Canh bạc lớn của ông Erdogan

Thứ Tư, 16/10/2019, 10:58
Một tuần sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ra lệnh quân đội tấn công vào Đông Bắc Syria, tình hình an ninh khu vực này đang diễn biến theo chiều hướng ngày càng xấu và nguy hiểm. Hàng trăm tên khủng bố IS đã sổng khỏi các trại giam sau loạt pháo kích của Ankara.

Đáng lo ngại nhất là việc quân đội Chính phủ Syria bắt đầu nhúng tay vào cuộc chiến, giúp người Kurd chống lại lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và các phiến quân do Thổ Nhĩ kỳ hậu thuẫn.

Pháo, xe tăng, máy bay và bộ binh đã được quân đội Thổ Nhĩ Kỳ huy động mở nhiều đợt tấn công vào khu vực Đông Bắc Syria, nơi sinh sống chủ yếu của cộng đồng người Kurd tại Syria. Chiến dịch quân sự mang tên “Mùa xuân hòa bình” (Peace Spring) bao gồm 2 phần, nã pháo và dùng máy bay ném bom vào các mục tiêu. Song song đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng mở chiến dịch tiến công bằng bộ binh vào khu vực phía Đông sông Euphrates và đã tấn công hàng trăm mục tiêu trên mặt đất.

Các đoạn video được phát tán trên mạng cho thấy hàng trăm dân thường đang bắt đầu tháo chạy khỏi các khu vực bị tấn công. Theo các tổ chức nhân đạo, đã có hàng chục dân thường chết trong các đợt tấn công vừa qua, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, có cả một nữ chính khách người Kurd.

Nguy cơ khủng hoảng nhân đạo càng hiện rõ khi hàng loạt nhân viên cứu trợ nhân đạo đang làm việc tại các trại tị nạn ở Đông Bắc Syria được lệnh của các tổ chức nhân đạo phải sơ tán khẩn cấp nhằm tránh rủi ro từ cuộc tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Trước mắt, hàng ngàn người tị nạn chiến tranh tại các trại sẽ gặp phải vô vàn khó khăn nếu thiếu sự giúp đỡ của các tổ chức nhân đạo.

Quân đội chính phủ Syria tiến vào làng Tel Tamer, gần Manbij, hôm 14-10.

Các tổ chức hoạt động nhân đạo thế giới, như Ủy ban Cứu trợ quốc tế (IRC), cảnh báo ít nhất 300.000 người sẽ gặp nguy hiểm do cuộc chiến của Thổ Nhĩ Kỳ gây ra. Các lãnh đạo cộng đồng người Kurd tại Đông Bắc Syria đã lên tiếng cảnh báo “thảm họa nhân đạo khủng khiếp” sẽ xảy ra nếu Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm triển khai tấn công.

Trong khi đó, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cũng lên tiếng kêu gọi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế, tránh gây thêm bất ổn tại Syria vốn đã có quá nhiều tổn thất bởi nhiều cuộc chiến kéo dài từ năm 2011 đến nay.

Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ ra sức biện minh cho hành động quân sự của mình trên đất Syria. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã viết trên Twitter rằng chiến dịch quân sự của ông được triển khai bởi lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ và có sự phối hợp hỗ trợ của lực lượng phiến quân Syria do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn để chống lại các lực lượng người Kurd và IS.

Tại Đông Bắc Syria, tổ chức Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo là thành phần chủ lực phối hợp cùng Mỹ trong cuộc chiến chống IS giai đoạn cao trào nhất từ năm 2015-2017. Người Kurd đóng vai trò quan trọng giúp Mỹ giành chiến thắng trước IS tại khu vực này.

Tuy nhiên, SDF lại bị Ankara xem như cánh tay nối dài của tổ chức Đảng Công nhân người Kurd (PKK) - một tổ chức đấu tranh vì mục tiêu giành độc lập cho dân tộc Kurd tại các vùng trải dài từ Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ sang Đông Bắc Syria, đến tận Bắc Iran, Bắc Iraq. Tổng thống Erdogan đã luôn tìm cách triển khai chiến dịch quân sự sang Đông Bắc Syria để tiêu diệt SDF nhưng bị vướng bởi cuộc chiến chống IS tại đây.

Ông Erdogan khẳng định rằng, mục tiêu chiến dịch quân sự của ông là nhằm ngăn chặn việc hình thành một “hành lang khủng bố” xuyên biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời thiết lập một “vùng đệm an toàn” sâu 32km dọc biên giới để ngăn ngừa mối đe dọa từ người Kurd cũng như lực lượng khủng bố IS.

Tuy nhiên, trên thực tế, Tổng thống Erdogan đã luôn thể hiện quyết tâm đẩy mạnh chiến dịch quân sự nhằm tiêu diệt các lực lượng người Kurd trên đất Syria và các đợt tấn công không chỉ gói gọn trong “vùng đệm” 32km mà còn thọc sâu vào lãnh thổ Syria.

Lực lượng phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Giới quan sát cho rằng, vấn đề đáng lo ngại nhất trong chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ chính là khả năng đụng độ giữa các lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ với quân đội Chính phủ Syria, bởi hành động quân sự của Ankara trên lãnh thổ Syria đã bị xem là “xâm lấn”, hay “xâm chiếm”.

Bên cạnh đó, chiến dịch quân sự của Ankara cũng đang khiến Moscow bực mình vì nó đang đe dọa phá hỏng sự ổn định chiến lược tại Syria mà Moscow đã cất công tạo dựng nên trong vài năm qua.

Trong một phát biểu tại cuộc họp với lãnh đạo các quốc gia thuộc Liên Xô cũ tại Ashgabat (Turmenistan) hôm 11-10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phân tích rõ rằng, khu vực người Kurd quản lý là nơi đang tập trung giam giữ rất đông tàn quân IS. Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đánh bật người Kurd ra khỏi khu vực này vô hình trung tạo cơ hội cho bọn IS trốn thoát dễ dàng.

“Tôi không chắc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có thể kiểm soát được các tay súng IS này hay không” - Tổng thống Putin kết luận. Tuy Tổng thống Putin không nói thẳng nhưng lời phân tích và kết luận vừa rồi đã được báo chí phương Tây diễn dịch như một lời “khiển trách” ngầm của ông dành cho Ankara.

Ngày 13-10, tức 2 ngày sau dự báo của Tổng thống Putin, khoảng 785 người của IS, bao gồm góa phụ trẻ em đã nổi loạn và trốn thoát khỏi các khu giam giữ ở trại Ain Issa, sau một đợt pháo kích của Thổ Nhĩ Kỳ xuống các mục tiêu gần đó.

Cũng trong ngày 13-10, sau 4 ngày hứng chịu các đợt tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và phiến quân Syria, các lực lượng người Kurd đã quay sang tìm sự hỗ trợ từ quân đội Chính phủ Syria. Một thỏa thuận hợp tác đã được ký kết giữa lãnh đạo người Kurd với quân đội Chính phủ Syria, theo đó người Kurd chấp nhận giao lại cho Chính phủ Syria tiếp quản một số thành phố quan trọng của mình, để đổi lại việc Chính phủ Syria đưa quân đội đến hỗ trợ chống các cuộc tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và phiến quân Syria.

Ngày 14-10, quân đội Chính phủ Syria đã bắt đầu triển khai vào khu vực người Kurd, đóng quân ở phía Tây Bắc thành phố Manbij và chuẩn bị tiến vào thành phố Kobane. Trong khi đó, quân đội Mỹ hiện vẫn chưa rút đi, còn cắm chốt tại một số vị trí trọng yếu xung quanh Kobane và Manbij. Điều này cũng có nghĩa nguy cơ xung đột quân sự giữa Mỹ và Syria không phải nhỏ.

An Châu (tổng hợp)
.
.