Châu Âu bất an trước làn sóng cực hữu

Thứ Tư, 16/11/2016, 15:35
Chiến thắng của tỷ phú Donald Trump tại Mỹ như một cơn mưa rào trút xuống cựu lục địa giúp các phong trào cực hữu tại châu Âu có cơ hội phát triển mạnh mẽ và tự tin rằng chính sách dân túy sẽ đưa họ trở lại quyền lực.

Sau Donald Trump, nền chính trị phương Tây vừa bị “bồi” tiếp bởi hai cú đấm, khi các cuộc bầu cử ở Bulgaria và Moldova đều cho kết quả rất tồi tệ với EU. Tại Bulgaria, ông Rumen Radev - từng là Tư lệnh Không quân - thắng cử dễ dàng. Đáng nói, Radev là người theo đường lối dân tộc chủ nghĩa, chủ trương nối lại quan hệ với Nga (tức đi ngược lại với chính sách chung của EU).

Về mặt cá nhân, Radev cũng có kiểu cách hao hao Tổng thống Nga Putin. Về chính sách của mình, Radev tuyên bố: “Tôi học trường không quân ở Mỹ, phục vụ NATO, nhưng tôi vẫn lái MiG-29 (máy bay biểu tượng của Liên Xô và Nga). Tôi trước hết và sau cùng là người Bulgaria”. Với chính sách thiên về dân túy như vậy, ông Radev được lòng cử tri đất nước nghèo nhất EU. Người dân Bulgaria dường như đã chán ngấy hệ thống chính trị phụ thuộc EU quá đáng.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier (giữa) trao đổi với Ngoại trưởng Cộng hòa Síp Ioannis Kasoulides (trái) và Ngoại trưởng Đan Mạch Kristian Jensen trong cuộc họp các ngoại trưởng EU tại Brussels, ngày 14-11.

EU - tiếng là một cộng đồng dân chủ - nhưng các quốc gia Đông Âu nghèo khó như Bulgaria bị xem là thành viên hạng bét, không có tiếng nói gì. Khi EU chiến tranh kinh tế với Nga, Bulgaria thiệt hại nặng nề nhưng sự phản đối không được các “ông lớn” như Đức, Pháp ngó ngàng. Thậm chí, trót nghe lời Mỹ và EU, Bulgaria đã phá dự án khí đốt “Dòng chảy phương Nam” với Nga. Tưởng đâu được EU bồi thường, không ngờ lại bị đánh quả lơ.

Trong khi đó, tại Moldova, ứng viên thân Nga Igor Dodon cũng dễ dàng đánh bại ứng viên thân EU. Moldova cũng là một trong những nước bé nhỏ nghèo khó nhất khu vực Đông Âu. Họ cũng trải qua thời gian hướng Tây đầy trắc trở. Sự lên ngôi của Dodon - một người theo chính sách dân tộc - một phần nào đó cho thấy người dân Moldova thực sự cảm thấy chán nản với sự đổi mới quá nóng vội của đất nước, vốn không đem lại kết quả mà chỉ chuốc lấy sự mất ổn định.

Thực ra thì cách nói “thân Nga” chỉ là miệng lưỡi truyền thông, nhằm tuyên truyền. Cũng như truyền thông Mỹ nói Donald Trump thân Nga, thân Putin vậy. Còn thực chất thì các chính trị gia này thắng cử không hẳn là thân Nga, mà chủ yếu là chính sách của họ rất thực tế, và đương nhiên là nó trùng hợp với chính sách của Nga.

Các nước Đông Âu đáng ra phải giữ kiểu cân bằng ảnh hưởng giữa Nga và phương Tây thì mới thiết thực và hiệu quả nhất. Nhưng trong một thời gian dài, “diễn biến hòa bình” của Mỹ khiến giới chính trị ở đó gần như bị tê liệt ý thức cân bằng. Họ mù quáng chạy theo phương Tây bằng tốc độ nhanh nhất có thể, bất chấp tất cả... Nhưng người dân dần nhận ra rằng, với chính sách lệ thuộc hoàn toàn vào phương Tây, họ không còn là... chính mình. Ngay cả khi đời sống kinh tế có chút khá lên, thì điều đó cũng không khiến họ khỏi chạnh lòng...

Nằm giữa hai làn đạn, một bên là Nga, một bên là Mỹ và EU, họ cảm thấy ngày càng mệt mỏi. Phương Tây, để phục vụ chiến lược bao vây Nga, đã hối thúc các nước này chống lại nước Nga. Nhưng, giới chính trị gia thì có sự thực dụng để... chống Nga, chứ còn dân chúng thì vẫn nặng nợ với Nga. Những mối liên hệ trong quá khứ giữa Nga và Đông Âu, nhất là về mặt lịch sử, tôn giáo, chủng tộc,... đâu dễ gì xóa bỏ.

Các chính trị gia theo đường lối dân tộc chủ nghĩa đã khai thác tình cảm đó của dân chúng. Họ cho rằng đâu mắc gì phải đánh đổi quá lớn như vậy. Họ cho rằng quốc gia của mình cần phải quay trở lại với Nga để không đi theo hướng thiên lệch rất nguy hiểm như vậy...

Trong khi đó tại Pháp, bà Marine Le Pen - chính trị gia theo đường lối dân tộc chủ nghĩa tuyên bố chiến thắng của ông Trump là chiến thắng của nhân dân đối với giới chóp bu (thiểu số thống trị). Le Pen hi vọng người dân Pháp sẽ noi gương dân Mỹ để chọn bà làm người dẫn dắt nước Pháp trong cuộc bầu cử năm tới. Không chỉ muốn lấy lại quyền lực cho dân Pháp, Le Pen còn muốn người dân khắp EU được quyền thể hiện tiếng nói, giống như dân Anh trong cuộc trưng cầu Brexit.

Ông Rumen Radev theo đường lối dân tộc chủ nghĩa vừa đắc cử Tổng thống Bulgaria.

Khi được hỏi về cơ hội làm nên lịch sử như Trump không, Le Pen nói sẽ cho giới chính trị tinh hoa ở Pháp một cú sốc mới. Theo bà, Trump có thể biến không thể thành có thể, thì tại sao bà lại không. Cũng như Trump, Le Pen từ lâu bị cáo buộc là “tay trong” của Tổng thống Putin ở Pháp. Có nhiều cáo buộc với bà, như cáo buộc nhận tiền tài trợ từ Nga. Tuy nhiên, Le Pen không ngần ngại chống lại việc nước Pháp gây thù chuốc oán với Nga.

Trả lời BBC News, Le Pen nói châu Âu chẳng việc gì phải e sợ Nga: “Châu Âu chỉ có thể mạnh hơn nếu thương lượng và đồng ý hợp tác với Nga”. Theo Le Pen, chính EU mới là đang làm mất ổn định châu Âu, chứ đừng đổ thừa cho Nga.

Hiện tại, Le Pen được cho là “quả bom” sắp làm nổ tung khối EU vốn đã trở nên rung lắc sau sự ra đi của nước Anh. Giới chính trị châu Âu đã rất nỗ lực tìm cách “tiêu diệt” Le Pen nhưng với sự thành công của Trump, có lẽ họ sẽ phải nỗ lực nhiều hơn.

So với Mỹ hay Anh thì lý do để Pháp quay trở lại con đường dân túy, dân tộc chủ nghĩa còn chính đáng hơn. Thời gian qua, vị thế của Pháp ngày càng xuống, do sự phụ thuộc thái quá vào chính sách của Mỹ. Các vụ khủng bố đẫm máu càng khiến dân chúng mệt mỏi với “cuộc chiến chống khủng bố” mà Tổng thống Hollande theo đuổi.

NATO luôn được Mỹ cho là “bảo bối” để chống lại “kẻ hung hăng” Nga nhưng lý luận này dường như không được tân Tổng thống Mỹ Donald Trump quan tâm. Đã hơn một lần, Trump nói sẽ xem xét lại hiệu quả của tổ chức quân sự lớn nhất thế giới - tàn dư của Chiến tranh Lạnh. Trump từng tuyên bố là nếu thấy NATO chỉ tổ ngốn tiền thuế của dân Mỹ, thì Trump sẽ bỏ NATO, hoặc tìm cách làm sao để NATO... mang lại tiền cho nước Mỹ. Ở đây là tiền cho-nước-Mỹ chứ không phải cho các tập đoàn vũ khí.

Trump từng tuyên bố NATO đã lỗi thời (về mục tiêu tồn tại của nó) và cần chuyển sang mô hình “bỏ tiền ra chơi”. Nói trắng ra, với Trump, nếu châu Âu muốn Mỹ bảo vệ, thì phải xì tiền ra, xì bao nhiêu thì Mỹ bảo vệ bấy nhiêu. Sẽ chẳng có lý tưởng gì hết, ngoài mối quan hệ có đi có lại dựa trên đồng tiền.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Donald Tusk mời ông Donald Trump đến dự cuộc họp thượng đỉnh càng sớm càng tốt, để tránh tình trạng có sự bất ổn trong mối quan hệ và khẳng định nhu cầu phải tôn trọng các giá trị dân chủ.

Vậy châu Âu làm cách nào để thuyết phục Trump rằng không nên như thế? Đơn giản là bỏ thêm tiền và cho NATO và khiến Trump tin rằng NATO có giá trị tiền bạc với Mỹ chứ không phải Mỹ chỉ có “nuôi báo cô” tổ chức này. Ngoài ra, các nước châu Âu cũng phải chứng minh cho Trump thấy các giá trị phi vật chất khác của NATO nữa (như vai trò của NATO trong các cuộc chiến chống độc tài, chống khủng bố...).

Trước tình hình này, ngày 14-11, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nói châu lục này nên lập ra một đạo quân cho riêng mình, chứ không nên ngồi đó dựa dẫm an ninh vào người Mỹ. Đây dĩ nhiên là ý tưởng cấm kỵ với nước Mỹ... không phải của Donald Trump, nhưng nay với việc Trump lãnh đạo Mỹ, câu hỏi này trở nên khá hợp thời... Ông Juncker cho rằng dù Mỹ - Âu nên tiếp tục mối quan hệ hiện tại, nhưng “làm sao tin được Mỹ sẽ mãi mãi lo cho an ninh châu Âu?”.

Theo Juncker, không phải khi Trump lên lãnh đạo Mỹ thì vấn đề quân đội riêng cho châu Âu mới đặt ra, mà đó là nhiệm vụ mà châu Âu phải... làm. Dù tỏ ra e ngại quan hệ quốc phòng hai bờ Đại Tây Dương xấu đi, nhưng ông Juncker vẫn tỏ ra tự tin về việc... thay đổi Trump: “Chúng ta cần cho ông ấy biết châu Âu này là như thế nào (để ông ta biết cách mà cư xử cho đàng hoàng)”.

Ngay trước ngày bầu cử Mỹ, giới chức châu Âu lên tiếng kêu gọi đầu tư thêm vào quân sự, nhằm cân bằng sức mạnh với Nga. Điều này gây ngạc nhiên, bởi châu Âu từng bị Mỹ cằn nhằn là cắt giảm chi tiêu quân sự quá nhiều. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Von der Leyen - đầu tàu EU - nói việc đầu tư quân sự là “đúng đắn và quan trọng”. Hiện các nước lớn khác của EU cũng kêu gọi xây dựng năng lực phòng thủ cho phần còn lại của châu Âu, sau khi Anh ra đi (Brexit).

Sang năm, Pháp, Đức và Hà Lan sẽ có bầu cử. Giới quan sát cho rằng chiến thắng của ông Trump sẽ tiếp tục ảnh hưởng sâu sắc tới các cuộc bỏ phiếu này, mà theo dự báo sự ủng hộ trong dân chúng đang chuyển từ các chính đảng sang các phong trào dân tộc.

Liên quan tới chấn động sau vụ người theo đường lối dân túy đắc cử Tổng thống Mỹ lan rộng, báo Le Monde (Pháp ra ngày 14-11) đặt câu hỏi: “Phải chăng phương Tây sắp chấm dứt tồn tại?”. Phương Tây với tư cách là khối các quốc gia dân chủ, có nền kinh tế thị trường, có nghĩa là bao gồm cả Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc, đối cực với khối Cộng sản Xôviết trước đây.

Giờ đây sứ mạng ấy của phương Tây đang bị đe dọa. Theo Le Monde, đây là một di sản hết sức nặng nề, mà các nước châu Âu khó lòng gánh vác, nếu không có phần đóng góp quyết định của Mỹ.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.