Cần thiết tổ chức lại quản lý giao thông đường bộ

Thứ Bảy, 14/11/2020, 14:22
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về 2 lĩnh vực rất khác nhau trong cùng một đạo luật, đó là lĩnh vực quản lý, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ và lĩnh vực quản lý về đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ.

Phạm vi điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 như vậy đã ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý chuyên sâu của Nhà nước về TTATGT đường bộ.

Cảnh sát giao thông kiểm tra một người điều khiển phương tiện.

Ám ảnh tai nạn do tổ chức giao thông bất cập

Theo con đường nhỏ, chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Sáu ở thôn Hà Am, xã Cao Xá, Tân Yên, Bắc Giang. Ngôi nhà đang xây dở hoang lạnh trong khói hương ám ảnh. Chồng chị, anh Nguyễn Đạt Thà vừa mất vì tai nạn giao thông khi đi chăm con trai lớn cũng bị tai nạn giao thông đang nằm viện. Một lái xe say rượu đã tông vào anh Thà khi anh đi xe máy qua xã Việt Lập, huyện Việt Yên.

Vụ tai nạn đã cướp đi sinh mạng của anh, bỏ lại người vợ yếu ớt tuyệt vọng và đứa con trai chấn thương sọ não, hôn mê sâu đang nằm ở Bệnh viện Việt Đức để chờ ngày cấy ghép. Trong một thời gian ngắn, chị Sáu mất chồng và nguy cơ mất cả con do tai nạn giao thông.

Nhớ lại một đêm giữa tháng 9, vợ chồng chị đang ngủ thì có điện thoại báo con trai là Nguyễn Đạt Phúc (sinh năm 1995) bị tai nạn giao thông rất nặng. Anh chị đã chạy vạy, vay mượn hàng trăm triệu đồng để phẫu thuật cho con nhưng Phúc vẫn nằm vô thức. Trưa 3-11, trên đường đi chăm con ở bệnh viện về, anh Thà lại bị tai nạn giao thông do lái xe say rượu tông vào tử vong. Một mình chị Sáu gồng gánh với nỗi đau mất chồng, tuyệt vọng khi con tiên lượng rất xấu. Người phụ nữ yếu đuối bất đắc dĩ thành trụ cột gia đình với hai bàn tay trắng.

Đau đớn đến quỵ xuống, chị chỉ mong không còn tai nạn giao thông, không còn gia đình nào phải gánh chịu nỗi đau cùng cực như chị nữa. “tai nạn giao thông làm tôi khổ quá rồi. Muốn chết cũng không được vì còn một cháu nhỏ nữa. Nếu không có tai nạn giao thông thì gia đình tôi đâu phải chịu chia ly này...”, chị Sáu nghẹn ngào cho biết.

Chị Hoàng Thị Mai - một cán bộ ngân hàng, trú ở phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh - cũng có chồng bị tai nạn giao thông khi đang đi xe máy trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang xót xa cho biết: “Đường thì nhỏ hẹp, ô tô đi chung với xe máy tốc độ cao, không có điểm đón trả khách nên ô tô đang chạy ầm ầm bỗng tạt vào lề đường đón khách. Chồng tôi đang đi thẳng bị ôtô tạt vào gây tai nạn. Anh ấy chết trên đường đi làm về, chưa kịp ăn uống gì. Tội lắm. Nếu làm được đường gom cho xe máy đi hoặc có điểm cho xe khách đón trả khách thì chồng tôi đâu phải chết” - chị Mai chua xót nói.

“Tôi đọc báo thấy Bộ Công an xây dựng luật về bảo đảm ATGT, sẽ khắc phục được những vô lý, bất cập trong tổ chức giao thông hiện nay. Tôi rất mong luật này ra đời, để không còn ai chết oan uổng như chồng tôi nữa” - chị nghẹn ngào.

Thực sự, sau mỗi vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, nạn nhân có thể chịu thương tật vĩnh viễn, người gây tai nạn ngoài việc bồi thường tổn thất tinh thần, vật chất, còn phải chịu hậu quả pháp lý. Tai nạn giao thông rõ ràng đang ảnh hưởng lâu dài và sâu sắc tới các gia đình và cả xã hội. Mặc dù đã có nhiều biện pháp đảm bảo an toàn giao thông như tuyên truyền, xử lý vi phạm, ngăn chặn vi phạm nồng độ cồn, chất kích thích; tổ chức hội thi lái xe an toàn, khích lệ tài xế trên mạng xã hội... nhưng tai nạn giao thông hiện vẫn diễn biến phức tạp, tập trung trong các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao, gồm: lái xe khách, người đi xe mô tô, thanh thiếu niên nông thôn. 

Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2009 đến nay đã xảy ra 334.901 vụ tai nạn giao thông, làm chết 101.810 người (trung bình hằng năm gần 10.000 người chết, chủ yếu trong độ tuổi lao động). Số người bị thương là 336.094 người. Đáng chú ý nguyên nhân gây tai nạn giao thông đường bộ do lỗi vi phạm của người tham gia giao thông chiếm tới trên 90% số vụ. So với thế giới, tai nạn giao thông Việt Nam đang ở mức cao.

Do Luật Giao thông đường bộ 2008 có quá bất cập so với thực tiễn, nên cần có một dự luật bảo đảm cho người tham gia giao thông an toàn hơn, Bộ Công an đã đề nghị xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe người tham gia giao thông, tổ chức lại giao thông an toàn, hiệu quả.

Cảnh sát giao thông kiểm tra an toàn giao thông.

Tréo ngoe người làm trực tiếp người quy định việc

Trăn trở về những điểm đen cướp đi sinh mạng của hàng chục người, Thượng tá Đặng Thanh Phong, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Chỉ riêng 2 điểm tại km 133+200 và 142+600 QL1A, mỗi điểm đã xảy ra nhiều vụ tai nạn khiến hàng chục người tử vong. Quá trình tuần tra kiểm soát và phối hợp điều tra xử lý tai nạn, chúng tôi đã xác định có rất nhiều bất cập trong tổ chức giao thông tại đây nên đã có văn bản kiến nghị tới vài chục lần nhưng hiện nay vẫn chưa được khắc phục. Tai nạn vẫn xảy ra, người dân vẫn thiệt mạng. CSGT cũng chỉ biết kiến nghị chứ không biết làm gì hơn”.

Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ thì CSGT chỉ có quyền kiến nghị để khắc phục những bất cập trong tổ chức giao thông (trong đó có các “điểm đen”) còn ngành Giao thông vận tải mới có thẩm quyền khắc phục, sửa chữa những bất cập đó. Chính vì vậy, mặc dù mỗi “điểm đen” đã xảy ra nhiều vụ tai nạn nhưng Công an tỉnh Bắc Ninh cũng đành “bó tay” vì không có thẩm quyền xử lý, khắc phục.

Hay như tại Tiền Giang, thông qua công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, CSGT đã phát hiện hàng chục bất cập gây nguy hiểm, tai nạn giao thông, cũng kiến nghị hàng chục lần nhưng không được quan tâm giải quyết. Như việc lắp biển cấm dừng đỗ trên tuyến ĐT 878 của tỉnh Tiền Giang. Đây là tuyến đường trọng yếu của tỉnh nhưng các xe tải, xe container đỗ hàng dài chiếm dụng phần đường lưu thông, đặc biệt là vào ban đêm khiến tai nạn xảy ra liên tục.

Thậm chí, có những thời điểm xảy ra tới 9 vụ làm 3 người tử vong liên quan đến việc xe dừng đỗ nhưng các kiến nghị của Phòng CSGT không được giải quyết kịp thời. Rồi những bất cập trong tổ chức giao thông ở tuyến tránh thị xã Cai Lậy đã được Phòng CSGT, Công an tỉnh Tiền Giang kiến nghị nhiều lần, đề nghị khắc phục, nhất là tình trạng ổ voi, ổ gà tại đầu vào, đầu ra tuyến tránh này.

Nói về vấn đề này, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Luật Giao thông đường bộ hiện nay điều chỉnh nhiều hình thức tổ chức giao thông khác nhau, có những quy định phân công cho các Bộ chưa phù hợp. Ví dụ việc xây dựng đường, đặt hệ thống biển báo, điểm vượt, điểm rẽ, hạn chế tốc độ được giao cho ngành Giao thông vận tải sắp xếp, bố trí nhưng lực lượng kiểm tra, xử lý lại là CSGT.

“Tôi đã chứng kiến ở Hà Nội, tại một ngã ba có lối rẽ được đặt 3 biển khác nhau, 1 biển chỉ dẫn cho ô tô, 1 biển chỉ dẫn cho xe máy và 1 biển chỉ dẫn cho xe đạp và người đi bộ. Người CSGT đứng ở cuối đường, người nào đi xe máy nhầm vào luồng đường của xe đạp hoặc ngược lại thì bị phạt. Tôi nói vui thế này không khác gì việc làm lỗ chui cho chó và cho mèo. Sau đó bên ngành Giao thông tiếp thu và bỏ biển kiểu này, CSGT cũng không phải đứng tại đó để xử phạt, tránh việc dân kêu ca” - Thứ trưởng Lê Quý Vương chia sẻ.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT khẳng định, quy định về tổ chức giao thông chưa phù hợp tình hình thực tiễn. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 37 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chỉ quy định Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên hệ thống quốc lộ; Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên các hệ thống đường bộ thuộc phạm vi quản lý; không quy định trách nhiệm tham gia tổ chức giao thông cho lực lượng CSGT, trong khi CSGT là lực lượng chủ yếu thực hiện chỉ huy điều khiển giao thông và xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, vì vậy khi thực thi nhiệm vụ sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Cũng chia sẻ về điều này, trên diễn đàn Quốc hội, ngày 11-11, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chia sẻ câu chuyện Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng thắc mắc vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh mình vì phương tiện, con người kể cả hành khách và lái xe đều là người tỉnh khác nhưng khi đi đến đất Lâm Đồng thì gây tai nạn. Tỉnh Lâm Đồng đã nỗ lực cứu chữa bệnh nhân, khắc phục tai nạn nhưng tính trách nhiệm thì Chủ tịch tỉnh phải chịu.

“Đồng chí Chủ tịch tỉnh bảo rằng, nếu bắt chịu trách nhiệm thì tôi phải chịu nhưng vô lý” - Bộ trưởng Tô Lâm cho biết và khẳng định, khi Luật Bảo đảm TTATGT được thông qua, lực lượng Công an sẽ chịu trách nhiệm công tác này. Đây là trách nhiệm lớn, rất nặng nề nhưng Bộ Công an quyết tâm làm được.

“Hiện nay, giao trách nhiệm cho chủ tịch UBND các tỉnh làm trưởng ban an toàn giao thông, phải chịu trách nhiệm nếu tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn nên nhiều tỉnh thắc mắc. Ví dụ xe của địa phương khác đi qua địa bàn gây tai nạn thì chủ tịch tỉnh đó phải chịu trách nhiệm chứ không phải là tỉnh có phương tiện, con người điều khiển phương tiện. Nay giao cho Bộ Công an, chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm việc này”.

Hiện trường vụ tai nạn khiến 3 người chết, 4 người bị thương ở Hà Giang.

Cần thay đổi phương thức quản lý đào tạo, cấp giấy phép lái xe

Theo thống kê thì hơn 90% tai nạn giao thông là do lỗi của người điều khiển phương tiện. Trong khi đó, việc đào tạo người điều khiển phương tiện lại chưa được quan tâm đúng mức, kể cả công tác đào tạo kỹ năng lái xe lẫn đạo đức, ý thức lái xe.

Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết: “Cách đây khoảng 30-40 năm, khi CSGT làm nhiệm vụ trên đường bộ thấy nghi vấn một chiếc xe khách đang lưu thông có kỹ thuật kém thì CSGT có quyền dừng xe, mời bà con đi xe khách đó xuống để kiểm tra bằng cách đi thử, nếu thấy kỹ thuật không đảm bảo, phanh không an toàn, CSGT có quyền đình chỉ xe khách đó chạy. Việc kiểm soát lái xe trước đây chúng ta đã làm chặt chẽ...”.

Chính vì vậy, khi chuyển giao nhiệm vụ quản lý người điều khiển phương tiện từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an thì không tăng bộ máy, không tăng biên chế, vì Cục CSGT vẫn chỉ có Phòng Hướng dẫn, đào tạo, sát hạch, quản lý giấy phép của người điều khiển phương tiện giao thông như hiện nay. Lực lượng Công an đã được phân thành 4 cấp (bộ, tỉnh, huyện, xã) trong đó đã bố trí cán bộ làm công tác đăng ký và quản lý phương tiện theo 3 cấp (bộ, tỉnh, huyện) gồm 780 đầu mối nên chỉ thêm nhiệm vụ, không tăng biên chế, hoàn toàn đủ điều kiện tiếp nhận công việc chuyển giao từ 64 đầu mối của ngành Giao thông.

Cán bộ chiến sĩ làm công tác quản lý đào tạo, phải là những đồng chí đã có kinh nghiệm thực tế về đảm bảo TTATGT nhất là số làm nhiệm vụ sát hạch viên sẽ được đào tạo, tập huấn nghiệp vụ bảo đảm đạt tiêu chuẩn như một số quốc gia tiên tiến. Sau chuyển giao, Bộ Công an sẽ quản lý chặt chẽ từ đào tạo, sát hạch, quá trình tham gia giao thông của người lái xe theo hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối liên thông trong các lĩnh vực qua căn cước công dân, cơ sở dữ liệu dùng chung về quản lý vi phạm pháp luật hành chính, hình sự... đảm bảo thường xuyên, liên tục, hiệu quả.

Bên cạnh đó, người dân sẽ được tự do lựa chọn về đào tạo, sát hạch, được công khai, minh bạch, công bằng, tiết kiệm được thời gian học và được thụ hưởng đúng theo mức phí đã bỏ ra. Được đảm bảo chính xác, đầy đủ nội dung các thông tin cá nhân liên quan đến quyền và trách nhiệm khi tham gia giao thông. Tổ chức thực hiện cấp, cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe đến Công an cấp xã đảm bảo nhanh gọn, chính xác, phục vụ nhân dân ngay tại cơ sở.

Phương Thủy
.
.