Châu Á vất vả với đợt COVID-19 mới

Thứ Ba, 12/01/2021, 13:38
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha ngày 6-1 quyết định tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 tại các tỉnh có nguy cơ cao, trong đó tập trung vào việc kiểm soát những người ra vào các tỉnh này. Các lực lượng chức năng được phép kiểm tra, kểm soát tất cả các tuyến đường và phương tiện giao thông cũng như triển khai thêm các điểm kiểm tra sức khỏe để giám sát người ra vào.

Ông Prayut Chan-o-cha quyết định nâng cấp từ "khu vực kiểm soát tối đa" thành "khu vực kiểm soát tối đa và chặt chẽ" với 5 tỉnh gồm Samut Sakhon, Chon Buri, Rayong, Trat và Chanthaburi. 

Theo đó, người dân tại 5 tỉnh này phải cài và liên tục sử dụng phần mềm truy vết là Mor Chana và Thai Chana, trong khi các quy định chặt chẽ hơn về việc di chuyển cũng được áp dụng tại 5 tỉnh này. Cũng theo quy định mới, công dân dính líu đến việc làm bùng phát đợt dịch COVID-19 mới này có thể đối mặt với án phạt lên tới 2 năm tù hoặc phạt tiền lên đến 40.000 baht (khoảng 1.330 USD), cũng như có thể chịu cả 2 hình thức này. Những người cố tình che giấu lịch sử di chuyển hoặc cung cấp thông tin sai cũng sẽ bị truy tố theo Luật Bệnh truyền nhiễm của Thái Lan.

Cùng các biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Chính phủ Thái Lan cho biết đang tìm kiếm thêm địa điểm để mở các bệnh viện dã chiến ở nhiều tỉnh nhằm chuẩn bị cho khả năng có thêm nhiều bệnh nhân COVID-19 nếu các ca lây nhiễm mới tiếp tục gia tăng. 

Người phát ngôn Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (COSA) Taweesilp Visanuyothin cho biết các quan chức cấp cao của Bộ Y tế nước này và các văn phòng địa phương đang khảo sát các khu vực tại tỉnh Ubon Ratchathani để tìm điểm phù hợp cho bệnh viện dã chiến. Trước đó, Thái Lan đã thành lập các bệnh viện dã chiến tại những khu vực bị phong tỏa trong và xung quanh chợ tôm trung tâm ở huyện Muang thuộc tỉnh Samut Sakhon, tâm điểm của đợt bùng phát COVID-19 đang diễn ra.

Cùng ngày, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Philippines (FDA) cho biết hãng dược AstraZeneca của Anh đã nộp đơn xin nước này cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 tại nước này. AstraZeneca là hãng dược thứ hai nộp đơn xin FDA phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 tại Philippines. Hồi tháng trước, hãng dược Mỹ Plizer đã có động thái tương tự.

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Indonesia, ông Budi Gunadi Sadikin cam kết sẽ cố gắng hết sức để có thể hoàn tất chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 trong vòng một năm theo yêu cầu của Tổng thống Joko Widodo. Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến từ Phủ Tổng thống tại Jakarta, ông Budi cho biết chương trình dự kiến tiêm chủng toàn quốc cho 181 triệu người - số người cần được tiêm vaccine để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng tại quốc đảo này - sẽ được hoàn tất trong 15 tháng. Hiện khoảng 3 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 do công ty dược phẩm Sinovac Biotech của Trung Quốc phát triển đã được phân phối đến khắp các tỉnh thành ở Indonesia.

Làn sóng mới của đại dịch COVID-19 khiến nhiều quốc gia phải tính đến chiến lược dài hơi.

Tại Nhật Bản, Thủ tướng Suga Yoshihide đã có cuộc họp với Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nishimura Yasutoshi và Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Tamura Norihisa về việc ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp, Bộ trưởng Nishimura, người phụ trách công tác ứng phó với dịch COVID-19 của Chính phủ cho biết, Thủ tướng Suga đã chỉ thị cho ông phác thảo các biện pháp chi tiết sẽ được áp dụng khi ban bố tình trạng khẩn cấp càng sớm càng tốt.

Cùng với việc ban bố tình trạng khẩn cấp, Thủ tướng Suga dự định sẽ trình lên Quốc hội nước này dự thảo sửa đổi luật về các biện pháp đặc biệt để ứng phó với dịch COVID-19, trong đó có việc cho phép công khai danh tính các nhà hàng và quán bar không tuân thủ yêu cầu rút ngắn thời gian hoạt động của chính quyền. Chính phủ Nhật Bản sẽ tăng mức hỗ trợ tài chính cho các cơ sở kinh doanh tuân thủ các yêu cầu đó. Mặt khác, Chính phủ sẽ thúc đẩy mô hình làm việc từ xa và siết chặt các biện pháp hạn chế liên quan tới hội họp và tổ chức sự kiện.

Cùng ngày, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDA) thông báo nước này đã quyết định gia hạn lệnh cấm các chuyến bay thẳng từ Anh thêm 2 tuần do lo ngại biến thể mới của SARS-CoV-2 lây lan. Theo đó, Hàn Quốc sẽ cấm các chuyến bay từ Anh đến ngày 21-1.

Lệnh cấm các chuyến bay từ Anh được Hàn Quốc áp đặt lần đầu tiên từ ngày 23-12 đến cuối năm 2020 và đã được gia hạn thêm một lần đến ngày 7-1. Tuy nhiên, Hàn Quốc liên tục ghi nhận các ca nhiễm biến thể mới của SARS-CoV-2. Giới chức y tế nước này xác nhận đã có 11 ca nhiễm biến thể mới được phát hiện tại Anh và 1 trường hợp nhiễm biến thể được phát hiện tại Nam Phi.

Và thêm một tin vui đối với các quốc gia đang vật lộn với đại dịch COVID-19. Ngày 6-1, cơ quan giám sát dược phẩm của Liên minh châu Âu đã phê chuẩn vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Mỹ Moderna. Đây là loại vaccine ngừa COVID-19 thứ hai được Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) phê chuẩn. Trước đó là với vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech.

Ngọc Lan (Tổng hợp)
.
.