Cầu Ghềnh đã được trục vớt thế nào?

Thứ Hai, 04/04/2016, 15:15
Đến chiều 31-3, lực lượng trục vớt, thuộc Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1- Cienco 1, đã hoàn tất việc trục vớt những gì còn lại của nhịp cầu bị sập - cầu Ghềnh.

Vào lúc 9 giờ 30 phút, khối sắt cồng kềnh cuối cùng đã nhô lên khỏi mặt nước. Sau đó một chiếc sà lan có trọng tải 3.000 tấn được điều tới để di chuyển khối sắt lớn về nơi tập kết. Chiều đến công việc của các thợ lặn chỉ là thu gom những mảnh vụn, thanh sắt còn sót lại để bàn giao “mặt bằng sạch sẽ” cho bên thi công xây dựng cầu.

Nói vậy không có nghĩa là đáy sông  không còn “chướng ngại vật” vì nguyên trụ cầu bị sà lan đâm gãy làm đôi vẫn nằm dưới đáy sông chưa trục vớt lên được. Các đơn vị thi công đang tìm cách khắc phục hậu quả để việc thi công được thuận lợi. Trước đó đội trục vớt cầu Ghềnh cũng đã trục vớt thành công tàu kéo sà lan tông sập cầu lên bờ.

Quá trình trục vớt tàu kéo gặp rất nhiều khó khăn. Do va đập quá mạnh, tàu kéo không còn nguyên vẹn nên đội trục vớt phải thực hiện nhiều biện pháp kỹ thuật để có thể đưa được tàu kéo lên. Mặc dù vậy cũng phải mất 4 lần cẩu lên hạ xuống thì tàu kéo này mới được đưa lên bờ thành công.

Tàu kéo được trục vớt.

Chuyện những người thợ lặn

Đối với 2 nhịp 2 đầu cầu không bị sập, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai xin được giữ lại 1 nhịp và chuyển đến... viện bảo tàng,  nhịp còn lại sẽ thay thế nhịp cầu Rạch Cát (cách cầu Ghềnh khoảng 200m) bắc qua sông Cái thuộc nhánh sông Đồng Nai. Tuy nhiên, việc trục vớt 2 nhịp cầu bị gãy và tàu kéo chìm dưới đáy sông mới thực sự khó khăn đối với đơn vị thi công. Trước tiên phải trục vớt khối lượng sắt khổng lồ và những chướng ngại vật dưới đáy sông, “giải phóng mặt bằng” để ngày 1-4 tiến hành khởi công xây dựng cầu.

Cái khó với công tác trục vớt là khối lượng sắt quá lớn, cồng kềnh, lại nằm sâu dưới độ sâu 13-14m nước. Sau khi đội quân người nhái lặn thăm dò, phương án trục vớt tối ưu được đưa ra, đó là các thợ lặn lặn xuống cắt đôi các nhịp cầu, sau đó dùng cẩu, loại 500 tấn đứng trên sà lan 3.800 tấn cẩu lên. Phương án trục vớt trên lập tức được chuẩn y.

Ông Nguyễn Duy Thắng, Phó Tổng Giám đốc Cienco 1 cho biết, công tác triển khai thi công gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thủy triều. Khi thủy triều lên, thợ lặn bị trôi không thể làm việc được phải chờ nước rút. Do đó, đơn vị thi công phải canh từng con nước, họp bàn phương án ngay trên sà lan để cập nhật và có phương án điều chỉnh kịp thời.

Cảnh sát đường thủy lai dắt tàu qua khu vực trục vớt.

Đội thợ lặn gồm 9 người, trong đó có 6 người là anh em ruột, 3 người còn lại là con, cháu ruột. “Chỉ huy trưởng” là anh Nguyễn Kiên Giang (anh Năm) 47 tuổi. Họ đến từ Long An. Trong số các thợ lặn gia đình có 7 người lặn chính, 2 người phụ việc, 4 người được cấp chứng chỉ lặn của Trung tâm Lặn biển Nha Trang.

Trao đổi với chúng tôi về việc làm cách nào có thể cắt được khối sắt khổng lồ như vậy, nhất là ở dưới nước, anh Nguyễn Tấn Xem (anh Mười), em trai anh Năm, cho biết, các anh dùng đèn khò gió đá để cắt. Anh Mười cười, nói: “Đó chính là kinh nghiệm nghề nghiệp của anh em tôi. Chúng tôi tự chế ra dụng cụ cắt sắt dưới nước, chẳng hạn khi cắt sắt trên cạn, áp suất khí chỉ cần 1kg thì dưới nớc cần gấp 4-5 lần. Khi đưa đầu khò xuống nước, chúng tôi bật lửa từ trên bờ, dòng ống dẫn khí theo nên lửa vẫn cháy”.

Tuy vậy,  việc cắt nhịp cầu Ghềnh lại gặp rất nhiều trở ngại, thứ nhất, tuy độ sâu không lớn nhưng dòng chảy xiết, ảnh hưởng không nhỏ tới việc lặn. Thứ hai, khi lặn thợ lặn không được mặc đồ người nhái chỉ mặc đồ thường vì khi cắt sắt nóng chảy bắn ra bám vào quần áo, gây phỏng, hơn nữa nhịp cầu nhiều ô, lỗ phải chui qua chui lại nếu mặc đồ người nhái rất vướng. Khó nhất là khi cắt toàn làm bằng… cảm giác. Bởi xuống nước “có mắt như mù” mặc dù có đeo kính lặn nhưng nước đục chẳng nhìn thấy gì. Do làm bằng cảm giác nên có lúc khò luôn vào tay. Tuy nhiên nhờ có chút kinh nghiệm nên cũng hạn chế được thương tích, anh Mười cho biết thêm.

Ngày 29-3, việc cắt rời nhịp cầu chìm ở độ sâu 14m hoàn tất. Các anh phối hợp với bộ phận cẩu móc cáp của cẩu nổi 500 tấn vào nhịp cầu được cắt rời để trục vớt từng khối sắt khổng lồ lên rồi đặt lên sà lan và chuyển về nơi tập kết. Đến hơn 9 giờ sáng ngày 31-3, nhịp cầu cuối cùng cũng đã được trục vớt thành công. Trước đó chiều 30-3 chiếc tàu kéo đã được trục vớt. Sau 4 lần cẩu, một lần bị đứt cáp, 2 lần cẩu lên giữa chừng phải hạ xuống, việc trục vớt chiếc tàu kéo mới thành công. Theo ghi nhận của chúng tôi do va đập mạnh, đuôi và cabin của chiếc tàu kéo đã biến dạng hoàn toàn.

Đảm bảo thông luồng

Giao thông trên cầu Ghềnh gián đoạn, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an tỉnh Đồng Nai phải làm việc rất vất vả. Suốt những ngày qua, cán bộ chiến sĩ của Phòng Cảnh sát Giao thông đường thủy phải chia nhau ra, túc trực tại khu vực xảy ra vụ tai nạn sập cầu. Lực lượng mỏng phương tiện thì hạn chế, địa bàn rộng, công việc lại nhiều nên việc bảo vệ lai dắt tàu bè qua lại khu vực cần đến sự cố gắng vượt bậc của các lực lượng chức năng.

Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam cũng đã triển khai nhiều trạm chốt trực phản ứng nhanh để điều tiết phân luồng giao thông thủy trên sông Đồng Nai. Các lực lượng liên quan khác cũng đều phải túc trực 24/24 để đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực. Sau khi cho phép các phương tiện được lưu thông trở lại, lực lượng điều tiết giao thông vừa tuần tra kiểm soát các phương tiện qua cầu Ghềnh vừa phối hợp với các đơn vị khác tuần lưu hỗ trợ bảo vệ công tác trục vớt.

Nhịp cầu cuối cùng được đưa lên và chuyển về nơi tập kết.

Chiều 30-3, Viện KSND Đồng Nai vừa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với chủ tàu Phan Thế Thượng (62 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) với tội danh “Điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy” và Trần Văn Giang (35 tuổi, tỉnh Sóc Trăng) với tội danh “Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy”. Còn với lái phụ là Nguyễn Văn Lẹ (28 tuổi, tỉnh Bạc Liêu) được hủy bỏ lệnh tạm giữ vì hết hiệu lực để tiếp tục điều tra.

Văn Hào
.
.