Châu Âu: Nguy cơ khủng bố trở lại

Thứ Hai, 26/09/2011, 22:35

Hàng loạt vụ phá vỡ âm mưu khủng bố tại Anh và một số nước Bắc âu trong hơn 10 ngày qua đã khiến giới chức an ninh châu Âu lo ngại khủng bố đang bắt đầu rục rịch trở lại sau một thời gian tạm lắng. Điểm đáng chú ý là bọn khủng bố không có biểu hiện quá rõ rệt như trước đây mà âm thầm chuẩn bị hành động.

Cảnh sát vùng Trung Tây nước Anh không tiết lộ những kẻ bị bắt thuộc sắc tộc nào, nhưng phát ngôn viên cảnh sát Marcus Beale cho báo chí biết: nhóm nghi can khủng bố bao gồm cả thành phần Hồi giáo cực đoan, là người địa phương, hành động tập thể và đang trong giai đoạn vạch kế hoạch tấn công các mục tiêu công cộng của Anh. Có dư luận cho rằng bọn khủng bố chuẩn bị tấn công vào hội nghị của đảng Dân chủ Tự do dang diễn ra tại thành phố Birmingham. Tuy nhiên, cảnh sát đã bác bỏ khả năng này. Giới quan sát đưa ra một nhận định: Ngày 20/9 là đúng 10 năm ngày Tổng thống Mỹ George W. Bush tuyên chiến với khủng bố, phát động cuộc tấn công vào Afghanistan. Nhiều khả năng các nghi can khủng bố đang định "làm một vụ" để kỷ niệm sự kiện này?

Hiện tại, mức báo động khủng bố ở Anh vẫn duy trì ở mức thứ 3 là "đáng kể" (substantial) (mức cao nhất là critical - nguy kịch, mức thứ 2 là severe - gay gắt). Mức báo động cao nhất ở Anh diễn ra vào tháng 6/2007 với vụ tấn công khủng bố ở sân bay Glasgow và sau đó cảnh sát ngăn chặn được một xe bom chuẩn bị kích nổ ở trung tâm thành phố London. Đến tháng 7/2011, mức báo động khủng bố dần dần được hạ xuống mức 3 - "đáng kể".

Vụ phá vỡ âm mưu khủng bố hôm 19/9 nằm trong đợt truy quét khủng bố lớn thứ 2 trong năm nay ở Anh, cho thấy nguy cơ khủng bố vẫn còn khá lớn tại Anh và châu Âu. Hồi tháng 5/2011, cảnh sát đã bắt giữ 5 thanh niên trong độ tuổi 20 ở gần nhà máy điện hạt nhân Sellafield, Tây Bắc Anh, sau khi cảnh sát chặn xe lục soát và phát hiện một số thiết bị gây nổ trong xe. Vụ bắt giữ này diễn ra vào ngày 2/5, tức 1 ngày sau khi đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden tại Abbottabad, Pakistan, vì vậy có dư luận cho rằng đây là một vụ trả thù của Al-Qaeda.

Nhà máy điện hạt nhân Sellafield là mục tiêu của một âm mưu khủng bố bị phá hồi tháng 5/2011.

Trước đó nữa, vào tháng 12/2010, cảnh sát Anh cũng đã bắt giữ 12 nghi can khủng bố người gốc Bangladesh với các hoạt động "điều nghiên hiện trường" nhằm chuẩn bị cho hành động khủng bố. 9 trong số đó đã bị khởi tố. Mục tiêu của nhóm này là Đại sứ quán Mỹ, Thị trường chứng khoán London và các mục tiêu chính trị, tôn giáo khác.

Vụ phá vỡ âm mưu khủng bố vừa qua của cảnh sát Anh cho thấy cuộc chiến chống khủng bố ở Anh và châu Âu vẫn đang diễn ra một cách quyết liệt, châu Âu nói chung vẫn là mục tiêu khủng bố. Bọn khủng bố ngày nay, nhất là sau khi trùm khủng bố Osama bin Laden đã bị tiêu diệt hồi tháng 5/2011, hành động mang tính chất địa phương nhiều hơn.

Ngay cả những quốc gia từng được xem là "thiên đường" như Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch cũng dần trở thành những mục tiêu khủng bố. Vụ khủng bố kép tại một khu nghỉ dưỡng trên đảo Utoya và ngay trước tòa nhà Chính phủ ở thủ đô Olso hôm 22/7 vừa qua (78 người chết) là một điển hình về khủng bố mới, với thủ phạm là một kẻ tâm thần không bình thường, căm ghét Hồi giáo và luôn toan tính "trả thù xã hội". Nhưng trong âm mưu khủng bố ở Thụy Điển, với 4 nghi can bị cảnh sát bắt giữ khi chuẩn bị kế hoạch khủng bố tại một phòng trưng bày tranh ở thành phố Gothenburg vào dịp 11-9 vừa qua thì rõ ràng chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan đang trở lại là mối đe dọa hàng đầu, cho dù "ông trùm" Bin Laden đã bị tiêu diệt.

Ngày 11/9/2011 là kỷ niệm 10 năm sự kiện khủng bố Al-Qaeda tấn công nước Mỹ, và đó cũng là dịp mà khắp từ châu Âu cho đến Mỹ, hàng loạt âm mưu khủng bố đã bị phá. Vài ngày trước 11/9/2011, thành phố New York - trung tâm của lễ kỷ niệm tại Mỹ - được đặt trong tình trạng báo động cao độ, và các nhà điều tra chống khủng bố thuộc Bộ An ninh nội địa Mỹ đã phải làm việc tối đa. Cùng thời gian đó, tại Đức, cảnh sát thủ đô Berlin đã bắt được 2 nghi can cho là kẻ chế tạo bom (theo Die Welt), công dân Đức gốc Liban và 1 đến từ Dải Gaza. 2 người này bị bắt khi cảnh sát kiểm tra phát hiện mang theo người các sản phẩm dùng để chế tạo bom mà bọn khủng bố hay dùng. Điều này cho thấy châu Âu hiện đang rất nhạy cảm với những mối đe dọa khủng bố.

Tờ Die Welt của Đức ngay sau đó đã đưa ra lời cảnh báo rằng, nếu an ninh Đức không ngăn chặn kịp thời ngay từ khi bọn khủng bố còn đang điều nghiên kế hoạch, thì nhiều khả năng một vụ 11-9 thứ 2 đã xảy ra ở châu Âu, cụ thể là Đức.

Những vụ phát hiện và bắt giữ nghi can khủng bố ở Đức, Thụy Điển và Anh như nêu trên cũng phản ánh một điều đáng lạc quan là các cơ quan an ninh ở châu Âu ngày nay đã cảnh giác hơn nhiều so với trước đây, một phần nhờ sự chia sẻ thông tin tình báo chống khủng bố hiệu quả hơn, phần còn lại là do sau nhiều lần bị khủng bố tấn công gây thương vong lớn, an ninh châu Âu đã kinh nghiệm hơn và bản lĩnh hơn

Văn Trương (tổng hợp)
.
.