Châu Âu: Cần đoàn kết trong cơn bĩ cực

Thứ Tư, 25/03/2020, 14:00
Trong vòng hơn một tháng qua, đại dịch COVID-19 đã chuyển tâm chấn của nó sang châu Âu, khiến cuộc sống của cả “lục địa già” thay đổi đột ngột đến mức “trở tay không kịp”. Nó không chỉ tác động đến hàng trăm nghìn người tại châu Âu mà còn trở thành một thử thách đầy khắc nghiệt đối với Liên minh châu Âu (EU), vốn đang tồn tại quá nhiều vấn đề.

Cú sốc với châu Âu

Cách đối phó với đại dịch COVID-19 và giảm thiểu những tác động của nó đối với người dân của EU, nền kinh tế của các nước thành viên và sự gắn kết giữa các nước thành viên chỉ là một trong số những vấn đề nối dài danh sách các cuộc khủng hoảng của EU. Mặc dù vấn đề sức khỏe của người dân được đặt lên hàng đầu, song sự tín nhiệm của các thể chế, nền kinh tế và hình ảnh của EU trong con mắt thế giới đều đang lâm nguy.

Giới phân tích cho rằng sự lây lan của COVID-19 ở châu Âu, kéo theo đó là các biện pháp ngăn chặn kém hiệu quả đã khiến cho lục địa này phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế và một cú sốc lớn về kinh tế. Cú sốc kinh tế đối với châu Âu không chỉ là cú sốc từ phía “cung”, tác động hạn chế đến các lĩnh vực và công ty phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc hoặc khách du lịch Trung Quốc mà còn là cú sốc về “cầu” vì các chính phủ trong khu vực đã áp đặt các biện pháp hạn chế chưa từng có trong thời bình đối với người dân nhằm trì hoãn lây lan của dịch bệnh, bảo vệ hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Diễn biến trên làm thay đổi hoàn toàn triển vọng kinh tế của khu vực và do đó các định chế tài chính phải điều chỉnh giảm dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực này trong năm nay, từ 1,6% xuống còn 0,8% và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) từ 1,2% xuống còn 0,4%. Các nền kinh tế lớn của châu lục có tốc độ tăng trưởng kinh tế được điều chỉnh lần lượt là Đức 0,3%; Pháp 0,5%; Anh 0,6% và Italy là âm 1,1%.

Giới phân tích nhận định sự điều chỉnh trên mới chỉ tính đến tác động của việc thời gian làm việc bị cắt giảm, người dân và nhà đầu tư trì hoãn quyết định chi tiêu và đầu tư, đình trệ trong kinh doanh, giao dịch thương mại và du lịch suy giảm, cũng như các biện pháp quyết liệt mà chính phủ đã áp dụng để ngăn chặn dịch nhưng chưa tính đến các nhân tố như cuộc khủng hoảng hệ thống y tế, cuộc khủng hoảng nợ doanh nghiệp hay niềm tin của công chúng vào chính phủ hoặc trật tự công đổ vỡ. Tất cả những rủi ro này đều làm cho triển vọng kinh tế xấu đi.

Khung cảnh vắng vẻ ở Piazza della Scala (Milan) - trung tâm văn hóa và kinh tế của Italy.

Trước những dự báo có thể đẩy châu Âu đến “bờ vực thẳm”, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã thông qua Chương trình mua khẩn cấp tài sản tạm thời (PEPP) đối với trái phiếu khu vực công và tư nhằm ứng phó với các rủi ro nghiêm trọng đối với cơ chế chuyển giao chính sách tiền tệ và triển vọng Eurozone, trị giá lên tới 750 tỷ euro đến hết năm 2020. Quyết định “mở ví” của ECB được công bố sau khi ngân hàng này vừa tung ra chương trình mua tài sản trị giá 120 tỷ euro, nâng tổng số tiền hỗ trợ lên đến 1.000 tỷ euro trong vòng 9 tháng tới.

Ngoài ra, ECB cũng tăng cường cho vay giá rẻ đối với các ngân hàng và cấp cho họ nhiều hình thức cứu trợ vốn khác nhau. Tuy nhiên, động thái này chưa thật sự mang lại hiệu quả bởi nhiều quốc gia Eurozone đã áp đặt biện pháp phong tỏa đối với cư dân để ngăn chặn đà lây lan của COVID-19, qua đó buộc nhiều hoạt động phải đóng cửa, trong khi tiêu dùng bị đình trệ.

Phản ứng của châu Âu

ECB đã đưa ra hàng loạt chính sách hỗ trợ, song giới phân tích đánh giá phản ứng của châu Âu đối với đại dịch cho đến nay là chậm trễ và thiếu phối hợp. Cho đến nay, chính phủ các nước đang đưa ra các biện pháp khác nhau để xử lý cuộc khủng hoảng này, thay vì một giải pháp có tính phối hợp. Và trong vài tuần qua, hình ảnh chung mà EU bộc lộ là sự thiếu hành động, thiếu hợp tác và không thống nhất.

Khi dư luận bắt đầu phản ứng với sự thiếu hành động của liên minh thì Ủy ban châu Âu (EC) mới đưa ra một chương trình nghị sự chung, đó là Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đề xuất đóng cửa các đường biên giới bao quanh liên minh, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì thị trường chung. Bà đã khuyến khích sự tự do vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là những mặt hàng liên quan đến y tế cộng đồng, đồng thời yêu cầu cấp giấy phép ưu tiên cho xuất khẩu trang thiết bị y tế ra ngoài EU.

Chương trình nghị sự của EC còn bao gồm sự ủng hộ cho các sáng kiến mua trang thiết bị y tế như găng tay, khẩu trang và quạt thông gió; tài trợ cho hoạt động nghiên cứu, phát triển một loại vaccine phòng COVID-19.

Sự phối hợp giữa Hội đồng châu Âu và EC cũng là một sự tiến triển đáng khích lệ. Hạn chế đà lây lan của đại dịch COVID-19 là trọng tâm của kế hoạch và các lãnh đạo đã bật đèn xanh cho Ủy ban, và đây được kỳ vọng là một giai đoạn mà sự hợp tác của các nước thành viên đã bắt đầu.

Cuộc khủng hoảng từ đại dịch COVID-19 đòi hỏi sự hợp tác đối phó cả ở ngắn và trung hạn. Việc một nước tự cứu mình, hay giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng và tập trung vào từng thành viên riêng lẻ, không thể là một giải pháp. Hỗ trợ những nước láng giềng xung quanh khi cần sẽ là bước đi đầu tiên hướng tới một liên minh mạnh mẽ hơn để đối phó với đại dịch. Đây cũng là đường lối đúng đắn để nâng cao hình ảnh của liên minh với bên ngoài. Và một hành động mang tính toàn cầu của châu Âu nên bắt đầu bằng một sự đoàn kết toàn diện giữa các thành viên với nhau.

Đoàn kết trong một thời điểm khủng hoảng nên là trọng tâm trong lẽ sống của EU. Đây là cách thức duy nhất để thuyết phục người dân châu Âu rằng đó là một kế hoạch cho tương lai của họ, để giúp họ tin rằng liên minh đang cùng nhau mạnh mẽ hơn. Đó cũng là con đường duy nhất để EU trở thành một nhân tố địa chính trị toàn cầu. Cuộc khủng hoảng này, đại dịch toàn cầu này, nên được coi là một hồi chuông cảnh tỉnh.

Quang Nguyễn
.
.