Cây muốn lặng, gió chẳng đừng

Thứ Hai, 07/11/2005, 10:31

Ngày 6/11, tại nước cộng hòa nằm ở vị trí địa chính trị rất nhạy cảm Azerbaijan đã diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội vốn đã được phương Tây trông chờ từ lâu. Chưa rõ kết quả bỏ phiếu ra sao nhưng có thể nói chắc một điều, phe đối lập, bắt được tín hiệu hỗ trợ từ xa, sẽ không ngồi yên thúc thủ trước chính quyền của Tổng thống Ilkhan Aliyev theo chủ trương lấy ổn định là yếu tố cơ bản để phát triển đất nước.

Đã từ không chỉ một năm nay trong không gian "hậu Xôviết", những cuộc bầu cử tương tự đã trở thành dịp để lực lượng đối lập, thường là "vọng ngoại" về phía Tây, tiến hành những pha đảo lộn ngoạn mục lật đổ chế độ hiện hữu. Tháng 11/2003, tại nước cộng hòa nhỏ bé ở Cápcadơ Gruzia đã diễn ra cái gọi là "cách mạng hoa hồng" pha lẫn với những cuộc biểu tình đường phố dần dà hóa thành bạo loạn, lật đổ vị Tổng thống hợp hiến Eduard Shevardnadze.

Một năm sau, gần như cũng cùng vào thời gian như thế, tại Ukraina đã bùng nổ cái gọi là "cách mạng cam", lật đổ Tổng thống Leonid Kuchma và đưa ông Victor Yuschenko lên nắm quyền lãnh đạo quốc gia. Tháng 3/2005, tiến trình thay đổi chính quyền tương tự lại xảy ra ở nước cộng hòa Trung Á Kyrgystan.

Washington luôn phủi tay cho rằng mình không hề dính líu gì tới những cuộc "can qua" trên để thực thi cái gọi là gieo giống dân chủ trên quy mô toàn cầu nhưng nhìn chung, dư luận quốc tế đều nhìn thấy rõ bàn tay can thiệp đầy vụ lợi của Mỹ vào không gian "hậu Xôviết' để tạo dựng nên những thể chế hợp với khẩu vị mình nhất. Trong trường hợp Azerbaijan cũng thế. Mặc dầu các nhà phân tích cho rằng, chính quyền của Tổng thống đương nhiệm Alkhan Aliyev có vẻ như "khả dĩ" nhất trong điều kiện các lực lượng đối lập ở đây manh mún và "ông chẳng bà chuộc", nhưng không phải vì thế mà phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đã để yên cho người dân ở đây tự quyết định lá phiếu của mình.

Trong những tuần qua, Cơ quan phát triển quốc tế của Mỹ đã không ngừng bơm tiền và tổ chức các cuộc tiếp xúc với cử tri Azerbaijan để vừa thăm dò dư luận vừa tác động theo hướng có lợi cho họ nhất. Phe đối lập ở Azerbaijan cũng đã chọn cho mình màu sắc biểu tượng là màu da cam, có lẽ họ muốn gợi nhớ tới những gì đã diễn ra ở Ukraina cách đây không lâu.

Chẳng cần biết thực tế ra sao mà hàng loạt chính trị gia cao cấp Mỹ đã không ngừng tung ra những lời yêu cầu Bacu phải tổ chức cuộc bầu cử ngày 6/11 "minh bạch và công bằng"(?!). Dẫu rằng ông trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và Âu - Á Daniel Fried trong chuyến thăm Azerbaijan mới đây đã khẳng định rằng Washington không "xuất khẩu cách mạng" nhưng những gì diễn ra xung quanh cuộc bầu cử Quốc hội ở nước cộng hòa Trung Á lắm "vàng đen" vẫn tiếp tục chứng minh rằng, nước Mỹ không mấy khi làm như nói.

Tình hình trở nên khá nghiêm trọng vì không chỉ riêng Azerbaijan mà còn ở không chỉ một nước cộng hòa trong không gian "hậu Xôviết" sắp tới cũng sẽ diễn ra những cuộc bầu cử. Tháng 9/2006 tại Belarus, vị Tổng thống mà phương Tây "ớn" nhất là Alexandr Lukashenko cũng sẽ đối mặt với một cuộc bầu cử tiềm ẩn nhiều kịch tính và chắc chắn sẽ bị nhiều thế lực bên ngoài phối hợp với các phần tử đối lập "đâm bị thóc, chọc bị gạo".  Rồi tại Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan... cũng sẽ diễn ra những cuộc bầu cử như thế trong thời gian tới. Nước Nga năm 2008 cũng sẽ tổ chức bầu cử Tổng thống trong điều kiện ông Vladimir Putin sẽ thôi không ra ứng cử nữa vì theo Hiến pháp Nga, không thể có ai ba nhiệm kỳ liên tiếp tranh cử  Tổng thống...

Các nhà quan sát cho rằng, nếu phương Tây, đặc biệt là Mỹ vẫn tiếp tục hành xử đối với những quốc gia trên theo kiểu cũ thì tất yếu sẽ nảy sinh những rối loạn có thể là đẫm máu. Lý do trước hết là vì tại đó chưa từng có truyền thống nhìn nhận các tiêu chí dân chủ của phương Tây như cách mà Washington muốn áp đặt.

Nỗi lo lắng trên hoàn toàn có căn cứ. Mới đây nhất, ngày  4/11, Thượng nghị viện Mỹ với 358 phiếu thuận và 58 phiếu chống đã đồng ý trong năm tài chính 2006 bỏ ra tới  95 triệu USD cho quỹ Dân chủ trên thế giới, một phần không nhỏ trong số này dành cho không gian "hậu Xôviết", kể cả nước Nga. Như vậy có nghĩa là, những đồng đôla hậu hĩnh từ Washington sẽ còn tiếp tục "đổ dầu vào lửa" đối với những cuộc bầu cử dễ bị kích động biến thái thành hỗn loạn đường phố để lật đổ chính quyền hợp hiến ở những nước mà Nhà Trắng cho là cư xử "không phải đạo" với những quyền lợi của Hoa Kỳ.

Cây muốn lặng nhưng gió chẳng đừng, triển vọng diễn biến tình hình như thế không thể làm cho thế giới trở nên bình an hơn

Phan Phú
.
.