Cáo buộc của Đài Loan về những hoạt động bí mật của Trung Quốc

Thứ Ba, 04/04/2017, 20:05
Giới chức Đài Loan đang đưa ra cáo buộc Trung Quốc đang gia tăng những hoạt động bí mật tại Đài Loan kể từ sau khi hòn đảo này bầu nhà lãnh đạo mới thay thế ông Mã Anh Cửu. Một báo cáo kiểm điểm quốc phòng Đài Loan vừa được ban hành kết luận: Trung Quốc ngày nay đang trở thành mối đe dọa ngày càng lớn cho hòn đảo này.

Trong một cuộc phỏng vấn với BBC News, ông Wang Ting Yu - Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng trong Nghị viện Đài Loan cho biết, Trung Quốc đang triển khai một chiến lược quấy phá tại đảo Đài Loan thông qua việc gia tăng số lượng điệp viên, nội gián tại hòn đảo này.

Bà Thái Anh Văn lên thay ông Mã Anh Cửu đã châm ngòi cho Trung Quốc tăng cường hoạt động gián điệp ở Đài Loan.

Theo ông Wang Ting Yu, các điệp viên Trung Quốc từ đại lục đã xâm nhập đảo Đài Loan, giả dạng làm doanh nhân, du khách, kể cả là sinh viên, hòa nhập sâu vào xã hội Đài Loan. Do cùng là người Hoa với nhau nên người Đài Loan rất khó nhận ra đâu là điệp viên Trung Quốc, đâu là người Đài Loan. Sau một thời gian ổn định cuộc sống, khẳng định chỗ đứng tại Đài Loan, lực lượng điệp viên "nằm vùng" đó bắt đầu tìm cách tuyển mộ người Đài Loan làm việc cho họ.

Hạ tuần tháng 3-2017, Wang Hong Ju - một cận vệ của cựu phó lãnh đạo Đài Loan Annette Lu đã bị cơ quan chức năng bắt giữ với cáo buộc làm gián điệp. Trước đó ít hôm, một sinh viên tên là Zhou Hong Xu, người Trung Quốc sang học tập ở Đài Loan, cũng bị bắt với cáo buộc "xâm phạm pháp luật về an ninh quốc gia".

Wang Hong Ju bị buộc tội đã giúp người Trung Quốc dụ dỗ một sĩ quan tình báo Đài Loan thu thập thông tin cho Bắc Kinh. Wang Hong Ju được người Trung Quốc trả công bằng một khoản tiền khá lớn và được hứa hẹn sẽ được cho định cư ở Trung Quốc đại lục nếu nhiệm vụ bị đổ bể. Wang Hong Ju là một trong số 50 cận vệ của Annette Lu, được cho là đã bắt đầu làm việc cho người Trung Quốc kể từ khi thôi nhiệm vụ cận vệ cho bà Annette Lu sau khi bà này không còn làm phó lãnh đạo Đài Loan nữa.

Theo tờ báo Taiwan News, việc Wang Hong Ju bị bắt vì cộng tác với tình báo Trung Quốc là một lời cảnh báo không bao giờ muộn đối với giới chức an ninh Đài Bắc. Một chi tiết được chính bà Annette Lu tiết lộ là, khi tuyển dụng người làm công tác bảo vệ an ninh cho các lãnh đạo Đài Loan, cơ quan an ninh đã triển khai quy trình kiểm tra, sàng lọc rất nghiêm ngặt, không chỉ về mặt tư tưởng mà còn về lòng trung thành của những người được tuyển chọn để bảo vệ cho những nhân vật lãnh đạo cao cấp của Đài Loan.

Bởi thế, khi Wang Hong Ju bị bắt, giới chức chính quyền Đài Loan giật mình lo lắng, vì vụ việc cho thấy những kẽ hở trong hệ thống kiểm tra, sàng lọc an ninh, và cũng bởi lý do ngay cả những người làm việc ở những vị trí thân cận với các lãnh đạo cấp cao, có "tư cách an ninh" vẫn có thể là gián điệp cho Trung Quốc.

Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Đài Loan Wang Ting Yu.

Việc Trung Quốc tung gián điệp do thám Đài Loan trên thực tế là câu chuyện đã cũ nhưng theo ông Wang Ting Yu, hoạt động do thám đó đã gia tăng đột biến kể từ khi bà Thái Anh Văn được bầu lên thay thế ông Mã Anh Cửu.

Lý do cũng dễ hiểu: Mã Anh Cửu được xem là một trong những lãnh đạo Đài Loan thân với Bắc Kinh nhất, còn bà Thái Anh Văn là người có thái độ và quan điểm chống Trung Quốc, chống lại đường lối tái thống nhất với Trung Hoa đại lục. Điểm yếu của Đài Bắc chính là việc họ theo đuổi một xã hội mở, cổ súy tự do ngôn luận theo kiểu phương Tây, trong khi truyền thống xã hội phương Đông đi theo hướng ngược lại.

Các báo cáo tình báo của Đài Loan đã đưa ra bằng chứng cho thấy để triển khai chiến lược này, Trung Quốc đã bỏ ra hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD để mua chuộc, nuôi dưỡng (trả lương) không chỉ đội quân gián điệp, nội gián mà cả những người xung quanh có liên quan đến họ.

Nhằm hạn chế bớt sự xâm nhập của tình báo Trung Quốc, chính quyền Đài Loan đã triển khai một số giải pháp, chẳng hạn như họ đang soạn thảo và chuẩn bị cho ra đời những dự luật mới nhằm siết chặt an ninh.

Đài Loan dự định sẽ cấm các quan chức cao cấp trong chính phủ và quân đội đi đến Trung Hoa đại lục trong khoảng thời gian 3 năm sau khi họ nghỉ hưu nhằm ngăn chặn việc họ bị dụ dỗ, mua chuộc tiết lộ thông tin bí mật cho Trung Quốc. Tuy nhiên, những biện pháp vừa nêu chưa đủ để khiến Trung Quốc chùn tay hoặc ngăn chặn được người Đài Loan làm nội gián cho Bắc Kinh. Bởi vì, Đài Loan hiện vẫn nằm trong vòng kiềm tỏa của Trung Quốc, bằng cách này hay cách khác.

An Tôn (theo BBC News)
.
.