Chấm dứt cuộc điều tra Mueller, Nga - Mỹ bước sang trang mới?

Thứ Hai, 03/06/2019, 11:25
Sáng 29-5 (theo giờ Mỹ), Công tố viên đặc biệt Robert Mueller tuyên bố từ chức ở Bộ Tư pháp Mỹ, đóng cửa văn phòng công tố viên đặc biệt, qua đó đặt dấu chấm hết cho cuộc điều tra về nghi vấn Nga can thiệp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 mà ông đã tiến hành trong 2 năm qua.

Quan hệ Nga - Mỹ dường như sắp bước sang trang mới, một người có can hệ tới đà tiến này có lẽ đã chọn cách ra đi.

Công tố viên đặc biệt về nhà

Trao đổi với báo giới tại Bộ Tư pháp, ông Mueller đã nói về bản chất và căn nguyên của vụ điều tra nhưng ông cũng đề nghị công chúng hãy để bản báo cáo của nhóm ông “tự nói lên tất cả”. Viện dẫn các quy định chỉ đạo của Bộ Tư pháp nghiêm cấm việc buộc tội một tổng thống đương nhiệm, ông Mueller khẳng định việc cáo buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump phạm tội “chưa bao giờ là một lựa chọn” đối với đội ngũ công tố của ông.

Công tố viên đặc biệt Mueller đã không phát hiện ra âm mưu tội phạm nào giữa chiến dịch vận động tranh cử của ông Donald Trump và Chính phủ Nga nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Ông Mueller cũng không đề nghị buộc tội bất kỳ trợ lý nào của ông Trump là gián điệp của Chính phủ Nga hay vi phạm luật tài chính vận động tranh cử.

Nhiều khả năng Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có cuộc gặp bên lề G20 tại Nhật Bản. Ảnh: Grist.

Trước đó, cuối tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Tư pháp Barr đã công bố một bản tóm tắt các kết luận điều tra của công tố viên Muller trước Quốc hội, trong đó cho biết ông Muller đã không thể tìm được bằng chứng nào khẳng định mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của ông Donald Trump với Moscow. Ngoài ra, bản tóm tắt cũng cho biết ông Mueller đã không thể kết luận liệu Tổng thống Trump có cản trở công lý bằng cách cản trở cuộc điều tra hay không.

Trong khi Tổng thống Donald Trump và Nhà Trắng hoan nghênh bản tóm tắt này, các chủ tịch của 6 ủy ban thuộc Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát lại gây áp lực buộc Bộ trưởng Barr công bố bản kết luận điều tra đầy đủ cũng như chứng cứ cơ bản.

Cuộc “nội chiến” chưa kết thúc

Bản báo cáo dài 448 trang của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã cho dư luận Mỹ thấy ông Donald Trump từng lo sợ công tố viên Mueller sẽ chấm dứt nhiệm kỳ tổng thống của ông. Công tố viên đặc biệt Mueller đã nêu chi tiết nhiều lần Tổng thống Trump muốn tác động tới cuộc điều tra. Một vài lần ông làm điều đó một cách công khai và nhiều lần khác thì làm một cách bí mật. Ông Trump đã yêu cầu luật sư của ông ở Nhà Trắng tìm cách loại ông Mueller ra khỏi cuộc điều tra.

Mặc dù cuộc điều tra nhận thấy không có người Mỹ nào cố tình tham gia nỗ lực can thiệp của Nga nhưng ông Mueller cũng quả quyết rằng Tổng thống Donald Trump đã nhận được lợi thế từ những mánh khóe, trong đó có việc WikiLeaks tiết lộ nhiều thư điện tử do các điệp viên của Nga đánh cắp được từ đội ngũ của bà Hillary Clinton, đối thủ tranh chức tổng thống đến từ đảng Dân chủ.

Câu hỏi đặt ra là báo cáo của Mueller là tốt hay xấu đối với ông Trump? Đội ngũ cố vấn pháp lý của ông Trump khẳng định bản báo cáo của ông Mueller “hoàn toàn minh oan” cho Tổng thống. Tổng thống Trump thậm chí còn viết trên Twitter rằng: “Gửi những người thù ghét tôi và những người Dân chủ cánh tả cực đoan - trò chơi đã kết thúc”. Sở dĩ ông Trump viết vậy là vì vào thời điểm được bổ nhiệm, ông Mueller đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều nghị sỹ đảng Dân chủ.

Ngay cả trong báo cáo dài 448 trang, vị công tố viên đặc biệt vẫn bỏ ngỏ một vài câu hỏi lớn hoặc chỉ giải đáp một phần. Một vài câu hỏi điều tra mà ông Mueller và FBI - chứ chưa nói tới vô số nhà báo và các “thám tử” nghiệp dư trên mạng internet - nghe nói đã và đang theo đuổi đều không được đề cập đến trong tài liệu rất dài này. Chúng gồm những tương tác bí ẩn giữa Tập đoàn Trump Organization và các máy chủ của Alfa Bank, các công việc nội bộ của công ty khai thác dữ liệu Cambridge Analytica và việc các nước Trung Đông lợi dụng tầm ảnh hưởng của họ nhắm mục tiêu chi phối chính quyền non trẻ của ông Donald Trump.

Phía sau “kỳ án” Russiagate

Vậy tại sao lại có “kỳ án” Russiagate (thuật ngữ ám chỉ việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016)? Theo các nhà phân tích, để hiểu được tại sao Nga lại làm rúng động giới tinh hoa Mỹ và truyền thông chính thống đến vậy, cần phải xem xét từ cuộc chiến tranh giành quyền kiểm soát lục địa Á-Âu. Khu vực chiến lược này luôn nuôi dưỡng lòng ham muốn của Washington, tuy nhiên nó đang dần tuột khỏi tầm tay của họ. Mỹ không thể chấp nhận việc những dự án được xây dựng giữa châu Âu, Trung Quốc và Nga. Chúng ta sẽ thấy rõ điều đó qua việc phân tích các tài liệu chiến lược của Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và lực lượng tình báo Mỹ.

Cuộc đối đầu giữa Tổng thống Trump và ông Mueller cơ bản đã tạm chấm dứt. Ảnh: Outside The Beltway.

Theo đó, Nga dường như không phải là một mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của Mỹ nhưng giới tinh hoa nước này vẫn duy trì một cảm giác chống Nga để biện minh cho những lời lẽ công kích và ngăn không cho đối thủ chính trị của mình phát triển.

Tháng 22012, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố: “Nga là một phần không thể tách rời của “Đại châu Âu” và của nền văn minh châu Âu. Công dân của chúng tôi coi mình là người châu Âu. Đó là lý do vì sao Nga đề xuất hướng đến việc thành lập một không gian kinh tế chung từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương, một cộng đồng mà các chuyên gia Nga coi là Liên minh châu Âu (EU), sẽ củng cố tiềm năng của Nga trong việc xoay trục phát triển kinh tế về phía châu Á mới”.

Những cáo buộc về việc “Nga can dự” chỉ có ý nghĩa nếu chúng được đặt trong một bối cảnh địa chính trị rộng lớn hơn. Từ thời điểm Mỹ nhận thức được rằng cần phải thi hành một chiến lược “ngăn chặn”, bao vây quân sự Nga và Trung Quốc rồi từ đó vươn những chiếc vòi bạch tuộc của họ khắp Trung Á.

Tại thời điểm này, những lời buộc tội Nga đánh cắp thông tin nằm trong một cuộc chiến truyền thông rộng lớn hơn và không cân xứng mà toàn bộ giới tinh hoa chính trị của Washington đều có liên can. Mục tiêu là làm suy yếu một cách bài bản một đối thủ đang nổi lên, đồng thời củng cố quyền bá chủ toàn cầu của Mỹ.

Những cáo buộc đánh cắp thông tin được “xây dựng” nhằm “gieo rắc mối bất hòa và sự chia rẽ” ở Mỹ. Kịch bản này được thiết kế nhằm tạo ra một mối đe dọa ở bên ngoài, có thể biện minh cho sự đáp trả hung hăng của Washington. Đó là thực chất của Russiagate.

Các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ và đồng minh quyết tâm theo đuổi dự án đầy tham vọng “xoay trục sang châu Á” của mình. Chiến lược khu vực mới này đặt trọng tâm vào “việc tăng cường các liên minh an ninh song phương, mở rộng giao thương, tăng cường các hoạt động đầu tư và tạo ra một sự hiện diện quân sự rộng lớn hơn”. Nói tóm lại, Mỹ quyết tâm duy trì quyền bá chủ toàn cầu của mình bằng cách thiết lập những tiền đồn quân sự trên toàn lục địa Á-Âu, đồng thời tiếp tục thắt chặt gọng kìm đối với Nga và Trung Quốc.

Washington cũng tìm cách củng cố vị thế của mình như một nhân tố áp đảo trong khu vực đông dân cư và thịnh vượng nhất thế giới này. Kế hoạch đã được kiến trúc sư về sự thống trị thế giới của Washington, Zbigniew Brzezinski, phác thảo lần đầu tiên. Và cùng xem cách thức mà vị cựu cố vấn an ninh quốc gia này của Tổng thống Mỹ Jimmy Carter tóm lược trong cuốn sách chủ đạo của ông xuất bản năm 1997 mang tên: “Bàn cờ lớn, Mỹ và phần còn lại của thế giới”: “Đối với Mỹ, thách thức chính về địa chính trị chính là lục địa Á-Âu...”.

Chiến lược “xoay trục” không phải là một sự sao chép đơn giản được hâm nóng lại của cuộc chơi lớn trong thế kỷ 19 do các mưu sĩ theo thuyết âm mưu quảng bá. Đây là học thuyết quan trọng nhất của chính sách đối ngoại của Washington, một lý thuyết “tái cân bằng” dựa trên việc tăng cường sự hiện diện quân sự và ngoại giao của Mỹ trên toàn lãnh thổ châu Á.

Ông Mueller sẽ về nhà với công việc riêng của mình. Ảnh: Axios.

Các thách thức với sự thống trị của Mỹ nổi lên khắp nơi, đặc biệt trong khu vực mà Mỹ khao khát thống trị - châu Á. Đương nhiên, những sự di chuyển lực lượng của quân đội NATO đe dọa sườn phía Tây nước Nga và các hoạt động hải quân khiêu khích của Washington ở các khu vực biển thuộc châu Á đã gửi các tín hiệu cảnh báo tới Moscow và Bắc Kinh.

Và Mỹ cũng hiểu rằng, Nga và Trung Quốc sẽ tăng cường nỗ lực để củng cố sức ảnh hưởng của họ ở cả châu Á, châu Âu và nhiều khu vực khác, gây phương hại cho các lợi ích của Mỹ. Một chuyên gia tình báo Mỹ thừa nhận, chính xuất phát từ lo ngại này đã nảy sinh ý đồ tấn công Nga của tình báo Mỹ.

Chuyên gia này cũng thừa nhận: Các đường ống dẫn khí thiên nhiên và tàu cao tốc là những động mạch sẽ nối liền các lục địa và sẽ củng cố siêu nhà nước Á-Âu mới. Đó là cơn ác mộng lớn nhất của Washington. Điều này giải thích tại sao nước Mỹ không chịu từ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.

Tái lập quan hệ toàn diện

Chỉ có “tái lập quan hệ toàn diện” mới giúp hai quốc gia cùng duy trì vị thế hùng cường của mình. Tuy nhiên, theo giới quan sát, Washington và Moscow sẽ phải hóa giải rất nhiều hồ sơ gai góc mới có thể bước đầu cải thiện quan hệ. Hai điểm nóng nổi bật hàng đầu là Iran, Venezuela, vấn đề hạt nhân Triều Tiên, hồ sơ Syria...

Cả hai nước đang tiến gần hơn tới mục tiêu hoàn toàn bình thường quan hệ. Ngay sau khi việc từ chức diễn ra, cũng trong ngày 29-5, Đặc phái viên của Mỹ về Syria, ông Jim Jeffrey cho biết Mỹ và Nga đã tiến hành đàm phán về khả năng đưa Syria thoát khỏi tình trạng bị quốc tế cô lập hiện nay nếu như Damacus đồng ý với một số điều kiện, trong đó có thỏa thuận ngừng bắn tại tỉnh Idlib.

Dấu hiệu tiếp theo dần sáng tỏ thiện chí muốn cải thiện quan hệ song phương là việc hai bên đang tích cực chuẩn bị cho khả năng có thể diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Putin-Trump bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Osaka (Nhật Bản) vào tháng 6. Ý định có vẻ rất tốt, nhưng cứ mỗi lần hai bên mới chỉ nhấn nút khởi động thì đều kết thúc trong thất bại, điều này dẫn đến sự hoài nghi về tính chân thực trong việc cải thiện quan hệ Mỹ-Nga. Có nhiều yếu tố cho thấy, rất có thể cuộc gặp thượng đỉnh này sẽ thành công giúp quan hệ Nga-Mỹ ấm lên.

Trong bối cảnh hiện nay, Mỹ vẫn cần nhận được sự phối hợp và ủng hộ của Nga về các vấn đề Iran, Syria và chống khủng bố. Ngay cả khi sự hợp tác có giới hạn hoặc có cách nhìn không đồng nhất trong cùng một vấn đề thì vẫn cần có sự thống nhất chung giữa hai bên.

Theo hãng tin ITAR-TASS, lực cản của quan hệ Mỹ-Nga thể hiện ở nhiều chiều. Từ nhận thức chung của hai nước, hai nước có sự khác biệt căn bản, giới tinh hoa chính trị Mỹ luôn giữ tư duy Chiến tranh Lạnh, coi Nga là kẻ thù chứ không coi là đối tác bình đẳng. Từ góc độ của dân chúng, tình cảm chống Nga trong lòng nước Mỹ đã thể hiện quá rõ, trong khi người dân Nga lại có ý thức cường quốc mãnh liệt khiến thiếu hụt lòng tin giữa hai bên thêm gia tăng.

Xem xét từ quan hệ Mỹ-Nga, kim ngạch thương mại song phương rất thấp, mức độ phụ thuộc lẫn nhau cũng vậy, điều đó đã cản trở sự phát triển bền vững của mối quan hệ này. Một số vấn đề mang tính cơ cấu, gai góc (như vấn đề Ukraine) vẫn chưa được giải quyết, “danh sách đối lập” hiện nay lại tăng thêm... Các vấn đề này thì nhiều, trong khi điểm chung về lợi ích và có thể đối thoại thực sự hạn chế, đây là vấn đề lớn nhất gây khó khăn cho quan hệ Mỹ-Nga.

Quán tính vận hành của quan hệ Mỹ-Nga rất lớn và nhiều vấn đề không thể giải quyết trong thời gian ngắn. Liệu Tổng thống Trump có thể thực hiện cam kết “chúng ta cuối cùng sẽ chung sống hòa hợp với Nga” hay không, từ đó mở ra cục diện mới trong quan hệ đối với Nga, là điều đáng được chờ đợi.

Và sau khi cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ chấm dứt, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã thực sự muốn một sự khởi đầu mới với Nga?

Hoa Huyền
.
.