Căng thẳng Israel - Liban đe dọa hòa bình Trung Đông

Thứ Năm, 27/08/2009, 13:20
Những căng thẳng gần đây tại Trung Đông khiến dư luận quốc tế cho rằng mọi hướng tìm kiếm giải pháp cho nền hòa bình tại khu vực này đều đi vào ngõ cụt. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, hiện vẫn còn 3 tia hy vọng có thể dập tắt chảo lửa Trung Đông.

Ba năm sau cuộc tấn công của Israel chống lại lực lượng Hezbollah tại Liban, ngày 10/8 vừa qua, ông Benyamin Netanyahu đã lên tiếng cảnh báo Beirut trước khả năng để phong trào Hồi giáo dòng Shiite (Hezbollah) tham gia vào chính phủ tương lai. Cuộc bầu cử Quốc hội Liban ngày 7/6 vừa qua đã đem lại chiến thắng cho phe liên minh thân phương Tây do Saad al-Hariri, con trai cố Thủ tướng Rafik Hariri, lãnh đạo, trước liên minh do phong trào Hezbollah làm trụ cột.

Phong trào của tướng Michel Aoun, liên minh của Hezbollah, đã chấp nhận thua cuộc nhưng lại không quên thêm rằng phe của ông sẽ làm việc với liên minh của ông Saad al-Hariri để thành lập một chính phủ liên hiệp dân tộc. Thực tế, Hezbollah luôn muốn một chính phủ liên hiệp dân tộc cho dù phe nào giành chiến thắng đi chăng nữa vì cho rằng chỉ có họ mới có khả năng bảo vệ đất nước và chống lại tham vọng của Israel.

Cũng như quan điểm của những người tiền nhiệm, Thủ tướng Netanyahu khẳng định việc Hezbollah tham gia Chính phủ Liban chẳng khác nào một lời tuyên chiến đối với Israel.

"Nếu Hezbollah chính thức gia nhập Chính phủ Liban thì điều rõ ràng nhất đối với Israel là Chính phủ Liban sẽ bị coi là phải có trách nhiệm với tất cả những cuộc tấn công từ lãnh thổ của mình. Sẽ không có chuyện chính quyền Liban nói rằng họ không kiểm soát Hezbollah. Mọi cuộc tấn công chống lại Israel xuất phát từ Liban sẽ phải trả giá bằng các cuộc tấn công đáp trả trên toàn lãnh thổ Liban"- Thủ tướng Netanyahu nhấn mạnh.

Học thuyết đáp trả hàng loạt nhằm vào các mục tiêu của Liban đã được Israel áp dụng năm 2006, trong 33 ngày đánh bom Beirut, phía nam Liban và các cơ sở hạ tầng trên toàn quốc gia này.

Lời cảnh báo này được Thủ tướng Israel đưa ra trong bối cảnh tình hình tại khu vực biên giới hai nước hết sức căng thẳng kể từ giữa tháng 7 đến nay. Các cơ quan tình báo Israel thời gian gần đây liên tục đưa ra những lời cảnh báo đối với du khách và các cơ quan đại diện của Israel ở nước ngoài trước những hành động sắp tới của Hezbollah.

Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Israel, Ehoud Barak, cũng đã cảnh báo rằng nước ông không sẵn sàng chấp nhận một tình huống trong đó quốc gia láng giềng để một lực lượng khủng bố sở hữu 40.000 quả rốckét với đường lối chính trị chống lại Israel tham gia vào chính phủ và quốc hội (Mỹ liệt Hezbollah vào danh sách các tổ chức khủng bố).

Hachem Safia-Din, một đại diện của Hezbollah, ngay khi đó đã phản ứng lại rằng, phong trào của ông không muốn khơi mào một cuộc xung đột mới nhưng vẫn luôn trong tình trạng cảnh giác cao và sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xấu. Người này cảnh báo, sự phản pháo của Hezbollah trong một cuộc chiến mới sẽ khác xa những gì họ đã làm trong cuộc chiến năm 2006.

Về phía Palestin, 6 tháng sau cuộc tấn công vào Dải Gaza, phong trào Hamas lại tiếp tục các cuộc bắn đạn rốckét vào Israel. Quân đội Israel đã phản ứng bằng cách đánh bom các đường hầm bí mật nối dải đất này với Ai Cập.

Phát biểu trước báo chí ngày 11/8 vừa qua, Thủ tướng Netanyahu cho biết hành động đơn phương rút quân khỏi Dải Gaza của Thủ tướng Ariel Sharon tháng 8/2005 là một sai lầm vô cùng lớn vì nó không đem lại hòa bình và an ninh cho người Israel.

Tình hình Trung Đông hiện tại vẫn luôn trong tình trạng căng thẳng, mặc dù bây giờ là thời điểm ít căng thẳng nhất, nhưng người ta vẫn không nhìn thấy tia hy vọng nào cho nền hòa bình tại khu vực này. Fatah, đảng của Tổng thống Palestin Mahmoud Abbas, vừa nhắc lại rằng đảng này sẽ không từ bỏ con đường cách mạng. Nói khác đi là đấu tranh vũ trang chống lại kẻ thù Do Thái.

Ông Benyamin Netanyahu khi lên nắm quyền tháng 4/2009 tái khẳng định tính cần thiết của một chính sách cứng rắn đối với Palestin: không có sự nhượng bộ đối với phần phía đông Jérusalem, không có chuyện trao lại cao nguyên Golan cho Syria và cũng nói không với một nhà nước cho người Palestin, song lại đưa ra rất nhiều lời hứa để giúp kích thích phát triển kinh tế cho Palestin. Thực chất, Israel chỉ chấp nhận đàm phán về kinh tế và an ninh với người Palestin, chứ không thể có một hiệp ước hòa bình.

Như vậy xét trên mọi phương diện và các đối tác có liên quan tới hòa bình khu vực Trung Đông thì mọi con đường dẫn tới hòa bình cho khu vực này đều đã bị chặn. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, hiện nay người ta vẫn có thể hy vọng vào 3 điều sau đây.

Thứ nhất, xét trên tính cách thực dụng của Thủ tướng Netanyahu. Khả năng thích ứng với tình hình của ông Netanyahu có thể sẽ làm giảm tính cố chấp của Chính phủ Israel từ đó mở ra cơ hội cho các cuộc đàm phán hòa bình với Palestin.

Thứ hai, đó là mong muốn có được một nền hòa bình giữa Israel và Palestin của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Đây là một trong những ưu tiên hàng đầu về chính sách đối ngoại của ông Obama. Bằng chứng là vị tổng thống này đã lớn tiếng yêu cầu Israel ngừng việc xây dựng các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây. Vấn đề còn lại là ông Obama sẽ phải tìm cách để thể hiện ước muốn đó vào một thực tế khó khăn tại Trung Đông hiện nay.

Cuối cùng, đó là sự thay đổi tại Iran, một quốc gia mà Israel coi là kẻ thù không đội trời chung và là đối tác tin cậy của Hezbollah và Hamas. Tuy nhiên, xem ra hướng này không thực tế vì phe cải cách thân phương tây đã thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống Iran vừa qua

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.