Châu Âu lại lao đao vì COVID-19

Thứ Ba, 03/11/2020, 14:12
Ngày 28/10, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất một loạt biện pháp mới để đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong Liên minh châu Âu (EU), cho rằng việc tăng đột biến các ca nhiễm SARS-CoV-2 mới tại lục địa này là "đáng báo động".

Trong bối cảnh châu Âu một lần nữa trở thành tâm chấn của đại dịch COVID-19 trên thế giới, EC đã hối thúc chính phủ 27 quốc gia thành viên EU nỗ lực hơn nữa và tăng cường phối hợp để đối phó với sự lây lan của SARS-CoV-2. Trong một tuyên bố, EC cảnh báo: "Việc nới lỏng các biện pháp được áp dụng trong những tháng mùa Hè không phải lúc nào cũng đi kèm với các bước để tăng cường năng lực đối phó đầy đủ".

Để truy vết tốt hơn nguồn lây nhiễm bệnh, Brussels cho rằng các chính phủ EU nên phối hợp các chiến lược xét nghiệm của mình và tăng cường sử dụng các xét nghiệm kháng nguyên nhanh, mặc dù nguồn cung toàn cầu đối với những bộ dụng cụ xét nghiệm này hiện đang thắt chặt. EC cũng cảnh báo rằng "sự thiếu hụt hiện tại về năng lực xét nghiệm" đòi hỏi tất cả phải hành động nhanh chóng.

Cùng ngày, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết các quốc gia trên toàn cầu đã báo cáo  hơn 2 triệu trường hợp nhiễm COVID-19 được xác nhận trong tuần qua - thời gian ngắn nhất từ trước đến nay, cho thấy sự gia tăng theo cấp số nhân kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Nga đã ghi nhận kỷ lục 346 ca tử vong do nhiễm COVID-19 trong 24 giờ.

Theo WHO, trong tuần thứ hai liên tiếp, khu vực châu Âu có số ca nhiễm COVID-19 chiếm tỷ lệ lớn nhất, với hơn 1,3 triệu ca được xác nhận, chiếm khoảng 46% tổng số ca trên toàn thế giới. Cơ quan y tế của Liên hợp quốc cho biết số ca tử vong cũng đang gia tăng ở châu Âu, với mức tăng khoảng 35% so với tuần trước. Số ca nhập viện do COVID-19 và phải chăm sóc đặc biệt đã tăng lên ở 21 quốc gia trên khắp châu Âu. Ước tính khoảng 18% bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện, với khoảng 7% cần hỗ trợ chăm sóc đặc biệt hoặc dùng máy thở.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Thủ tướng Đức Angela Merkel và các nhà lãnh dạo 16 bang ở Đức một lần nữa nhất trí tái áp đặt các biện pháp phong tỏa có giới hạn nhằm kiểm soát và hạn chế sự gia tăng ở mức đáng lo ngại của SARS-CoV-2.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Thị trưởng Berlin Michael Muller và Thủ hiến bang Bayern Marcus Soder sau cuộc họp trực tuyến với với thủ hiến các bang ở Đức, Thủ tướng Angela Merkel thừa nhận Đức đang phải đối mặt với giai đoạn khó khăn của dịch bệnh khi nước này ghi nhận sự gia tăng "đột biến" các ca nhiễm mới theo từng ngày.

Trước tình hình trên, Chính phủ Đức và chính quyền các bang một lần nữa buộc phải nhanh chóng đưa ra quyết định siết chặt hơn nữa các biện pháp phòng chống dịch nhằm ngăn chặn tối đa sự lây nhiễm của SARS-CoV-2 trong cộng đồng.

16 bang ở Đức một lần nữa tái áp đặt các biện pháp phong tỏa có giới hạn nhằm kiểm soát và hạn chế sự gia tăng SARS-CoV-2.

Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron tối 28-10 cũng đã công bố quyết định tái phong tỏa toàn quốc từ 30/10 đến 1/12. Phát biểu trực tiếp trên truyền hình, ông Macron cho biết người dân có thể đi làm, đi khám bệnh, giúp đỡ người thân, đi chợ và tập thể dục gần nhà trong bán kính 1km, với giấy chứng nhận tự khai như đợt phong tỏa vào mùa xuân. Tuy nhiên, các cơ quan dịch vụ công, các doanh nghiệp cũng như các trường học từ nhà trẻ đến trung học phổ thông vẫn tiếp tục hoạt động, các nhà dưỡng lão vẫn mở cửa.

Ngược lại, các trường đại học duy trì các khóa học trực tuyến, các công ty khuyến khích làm việc từ xa. Nhà hàng và quán bar phải đóng cửa. Người lao động không thể làm việc sẽ tiếp tục hưởng lợi từ bảo hiểm thất nghiệp một phần. Tổng thống Macron cũng nhấn mạnh mục tiêu của chính phủ là giảm số ca mắc COVID-19 trung bình từ 40.000 người/ngày hiện nay xuống còn 5.000 người/ngày.

Trang mạng RBK trích dẫn một bức thư của Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho hay Bộ Y tế Liên bang Nga đã yêu cầu người đứng đầu các tổ chức trực thuộc và các chuyên gia cần phối hợp với Bộ trong bất kỳ bình luận và tuyên bố công khai nào về chủ đề nhiễm COVID-19. Như vậy, các bình luận và phát biểu sẽ phải được thống nhất với Văn phòng báo chí Bộ Y tế bằng văn bản gửi qua đường bưu điện hoặc trao đổi qua điện thoại.

Văn phòng báo chí của Bộ Y tế Nga giải thích biện pháp trên là nhằm tăng hiệu quả thông báo cho người dân và các biện pháp chống lại sự lây lan và ngăn ngừa SARS-CoV-2. "Hiện nay, chương trình thông tin liên quan đến SARS-CoV-2 đang quá tải, trong đó có rất ít dữ kiện hữu ích, với những giả định và dự báo của các chuyên gia trong các chuyên ngành liên quan", thông báo cho biết.

Tính đến sáng ngày 28/10, trong 24 giờ, Nga đã ghi nhận kỷ lục 346 ca tử vong do nhiễm COVID-19. Đây là con số tử vong cao nhất 1 ngày kể từ đầu đại dịch đến nay ở nước này. Cũng trong vòng 1 ngày, Nga đã ghi nhận 16.202 ca mới nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 1,5 triệu người. Trong khi đó, số người khỏi bệnh trong vòng 1 ngày được ghi nhận là 12.361 người. Tổng số người tử vong tại Nga kể từ khi bắt đầu đại dịch đã lên đến 26.935 người.

Ngọc Lan (tổng hợp)
.
.