Căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran sẽ làm gia tăng bạo lực giáo phái ở Trung Đông

Thứ Hai, 11/01/2016, 11:00
Là hai quốc gia chủ chốt của hai dòng Hồi giáo Sunni và Shiite tại khu vực Trung Đông, nhưng từ lâu mối quan hệ Iran và Saudi Arabia luôn trong tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”.


Cả Tehran và Riyadh đều tự coi mình là người lãnh đạo và bảo vệ hai khối cộng đồng Hồi giáo riêng rẽ, khiến dư luận cảm thấy trong mỗi cuộc xung đột, từ Liban tới Yemen hay Syria, Iraq... đều mang bóng dáng một cuộc đối đầu giữa hai khối đối địch. Việc Saudi Arabia hành quyết giáo sĩ Nimr al-Nimr mới đây có lẽ chỉ là “giọt nước tràn ly” đẩy mâu thuẫn giữa hai quốc gia này tới bờ vực chiến tranh, thậm chí đẩy Trung Đông vào vòng xoáy bạo lực.

Bản chất mâu thuẫn

Sự thù địch giữa hai cường quốc vùng Vịnh này có thể được hiểu sâu xa là sự đối đầu giữa dòng Hồi giáo Sunni và dòng Hồi giáo Shiite. Theo tài liệu của các chuyên gia thuộc Trường đại học Columbia, nghiên cứu sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo, bộ tộc và ngôn ngữ giữa các khu vực khác nhau tại vùng Vịnh, người ta có thể thấy được cộng đồng người Shiite sinh sống trên một trục địa lý gồm Iran, phía bắc Iraq, dọc bờ biển phía Đông Saudi Arabia, một phần Bahrain và cả vùng cao nguyên phía Bắc Yemen.

Iran có tầm ảnh hưởng nhất định đối với các cộng đồng Shiite ở nước ngoài, và nhiều lần, chính quyền Tehran - nhất là Lực lượng Vệ binh Cách mạng và những nhân vật cứng rắn - còn tìm cách tác động tới các cộng đồng này để gây bất ổn. Tuy nhiên, nhiều cộng đồng Shiite cũng có những bất bình riêng và hầu hết bất ổn là xuất phát từ các nguyên nhân trong khu vực chứ không phải do tác động từ phía Iran.

Trong suốt thế kỷ qua, những người Shiite tại Iraq, Bahrain và Saudi Arabia thường xuyên bị chính quyền và cộng đồng Sunni đàn áp và cô lập. Không chỉ vậy, lãnh thổ nơi cộng đồng Shiite sinh sống lại là khu vực có nhiều mỏ khai thác dầu mỏ và khí đốt lớn, cùng nguồn trữ lượng dồi dào.

Một trong những căng thẳng phe phái giữa dòng Hồi giáo Sunni và Shiite dẫn đến bất ổn nghiêm trọng tại Vùng phía đông Saudi Arabia, phải kể đến cuộc đình công và biểu tình của người lao động phản đối Công ty Dầu mỏ Mỹ-Arập năm 1953 và 1956, làn sóng nổi dậy năm 1979 - 1989 và các cuộc tuần hành năm 2011. Những diễn biến này hầu hết đều bắt nguồn từ sự bất bình và phản kháng trước sự phân biệt chủng tộc và đối xử thiếu công bằng mà người Shiite phải gánh chịu.

Nhiều mâu thuẫn phe phái đã làm nảy sinh rạn nứt trong các thể chế xã hội, dẫn tới những thù hằn và cản trở hoạt động kinh tế trong khu vực. Cuộc nổi dậy năm 1979, với nguyên nhân từ mâu thuẫn phe phái, bùng phát chỉ vài tháng sau khi Quốc vương Ba Tư bị lật đổ và cuộc Cách mạng Hồi giáo đưa lãnh tụ Khomenei lên nắm quyền.

Chính quyền mới tại Tehran đã tìm cách truyền bá tư tưởng cách mạng và khích lệ các cộng đồng Shiite tại Iraq, Kuwait, Bahrain và Saudi Arabia tiến hành các cuộc khởi nghĩa của chính mình. Đây chính là động lực to lớn đối với những nhân vật bất đồng chính kiến trong cộng đồng Shiite ở các nước láng giềng.

Tới năm 2011, những cuộc biểu tình bạo lực đã bùng phát tại vùng phía đông Saudi Arabia và Bahrain, với ảnh hưởng lớn từ làn sóng "Mùa xuân Arập". Phong trào này sau đó đã bị chính quyền dập tắt. Tuy nhiên, vụ hành quyết giáo sĩ al-Nimr vừa qua lại tiếp tục thổi bùng lên sự giận dữ trong dư luận, và người ta cho là khó có thể nói trước về các hệ lụy kéo theo.

Những hệ lụy từ căng thẳng

Cuộc khủng hoảng đã làm dấy lên những nỗi lo ngại về sự gia tăng bạo lực giáo phái ở khu vực Trung Đông.  Ông Noah Bonsey, nhà phân tích cao cấp của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG) nói rằng Iran và Saudi Arabia là hai bên đối địch nhau trong một loạt các vấn đề quan trọng, bao gồm cuộc chiến tại Syria nơi Tehran hậu thuẫn chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, trong khi đó Riyadh ủng hộ các lực lượng nổi dậy, cũng như tại Yemen nơi liên quân Arập do Saudi Arabia cầm đầu đang chống lại phong trào Hồi giáo Houthi theo dòng Shiite do Iran chống lưng.

Ông Bonse y cho rằng mối quan hệ xấu đi giữa Iran và Saudi Arabia sẽ khiến cho triển vọng các cuộc đàm phán về Syria dự kiến diễn ra trong tháng này càng ảm đạm thêm. "Việc đạt được một giải pháp chính trị ở Syria đòi hỏi các quốc gia chủ chốt trong hỗ trợ các bên tham chiến ở Syria đưa ra những nhượng bộ lẫn nhau và gây sức ép với các lực lượng đồng minh ở Syria hành động tương tự. Tuy nhiên, hiện giờ mọi thứ đang đi theo chiều hướng ngược lại".

Không những thế cuộc khủng hoảng quan hệ Riyadh - Tehran chắc chắn sẽ gây áp lực đối với Washington và các đồng minh châu Âu, vốn đang tìm cách kiểm soát các mối quan hệ của họ với các đồng minh Arập truyền thống mà không làm ảnh hưởng đến các chính sách "thân thiện hơn" với Iran. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng này cũng có thể khiến căng thẳng giáo phái Shiite - Sunni gia tăng trong khu vực cũng như cản trở các nỗ lực chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng.

Giới phân tích cho rằng vụ hành quyết giáo sĩ Nimr chỉ là "giọt nước tràn ly" vì trên thực tế sự căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran lâu nay là sự cạnh tranh vai trò ảnh hưởng trong khu vực. Mâu thuẫn này có thể leo thang tới các mức độ chưa từng có và có thể sẽ dẫn tới một sự đối đầu quân sự trực tiếp giữa Saudi Arabia và Iran trong tương lai gần. Nếu điều đó xảy ra thì triển vọng giải quyết các cuộc xung đột ở Syria, Iraq và Yemen thêm phức tạp và kéo dài, thậm chí rơi vào ngõ cụt và khu vực Trung Đông, vốn đầy rẫy bất ổn, càng trở nên nguy hiểm.   

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.