Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên: Không dễ để tấn công phủ đầu

Thứ Hai, 13/03/2017, 17:00
Ngày 6-3, Triều Tiên đã phóng 4 tên lửa đạn đạo vào vùng biển phía tây bắc Nhật Bản, sau khi tuyên bố sẽ trả đũa việc Mỹ và Hàn Quốc tiến hành các cuộc tập trận quân sự, điều mà Bình Nhưỡng cho là để chuẩn bị cho chiến tranh. Đáp lại, Mỹ, Nhật Bản đã tuyên bố không loại trừ bất kỳ khả năng nào, thậm chí là một cuộc tấn công phủ đầu. Không khí căng thẳng đang bao trùm bán đảo Triều Tiên.

Khiêu khích hay “tìm kiếm sự cân bằng”?

Quân đội Hàn Quốc nói rằng các tên lửa của Triều Tiên được phóng vừa qua không phải là tên lửa hành trình xuyên lục địa (ICBM) với tầm bắn vươn tới tận nước Mỹ. Các tên lửa của Triều Tiên được phóng ngày 6-3 đã bay được trung bình 1.000km và đạt độ cao 260 km. Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada cho biết một số tên lửa rơi xuống khu vực chỉ cách bờ biển phía tây bắc của Nhật Bản khoảng 300km.

Sau động thái nói trên của Triều Tiên, Đô đốc Jeff Davis, phát biểu trong một cuộc họp báo đã chỉ trích các vụ phóng là “hành vi khiêu khích”, đồng thời nói với báo giới rằng Mỹ đang có những bước đi nhằm tăng cường hoạt động quốc phòng chống tên lửa đạn đạo, trong đó có việc triển khai hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc.

Trong khi đó, sau cuộc họp khẩn cấp với Hội đồng An ninh quốc gia, quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn nói rằng các hành vi khiêu khích của Triều Tiên là “mối đe dọa trực tiếp và hiện hữu” đối với Hàn Quốc. Một đồng minh khác của Mỹ là Nhật Bản cũng có phản ứng vô cùng cứng rắn.

Một bộ phận thuộc THAAD. Ảnh: AP.

Phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết đã đưa ra những “phản đối mạnh mẽ” đối với Triều Tiên, và rằng vụ phóng tên lửa ngày 6-3 là “một hành động vô cùng nguy hiểm”.  AFP dẫn lời ông nói: “Những gì diễn ra vừa qua cho thấy Triều Tiên thực sự đã bước vào một giai đoạn mới trong việc tạo ra những mối đe dọa... Đây là điều không thể tha thứ được”.

Đáp lại các tuyên bố của Mỹ và các nước đồng minh, Đại sứ Triều Tiên tại LHQ Ja Song Nam cảnh báo rằng “tình hình trên Bán đảo Triều Tiên một lần nữa lại đang tiến gần hơn tới nguy cơ bùng phát chiến tranh hạt nhân” do các cuộc tập trận quân sự. Đại sứ Triều Tiên tại LHQ nhấn mạnh lý do chính để Triều Tiên tự trang bị cho mình "khả năng tấn công" và răn đe hạt nhân trước điều mà ông gọi là "chính sách thù địch cực đoạn chống Triều Tiên và những mối đe dọa hạt nhân cùng cuộc chạy đua củng cố vũ khí hạt nhân của Mỹ".

Các kịch bản quân sự

Ngày 8-3, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley tuyên bố Washington đang xem xét cách thức đáp trả Triều Tiên sau vụ phóng tên lửa ngày 6/3 của Bình Nhưỡng, và không loại trừ bất cứ khả năng nào. Phát biểu với báo giới sau cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an LHQ, bà Haley khẳng định “mọi lựa chọn đều được đặt lên bàn”. Tuy nhiên, bà không cho biết những lựa chọn này là gì.

Thông tin của Đại sứ Mỹ tại LHQ được đưa ra trong bối cảnh những ngày qua, có thông tin Nhà Trắng đang xây dựng một kịch bản quân sự chống lại Triều Tiên. Đây rõ ràng là một thay đổi trong quan điểm của tân Tổng thống Donald Trump, người đã cam kết dưới thời ông lãnh đạo, Mỹ sẽ không tham gia những cuộc phiêu lưu quân sự mới.

Một đại diện cấp cao giấu tên của Nhà Trắng thông báo với giới báo chí rằng, sở dĩ có quan điểm trên, bởi Tổng thống Trump xác định Triều Tiên là “nguy cơ trực tiếp lớn nhất” đối với nước Mỹ. Sau đó, trên tờ Wall Street Journal rò rỉ thông tin rằng Nhà Trắng sẽ xem xét lại chiến lược của Mỹ với Triều Tiên. Hơn thế nữa, theo thông tin của tờ báo, Washington cũng đã thảo luận một kịch bản quân sự với các đồng minh, cụ thể là với Nhật Bản.

Việc Washington thay đổi quan điểm, thậm chí còn nói tới kịch bản quân sự cho thấy rõ nguyên nhân các đồng minh chủ chốt của Mỹ ở khu vực này là Nhật Bản và Hàn Quốc, đều đang có quan hệ rất căng thẳng với Triều Tiên. Quả thật, sau khi Triều Tiên bắn loạt tên lửa mới nhất về phía biển Nhật Bản, các nghị sĩ Nhật Bản đang kêu gọi nước này thông qua một chính sách quân sự mới nhằm đối phó lại với nước láng giềng có vũ khí hạt nhân. Quan điểm của nhiều nghị sĩ Nhật Bản là sẽ chuyển từ tư thế phòng thủ sang cân nhắc khả năng sẵn sàng tấn công phủ đầu Triều Tiên.

Nhật Bản lâu nay vẫn tuyên bố rằng chính sách quân sự của họ đều xuất phát từ lập trường phòng vệ. Kể từ năm 1951, Nhật Bản phần lớn được bảo đảm an ninh bởi đồng minh Mỹ - nước có một loạt căn cứ quân sự xung quanh Thái Bình Dương, ở bắc Australia và ở Okinawa của Nhật.

“Nếu các máy bay ném bom tấn công chúng ta hay tàu chiến dội hỏa lực vào chúng ta, chúng ta sẽ đáp trả. Tấn công một đất nước bắn tên lửa về phía chúng ta thì không có gì là khác biệt cả”, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết trong một cuộc họp của giới chức Nhật Bản nhằm bàn về các biện pháp phòng thủ trước tên lửa của Triều Tiên.

Liên quan đến việc chuyển từ tư thế phòng thủ sang cân nhắc chính sách tấn công phủ đầu, ông Onodera cho hay: “công nghệ đem lại lợi thế và bản chất của cuộc xung đột đã thay đổi”. Các nghị sĩ của đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản cũng chia sẻ quan điểm của ông Onodera. Mối đe dọa ngày càng tăng lên từ Triều Tiên đã thúc đẩy giới lãnh đạo ở Tokyo cân nhắc nhiều lựa chọn phòng thủ.

Trong một diễn biến mới nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada ngày 9-3 cho biết không loại trừ khả năng nước này thực hiện các đòn tấn công phủ đầu nhằm vào các căn cứ đối phương.

Theo hãng tin Kyodo, thông tin của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada ngày 9/3 khẳng định, Nhật Bản có đầy đủ năng lực thực hiện các đòn tấn công phủ đầu nhằm vào các căn cứ đối phương như một cách để đối phó với các vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Phát biểu tại Ủy ban An ninh Hạ viện, bà Inada nói: "Chúng ta sẽ cân nhắc các biện pháp khác nhau" phù hợp với những giới hạn của luật pháp quốc tế và Hiến pháp Nhật Bản. Một nhóm thuộc đảng Dân chủ Tự do cầm quyền do Thủ tướng Shinzo Abe đứng đầu cũng đang nghiên cứu khả năng Nhật Bản xem xét cách thức duy trì sự răn đe của riêng nước này.

Khó có lựa chọn cuối cùng

Trang tin National Interest (Mỹ) mới đây có bài phân tích về khả năng Mỹ tấn công Triều Tiên của tác giả Harry Kazianis, Tổng Biên tập trang tin này. Bài phân tích này dẫn nguồn từ báo Mỹ Wall Street Journal cho biết Nhà Trắng mới đây đã có một cuộc họp nội bộ về chiến lược đối với Triều Tiên, trong đó đề cập đến khả năng sử dụng vũ lực. Bài phân tích cho rằng, Mỹ và cộng đồng quốc tế đã dùng mọi cách để thuyết phục Triều Tiên, và giờ chỉ còn lựa chọn duy nhất.

Câu hỏi đặt ra: Vậy hành động quân sự chống Triều Tiên sẽ như thế nào? Thứ nhất, vấn đề là việc huy động quân sự quy mô lớn không thể giấu được, Triều Tiên sẽ ngay lập tức nhận ra điều này và Bình Nhưỡng chắc chắn sẽ tấn công trở lại nhanh và mạnh mẽ để tìm cơ hội sống sót, duy nhất bằng mọi thứ Triều Tiên đang có. Một cuộc chiến tranh sẽ nổ ra, chắc chắn Mỹ, Hàn Quốc, Nhật bản không muốn điều này. Thứ hai, Triều Tiên sẽ có đủ lý do để khởi động một cuộc chiến tranh hạt nhân. Việc này đủ đảm bảo rằng bất kỳ lực lượng nào cũng phải suy tính đến hậu quả.

Thứ ba, chưa ai xác định được kho vũ khí hủy diệt hàng loạt mà Triều Tiên có thể đang sở hữu. Mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau về khả năng vũ khí hóa học và sinh học của Bình Nhưỡng. Cho dù có thế nào, không ai muốn kho vũ khí này được “kích hoạt”... Chỉ mấy lý do trên đã đủ thấy, không dễ để xảy ra cuộc chiến mà tất cả các bên không mong muốn.

Người dân Hàn Quốc phản đối triển khai THAAD.

“Ngoại giao tên lửa”

Vẫn có cách tránh được cuộc chiến với Triều Tiên. Theo cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, cách duy nhất là đừng biến Triều Tiên thành kẻ thù. Ông Mahathir Mohamad cho rằng, cần xử lý vấn đề một cách đúng mức. Tuy nhiên, mức nào cho xử lý quan hệ với Triều Tiên vẫn là một dấu hỏi khi mà nhiều chuyên gia cho rằng, tại thời điểm hiện tại Triều Tiên muốn dùng tên lửa để mặc cả vô điều kiện với Tổng thống Donald Trump.

Giới chuyên gia cho rằng Triều Tiên muốn chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhượng bộ và ngồi vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, theo Bloomberg, Mỹ và Triều Tiên lại chưa bao giờ gặp nhau ở quan điểm để có thể cùng nhau đối thoại. Mối quan tâm duy nhất của Mỹ là loại bỏ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, trong khi Triều Tiên lại quan tâm đến việc loại bỏ mối đe dọa đối với chủ quyền đất nước.

Phải làm như thế nào để ngăn chặn Triều Tiên chấm dứt các hành động khiêu khích luôn là bài toán khó đặt ra với chính quyền các Tổng thống Mỹ. Thậm chí, những nỗ lực của nhà các lãnh đạo khu vực bao gồm cả Trung Quốc, Nga... hay việc đưa ra lệnh trừng phạt hay gây sức ép quân sự cũng không phát huy tác dụng. Triều Tiên vẫn không ngừng mở rộng chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.

KCNA cho hay nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ra lệnh cho lực lượng tên lửa chiến lược "luôn duy trì trạng thái cảnh giác cao độ để sẵn sàng đối phó với một cuộc chiến thực thụ sẽ bùng nổ bất cứ lúc nào, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).

Đông Bắc Á đang trở thành chiến trường mới cho những đối đầu ngay sau khi Mỹ đưa bộ phận THAAD đầu tiên tới Hàn Quốc ngày 7-3. Cả Trung Quốc và Nga đã lên tiếng phản đối gay gắt, đồng thời cho rằng, việc triển khai THAAD ở bán đảo Triều Tiên vượt xa chính sách ngăn chặn Bình Nhưỡng và có thể phá vỡ sự cân bằng chiến lược trong khu vực.

Theo một số phân tích quân sự, THAAD có những cụm radar cực mạnh đã thực sự khiến Trung Quốc và Nga “khó chịu” khi nó “quét” được nhiều vùng trận địa của hai nước. Thậm chí Nga và Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc để đối phó với Bình Nhưỡng chỉ là một cái cớ. Rõ ràng Nga và Trung Quốc đã hiểu rõ bản chất vấn đề và có phản ứng kịch liệt đối với THAAD.

Một cuộc đấu trí, đấu lực, thậm chí cả đấu kinh tế bắt đầu đang diễn ra vô cùng căng thẳng ở Đông Bắc Á. Hiện tại, dư luận thế giới đang lo ngại, diễn biến mới tại Hàn Quốc có thể mở đường cho một cuộc chạy đua vũ trang khi Nga và Trung Quốc áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn để ứng phó. Điều này sẽ khiến an ninh và ổn định trong khu vực Đông Bắc Á, thậm chí trên thế giới, phát triển theo xu hướng tiêu cực lâu dài. Cụ thể, nguy cơ bùng nổ cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Hàn Quốc đang bùng lên.

Bên cạnh lệnh cấm người dân đi du lịch có thể gây thiệt hại lớn đối với Hàn Quốc, hàng hóa của Hàn Quốc cũng đang là mục tiêu bị nhắm tới khi giới truyền thông Trung Quốc đã liên tục kêu gọi tẩy chay, cắt đứt quan hệ kinh doanh với tập đoàn Lotte của Hàn Quốc sau khi tập đoàn này nhất trí đổi đất để chính phủ triển khai THAAD. Liên tiếp các cuộc biểu tình diễn ra bên ngoài các siêu thị Lotte tại Trung Quốc những ngày qua.

Một cuộc tấn công mạng, sử dụng địa chỉ nhận dạng Trung Quốc, cũng vừa khiến trang tiếng Trung của công ty bán lẻ hàng miễn thuế Lotte Duty Free tê liệt... Công cụ kinh tế, truyền thông đang được sử dụng triệt để đang được áp dụng để gây sức ép khi THAAD được triển khai.

Nhận định về sự phức tạp ở Đông Bắc Á, cựu Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ James Clapper kết luận rằng, thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân có vẻ sẽ chẳng đi đến đâu cả, trừ khi Mỹ tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, ký hiệp ước hòa bình và rút quân đội khỏi bán đảo Triều Tiên.

Nguyễn Hòa
.
.