Căng thẳng biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ sẽ leo thang?

Thứ Sáu, 12/10/2012, 22:55

Hơn một tuần lễ trôi qua không ngày nào không có tiếng pháo bắn qua lại biên giới 2 nước Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Mùa xuân Arập đã đẩy Thổ Nhĩ Kỳ và Syria từ chỗ hòa giải đến đấu pháo căng thẳng, và dư luận đang theo dõi xem liệu màn đấu pháo này có dẫn đến chiến tranh leo thang giữa 2 nước hay không.

Cuộc đấu pháo đã mở màn từ ngày 3/10, khi những quả pháo đầu tiên từ phía Syria bắn sang bên kia biên giới xuống thị trấn Akcakale thuộc Thổ Nhĩ Kỳ làm chết 2 phụ nữ và 3 trẻ em. Ngay lập tức, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trả đũa bằng loạt pháo tầm xa bắn sang các mục tiêu quân sự của Syria gần biên giới. Và kể từ hôm đó, không ngày nào không có pháo từ Syria bắn sang tỉnh Hatay, rồi Thổ Nhĩ Kỳ đáp trả...

Cách đáp trả của Thổ Nhĩ Kỳ khiến người ta có cảm giác chỉ cần Syria tăng cường độ tập kích lên một chút, chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ngay sau loạt pháo đầu tiên từ Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã cho Tiểu đoàn Pháo binh Biên giới số 3 nã pháo sang Syria, và ngay sau đó, cả một phi đội 5 chiếc phản lực F-16 từ căn cứ không quân Malatya Erhac cất cánh bay dọc biên giới để giám sát tình hình (chưa dám bay sang không phận Syria).

Sau loạt pháo ngày 6/10, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã lên tiếng cảnh báo "chiến tranh đang ở gần chúng ta". Trước đó, ngày 4/10, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua một động thái cho phép Chính phủ đưa lính bộ binh vào "lãnh thổ kẻ thù".

Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vốn không phải trong tình trạng đối đầu chiến lược như với Israel. Cách đây 2 năm, 2 nước còn trên đà tăng cường hợp tác đối tác, đã đạt được sự "hiểu biết" lịch sử, đã cùng nhau nới lỏng các quy định nhập cảnh cho công dân 2 nước, ký kết các thỏa thuận hợp tác kinh tế và đã tổ chức họp nội các chung.

Thế rồi làn gió độc "Mùa xuân Arập" đã thổi bùng ngọn lửa biểu tình, bạo lực rồi nội chiến lan khắp Syria, khiến Thổ Nhĩ Kỳ "không thể ngồi yên". Ban đầu, Thủ tướng Erdogan tỏ ra rất thận trọng, dùng lời lẽ ôn hòa kêu gọi các bên kiềm chế, phe đối lập chấm dứt biểu tình và bạo lực, còn Tổng thống Bashar al-Assad thì đẩy mạnh cải cách chính trị, đối thoại với phe đối lập. Khi lời kêu gọi đó không nhận được phản hồi như ý muốn, Ankara thay đổi hẳn, chuyển sang ủng hộ phe đối lập, cho lực lượng phiến loạn Quân đội Giải phóng Syria (FSA) dùng lãnh thổ  của mình làm bàn đạp tấn công Syria. Rồi Thổ Nhĩ Kỳ hăng hái tổ chức các hội nghị của nhóm Bạn của Syria (FOS) và Nhóm tiếp xúc về Syria.

Tháng 6/2012, mối quan hệ tiếp tục xấu đi khi xảy ra vụ việc một máy bay quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm không phận Syria từ phía Địa Trung Hải và bị phòng không Syria bắn hạ. Bây giờ thì mỗi lời nói của Thủ tướng Erdogan đều chứa thông điệp "Tổng thống Syria Assad phải ra đi".

Vụ đấu pháo tại biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ đơn thuần là căng thẳng trong quan hệ giữa 2 nước, mà trước hết đó là dấu hiệu leo thang của cuộc nội chiến Syria đang lan sang các nước láng giềng. Thổ Nhĩ Kỳ đang chứa đến cả 100.000 người tị nạn Syria, Jordan hơn 100.000, còn Liban thì cũng vài chục ngàn. Người tị nạn tạo ra gánh nặng về kinh tế - xã hội cho Thổ Nhĩ Kỳ và các nước láng giềng khác. Trước khi xảy ra các cuộc đấu pháo, những cuộc giao tranh tại các khu vực dọc biên giới 2 nước đã được phiến quân FSA đẩy mạnh.

Khói pháo bắn từ Syria mù mịt các thị trấn Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo giới quan sát, phiến quân FSA đã chuyển căn cứ từ Thổ Nhĩ Kỳ về Syria và tăng cường các cuộc tấn công vào các thị trấn dọc biên giới thuộc các tỉnh Idlib và Latakia, đánh chiếm một thị trấn và giết chết hàng chục binh sĩ quân đội Chính phủ Syria.

Trong khi đó, ở biên giới phía Nam Syria, Liban cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sau một vài sự cố bắn pháo và ném bom cách đây vài tuần, nay Liban lại đang đối mặt với một chiến dịch mà nước này cáo buộc là do các quan chức, cố vấn thân cận của Tổng thống Assad tiến hành nhằm lôi kéo Liban vào cuộc. Chính phủ Liban đã bắt giam và buộc tội Michel Samaha, một chính khách Liban thân Syria, vì âm mưu tiến hành các vụ đánh bom và ám sát ở Liban liên quan đến nội chiến Syria. Liban chỉ đích danh Bouthaina Shaaban, cố vấn truyền thông của Tổng thống Assad dính líu đến chiến dịch của Samaha.

Mục tiêu của chiến dịch, theo Beirut, là nhằm tạo nên căng thẳng sắc tộc, tôn giáo dây chuyền ở Liban nhằm đánh lạc hướng chú ý của quốc tế đối với cuộc nội chiến Syria. Nếu Liban thật sự bị kéo vào cuộc chiến, chắc chắn an ninh khu vực Trung Đông sẽ được đặt trong tình trạng báo động, vì 2 phái Hồi giáo Sunni và Shiite trong khu vực sẽ không khoanh tay đứng nhìn.

Giới phân tích chiến lược ở Ankara, về cơ bản đều cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ không thể can thiệp quân sự vào Syria, vì như thế chỉ làm cho tình hình tồi tệ thêm thôi. "Nếu Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một phần của nội chiến Syria, điều đó sẽ cho phép một loạt nước khác như Nga, Iran nhảy vào để bảo vệ các lợi ích của mình ở Syria. Khi đó, vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến Syria sẽ trở thành vấn đề nổi cộm được bàn bạc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực" - ý kiến của giáo sư Gokhan Bacik thuộc Đại học Zirve

An Châu (tổng hợp)
.
.