Căng thẳng Mỹ - Trung đến từ đâu?
Việc đóng cửa tòa lãnh sự Mỹ tại Thành Đô khép lại 35 năm hiện diện của Mỹ tại thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên. Không phải tình cờ mà Houston hay Thành Đô là những mục tiêu bị nhắm tới. Houston là địa điểm đầu tiên được chọn làm văn phòng lãnh sự của Trung Quốc tại Mỹ, được khánh thành năm 1979 là một biểu tượng mạnh mẽ cho việc bình thường hóa quan hệ Mỹ-Trung. Nhưng chính quyền Tổng thống Trump đã quả quyết đây là “ổ gián điệp của Trung Quốc trên lãnh thổ Mỹ”.
Về phía Bắc Kinh, Trung Quốc cũng có nhiều lý do để chọn khai tử văn phòng ngoại giao của Mỹ ở Thành Đô. Theo tiết lộ cửa cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden, Thành Đô, là một trong những địa điểm hoạt động của CIA, với lợi thế là “gần với Tân Cương và Tây Tạng”, hai điểm nhạy cảm trong chính sách an ninh nội bộ của Trung Quốc. Trong gần nửa thế kỷ từ ngày chính thức thiết lập bang giao, đây không phải lần đầu tiên văn phòng ngoại giao của đôi bên hứng chịu sóng gió. Có điều sự kiện này diễn ra trong bối cảnh tinh thần dân tộc chủ nghĩa của cả đôi bên cùng đang dâng cao. Viễn cảnh hàn gắn lại càng thêm đen tối.
Trung Quốc tiếp quản lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô sáng 27-7. |
Theo The Wall Street Journal, việc “dồn hỏa lực” vào Trung Quốc là điều tất yếu, bởi “trọng lượng của Trung Quốc quá lớn, Bắc Kinh có quá nhiều mối liên hệ mật thiết với thế giới (...) và đã không ngừng giẫm chân lên Mỹ trong tất cả mọi lĩnh vực”. Nói cách khác, trong hoàn cảnh đó, khó có thể tin rằng giai đoạn căng thẳng nhất trong quan hệ Mỹ-Trung đã qua.
Một nhà quan sát Pháp được báo Le Monde trích dẫn cho rằng, “cuộc đối đầu giữa hai siêu cường của thế giới (...) sẽ còn tiếp tục lan rộng thêm”. Vậy đâu là những mặt trận sắp tới trong cuộc đấu tay đôi giữa Washington và Bắc Kinh? Le Monde cho rằng trong chính quyền Mỹ hiện tại “phe chủ trương cứng rắn với Trung Quốc đang thắng thế”.
Còn theo quan điểm của một số chính khách và giới bảo vệ môi trường, sông Mekong có thể là “một mặt trận” trong cuộc tranh hùng. Hãng tin Reuters trích dẫn một đại sứ Mỹ trong khu vực vào tháng 4-2020 tố cáo đích danh Trung Quốc “kiểm soát” nguồn nước của con sông dài 4.350 km này và đe dọa trực tiếp đến đời sống của hàng chục triệu người ở hạ nguồn.
Tổ chức bảo vệ môi trường Mekong Energy and Ecology Network, trụ sở tại Thái Lan, cũng lên tiếng báo động về việc Trung Quốc đang kiểm soát nguồn nước của con sông này, “xua tan những nỗ lực của Mỹ từ hàng chục năm qua thúc đẩy các dự án sông Mekong”.
Theo báo Libération của Pháp, trong cuộc đọ sức với Trung Quốc, Tổng thống Trump cố gắng lôi kéo các đồng minh nhập cuộc. Và chỉ còn 100 ngày trước cuộc bầu cử tháng 11, Tổng thống Trump đang cố gắng xoay chuyển tình thế, khi mọi cuộc thăm dò dư luận cho thấy cử tri Mỹ đang dần quay lưng lại với ông. Nguyên nhân chính khiến cử tri Mỹ ngày càng bỏ rơi ông thêm chính là cách xử lý khủng hoảng y tế của tổng thống, cùng những phát biểu gây rối thêm tình hình với hơn 4 triệu người nhiễm và hơn 150 nghìn người chết vì COVID-19 tại Mỹ.
Hiện tại ông Trump đang bị đối thủ Joe Biden qua mặt đến gần 10 điểm trong các cuộc thăm dò dư luận về dự định bầu. Trong bối cảnh này, Tổng thống Trump và ê-kíp huy động tổng lực chống kẻ thù của nước Mỹ là Bắc Kinh. “Trung Quốc là mối đe dọa và là thử thách lớn nhất đối với Hoa Kỳ cũng như châu Âu”, Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, ông Robert O’Brien, đã giải thích với chính quyền Pháp như thế.
Ông vừa hoàn tất vòng công du châu Âu, gặp gỡ các đồng nhiệm, trước Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo không lâu. Thông điệp rất thẳng thừng. Bên cạnh Ngoại trưởng Anh Dominic Raab, ông Pompeo kêu gọi “tất cả các quốc gia gắn bó với tự do dân chủ cần hiểu về mối đe dọa từ Trung Quốc”.
Về phía Trung Quốc, trên các mạng truyền thông, Bắc Kinh để cho phe chủ nghĩa dân tộc bày tỏ thái độ phẫn nộ, bài Mỹ, đòi phải có những biện pháp cứng rắn hơn với Washington. Nhưng, trong hậu trường, giới lãnh đạo Trung Quốc dường như cũng không mong muốn làm trầm trọng thêm những căng thẳng, sợ rằng Trung Quốc có thể bị biến thành “một lá bài tranh cử” của ứng cử viên Donald Trump.
Nhưng cùng lúc, giới lãnh đạo Trung Quốc lại không thể tỏ ra “nhu nhược” trước các cuộc tấn công của chính quyền Trump. Đáp trả những đòn đánh của Washington bằng cách nào? Đây chính là câu hỏi đang gây chia rẽ trong nội bộ ban lãnh đạo Trung Quốc, theo nhận định của New York Times. Phe an ninh tình báo và quân đội phản đối mạnh mẽ mọi ý định hòa giải, có thể bị Mỹ diễn giải cho đấy là một sự nhu nhược.
Ngược lại, nhiều lãnh đạo Trung Quốc, chủ trương cứu vãn nền kinh tế, muốn đáp trả có chừng mực hơn đồng thời vẫn giữ cho thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 không bị ảnh hưởng. Dấu hiệu hòa hoãn này được thấy rõ qua việc cho đến lúc này Bắc Kinh vẫn tiếp tục đặt mua với số lượng lớn bắp, lúa mì, đậu nành và thịt heo đông lạnh từ Mỹ, theo như ghi nhận của ông Darin Friedrichs, chuyên gia về nguyên liệu nông nghiệp có văn phòng tại Thượng Hải.
Trong cuộc tranh cãi chính trị này, Chủ tịch Tập Cận Bình có một vai trò “trọng tài” quan trọng. Theo quan sát của tờ New York Times, cho đến lúc này, lãnh đạo Trung Quốc chưa bao giờ nói rằng quan hệ đôi bên đã xuống cấp. Chỉ có điều, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, Washington không ngừng mở rộng các mặt trận tấn công, Tổng thống Trump không có ý định hạ nhiệt căng thẳng như những lần trước.
Cả hai chính đảng của Mỹ đều đồng lòng chống Trung Quốc. Trong hoàn cảnh này, giới phân tích nhận định Trung Quốc khó có hy vọng cải thiện mối quan hệ, ngay cả trong trường hợp ông Joe Biden, đối thủ của ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng, có thắng cử đi chăng nữa.