Cảnh khuyển trong cuộc chiến chống khủng bố

Thứ Hai, 12/09/2005, 07:19

Mặc dù đã có những thiết bị hiện đại, cảnh sát nhiều nước vẫn tiếp tục sử dụng chó nghiệp vụ trong công tác an ninh. Khả năng có thể đánh hơi được 19.000 mùi thuốc nổ đã giúp chó trở thành công cụ hiệu quả hơn bất kỳ thiết bị tinh vi nào...

Một buổi sáng, người ta thấy các nhân viên an ninh Mỹ xộc vào một số nhà ga trung tâm Washington DC với chó nghiệp vụ, được dùng đánh hơi từ thùng rác đến bất kỳ địa điểm tình nghi nào để dò ra thuốc nổ C4, triacetone triperoxide hoặc nhiều loại chất nổ khác. Theo Washington Post (12/8/2005), cảnh sát và ngành an ninh Mỹ nói chung tiếp tục tin cậy vào tài đánh hơi siêu đẳng của chó và người ta đang nỗ lực tăng “quân số” chó cho lực lượng an ninh. Hiện thời, cơ quan cấp liên bang lẫn địa phương không có nhiều chó để có thể giám sát toàn bộ hệ thống tàu điện ngầm trên toàn nước Mỹ (chở 14 triệu lượt hành khách mỗi ngày). Nhiều chú chó chỉ có thể làm việc mỗi lần nửa giờ trước khi được nghỉ xả hơi và khả năng của chúng còn lệ thuộc vào số lượng chất nổ, sức lan tỏa của mùi, nhiệt độ không khí và đặc biệt là hướng gió.

Các công ty an ninh tư nhân, phòng thí nghiệm, cơ quan nghiên cứu chính phủ đang nỗ lực tìm kiếm kỹ thuật mới thay thế chó nghiệp vụ. Bộ Quốc phòng Mỹ đang thử nghiệm đánh hơi chất nổ bằng chuột, ong vò vẽ, ong mật... Lính thủy quân lục chiến Mỹ tại Iraq đang dùng thử nghiệm thiết bị cầm tay trị giá 28.000 USD gọi là Fido có khả năng "đánh hơi" chất nổ chính xác tương tự chó nghiệp vụ. Trước mắt, công việc vẫn phụ thuộc vào chiếc mũi của những con chó như Andy thuộc giống Labrador hiện “ăn lương” của Cơ quan Kiểm soát thuốc nổ, vũ khí, thuốc lá và rượu (ATF). 

Robot Fido đang được sử dụng thử nghiệm tại Iraq.

Tuy nhiên, Sở Cảnh sát tàu điện ngầm Washington DC - nơi tự huấn luyện “đội ngũ” chó riêng - hiện chỉ có 10 chú chó phục vụ 86 nhà ga. Sở Cảnh sát Washington DC có 10 "lính" chuyên trách đánh hơi thuốc nổ; cảnh sát bảo vệ trụ sở Quốc hội có 43 con; và tổng “quân số” chó do ATF huấn luyện dùng cho công tác an ninh toàn nước Mỹ chỉ vỏn vẹn 100 con. Do đó, việc dùng chó đánh hơi cho tất cả vị trí an ninh nhạy cảm trên toàn nước Mỹ là điều không thể. Bởi vậy, cách thức sử dụng chó nghiệp vụ là điều quan trọng.

Tại khu vực Washington DC, chó ít khi được chốt ở đầu hoặc cuối thang máy nhà ga tàu điện ngầm mà được đưa vào tận bên trong nhà ga. Đôi khi, cảnh sát dắt chó sâu vào bên trong hệ thống đường ray (phải nép sát vào thành tường khi có xe lửa chạy ngang). Chó dùng đánh hơi thuốc nổ chỉ được cho ăn khi chúng tìm thấy thuốc nổ. Mỗi ngày ba lần, người phụ trách giấu vỏ đạn hoặc thuốc nổ trên đường, trong xe, tòa nhà hoặc gốc cây... và chó ra hiệu cho người phụ trách bằng cách vẫy đuôi rồi ngồi xuống vị trí phát hiện. Chỉ đến lúc đó, chú chó mới được ăn.

Một số chó được huấn luyện phát hiện thuốc nổ và không thể đánh hơi được ma túy, nhưng cũng có không ít chó không chỉ có khả năng phát hiện ma túy mà còn dò ra được vũ khí và băng đạn giấu trong thùng kín, xe hơi hoặc chôn dưới đất. Mắt chó nhạy cảm với ánh sáng và chuyển động nhanh hơn mắt người. Do vậy, nhiều loại chó có thể có tầm nhìn bao quát lên đến 270o (so với 100 - 120o ở mắt người). Chó cũng có thể nhận biết âm thanh ở mức độ tần số thấp 20-70Hz (so với 16-20Hz ở người) và tần số cao 70.000 - 100.000Hz (so với 20.000Hz ở người). Nhờ tai có thể vẫy, chó cũng định hướng nguồn âm thanh chính xác hơn người nhiều lần (và tất nhiên nhanh hơn, khoảng 4 lần). Chó có gần 220 triệu tế bào nhạy cảm mùi trên khu vực bằng kích thước chiếc khăn tay (so với 5 triệu trên khu vực bằng con tem đối với người).

Theo Paul Waggoner, Giám đốc Viện Nghiên cứu khuyển học thuộc Đại học Auburn, mũi chó nhạy cảm hơn mũi người gấp hàng nghìn lần. Một con chó có khoảng 1 tỉ cơ quan cảm thụ mùi so với chỉ số 40 triệu ở người. “Chúng có thể ngửi mọi thứ một cách độc lập, trong khi chúng ta chỉ ngửi được mùi mạnh nhất trong phòng” - nhân viên ATF Sheila Fry cho biết. “Với món bò hầm đang nấu, chúng ta ngửi mùi bò hầm nói chung. Trong khi đó, chó có thể ngửi mùi thịt bò, mùi càrốt và mùi khoai tây một cách riêng lẻ. Và nếu chỉ có một hạt đậu trong món bò hầm, chó cũng đánh hơi được hạt đậu”.

Trung tâm huấn luyện cảnh khuyển ở Front Royal (bang Virginia) phải mất 6 tuần để huấn luyện hiệu ứng Pavlov chuyên đánh hơi thuốc nổ cho một chú chó. Việc huấn luyện và cung cấp chó cho ngành An ninh tại Mỹ thể hiện tính chuyên nghiệp rất cao. Cách đây hai năm, một chánh án liên bang đã xử tù 6 năm rưỡi đối với một người ở Hagerstown (Maryland) tội cung cấp chó ngửi bom cho cảnh sát nhưng không sử dụng được. Đám chó này đã “thi hỏng” trong cuộc thử nghiệm. Khi nhân viên cảnh sát chạy ngang chiếc xe chất gần 26kg thuốc nổ, gần 25 kg TNT, gần 7kg chất nổ plastic, con chó ấy chỉ hỉnh mũi nhìn theo mà chẳng báo động gì!

Anh Vũ
.
.