Charlie Hebdo và trách nhiệm của tự do ngôn luận

Thứ Tư, 28/01/2015, 10:30
Sau vụ tấn công kinh hoàng, đẫm máu vào tòa soạn tạp chí trào phúng Pháp Charlie Hebdo, vốn có món "đặc sản" là tranh biếm họa người Hồi giáo và đấng tiên tri Mohammed, người dân và phần lớn báo chí thế giới hô vang câu "Je suis Charlie" (Tôi là Charlie) để ủng hộ tờ báo, ủng hộ tự do ngôn luận, tự do báo chí.

Phản đối khủng bố, phản đối bạo lực là đúng, nhưng có điều, chính thứ mà người Pháp gọi là tự do ngôn luận đó đã góp một phần, có lẽ là phần không nhỏ, vào thảm kịch đẫm máu nhất 50 năm qua của nước này. Vì sao? Vì thứ tự do ngôn luận mà Charlie Hebdo thể hiện đã xúc phạm và kích động thù hận không cần thiết.

Tự do ngôn luận cần ủng hộ. Nhưng tự do ngôn luận không có nghĩa là không có giới hạn, không có nghĩa là thích nói gì thì nói, không có nghĩa là không cần biết trong số những người nghe có ai cảm thấy bị tổn thương, bị xúc phạm bởi lời nói của mình hay không. Tự do ngôn luận nên và phải song hành cùng trách nhiệm.

Tờ Charlie Hebdo của Pháp vốn "khét tiếng" với người Hồi giáo và không xa lạ gì với các cuộc tấn công, đe dọa của những người Hồi giáo cực đoan. Tòa soạn này từng bị ném bom khói, còn những họa sĩ biếm họa cốt cán của tạp chí, điển hình là họa sĩ có bút danh Charb, luôn bị dọa giết vì xúc phạm đấng tiên tri Mohammed.

Tạp chí còn từng bị kiện ra tòa vì phân biệt chủng tộc. Nhưng họ không ngừng lại, không vì thế mà họ thôi đưa đấng tiên tri lên trang bìa để bêu riếu, bỡn cợt người Hồi giáo nói chung và khiêu khích những phần tử cực đoan.

Thậm chí, ngay cả sau khi xảy ra vụ xả súng kinh hoàng khiến cả chục nhân viên tòa soạn Charlie Hebdo, trong đó có cả ông Charb, thiệt mạng, những người còn sống vẫn nhất quyết đưa đấng tiên tri Mohammed lên làm ảnh "đinh" trang bìa cho số tạp chí phát hành sau thảm kịch.

Tấm ảnh có hình đấng tiên tri Mohammed cầm khẩu hiệu "Je suis Charlie". Dường như con đường mà Charlie Hebdo nhất quyết dấn thân vào có gì đó không ổn. Tạp chí đã động chạm đến đức tin, tín ngưỡng của người Hồi giáo, những người coi rằng đấng tiên tri của họ linh thiêng đến mức không được phép khắc họa bằng hình ảnh, chứ đừng nói đến chuyện đưa ngài ra làm nhân vật biếm họa.

Nước Pháp làm lễ truy điệu các nạn nhân vụ khủng bố tòa soạn Charlie Hebdo.

Có câu hỏi rằng liệu Charlie Hebdo có dám mạnh tay biêu riếu, châm biếm những tôn giáo khác hay không? Câu trả lời được thể hiện qua việc tạp chí này năm 2008 từng đuổi việc một họa sĩ biếm họa vì có một câu nói châm biếm bị coi là bài Do Thái.

Cũng phải nói rằng không phải tờ báo nào ở phương Tây - vốn tự coi là thiên đường tự do ngôn luận - cũng đồng tình với quan điểm của Charlie Hebdo. Nhiều tờ báo phương Tây dù nói "Tôi là Charlie" nhưng họ không đăng lại tranh biếm họa Mohammed của Charlie Hebdo như một số tờ báo khác theo lời kêu gọi của các nhà hoạt động ủng hộ tự do ngôn luận.

Có lẽ không phải họ sợ bị tấn công hay hèn nhát mà có thể do họ cảm thấy không cần thiết phải theo quan điểm cực đoan hoặc lặp lại những lời của Charlie Hebdo để kích động thêm thù hằn.

Ở phương Tây là thế, còn các nước khác thì sao? Báo chí các nước như Nga, Trung Quốc, Malaysia… dù lên án vụ tấn công nhưng họ cũng nói rõ luôn: Charlie Hebdo sai khi dùng tranh biếm họa để đả kích, bài bác đạo Hồi.

Một số tờ báo ở châu Á xuất hiện nhiều bài xã luận phản đối thứ tự do báo chí không giới hạn và có phần quá đà của Charlie Hebdo.  Tờ New Straits Times coi vụ Charlie Hebdo là sự "hiểm họa của tự do ngôn luận", cho rằng Charlie Hebdo không nên truyền bá những thông điệp thù hằn.

Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cho rằng cộng đồng quốc tế phải bảo vệ quyền lợi và an toàn của ban biên tập tạp chí nhưng điều đó không có nghĩa thế giới ủng hộ những bức biếm họa xúc phạm đức tin của người Hồi giáo.

Có lẽ Charlie Hebdo chỉ có đất sống ở Pháp nói riêng và phương Tây nói chung, nơi mà có một số người nghĩ rằng mọi người Hồi giáo đều xấu xa, rằng bạo lực và khủng bố là "đặc sản" độc quyền của đạo Hồi, bất chấp thực tế rằng gây ra vô số bạo lực, đổ máu trong lịch sử lại từng là các tôn giáo chính thống khác.

Có một kết quả khảo sát ở một số nước như Mỹ, khoảng 60% người dân không quen biết một người Hồi giáo nào cả và họ có thể chỉ biết về Hồi giáo qua tin tức báo chí đưa về khủng bố.

Hiểu biết hạn chế về đạo Hồi và cách thức phương Tây bêu riếu những điều mà người Hồi giáo tôn thờ, sùng kính đã và đang bị những kẻ khủng bố trong thế giới Hồi giáo lợi dụng để cực đoan hóa, quá khích hóa, khủng bố hóa những người Hồi giáo, biến họ thành quả bom ở đất phương Tây.

Thùy Dương (tổng hợp)
.
.