Căng thẳng quan hệ Nga - Ukraine: “Thùng thuốc súng” có phát nổ?
- Nga - Ukraine còn nhiều mâu thuẫn về vấn đề miền Đông và khí đốt
- EU, Nga, Ukraine đạt thỏa thuận nối lại nguồn cung khí đốt
- Quan hệ Nga - Ukraine hạ nhiệt, Trung Đông vẫn “nóng”
Các nhà quan sát đang ví quan hệ Nga - Ukraine như “thùng thuốc súng” có thể phát nổ bất cứ lúc nào.
Đối đầu!
Khu vực biên giới Nga và Ukraine đang trở nên nóng hơn với các kế hoạch động binh của cả hai bên. Nga dường như không chỉ tăng cường các hoạt động quân sự tại Crimea mà tại nhiều khu vực khác. Nga đã gấp rút triển khai hệ thống tên lửa S400 đầu tiên đến bán đảo Crimea.
Bộ Quốc phòng Nga cũng đã thông báo các cuộc tập trận của Nga diễn ra tại Crimea và khu vực Volgograd từ 16 đến 19/8. Sự căng thẳng càng được đẩy lên cao khi Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ra lệnh "báo động đỏ" đối với lực lượng quân đội Ukraike ở khu vực biên giới sẵn sàng cho chiến tranh.
Lo ngại nguy cơ xảy ra xung đột giữa hai nước sau khi Nga tăng cường binh lính và vũ khí tới sát biên giới Ukraine cũng như mở cuộc tập trận ở Biển Đen, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã họp khẩn cấp. Bản thân Tổng thống Poroshenko ngay sau đó cũng phải "xuống giọng" khi tuyên bố Ukraine không muốn leo thang căng thẳng với Nga.
Mặc dù vậy, việc chính quyền Kiev từ chối vị tân đại sứ của Nga Mikhail Babich mới đây đang được nhìn nhận càng làm cách trở mối quan hệ vốn được coi như "hàn thử biểu" cho mối quan hệ giữa Nga và phương Tây. Bộ Ngoại giao Nga cho rằng chính sự dung túng của phương Tây, đặc biệt là thái độ ủng hộ của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đối với những tuyên bố gây chiến của Tổng thống Poroshenko trong vấn đề Crimea, khiến Kiev có những hành động mạo hiểm và khiêu khích ở bán đảo này.
Không phải ngẫu nhiên, sự căng thẳng giữa Moskva và Kiev đang được đẩy lên, nhất là vào thời điểm ngay sau chuyến thăm Nga của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Việc Nga - Thổ nối lại tình thân là điều mà Mỹ và phương Tây không hề muốn. Với động thái hàn gắn quan hệ Nga - Thổ, có thể nói việc sử dụng quân cờ Thổ Nhĩ Kỳ để gây áp lực với Nga đã thất bại nên Mỹ và phương Tây muốn chuyển hướng sang vấn đề Ukraine.
Giới phân tích cho rằng việc quan hệ ngoại giao giữa hai bên bị gián đoạn chắc chắn sẽ kéo theo những hệ lụy và thiệt hại lớn đối với cả Ukraine và Nga do hai bên đều đang chịu áp lực lớn vì suy thoái kinh tế. Ukraine bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, trong khi kinh tế Nga hứng chịu hậu quả nặng nề từ việc giá dầu sụt giảm mạnh và các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Với việc hai bên cắt đứt quan hệ ngoại giao, nền kinh tế Ukraine sẽ nhanh chóng bị tê liệt, mối quan hệ giao thương và đầu tư giữa hai nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hàng triệu lao động nhập cư Ukraine tại Nga sẽ bị trục xuất về nước.
Cho dù đã tìm mọi cách giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga trong hơn 2 năm qua, song thực tế Ukraine vẫn phải nhập khẩu gần 50% lượng khí đốt từ Nga. Trong khi đó, xét về quy mô nền kinh tế cũng như những nguồn lực nội tại, Nga chắc chắn ở vị thế tốt hơn để xử lý khủng hoảng kinh tế tại nước này.
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 được Nga triển khai tới Crimea nhằm răn đe các âm mưu tấn công khủng bố. |
Có giải quyết được khủng hoảng?
Chuyện “chiến hay hòa” đang được nhắc tới nhiều. Nhưng nhiều khả năng sẽ căng thẳng ở mức cao, hơn là việc Nga và Ukraine động binh thực sự. Khả năng này nhận được nhiều sự tán đồng bởi thực lực và tình hình nội bộ của Ukraine vào thời điểm này khó cho phép một cuộc đối đầu quân sự trên quy mô lớn. Khi nguy cơ phá sản của Chính phủ đang tới gần thì Kiev có thể còn nguồn lực nào cho những bước tiến trên chiến trường?
Ngoài ra, cũng phải thừa nhận rằng quân đội Ukraine đang rơi vào tình trạng “rệu rã” kéo dài sau nhiều năm khó khăn kinh tế và bất ổn. Nhiều chuyên gia cũng không chắc rằng liệu họ có tập trung để tiến hành cuộc chiến tranh tổng lực chống lại người láng giềng có tiềm lực hơn hẳn.
Trong trường hợp có chiến sự thì việc làm khả thi nhất mà Ukraine có thể thực hiện là cầu viện NATO theo như cam kết mà NATO dành cho nước này. Nhưng việc này cũng được cho là không khả thi ngoại trừ những tuyên bố và hô hào của phương Tây. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang tới gần, còn châu Âu vẫn đang vật lộn với nhiều vấn đề đau đầu như khủng bố, nhập cư, Brexit hay suy thoái kinh tế.
Nên việc lựa chọn “làm căng” chuyện ở Crimea được nhiều ý kiến cho rằng nhằm thực hiện những ý đồ nào đó. Mọi ánh mắt đều hướng tới Tổng thống Ukraine Poroshenko vào lúc này bởi gia tăng căng thẳng với Nga sẽ giúp chính quyền của ông đánh động, thu hút “sự quan tâm” của các đồng minh phương Tây. Ngoài ra, là việc hướng dư luận trong nước ra khỏi những vấn đề mà Kiev đang phải đối mặt như: tham nhũng, tình trạng kinh tế yếu kém, tội phạm tăng cao...
Cũng cần thấy rằng vụ việc bùng phát khi quan hệ Nga - Thổ đang có dấu hiệu “ấm” lại với chuyến thăm của Tổng thống Erdogan. Ukraine có vẻ đã không ngần ngại “thể hiện quan điểm” của mình trước động thái này. Theo tính toán của các chuyên gia, nền kinh tế Ukraine sẽ bị thiệt hại nặng nề do Moskva và Ankara nối lại sự hợp tác về kinh tế, thương mại, du lịch.
Đặc biệt dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” một khi hoàn thành sẽ thay thế vai trò của tuyến đường ống khí đốt quá cảnh qua lãnh thổ Ukraine sang châu Âu. Tính toán sơ bộ cho thấy nền kinh tế Ukraine sẽ mất khoảng 6 tỷ USD mỗi năm.
Có lẽ cả Nga và Ukraine cần hiểu rõ "giới hạn đỏ" trong quan hệ giữa hai nước để có cách hành xử thích hợp. Cộng đồng quốc tế đang hết sức lo ngại về mức độ leo thang căng thẳng mới giữa hai quốc gia láng giềng này bởi nếu tình hình xấu đi sẽ đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực châu Âu cũng như thế giới.