Căng thẳng ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ - Hà Lan

Thứ Tư, 15/03/2017, 16:25
Tranh cãi ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ - Hà Lan đang có nguy cơ đẩy quan hệ song phương nói riêng và với Liên minh châu Âu (EU) nói chung rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị mới. Cả Ankara và Amsterdam đều không ngừng cáo buộc và tuyên bố trả đũa lẫn nhau sau việc Hà Lan ra lệnh cấm các bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đến nước này tham gia các cuộc vận động chính trị kêu gọi ủng hộ cho kế hoạch cải cách hiến pháp nhằm tăng thêm quyền lực cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.

Thổ Nhĩ Kỳ - Hà Lan gia tăng căng thẳng

Căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan bùng phát khi ngày 11-3, Chính phủ Hà Lan đã không cho phép Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu bay đến thành phố Rotterdam để vận động cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ tại đây ủng hộ kế hoạch cải cách hiến pháp theo đề xuất của Tổng thống Tayyip Erdogan.

Tiếp đó, ngày 12-3, Bộ trưởng Các chính sách xã hội và gia đình Thổ Nhĩ Kỳ, bà Fatma Betul Sayan Kaya, cùng gia đình cũng đã bị cảnh sát Hà Lan hộ tống trở lại biên giới Đức, sau khi đoàn xe của vị quan chức này cố tìm cách đến Rotterdam bằng đường bộ nhằm vận động những người Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Tổng thống Erdogan trong cuộc trưng cầu dân ý về cải cách hiến pháp sắp tới.

Mâu thuẫn ngoại giao đã làm bùng phát các cuộc biểu tình của những người ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ trước lãnh sự quán của nước này ở Rotterdam. Đụng độ đã xảy ra khi có khoảng 1.000 người mang cờ Thổ Nhĩ Kỳ phản đối quyết định của Hà Lan, buộc cảnh sát phải dùng đến chó nghiệp vụ và vòi rồng để giải tán đám đông biểu tình.

Ngay sau các diễn biến này, Ankara đã có những phản ứng vô cùng gay gắt. Đại sứ quán của Hà Lan tại Ankara bị cảnh sát bao bây, cờ Hà Lan trên tòa lãnh sự ở Istanbul đã bị một đám đông thay bằng cờ Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Tayyip Erdogan gọi Hà Lan là “tàn dư của phát xít” và tuyên bố sẽ trả đũa bằng những biện pháp cứng rắn nhất.

Ngày 13-3, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí đã triệu Đại biện lâm thời Daan Feddo Huisinga của Sứ quán Hà Lan tại thủ đô Ankara đến để chính thức phản đối cách hành xử của Hà Lan đối với một bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cũng như việc mà Ankara cho là sử dụng vũ lực “không hợp lý” nhằm vào những người biểu tình ở thành phố Rotterdam.

Đáp lại, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng mô tả cách hành xử của một đồng minh NATO, từng có quan hệ lịch sử, quan hệ thương mại như vậy là chưa từng có tiền lệ, thiếu trách nhiệm và không thể chấp nhận được. Ông Rutte cho rằng Hà Lan không phải xin lỗi về việc từ chối cho phép các bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ nhập cảnh, mà trái lại Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ phải xin lỗi khi so sánh Hà Lan với những kẻ phát xít.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim.

Tranh cãi giữa Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước châu Âu đã khiến EU và NATO hết sức quan ngại. Các bên kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế trước những tuyên ngôn và hành động có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng. Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg hối thúc các đồng minh NATO giảm căng thẳng, đồng thời động viên tất cả các nước đồng minh tôn trọng lẫn nhau, bình tĩnh và có hướng tiếp cận thận trọng nhằm góp phần xoa dịu bất đồng.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini và Cao ủy EU phụ trách mở rộng khối Johannes Hahn ra tuyên bố nêu rõ EU kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ không đưa ra những tuyên bố “quá đáng” và những hành động có thể làm gia tăng căng thẳng với Hà Lan và Đức liên quan tới việc một số bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ bị ngăn tham gia các cuộc mít tinh.

Bên nào sẽ nhượng bộ?

Theo các nhà phân tích, sở dĩ EU lo ngại Thổ Nhĩ Kỳ - Hà Lan gia tăng căng thẳng là bởi lẽ điều này sẽ tác động tiêu cực tới quan hệ Ankara - Brussels vốn đang trong tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” trong gần một năm qua, liên quan đến việc EU tuyên bố cân nhắc các biện pháp trừng phạt kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ do cho rằng quốc gia này bắt giữ quá nhiều các thành viên đối lập với cáo buộc dính líu đến cuộc đảo chính bất thành ngày 15-7 năm ngoái.

Từ chỗ muốn gia nhập EU, ông Erdogan chỉ trích EU và tuyên bố Ankara có thể sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân vào năm tới về việc có tiếp tục các cuộc đàm phán gia nhập EU nữa hay không.

Từ trước đến nay châu Âu chưa có bất cứ thời điểm nào hài lòng với tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến nhân quyền, tự do ngôn luận hay các quyền tự do cá nhân. Đó chính là một trong những cản trở lớn nhất trong quan hệ giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt nhiều năm qua và là lí do mà hết lần này đến lần khác nhiều thành viên EU ngăn cản quyết định cho Thổ Nhĩ Kỳ đàm phán gia nhập EU.

Tuy nhiên giới phân tích cho rằng, trong bối cảnh hiện nay Thổ Nhĩ Kỳ đang gia tăng các điều kiện với liên minh này. Những quốc gia hàng đầu trong EU như Đức và Pháp thậm chí ủng hộ duy trì hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng phá vỡ các cuộc đàm phán hiện nay sẽ bất lợi nhiều hơn cho châu Âu. Chính vì thế mà ngay chính trong nội bộ các nước EU cũng chưa thống nhất được quan điểm trong mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Một trong những bằng chứng mới cho thấy châu Âu đang có lợi khi duy trì quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Thỏa thuận EU – Thổ Nhĩ Kỳ nhằm hạn chế dòng người di cư từ các nước Trung Đông, Bắc Phi đã thực sự hiệu quả khi “lục địa già” đã khống chế được cuộc khủng hoảng được xem là lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Hơn 1,3 triệu người đã đến châu Âu trong năm 2015, làm gia tăng bất đồng giữa các nước thành viên EU và thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ đã góp phần làm giảm đáng kể dòng người di cư này.

Chính vì vậy, các nhà ngoại giao cho rằng, đây không phải là thời điểm để EU gia tăng căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ, mà là quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ có tiếp tục xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với EU hay không?

Trong tình thế hiện nay, EU hoàn toàn phụ thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ trong việc ngăn chặn làn sóng tị nạn từ Syria. Có thể nói, các nước châu Âu cần dựa vào Thổ Nhĩ Kỳ nhiều hơn là ngược lại, và Ankara thậm chí còn đủ quyền lực để ra các yêu sách buộc EU phải đáp ứng nếu không muốn làn sóng tị nạn lại tràn vào EU một cách không kiểm soát.

Trong bối cảnh, các chính phủ châu Âu đang chịu nhiều sức ép trong việc phải có một thái độ cứng rắn đối với ông Erdogan, người bị chỉ trích là có tham vọng thay đổi Hiến pháp theo hướng tập trung quyền lực về tay mình. Căng thẳng ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Hà Lan, thậm chí trước đó có Đức và Áo liên quan đến việc cấm các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ tới châu Âu vận động chính trị làm thay đổi quan điểm của châu Âu với quốc gia ngoài EU này.

Các chuyên gia nhận định rằng, trong điều kiện hiện nay, khả năng EU phải nhượng bộ Thổ Nhĩ Kỳ là rất lớn bởi EU không có nhiều lựa chọn trong việc ngăn chặn làn sóng tị nạn ngoài việc phải hợp tác chặt chẽ với Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, nhượng bộ đến mức nào thì còn phụ thuộc vào các thương lượng giữa hai bên.

Qua việc ngăn cản Ankara “mượn đất diễn” cho các hoạt động chính trị, có thể thấy rằng sự rệu rã của EU là một thực tế và điều gì cũng có thể khiến cho liên minh này lo sợ có thể gây phân rã, thậm chí tan rã. Thực tế đó đặt ra yêu cầu EU cần phải cải tổ sâu rộng, ngay cả việc có thể phải tổ chức trưng cầu dân ý trên toàn liên minh về hình thức tồn tại và khuynh hướng phát triển của EU.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.