Châu Âu: Đối phó với các ngân hàng thua lỗ

Thứ Sáu, 05/07/2013, 16:50

Từ nay, khi các ngân hàng của châu Âu bị thua lỗ, phá sản thì các cổ đông, chủ nợ và những người gửi tiền sẽ phải chịu gánh nặng thua lỗ chứ không phải người dân đóng thuế.

Đó là một thỏa thuận mang tính "cách mạng" vừa được Bộ trưởng Tài chính các nước châu Âu thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng nhóm họp ngày 27/6 tại thủ đô Brussels của Bỉ trong một nỗ lực nhằm tìm tiếng nói chung về cách thức giải cứu các ngân hàng gặp khó khăn trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.

Trong 3 năm qua, Liên minh châu Âu (EU) đã chi hàng trăm tỉ USD để cứu nguy cho ngành tài chính ngân hàng của một số quốc gia thành viên bị nợ nần chồng chất, bắt nguồn từ việc các ngân hàng làm ăn thua lỗ. Điều đáng nói là nhiều lần, các khoản cứu nguy của EU lại lấy tiền từ người dân đóng thuế của các nước đóng góp khác nhằm giữ cho các ngân hàng không bị phá sản. Chính điều này đã dẫn đến nhiều phong trào phản kháng mạnh mẽ của người dân các nước đóng góp nhiều cho ngân sách châu Âu như Đức, Pháp.

Chẳng hạn, để có thể giữ cho khối liên minh tiền tệ này không bị "giải tán", Đức nhiều lần đã phải móc hầu bao cứu nguy cho các nước nợ nần như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ai Len… Và khoản tiền cứu trợ của cĐức không phải từ trên trời rơi xuống mà chính từ tiền ngân sách thu của dân. Phong trào phản kháng của người dân Đức, bao gồm cả các đảng phái chính trị đối lập, lên cao tới mức đã có tiếng nói yêu cầu trục xuất những thành viên bị khủng hoảng ra khỏi EU, hoặc nếu không Đức sẽ rút khỏi khối này để cho "đỡ mệt"…

Các nhà cầm quyền ở những nước lớn trong nhóm EU đã mệt mỏi trong suốt 3 năm qua nhằm tìm ra cách đối phó với việc cứ phải gánh nợ cho những thành viên khác. Và tiền đề cho thỏa thuận hôm 27/6 chính là cách xử lý vụ khủng hoảng nợ ngân hàng ở Síp hồi tháng 3/2013. Trong vụ này, lần đầu tiên, các khoản tiền gửi lớn nhất trong ngân hàng của Síp bị tịch thu để giúp trả khoản cứu nguy tài chính của đảo quốc này. Đây là bước đi cần thiết của chính quyền Síp nhằm có được khoản viện trợ 10 tỉ euro của Liên minh châu Âu nhằm cứu hệ thống ngân hàng đảo quốc Địa Trung Hải này khỏi bị sụp đổ và khả năng quốc gia này bị loại ra khỏi khối đồng euro.

Nhằm đáp ứng điều kiện của EU, chính quyền Síp đã đề xuất một kế hoạch "mới mà cũ" để huy động 5,8 tỉ euro. Đó là áp thuế 20% một lần duy nhất đối với các khoản tiền gửi trên 100.000 euro không có bảo hiểm ở Ngân hàng Síp, ngân hàng lớn nhất nước này. Chính quyền cũng sẽ áp mức thuế 4% đối với các khoản tiền gửi trên 100.000 euro không có bảo hiểm ở tất cả các ngân hàng khác, bao gồm 26 ngân hàng nước ngoài hoạt động ở Síp. Truyền thông Síp và quốc tế mô tả đây thực chất là hành động tịch thu một phần tiền gửi ngân hàng của người dân Síp.

Bộ trưởng Tài chính 27 nước thành viên châu Âu vừa thông qua một kế hoạch giải cứu "ngoạn mục" các ngân hàng bị vỡ nợ vào ngày 27/6 tại Bỉ.

Phát biểu sau cuộc họp tại Brussels hôm 27/6, Bộ trưởng Tài chính Đức, ông Wolfgang Schaeuble nói rằng, khi các ngân hàng thực hiện những quyết định sai lầm về tài chính, thì họ sẽ phải nhận trách nhiệm. Còn Bộ trưởng Tài chính Hà Lan, Jeroen Dijsselbloem, nói rằng, các ngân hàng sẽ phải đối phó với những sai lầm của họ.

Theo quy định mới được lãnh đạo tài chính khối EU thông qua, các chủ nợ và cổ đông ngân hàng là người bị ảnh hưởng đầu tiên, tiếp theo là những người gửi tiền tiết kiệm trên 100.000 euro. Nếu vẫn chưa đủ, chính phủ sẽ tham gia vào gói giải cứu và người nộp thuế nằm trong số những đối tượng cuối cùng gánh chịu thua lỗ.

Bước tiếp theo, các chính phủ EU sẽ đàm phán về thỏa thuận này với Quốc hội châu Âu để thỏa thuận được thông qua. Tuy nhiên theo giới quan sát, gần như chắc chắn thỏa thuận của Bộ trưởng Tài chính EU đạt được hôm 27/6 sẽ được các nước thông qua và cho áp dụng ngay trong thời gian tới.

Hội nghị của các nhà lãnh đạo tài chính EU ngày 27/6 đã diễn ra trước một hội nghị thượng đỉnh của các nguyên thủ quốc gia châu Âu tại Brussels, để thảo luận về phương cách cắt giảm tỉ lệ thất nghiệp cao kỷ lục tại cựu lục địa này và chấm dứt cuộc suy thoái kinh tế đã kéo dài tới mấy năm qua ở châu Âu.

Lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU họp trong hai ngày 27 và 28/6 để bàn về các vấn đề vẫn như cũ: tạo việc làm cho giới trẻ. Hiện có đến hơn 5 triệu thanh niên không công ăn việc làm tại châu Âu. Đây là một vấn đề kinh tế, nhưng do tầm mức nghiêm trọng của hiện tượng, nó đã trở thành một vấn đề chính trị, buộc các chính phủ phải xem xét lại vấn đề chính sách khắc khổ đang được áp dụng.

Một chủ đề bàn thảo khác tại Hội nghị thượng đỉnh EU lần này là kế hoạch 120 tỉ euro được thông qua cách đây một năm theo sáng kiến của Pháp, nay đã tiến hành đến đâu. Rõ ràng là còn phải mất nhiều thời gian để kế hoạch này phát sinh một chút hiệu quả.

27 nước châu Âu còn phải thông qua các đề nghị của Ủy ban châu Âu đối với từng nước, định hướng cải tổ cho mỗi quốc gia để đánh đổi lấy 2 năm "xả hơi" trong việc giảm thâm thủng ngân sách. Nước Pháp như thế đã có một số đề nghị rất cụ thể về cải tổ lương hưu, nhất là việc đẩy tuổi về hưu dài hơn hạn 62 tuổi hiện nay. Việc này quả là một thách thức và khiêu khích đối với chính phủ cũng như công đoàn Pháp, cho nên Paris rất muốn việc này phải được xem xét lại.

Trước khi cuộc họp khai mạc, chủ tịch 3 định chế của Liên minh - Ủy ban châu Âu, Hội đồng châu Âu, Nghị viện châu Âu - thông báo đã đạt được thỏa thuận chính trị trên ngân sách 960 tỉ euro cho giai đoạn từ 2014-2020. Nhưng thỏa thuận này còn phải được các nghị sĩ châu Âu thông qua với đa số quy định là 754 phiếu

Một Thạch (tổng hợp)
.
.