Càng giáp kỳ thi các “lò” luyện thi càng “nóng”

Thứ Hai, 26/05/2008, 15:15
Chỉ còn mấy ngày nữa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ diễn ra trên toàn quốc. Với 6 môn thi, trong đó có 3 môn (sinh vật, vật lý, ngoại ngữ) thi theo hình thức trắc nghiệm và 3 môn (toán, văn, lịch sử) thi theo hình thức tự luận). Thời điểm này có thể coi là giờ G cho việc ôn luyện.

Tại các trung tâm luyện thi ở Hà Nội, danh nghĩa là ôn thi đại học nhưng những kiến thức ôn ở đây về cơ bản thực tế vẫn thuộc kiến thức phổ thông nên càng giáp ngày thi tốt nghiệp THPT càng "nóng"...        

Luyện thi tại lớp, hình thức không mất thế “thượng phong”

Khảo sát quanh Bách khoa, khu vực được coi là “nóng” nhất mỗi khi mùa thi đến. So với những năm trước- khi chưa ra đời hình thức luyện thi trên mạng, các lớp luyện thi tại đây năm nay có vẻ yên ắng hơn. Không còn cảnh những chiếc bàn để thí sinh đến đăng ký ôn luyện bày la liệt trên vỉa hè. Không còn cảnh phát tờ rơi quảng cáo cho các lớp luyện thi cấp tốc hay những chiếc bảng thông báo tuyển sinh nhan nhản khắp khu vực Bách khoa.

Tuy nhiên, những trung tâm được các thí sinh đánh giá uy tín nhất từ trước tới nay trong việc luyện thi vẫn hoạt động sôi nổi, thậm chí sôi nổi hơn khi hình thức thi trắc nghiệm ra đời. Như Trung tâm Luyện thi đại học Tô Hoàng, Trung tâm Luyện thi đại học Bách khoa (N5), Trung Tâm Luyện thi đại học Bách khoa (P1)... Vào những giờ tan học ở đây, học sinh từ các lớp học luyện thi có đến hàng trăm người mỗi ca.

Lớp học của Trung tâm ở N5 là một ví dụ. Nhìn học sinh ở lớp này tan học, có cảm giác không khí đã oi bức càng oi bức hơn khi hàng trăm học sinh chen chúc nhau ra khỏi lớp. Một ông già tóc bạc phơ chuyên cung cấp thông tin cho những ai có nhu cầu tuyển sinh vào trung tâm cho biết: “Nóng thế này chứ nóng nữa như cái lò lớp học của trung tâm vẫn đông. Ít là lớp có 170 học sinh, nhiều là 200 học sinh. Cứ thế thay nhau học cả ngày”. 

Ông cho biết thêm, một ngày có tới 3 - 4 ca học (mỗi ca một lớp) như vậy, lại học 6 ngày trong tuần, trừ chủ  nhật. Sáng từ 7h30’ bắt đầu ca học đầu tiên, chiều, 16h là ca học cuối cùng của ngày, cứ sau 2 tiếng học kết thúc một ca. Các lớp luyện này, đã khai giảng từ trước tết.

Còn ngày 2/6, mới khai giảng lớp cấp tốc. Lớp cấp tốc ra đời với mục đích “cày” lại hệ thống kiến thức từ đầu tới cuối đồng thời dạy cho thí sinh những “mẹo” trong làm bài thi. Vì vậy, các lớp cấp tốc rất đông học sinh ngoại tỉnh đến học.

Do trước đó, phải ôn thi tốt nghiệp THPT tại trường nên các em không có điều kiện để tham dự những lớp luyện thi kiểu vậy. Hơn nữa, việc nghe các thầy có tên tuổi giảng dạy, hướng dẫn ôn thi đại học là một khó khăn với các thí sinh nông thôn nên tham dự các lớp cấp tốc cũng là cơ hội để các em khắc phục điều đó. Không chỉ ở các lớp cấp tốc mà lớp học thường xuyên cũng là những thầy có tên tuổi giảng dạy.

Một học sinh hiện đang ôn tại Trung tâm N5 cho biết, trung tâm này thu hút nhiều học sinh là do tập trung được “một số thầy” danh tiếng trong giảng dạy ôn luyện. Bên cạnh việc giảng dạy khúc triết tận “ngóc ngách” các kiến thức, các bài luyện thi... các thầy còn “truyền” kinh nghiệm làm bài thi trắc nghiệm, một hình thức thi mà học sinh mới làm quen. Học sinh trên nhận định đây cũng là một trong những nguyên nhân  khiến các lớp luyện thi vẫn thu hút được nhiều học sinh.

Cũng như Trung tâm  N5, Trung tâm Tô Hoàng, nằm ngay đầu khu vực Bách khoa ở số 1 Tạ Quang Bửu  hay Trung tâm P1 ở ngõ 30/16 Tạ Quang Bửu cũng vậy, vẫn gồm những giáo viên đã ghi dấu tên tuổi trong “làng” ôn thi giảng dạy. Cô thư ký của trung tâm này cho biết hiện nay trung tâm không thể tiếp nhận thêm học sinh nào vì các lớp học không còn chỗ trống. Và thực tế ấy không chỉ diễn ra mới đây, gần ngày thi mà nó đã “nóng” từ khi khai giảng trước tết.

Có một điểm đặc biệt khi ôn thi tại các trung tâm luyện thi Bách khoa đó là muốn được thầy nào giảng, học sinh có thể đăng ký vào lớp có thầy đó, bất kể thầy ấy dạy ở trung tâm nào. Vì học ở những trung tâm này, học sinh nộp tiền theo buổi với giá: 9.000-11.000 đồng/buổi (tùy theo từng trung tâm) mà không có gì ràng buộc học sinh với các trung tâm.

Cho nên quan trọng là thời gian học của học sinh phù hợp với giờ giảng của thầy. Và để biết giờ giảng của các thầy, học sinh có thể tìm hiểu thời khóa biểu của các trung tâm được in trên trên tờ rơi phát trực tiếp cho học sinh. Xuất phát từ những thuận lợi ban đầu ấy mà các trung tâm luyện thi hiện nay vẫn thu hút học sinh, dù đã có thêm hình thức ôn luyện mới ra đời - ôn thi trên mạng hoặc qua đĩa DVD...

Không còn chuyện “nói một đằng làm một nẻo” ở các trung tâm trong việc “mượn” tên các thầy có uy tín để thu hút học sinh như trước đây. Những trung tâm “làm ăn” như vậy đã không thể tồn tại. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho hình thức luyện thi tại lớp không mất đi thế “thượng phong”.

Luyện thi với... máy tính

Nói về cách luyện thi qua mạng, trong thời đại @ hiện nay thì hình thức luyện thi này có thể coi là “thời thượng”. Ra đời năm 2002, với địa chỉ đầu tiên: http://truongthi.com.vn do Công ty Phát triển phần mềm VASC và Công ty Tư vấn và Đầu tư thương mại TMC phối hợp tổ chức, luyện thi trên mạng những ưu thế nhất định. --PageBreak--

Đầu tiên có thể thấy ngay là thí sinh không phải chịu không khí nóng bức, chật chội như ngồi trong lớp học tại các trung tâm, không phải nghe giọng thầy bị rè rè vì qua thiết bị khuếch đại âm thanh; thứ hai, kiến thức tiếp cận rộng; thứ ba, học phí rẻ hơn so với các lớp luyện thi.

Theo “thời giá” hiện tại thì mỗi buổi học tại lớp luỵện thi là 9.000-11.000 đồng/buổi như đã nói. Trong khi đó học phí qua mạng chỉ 5,5 nghìn đồng/buổi, trong đó đã tính cả phí truy cập mạng: 3.000đồng/giờ, tiền thẻ để vào luyện thi với mệnh giá thẻ 50.000 đồng (mỗi giờ học 2.000đồng)...

Với hình thức thi trắc nghiệm ở một số môn hiện nay thì việc luyện thi qua mạng theo đánh giá của TS phương pháp giảng dạy toán Lê Thống Nhất, cha đẻ của ý tưởng luyện thi trên mạng rất hữu hiệu. Vì với đặc thù của hình thức thi trắc nghiệm là kỹ năng nhận định đúng - sai, thì hình thức luỵện thi trên mạng giúp học sinh có “phản xạ” rất tốt trong kỹ năng này.

Cụ thể như TS Lê Thống Nhất đã phân tích ngay trên cổng: “www.quickhelp.vn” do ông là tác giả. Cổng có 3 tiện ích khép kín: tiện ích thứ nhất là hệ thống bài giảng gồm các bài giảng mang tính tổng kết, hệ thống lại kiến thức cho học sinh, rút ra những điểm nhấn cho học sinh. Học sinh muốn tìm hiểu kỹ phần giảng nào của giáo viên có thể chủ động hoàn toàn về thời gian học và số lần học.

Tiện ích thứ hai, tập trung rèn luyện kỹ năng. Phần này, phần mềm được thiết kế để học sinh có thể luyện từng nội dung mà mình chưa nắm chắc. Không những thế, học sinh có thể luyện tập đi luyện tập lại đến khi nào nắm chắc nội dung kiến thức đó.

Tiện ích thứ ba là thi trắc nghiệm, bao gồm cả đề thi tốt nghiệp và đề thi đại học, cả chương trình phân ban và không phân ban. Với thời gian theo đúng yêu cầu đề thi, đồng hồ sẽ tự động đếm ngược để tính thời gian làm bài của học sinh. Sau khi làm xong, học sinh ấn vào nút gửi bài tập, lập tức phần mềm máy tính sẽ cho học sinh biết đã làm đúng, sai bao nhiêu câu.

Điều thú vị là phần mềm còn phân tích bài làm của các em để giúp các em biết câu sai của mình thuộc về  nội dung kiến thức nào. Muốn luyện lại phần này, học sinh trở lại với tiện ích thứ hai. Nếu gặp khó khăn hơn về kiến thức, học sinh lại trở về với tiện ích thứ nhất.

Mặc dù có nhiều thuận lợi như vậy, nhưng luyện thi trên mạng không phải không có nhược điểm. Nó chỉ được sử dụng với một nhóm người nhất định. Những người này phải có điều kiện về máy tính, kết nối mạng... Nghĩa là phải có “cơ sở hạ tầng” tốt. Chứ mỗi lần ôn thi mà ra điểm kinh doanh dịch vụ thì khó có thể tập trung ôn thi do môi trường nơi công cộng sẽ làm phân tán tư tưởng học sinh.

Điểm yếu tiếp theo là với những môn thi tự luận đề cao tư duy phát triển, khả năng diễn đạt của học sinh, hình thức ôn trên mạng không đáp ứng được. Vì nó không giảng giải thấu đáo, sâu sắc kiến thức cho học sinh, nhất là với những kiến thức học sinh chưa hiểu.

Đã vậy, những cái “mẹo” để giúp học sinh có thể giải bài thi tốt, “computer” không thể giúp học sinh bằng người thật như nghe thầy giảng được. Điều này, các lớp luyện thi trực tiếp lại “giải quyết” được.

Từ những điểm mạnh - yếu trên đây của hai hình thức luyện thi, nhiều thí sinh để “chắc ăn” đã chọn cả hai hình thức ôn luyện. Học sinh Nguyễn Thu Trang của Trường THPT Chu Văn An cho rằng, hình thức ôn luyện nào cũng có điểm mạnh và yếu, để bổ sung và hỗ trợ nhau một cách hoàn hảo, Trang vừa luyện thi tại trung tâm của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội vừa tự luyện trên mạng Internet ở nhà. Trang cho biết, luyện thi ở lớp để phục vụ những môn tự luận và luyện thi trên mạng để “nạp” kiến thức cho các môn thi trắc nghiệm.

Giống như Trang, nhiều thí sinh cũng chọn hình thức ôn thi như vậy. Những ngày này, chỉ tính riêng một địa chỉ để vào ôn thi trên mạng, đã có hàng chục vạn thí sinh truy cập. Hình thức luyện thi này quả là cũng chẳng “kém cạnh” so với hình thức luyện thi truyền thống.

Một mùa thi nữa sắp đến. Dù ôn luyện dưới bất cứ hình thức nào: máy tính hay trực tiếp nghe thầy giảng trên lớp, đều cần sự nỗ lực của chính học sinh. Chỉ có sự nỗ lực ấy mới giúp học sinh “vượt vũ môn” một cách xuất sắc và bước tới tương lai tươi sáng hơn

Tú Anh
.
.