Căng thẳng sau đối thoại Mỹ - Trung

Thứ Năm, 25/03/2021, 08:08
Có thể tin rằng không nhà quan sát quốc tế nào kỳ vọng cuộc đối thoại Mỹ - Trung vừa khép lại trong băng giá ở Alaska lại có thể diễn ra nồng ấm hơn. Những mâu thuẫn sâu sắc về lợi ích cốt lõi giữa hai đại cường - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đòi hỏi một lộ trình dài cùng rất nhiều quyết tâm chính trị để có thể hướng tới việc xác lập những điểm thỏa hiệp cần thiết.


Tuy nhiên, khi những điểm thỏa hiệp đó chưa xuất hiện, thế giới vẫn phải cố gắng tìm cách “sống chung với bão tố” - thứ bão tố được tạo nên từ sự va chạm giữa những người khổng lồ.

Ngửa bài

Cả Mỹ và Trung Quốc, cho dù có những khác biệt nho nhỏ trong việc mô tả cách mà cuộc đối thoại ấy khép lại sau 2 ngày “khẩu chiến” tại Anchorage (Alaska), đều không phủ nhận tính chất căng thẳng đến gay gắt của nó.

Theo hãng tin AFP, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jack Sullivan tuyên bố: “Chúng tôi đã chờ đợi các cuộc thảo luận gay gắt và thẳng thắn về nhiều chủ đề và đó chính xác là những gì đã diễn ra”. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thì “không bất ngờ trước phản ứng của Trung Quốc sau khi Mỹ nêu quan ngại về một số vấn đề”.

Trung Quốc đang đòi hỏi từ Mỹ một “mối quan hệ nước lớn kiểu mới”.

Ngược lại, về phía Trung Quốc, Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác ngoại sự Trung ương Dương Khiết Trì đánh giá rằng cuộc đối thoại trực diện này “ngay thẳng, mang tính xây dựng và có ích” nhưng cho biết thêm “vẫn còn một số bất đồng quan trọng giữa hai bên”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chia sẻ với Đài Truyền hình CGTN: Bắc Kinh đã trao đổi với Washington rằng chủ quyền của Trung Quốc là vấn đề nguyên tắc và không được đánh giá thấp quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Bắc Kinh.

Hiếm có cuộc đối thoại nào mà những lớp vỏ hình thức mang màu sắc ngoại giao trong ngôn từ lại bị vứt bỏ một cách “thẳng tay” ngay từ đầu như vậy, trước sự chứng kiến của báo giới.

Một  phiên chụp ảnh chung dự kiến diễn ra trong 4 phút đã biến thành một cuộc khẩu chiến kéo dài hơn 1 giờ, trong ngày khai mạc 18-3. Cố vấn ngoại giao Mỹ Jack Sullivan khẳng định: “Mỹ không tìm kiếm xung đột, song chúng tôi không ngại ngần trước cạnh tranh cứng rắn. Chúng tôi sẽ luôn ủng hộ những nguyên tắc của mình, vì người dân và các bạn bè của chúng tôi”.

Trung Quốc lâu nay vẫn yêu cầu Mỹ không can thiệp vào “những vấn đề nội bộ”. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Blinken vẫn nhấn mạnh rằng có những hành động của Trung Quốc “đe dọa trật tự quốc tế dựa trên luật lệ vốn duy trì sự ổn định toàn cầu lâu nay. Đó là lý do mà những vấn đề đó không chỉ đơn thuần là nội bộ”.

Đáp lại, ông Dương Khiết Trì đã “phản pháo” suốt 17 phút, vượt quá thời gian quy định 2 phút cho màn giao thiệp trước khi phiên họp bắt đầu như theo thỏa thuận. Ông Dương cảnh báo Mỹ nên ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, đồng thời cáo buộc Washington đạo đức giả. Theo ông, Mỹ đã lợi dụng sức mạnh quân sự và kinh tế để bắt nạt các nước khác. Ông cũng nói rằng Mỹ cũng có những vấn đề liên quan tới nhân quyền.

Những cuộc khẩu chiến dữ dội ngoài sức tưởng tượng.

Tới lúc hai bên họp kín, khi các phóng viên đưa tin cuộc họp phải ra ngoài, ông Blinken đã ra hiệu giữ họ ở lại và tiếp tục phản bác lại lời lẽ chỉ trích của Trung Quốc, về vấn đề dân chủ, với sự tiếp nối từ ông Sullivan. Sau đó, theo những hình ảnh và ghi chép tại sự kiện, giới chức Trung Quốc đã “đòi thêm lượt” để “tiếp lời” Mỹ.

Theo hãng tin AFP, ngay cả khi các phóng viên đã ra khỏi phòng họp, đại diện của hai nước Mỹ Trung Quốc vẫn tiếp tục cáo buộc nhau là đã khơi mào những “khiêu khích”, “phá vỡ thông lệ ngoại giao” và “đầu độc” bầu không khí đối thoại.

Đó chính là cuộc đối thoại đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc kể từ khi Nhà Trắng có chủ nhân mới. Và thật đáng ngạc nhiên khi tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đăng đàn ca ngợi phái đoàn các nhà ngoại giao của mình đã “biết cách đối đầu với những đồng nghiệp Trung Quốc”.

Có thể thấy rằng, bằng tất cả mọi phương thức, chính quyền đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden gửi đi một thông điệp rõ ràng: Họ có ý định tiếp tục chính sách cứng rắn của chính quyền tiền nhiệm Donald Trump đối với Bắc Kinh.

Theo chiều ngược lại, từ ngày 17-3, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải phát biểu trước giới truyền thông rằng, đối với các vấn đề liên quan đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước của Trung Quốc thì “Trung Quốc quyết không thỏa hiệp và nhượng bộ. Đây cũng là thái độ mà chúng tôi sẽ thể hiện rõ trong đối thoại lần này”. Và các chuyên gia Trung Quốc nhận định: Có ít nhất một nhiệm vụ cho phái đoàn Trung Quốc lần này, đó là làm cho Mỹ hiểu rõ quyết tâm không thể lay chuyển của Trung Quốc liên quan đến những lợi ích cốt lõi của họ. Chính quyền mới của Mỹ biết rằng Trung Quốc sẽ không thực thi bất kỳ thỏa hiệp nào nhưng họ có thể không hiểu Bắc Kinh sẽ hành động ra sao, cũng như mức độ nghiêm túc của Trung Quốc trong việc bảo vệ các lợi ích cốt lõi của mình.  

Ném đá dò đường

“Mối quan hệ với Trung Quốc rất phức tạp. Nó có những khía cạnh đối nghịch, khía cạnh cạnh tranh và cả khía cạnh hợp tác. Nhưng, mẫu số chung trong việc giải quyết từng vấn đề đó là đảm bảo rằng chúng ta đang tiếp cận Trung Quốc từ một vị thế mạnh và thế mạnh đó bắt đầu từ liên minh của chúng ta, từ sự đoàn kết của chúng ta, bởi vì đó thực sự là một tài sản độc đáo chỉ chúng ta mới có còn Trung Quốc thì không”, Ngoại trưởng Mỹ Blinken phân tích. Theo ông, Mỹ “sẽ phản ứng lại nếu thấy cần thiết khi Trung Quốc sử dụng biện pháp ép buộc hoặc gây hấn để đạt được mục đích của họ”.

Dù sao, giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn có những lợi ích đan xen.

Dù phía Mỹ đã hạ thấp kỳ vọng cho cuộc gặp này, lúc đầu vẫn có một chút hi vọng rằng hai bên sẽ đạt được tiến bộ gì đó dù là rất nhỏ. Trước cuộc gặp, các quan chức đã nêu ra khả năng diễn ra hội nghị thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tuy nhiên, khi cuộc gặp kết thúc, không bên nào cho biết họ nghĩ chuyện gì sẽ diễn ra tiếp theo.

“Kết quả cuộc gặp đã nhấn mạnh một điều: Không bên nào cảm thấy hết sức cấp bách để hợp tác với bên còn lại. Các nghị sĩ lưỡng đảng ở Mỹ đã thúc ép Tổng thống Joe Biden duy trì lập trường cứng rắn của cựu Tổng thống Donald Trump với Trung Quốc và đội ngũ của ông nhìn chung đã làm như vậy”, hãng tin Bloomberg đánh giá.

Trang Politico bình luận ngắn gọn: “Đối thoại bắt đầu bằng những cuộc trao đổi cay đắng và kết thúc bằng những từ ngữ ảm đạm”. Còn tờ Finalcial Times nói thẳng: “Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và phía Trung Quốc đã kết thúc cuộc gặp cấp cao đầu tiên ngày 19-3 sau 2 ngày đối thoại ở Alaska, với màn cãi vã công khai khác thường và không có dấu hiệu nào cho thấy quan hệ giữa hai nước được cải thiện”. Tờ New York Times bình luận: “Vào lúc này không rõ hai bên có thể hợp tác bao xa để đạt được nhiều mục tiêu chung, gồm kiểm soát đại dịch COVID-19, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, hạn chế chương trình hạt nhân Iran và các chương trình vũ khí của Triều Tiên”.

Đó chính xác là những mối lo ngại chung của giới quan sát quốc tế, trái với một số luồng dư luận vẫn còn tin rằng khác với chính quyền tiền nhiệm của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, chính quyền mới ở Nhà Trắng sẽ mềm mỏng hơn với Bắc Kinh.

Sẽ không bao giờ có chuyện đó, khi lợi ích cốt lõi của từng quốc gia luôn là ưu tiên lớn nhất đối với quốc gia ấy. Ở đây, không còn Trump hay Biden, không còn đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa, chỉ còn một quyết tâm chính trị của giới tinh hoa thượng tầng nước Mỹ, khi đứng trước thách thức mang tên Trung Quốc - nền kinh tế đang ôm ấp tham vọng “soán ngôi” Mỹ để vươn lên vị trí số 1 thế giới. Không chỉ vậy, nếu nước Mỹ luôn hướng đến việc áp đặt quyền lực của mình lên một thế giới đơn cực, thì từ khi đòi hỏi một “mối quan hệ nước lớn kiểu mới”, Trung Quốc đã thể hiện rõ rằng họ sẽ không ngần ngại làm mọi cách để trở thành một cực, trong thế giới đa cực mới đang dần hình thành qua một tiến trình tái xây dựng trật tự.

Kinh tế toàn cầu từng nghiêng ngả vì “thương chiến” Mỹ - Trung.

Trật tự mới đối đầu trật tự cũ. Lợi ích của nước này xung đột với nước kia. Chẳng có gì là dễ dàng dung hòa, giữa những khác biệt quan điểm như nước với lửa ấy, của hai cường quốc hàng đầu thế giới. Và khi họ va chạm với nhau, như suốt thời kỳ căng thẳng của “thương chiến Mỹ - Trung”, mọi nền kinh tế toàn cầu đều bị ảnh hưởng nặng nề, khi thế giới đã phẳng.

Tuy nhiên, vẫn có những điểm tích cực phát lộ. Mỹ và Trung Quốc, dù muốn dù không, cũng đã đều thừa nhận rằng giữa họ có những lợi ích đan xen - cấp độ đầu tiên để thừa nhận sự liên quan sâu sắc giữa mối quan hệ song phương của họ với lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là khi loài người đang phải đối diện với những hiểm họa ghê gớm đe dọa đến sự tồn vong chung, như đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, thiên tai, hố ngăn cách giàu nghèo...

Và, cho dù là “không thể nhượng bộ” thì ít nhất, việc làm rõ những vấn đề then chốt trong quan điểm đối ngoại của hai phía cũng sẽ giúp cả họ, cả giới quan sát, cả dư luận quốc tế nhìn nhận và đánh giá chính xác hơn tình hình, để sửa soạn cho những cơn bão tố có thể xảy đến. Thích ứng là một kỹ năng bắt buộc trong dòng chảy lịch sử thế giới. Hiện tại, mọi quốc gia đều phải học cách thích ứng, với cả những cuộc chiến tranh thương mại, hay với cả sự giằng xé cũng như nguy cơ bị cuốn vào những cuộc tranh chấp quyền lực toàn cầu.
Mây Linh
.
.