng thống Mỹ Obama nhân chuyến thăm lịch sử của ông Obama đến Cuba.

“Có nhiều khác biệt sâu sắc giữa Mỹ và Cuba. Những khác biệt ấy sẽ không bao giờ biến mất”- ông Raul Castro tuyên bố và còn nói thêm rằng Mỹ và Cuba phải chung sống với những khác biệt đó một cách văn minh.

Đáp lại lời Chủ tịch Cuba, ông Obama nói: “Chúng ta cần tiến về phía trước, đừng nhìn lại phía sau nữa. Chúng tôi không còn coi Cuba như một mối đe dọa với nước Mỹ”. “Lệnh cấm vận sắp kết thúc rồi, các bạn hãy tin tưởng vào điều đó”- ông Obama nói với Chủ tịch Raul nhưng không nói rõ ngày giờ. Ông nói thêm rằng việc dỡ bỏ lệnh cấm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Theo giới quan sát, việc Quốc hội Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận Cuba sẽ sớm được thông qua vì chính quyền lợi của các doanh nghiệp Mỹ. Việc Cuba được xóa bỏ lệnh phong tỏa cấm vận sau gần 60 năm được coi là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp Mỹ.

Ngay trong ngày đầu chuyến thăm Cuba của ông Obama, hôm 20-3, Starwood là công ty khách sạn của Mỹ đầu tiên ký hợp đồng làm ăn với Cuba kể từ cuộc cách mạng năm 1959 trên đảo quốc này. Tiếp ngay sau đó, ngày 21-3, Western Union và Marriott International gia nhập danh sách ngày càng dài những tập đoàn của Mỹ thiết lập hoặc mở rộng hoạt động ở Cuba.

Chưa hết, một cuộc khảo sát mới ở Mỹ cho thấy đa số người dân Mỹ có quan điểm tích cực về việc khôi phục quan hệ với Cuba sau 5 thập niên thù địch giữa hai nước. Không chỉ đa số người Mỹ ủng hộ mở rộng quan hệ ngoại giao giữa hai nước mà 55% người Mỹ gốc Cuba cũng ủng hộ điều này, chỉ có 36% phản đối. Cuộc khảo sát của The New York Times/CBS News công bố hôm 21-3 cho thấy 62% người dân Mỹ tin rằng việc mở lại kinh doanh và những mối quan hệ văn hóa giữa hai nước chủ yếu có lợi cho Mỹ.

Giới phân tích còn cho rằng nếu bà Hillary Clinton đắc cử tổng thống vào tháng 11 tới, có thể bà sẽ vẫn duy trì chính sách tương tự. Còn trong số các ứng cử viên của đảng Cộng hòa, ứng cử viên đang dẫn đầu là Donald Trump lại là người ít chỉ trích nhất việc hai nước nối lại quan hệ. Tại một cuộc tranh luận trong tháng này, ông Trump nói rằng, thời gian 50 năm (cắt đứt quan hệ giữa hai nước) là đủ, đồng thời khẳng định sẽ thúc đẩy “một thỏa thuận tốt hơn nhiều”.

Nhìn chung, gần 6/10 người Mỹ ủng hộ việc nối lại quan hệ ngoại giao giữa hai nước được loan báo vào cuối năm 2014 và hầu hết ủng hộ chấm dứt lệnh cấm vận thương mại của Mỹ đối với Cuba. Cuộc thăm dò, được thực hiện hồi đầu tháng này trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama lên đường đến Cuba cho chuyến công du ba ngày. Ngoài lợi ích về kinh tế, Mỹ còn thu về được cả uy tín chính trị từ việc dỡ bỏ phong tỏa Cuba. Trước giờ vai trò của Mỹ tại khu vực sân sau, Mỹ Latinh, đã bị suy yếu do điều mà các nhà phân tích cho là tình trạng suy giảm kinh tế của Mỹ và do mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba.

Người dân Cuba đội mưa để chờ gặp được Tổng thống Mỹ Barack Obama tại La Habana.

Ngoài yêu cầu bãi bỏ cấm vận, Chủ tịch Raul còn đòi Mỹ phải trao trả lại Cuba phần lãnh thổ “chiếm đóng trái phép” để xây căn cứ Guantanamo. Đáp lại các yêu sách về tài chính của phía Cuba, Mỹ đòi chính quyền La Habana trả lại các tài sản của công dân Mỹ bị tịch biên sau cuộc cách mạng của Fidel Castro, được ước lượng lên tới 7 tỉ USD, tính luôn cả tiền lãi. Đó là chưa kể một số vấn đề khác chờ được giải quyết trong quan hệ giữa hai nước, như việc Cuba vẫn đòi Mỹ ngưng phát các chương trình phát thanh của cộng đồng Cuba lưu vong, được thực hiện với tiền tài trợ của Chính phủ Mỹ. Washington thì đòi La Habana phải nhận về những người Cuba có tiền án tiền sự chạy sang Mỹ tị nạn.

Bản thân Tổng thống Obama, với quan điểm rất tích cực trong quan hệ với Cuba so với những người tiền nhiệm, vẫn công khai tuyên bố rằng chính sách mới của ông đối với đảo quốc Caribe này không phải là sự thay đổi về mục đích mà chỉ là thay đổi về cách thức tiến hành, để phù hợp hơn với quan điểm rằng Mỹ phải vận dụng vị thế “siêu cường” của mình một cách “thông minh”.

Đặt mối quan hệ Mỹ - Cuba vào hoàn cảnh sắp tới, giới quan sát cho rằng nếu hai bên muốn đạt được những tiến triển mới, họ sẽ còn phải nỗ lực hơn rất nhiều.Tất cả những gì đang diễn ra cho thấy dỡ bỏ bao vây, cấm vận Cuba là một quá trình không thể đảo ngược nhưng nó sẽ bị chi phối bởi những vấn đề nội bộ của mỗi quốc gia khiến cho sự kết thúc của nó sẽ trở nên chậm trễ. Cụ thể là các cuộc bầu cử của Mỹ trong tháng 11-2016 và việc thay đổi người đứng đầu Nhà Trắng tháng 3-2017 hay việc ông Raul rút khỏi chính trường vào năm 2018.

Mộc Thạch - Bảo Trân (tổng hợp)
.
.