Căng thẳng mới giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ Hai, 22/01/2018, 15:41
Trong khi nguồn cơn gây căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ đảo chính bất thành ở Ankara hồi năm 2016 vẫn chưa được giải quyết, quan hệ giữa hai đồng minh NATO này lại tiếp tục xấu đi khi Thổ Nhĩ Kỳ tố cáo Washington muốn thành lập một lực lượng an ninh biên giới gồm các binh sĩ người Kurdistan và Arập trong lãnh thổ Syria giáp với Thổ Nhĩ Kỳ.

Truyền thông Mỹ mấy ngày qua rầm rộ loan tin, Washington đang bắt tay vào việc thành lập lực lượng an ninh biên giới với sự tham gia của các binh sĩ người Kurdistan và Arập gồm khoảng 30.000 người trong lãnh thổ Syria giáp với Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ vẫn coi lực lượng người Kurdistan là khủng bố. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hứa sẽ “tiêu diệt từ trong trứng nước” các đơn vị quân sự như vậy. Ông thông báo sẵn sàng mở chiến dịch tấn công vào lãnh địa đang nằm dưới sự kiểm soát của người Kurdistan bên Syria.

Một “đội quân khủng bố” được Mỹ đào tạo. Đó là đánh giá của ông Recep Tayyip Erdogan dành cho lực lượng an ninh mà Washignton thông báo thành lập. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không chịu trách nhiệm về hậu quả, nếu Ankara phải hành động để loại trừ sự xuất hiện của lực lượng trên ở biên giới của mình.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hôm 15-1 đã liên tiếp đưa ra các tuyên bố công phẫn: Đó là một sự khiêu khích, một hành động điên rồ... Sự hiện diện của các chiến binh người Kurdistan (YPG) vốn bị coi là khủng bố và có liên hệ với đảng PKK, là điều mà chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ không thể chấp nhận được, trong khi Mỹ coi YPG là lực lượng chiến đấu hiệu quả nhất chống lại tổ chức khủng bố IS.

Ankara muốn phòng trước việc thành lập lực lượng thù địch với họ bằng cách tiến hành chiến dịch tấn công hai thành phố của Syria bên biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ là Afrin và Minbej, hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng dân quân Kurdistan. Tất cả về mặt quân sự đã sẵn sàng, ông Recep Tayyip Erdogan tuyên bố, chiến dịch có thể bắt đầu bất kỳ lúc nào.

Tổng thống Erdogan đồng thời kêu gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lên tiếng phản đối Mỹ về kế hoạch trên. Phát biểu trước các thành viên trong đảng cầm quyền, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ông đã đặt câu hỏi về quan điểm của NATO trong vấn đề này, đồng thời nhấn mạnh NATO cần có động thái và nghĩa vụ chống lại những thành phần có hành động quấy rối và xâm phạm biên giới của các nước thành viên.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 16-1 đã gặp người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng nước này James Mattis tại thành phố Vancouver của Canada bên lề hội nghị về vấn đề Triều Tiên. Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Cavusoglu cho biết ông được cả hai bộ trưởng Mỹ khuyên là không nên tin vào những thông tin truyền thông về việc Mỹ định thành lập lực lượng nói trên.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phản đối Mỹ thành lập quân đội mới tại Syria.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Eric Pahon cho biết, cơ quan này hiểu rõ quan ngại của Ankara về những kế hoạch liên quan tới lực lượng an ninh nói trên, đồng thời khẳng định: “Chúng tôi thường xuyên liên lạc chặt chẽ với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO”.

Trước làn sóng chỉ trích về kế hoạch mới đây của Washington tại Syria, ngày 17-1, Mỹ khẳng định nước này đang huấn luyện một lực lượng mới ở Syria, chứ không có ý định thành lập “quân đội” hay lực lượng bảo vệ biên giới thông thường. Lầu Năm Góc nhấn mạnh “đây không phải là một “quân đội” mới hay lực lượng bảo vệ biên giới thông thường”, đồng thời khẳng định Mỹ sẽ “tiếp tục huấn luyện lực lượng an ninh địa phương ở Syria”.

Lầu Năm Góc khẳng định lực lượng này nhằm chống lại các tay súng IS và góp phần đảm bảo ổn định tại những khu vực đã được giải phóng từ quân thánh chiến.

Liên quan tới tin Mỹ thành lập lực lượng an ninh tại Syria, hãng tin nhà nước SANA của Syria ngày 15-1 đưa tin chính phủ Damas lên án dự định của Mỹ, coi động thái trên là một “cuộc tấn công rõ ràng” vào chủ quyền nước này.

Hãng tin SANA dẫn lời một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Syria cho hay: “Những gì chính quyền Mỹ đang làm được đặt trong bối cảnh chính sách phá hoại của nước này tại khu vực nhằm chia nhỏ các nước... và gây trở ngại đối với bất cứ giải pháp nào cho các cuộc khủng hoảng”.

Trong bài phát biểu ngày 17-1 tại Đại học Stanford (Mỹ) về chiến lược của Mỹ giúp kết thúc cuộc nội chiến kéo dài 7 năm của Syria, Ngoại trưởng Rex Tillerson nhấn mạnh nhiệm vụ của quân đội Mỹ tại Syria là nhằm tiêu diệt tổ chức IS và quan trọng hơn là ngăn chặn sự trỗi dậy trở lại của lực lượng khủng bố cực đoan này.

Ông Tillerson khẳng định Mỹ không thể lặp lại “sai lầm” của nước này tại Iraq hồi năm 2011, khi việc rút quân quá sớm đã tạo điều kiện để al-Qaeda tại Iraq tái hợp lực lượng và sau đó phát triển thành IS. Ngoại trưởng Mỹ nêu rõ mục tiêu của Washington không phải là dùng vũ lực để thay đổi chế độ tại Syria hay can thiệp dài hạn vào tình hình quốc gia này.

Tuy nhiên, ông tái khẳng định lập trường của Washington rằng “một Syria độc lập, thống nhất và ổn định cần sự ra đi của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và đồng minh Iran”.

Nhưng những trấn an của Washington với cái gọi là một lực lượng mới ở Syria không làm Ankara yên tâm. Theo giới quan sát, trong thời gian tới chắc chắn Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gia tăng các hoạt động càn quét quân Kurdistan trên lãnh thổ Syria nhằm ngăn chặn hành động của Mỹ. Như biết trước được ý định này, Ngày 18-1, Bộ Ngoại giao Syria đã lên tiếng cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ về những hành động thù địch tại khu vực Afrin, hiện do quân Kurdistan kiểm soát, khẳng định rằng Damas sẽ xem đó là một hành động xâm lược và phá hoại chủ quyền.

Liên quan tới nguyên nhân dẫn đến căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Thổ từ năm 2016 đến nay, Tổng thống Erdogan ngày 11-1-2018 cảnh báo nước này sẽ không dẫn độ bất kỳ nghi can nào về Mỹ nếu Washington không giao nộp giáo sỹ Hồi giáo Fethullah Gulen, người mà Ankara cáo buộc đứng sau vụ đảo chính bất thành năm 2016.

Trong khi mâu thuẫn cũ chưa giải quyết xong, quan hệ giữa hai đồng minh NATO, Mỹ-Thổ, lại tiếp tục phát sinh xung khắc mới.

M.T. (tổng hợp)
.
.