Căng thẳng chính trị tại Campuchia

Thứ Hai, 19/09/2016, 17:30
Tình hình chính trị tại Campuchia trở nên căng thẳng trong mấy ngày qua xuất phát từ việc một lãnh đạo của phe đối lập cố thủ trong trụ sở của đảng, không chịu nộp mình cho cảnh sát vì trước đó đã bị kết án tù. Trong khi đó, Thủ tướng Hun Sen tuyên bố sẽ “không ngại sử dụng vũ lực”.

Căng thẳng đã gia tăng tại Campuchia từ tuần trước, sau khi ông Kem Sokha, quyền lãnh đạo phe đối lập - đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) bị kết án vắng mặt 5 tháng tù giam do không dự phiên tòa để đối mặt với cáo buộc khai man và mua dâm. Nhưng bên phe đối lập, với sự hậu thuẫn của các quan chức Liên Hiệp Quốc, đại diện Mỹ và Pháp, cho rằng phiên tòa này mang động cơ chính trị.

Ông Kem Sokha đã cố thủ trong trụ sở của CNRP từ ngày 26-5-2016 để không bị bắt trước đe dọa từ Thủ tướng Hun Sen là ông Kem Sokha có thể bị bỏ tù bất cứ lúc nào.

Sau phán quyết của tòa, hôm 11-9, đích thân ông Sokha đã xuất hiện tại trụ sở của đảng để phát đi lời kêu gọi biểu tình. Chủ tịch CNRP Sam Rainsy, người hiện đang sống lưu vong ở Paris (Pháp) để tránh án tù 11 năm đã tuyên, cũng lên tiếng kêu gọi các thành viên của đảng và người ủng hộ xuống đường biểu tình.

CNRP đã ban hành một tuyên bố vào hôm 12-9 kêu gọi “tổ chức một cuộc biểu tình chính trị bất bạo động trong tương lai gần, nhằm yêu cầu sự trở lại của một môi trường chính trị bình thường để đảm bảo bầu cử tự do và công bằng”.

Trong một cuộc trao đổi với tờ Phnom Penh Post, ông Kem Sokha phát biểu: “Chúng ta không thể nằm im, để mặc họ trói chân tay, bịt mũi bịt miệng chúng ta cho tới chết. Ngay cả con vật cũng sẽ phải đấu tranh”.

Người ủng hộ tụ tập trước trụ sở của đảng CNRP.

Ông Hun Sen trả lời bằng cách cảnh báo rằng đảng CNRP đang đe dọa sự ổn định của đất nước. “Chính phủ Hoàng gia muốn cảnh báo những ai đã làm sai, xin đừng tiếp tục với những sai lầm. Nếu không, nó sẽ mang lại một kết quả xấu cho bạn”, ông Hun Sen nói.

Tối 12-9, Thủ tướng Hun Sen đã tuyên bố trên tài khoản Facebook của mình rằng “không ngại dùng vũ lực” để ngăn chặn biểu tình của phe đối lập, dù là biểu tình bất bạo động. Bộ Quốc phòng Campuchia cũng cho biết, quân đội nước này sẽ thực hiện “mạnh mẽ và hiệu quả” mệnh lệnh của ông Hun Sen và sẵn sàng “hi sinh mọi thứ” để bảo vệ quốc gia.

Tờ Cambodia Daily ngày 14-9 đưa tin về việc quân đội Campuchia đã điều động hàng chục xe tải chứa đầy binh lính đeo mặt nạ và trang bị vũ khí quây trụ sở của CNPR tại thủ đô Phnom Penh từ đêm 13-9.

Khoảng 30-40 chiếc xe tải quân sự, bao gồm cả những người thuộc các đơn vị vệ sĩ riêng của Thủ tướng Hun Sen đã lái xe qua trụ sở chính của phe đối lập. Mặt sau của tòa nhà này sát sông Tonle Bassac, cũng nằm trong tầm kiểm soát của các tàu cao tốc có gắn súng máy trực sẵn ở đó.

Hiện hầu hết lãnh đạo các lực lượng quân đội, cảnh sát và đội cảnh vệ thiện chiến của Thủ tướng Hun Sen đã tuyên bố thể hiện lòng trung thành với chính phủ, sẵn sàng đập tan mọi cuộc biểu tình “bất hợp pháp” theo lời kêu gọi của phe đối lập.

Tướng Hing Bun Heang - Tư lệnh Cảnh vệ Thủ tướng Hun Sen - khẳng định đơn vị của ông sẽ tiếp tục bao vây trụ sở phe đối lập vì “có quyền bảo vệ an ninh đất nước”. Ông cũng chỉ trích kế hoạch biểu tình của CNRP đang gây “mất an ninh” và “bất ổn” cho đất nước.

Ông Chum Socheat, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia, khẳng định bộ này đã cảnh báo người dân tránh xa bất kỳ cuộc tụ tập biểu tình nào và binh sĩ quân đội đã sẵn sàng hành động ngăn chặn “mọi cuộc biểu tình bất hợp pháp”. “Chúng tôi phải bảo vệ chính phủ” - ông Socheat nhấn mạnh.

Trong một trả lời phỏng vấn với báo chí Campuchia, tướng Kun Kim, Phó Tổng Tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia, cho rằng lời kêu gọi biểu tình của CNRP là phạm pháp. Người phát ngôn của Chính phủ Campuchia Phay Siphan chỉ trích kế hoạch kêu gọi biểu tình của phe đối lập là một kiểu “nổi loạn”.

Mỹ và Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về việc Campuchia có những hành động đe dọa phe đối lập, những người ủng hộ phe đối lập, các thành viên tổ chức xã hội dân sự, và những người biểu tình hòa bình. Hạ viện Mỹ tuần này đã thông qua một nghị quyết kêu gọi ông Hun Sen “chấm dứt tất cả mọi hoạt động quấy rối và đe dọa” nhằm vào phe đối lập, và từ bỏ các cáo buộc “động cơ chính trị” nhằm vào các nghị sỹ đối lập.

Tuần trước, Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền (OHCHR) ra một tuyên bố nói việc lực lượng ủng hộ ông Hun Sen phô trương sức mạnh và những tuyên bố mà các quan chức quân sự cấp cao của Campuchia đưa ra về phe đối lập là “rất đáng lo ngại”.

Đan Kô (tổng hợp)
.
.