Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên: Tìm lối thoát danh dự?

Thứ Hai, 14/06/2010, 19:10
Điều gì sẽ xảy ra sau khi Seoul trình thư lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) yêu cầu "xử lý" CHDCND Triều Tiên? Ngày càng có thêm nhiều chứng cứ cho thấy những luận điệu và "kết luận điều tra" về cái gọi là "bằng chứng" cáo buộc CHDCND Triều Tiên đánh chìm tàu hải quân Cheonan là không có cơ sở, và dư luận cũng đang nghi ngờ tính trung thực của cuộc điều tra do Seoul và Washington chủ xướng.

Những động thái "xuống thang"?

Báo chí khu vực và thế giới trong những ngày đầu tháng 6 đưa tin về những động thái có vẻ như cả 2 miền Triều Tiên lẫn Washington đều đang "xuống thang". Bình Nhưỡng tuyên bố không đóng cửa khu công nghiệp Kaesong và không bắn vào dàn loa phóng thanh của Hàn Quốc dọc vĩ tuyến 38 sau khi Seoul quyết định không mở lại dàn loa phóng thanh này, còn Mỹ thì tuyên bố hoãn cuộc tập trận chung với Hàn Quốc mặc dù vẫn duy trì cuộc tập trận như một hoạt động "răn đe" đối với Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, tờ Rodong Sinmun của CHDCND Triều Tiên số ra ngày 4/6 cho biết, Seoul vẫn duy trì mức độ khiêu khích đối với CHDCND Triều Tiên bằng cuộc tập trận hiện đang diễn ra ở khu vực vĩ tuyến 38, gần sát vùng DMZ (phi quân sự). Ngày 3/6, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak tiếp tục thể hiện quan điểm cứng rắn của mình bằng việc trình một bức thư lên Hội đồng Bảo an LHQ thông qua lãnh đạo Mexico - nước Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an.

Nội dung chủ yếu của bức thư là cáo buộc CHDCND Triều Tiên đánh chìm tàu Cheonan và yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ có "hành động mạnh mẽ" đối với Bình Nhưỡng. Có thể thấy rằng với bước đi này, Tổng thống Lee Myung-bak đã đẩy cuộc tranh cãi giữa 2 miền lên một nấc cao hơn và muốn lợi dụng sức ép quốc tế mạnh hơn đối với Bình Nhưỡng.

Thông tấn xã Triều Tiên KCNA ngày 4/6 bình luận: Động thái trên đây của Hàn Quốc đang đẩy tình hình trên bán đảo đến mức nguy hiểm sau khi Bình Nhưỡng nhiều lần cảnh báo "sẽ đáp trả bằng quả đấm chiến tranh tổng lực" nếu Seoul thực hiện hành động này.

Tiết lộ của 2 tờ báo Mỹ về những chứng cứ mới

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên tiếp tục bác bỏ luận điệu của SeoulWashington, cho rằng "bằng chứng" được cái gọi là "Ủy ban điều tra quốc tế" do Hàn Quốc dẫn đầu và bao gồm các chuyên gia Mỹ và đồng minh trưng ra là giả mạo. KCNA ngày 4/6 bình luận nếu là "bằng chứng" thật thì tại sao Hàn Quốc không để cho nhóm chuyên gia CHDCND Triều Tiên đến xem xét?

Ngày càng có thêm nhiều chứng cứ ủng hộ quan điểm của CHDCND Triều Tiên. Sau hàng loạt chi tiết thực tế cho thấy khả năng xảy ra một vụ "phe mình bắn phe ta" được tờ Asia Times số ra ngày 5/5 đăng tải, nay có thêm những tình tiết mới được 2 tờ báo điện tử của Mỹ là Wayne Madsen Report (waynemadsenreport.com, số ra ngày 26/5) và New America Media (newamericamedia.org, số ra ngày 28/5) đăng tải, tiếp tục cho thấy khả năng rất lớn ngư lôi Mỹ đã vô tình hoặc cố ý đánh chìm tàu Cheonan và Bình Nhưỡng hoàn toàn vô can.

Theo tiết lộ của tờ Wayne Madsen Report, vị trí chìm tàu Cheonan thật sự ở cách đảo Baengnyeong của Hàn Quốc chỉ có 2km. Điều đáng quan tâm là, đảo Baengnyeong là nơi đặt căn cứ Hải quân chống tàu ngầm liên hợp giữa lực lượng SEALS của Mỹ và Tình báo Hải quân Hàn Quốc. Quanh khu vực này, tàu thuyền dân sự bị cấm lưu thông hoàn toàn vì nơi đây có những hải đội tàu chiến lẫn tàu ngầm chiến lược của Mỹ và Hàn Quốc. Đây lại là vùng nước nông, có hệ thống điện tử chống tàu ngầm dày đặc, đừng nói là tàu ngầm chạy dầu diesel của CHDCND Triều Tiên, cho dù tàu ngầm tối tân nhất của Trung Quốc hay Nga cũng vô phương lọt qua được!

Dẫn nguồn tình báo châu Á, tờ Wayne Madsen Report cho biết, vào thời điểm xảy ra vụ chìm tàu Cheonan, khu vực quanh căn cứ Baengnyeong không phải chỉ có 3 chiếc tàu Mỹ và 1 chiếc tàu Hàn Quốc như đã thông tin mà còn có thêm một chiếc tàu chuyên dùng để thả ngư lôi là USNS Salvor với 12 thợ lặn chuyên nghiệp trên boong. Lạ nữa, tàu USNS Salvor không phải của Hạm đội 7 đóng trong khu vực mà là tàu của Bộ Chỉ huy Hải vận quân sự điều đến. Tại sao có sự xuất hiện của USNS Salvor và nhằm mục đích gì?

Cũng từ nguồn tình báo châu Á, Wayne Madsen Report giải thích việc Trung Quốc bác bỏ luận cứ của Mỹ và không công nhận Bình Nhưỡng đánh chìm tàu Cheonan là vì Bắc Kinh đang nghi vấn 2 khả năng: Một là các thợ lặn tàu USNS Salvor đã "vô tình" kích nổ và thả trôi quả ngư lôi trong khi thực hiện công tác bảo trì định kỳ; và hai là tàu USNS đến Hoàng Hải để thực hiện một "sứ mệnh bí mật", thả ngư lôi đánh chìm tàu Cheonan rồi ngụy tạo chứng cứ quy chụp cho CHDCND Triều Tiên.

Hiện lực lượng SEALS của Mỹ cũng đang giữ một mảnh vỡ ngư lôi được cho là đã đánh chìm tàu Cheonan để "phòng khi mang ra đối chứng", nhưng miếng vỡ ngư lôi này lại mang ký hiệu nhà sản xuất là Đức, mà Berlin thì đã khẳng định không có bán ngư lôi cho Bình Nhưỡng. Sẽ thấy đây là một nghịch lý khi ta đối chiếu với bộ thiết bị ngư lôi có dính chất bột màu vàng và ký hiệu chữ "Số 1" bằng ngôn ngữ Hangul được Bộ Quốc phòng Hàn Quốc trưng bày nhằm khẳng định CHDCND Triều Tiên là "thủ phạm". Vậy cái nào là thật, cái nào là giả?

Quân đội CHDCND Triều Tiên tuần tra trên biển.

Ngăn chặn những hành động thái quá

Trung Quốc và Nga, 2 cường quốc thường trực Hội đồng Bảo an, lại không muốn quan tâm thái quá vấn đề "lãng xẹt" này. Theo tiết lộ mới của tờ Wayne Madsen Report, tại cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton với lãnh đạo Trung Quốc vào hạ tuần tháng 5/2010, Trung Quốc đã thẳng thắn bác bỏ luận điểm của Mỹ quy chụp CHDCND Triều Tiên là thủ phạm. Sau đó, tại cuộc gặp tay ba Trung - Nhật - Hàn ở Jeju cuối tháng 5/2010, Trung Quốc tiếp tục từ chối việc thừa nhận CHDCND Triều Tiên đánh chìm tàu Cheonan.

Trong khi đó, một đoàn chuyên gia Nga được cử đến Seoul để xem xét cái "bằng chứng" và bản báo cáo điều tra được thực hiện rất chóng vánh đó vẫn chưa đưa ra kết luận nào. Dư luận đang có những ý kiến khác nhau. Có thể người Nga chưa vội công bố những gì họ phát hiện sau khi xem xét chứng cứ và báo cáo của Hàn Quốc vì họ cần thời gian để thẩm định cho thật kỹ trước khi đưa ra kết luận. Nhưng cũng có thể Moskva đã phát hiện một "sự thật" nào đó và đang cân nhắc xem nên xử lý nó như thế nào. Công bố thẳng toẹt cho bàn dân thiên hạ biết là chuyện thật dễ nhưng không phải là cách hành xử của một cường quốc như Nga(?).

Ngay trong nội bộ Hàn Quốc, ngày càng có nhiều người dân, đặc biệt là giới trẻ, không muốn tin vào cái "bằng chứng" mà chính phủ của họ đưa ra để làm cơ sở phát động một chiến dịch thù hằn nhắm vào miền Bắc. Sự mất tin tưởng đó được giới trẻ, nhất là học sinh sinh viên thế hệ 8x và 9x, thể hiện trên các mạng xã hội Internet và cả trên mặt báo.

Gần đây, Seoul nhức đầu với loạt "tin đồn" bất lợi xuất hiện trên các mạng xã hội này, như tin nói rằng chính tàu ngầm Mỹ là thủ phạm đánh chìm tàu Cheonan hoặc nói rằng, quân đội Hàn Quốc sắp gây chiến với miền Bắc, kể cả kêu gọi điều tra lại vụ chìm tàu Cheonan.

Tờ Los Angeles Times của Mỹ hôm 28/5 còn đăng câu trả lời của một số học sinh trung học Seoul rằng: "Chính phủ đang nói dối" về vụ chìm tàu Cheonan! Thái độ của người dân Hàn Quốc đối với vụ chìm tàu Cheonan còn được thể hiện rõ rệt tại cuộc bầu cử địa phương hôm 2/6. Đảng Đại dân tộc (GNP) của ông Lee Myung-bak giành được số ghế tỉnh trưởng và thị trưởng ít hơn đảng Dân chủ của bà cựu Thủ tướng Han Myeong-sook.

Ngày 5/6, phát biểu trước diễn đàn các doanh nhân tại Singapore, Tổng thống Lee đã khẳng định sẽ không xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên... Tuy nhiên, hiện tại Hội đồng Bảo an LHQ chưa đưa vấn đề này ra xem xét, nhưng nếu yêu cầu của Hàn Quốc được đặt lên bàn hội nghị thì không ai có thể lường trước được tình hình trên bán đảo Triều Tiên sẽ ra sao.

Chỉ hy vọng rằng, với vai trò và quyền hạn quyết định của mình tại Hội đồng Bảo an, Nga và Trung Quốc sẽ ngăn chặn được những hành động thái quá của SeoulWashington để tránh một cuộc chiến mới trên bán đảo Triều Tiên

Trương Hùng (tổng hợp)
.
.