Châu Âu mong gì khi xoay trục sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương?

Thứ Năm, 04/03/2021, 14:56
Kể từ sau Thế chiến II, Châu Âu được cho là đã lơ là với khu vực châu Á bởi những lợi ích thuộc địa đã không còn. Nhưng, những lợi ích kinh tế thì lại đang ngày càng tăng lên. Năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và EU đạt 480 tỷ euro; năm 2017, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của EU tại 10 quốc gia ASEAN đạt 337 tỷ euro - nhiều hơn bất kỳ nhà đầu tư nào khác. Từ 8-12% khối lượng thương mại của Anh, Pháp và Đức được vận chuyển qua Biển Đông.

Mặc dù khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thường được mô tả là một khuôn khổ nhằm hạn chế Trung Quốc nhưng nhìn chung chiến lược của châu Âu đều ẩn chứa những điều khoản trung lập nhằm duy trì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Các nhà ngoại giao cấp cao của châu Âu khẳng định rằng họ không ủng hộ bên nào trong cuộc đối đầu Trung - Mỹ. Christophe Penot, người vừa được bổ nhiệm làm Đại sứ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Pháp, nói với Nikkei Asia rằng chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Pháp hoàn toàn không nhằm vào Trung Quốc. Điều quan trọng là phải tạo cơ hội phát triển một khu vực đa cực.

Tàu sân bay Charles De Gaulle của Pháp trong lần cập cảng Singapore.

Tháng 9-2020, nội các Đức thông qua đường lối chỉ đạo đề ra các nguyên tắc luật pháp, trật tự và tự do hàng hải, đồng thời kêu gọi hợp tác với các nước cùng chung các giá trị như Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong khi đó, các bên tham gia khác trong khu vực dễ dàng đón nhận hơn triển vọng về một sự hiện diện trở lại của châu Âu tại đây.

Ấn Độ đã lặng lẽ ủng hộ Pháp gia nhập Hiệp hội vành đai Ấn Độ Dương hồi tháng 12-2020, giúp Pháp trở thành thành viên đầu tiên không có lãnh thổ đất liền trong khu vực. Bhaswati Mukherjee, cựu lãnh đạo phụ trách khu vực Tây Âu tại Bộ Ngoại giao Ấn Độ, đồng thời là cựu Đại sứ Ấn Độ tại Hà Lan, từ lâu cũng đã thúc giục EU triển khai một chính sách đối ngoại quyết đoán  hơn.

Kanti Bajpai, giáo sư tại trường Chính sách công Lý Quang Diệu ở Singapore, nói EU sẽ dễ dàng thâm nhập cấu trúc an ninh của khu vực khi họ can dự. Điều này phù hợp với chiến lược của ASEAN là cho phép tất cả các nước lớn tham gia, để tất cả họ đều bù đắp cho nhau ở một mức độ nào đó.

Biểu hiện rõ ràng nhất cho thấy châu Âu quay trở lại quan tâm đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là việc họ triển khai các tài sản quân sự. Chẳng hạn, năm 2019, tàu sân bay Pháp Charles De Gaulle đã cập cảng Singapore khi Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly có bài phát biểu được đón nhận nồng nhiệt tại Đối thoại Shangri-La. Ngoài ra, Paris cũng có một thỏa thuận với New Delhi về việc đôi bên cùng sử dụng các căn cứ hải quân, cũng như khoảng 5.000 quân và nhiều tàu trên khắp 3 khu vực chịu trách nhiệm thường trực xung quanh các thực thể của Pháp ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là New Caledonia, Reunion và Polynesia thuộc Pháp.

Dự kiến đến cuối năm nay, Anh sẽ điều một nhóm tàu sân bay đến khu vực và thực hiện Thỏa thuận phòng thủ 5 nước là các nước Australia, New Zealand, Malaysia và Singapore. Tháng 11-2020, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kamp-Karrenbauer tuyên bố các sĩ quan lực lượng Hải quân Đức sẽ phục vụ trên tàu của Australia thực hiện nhiệm vụ tuần tra Ấn Độ Dương. Berlin cũng sẵn sàng điều tàu khu trục đến Nhật Bản vào mùa hè 2021.

Collin Koh, một chuyên gia quốc phòng tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết nếu thiếu Pháp thì châu Âu không có năng lực triển khai sức mạnh cứng đáng kể trong khu vực. Châu Âu sẽ chú trọng hơn đến sự hiện diện kinh tế. Sự hiện diện quân sự chỉ là thứ yếu và để củng cố hình ảnh về sự can dự và quan tâm của họ.

Trong 3 năm qua, EU đã ký kết các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với Singapore và Việt Nam, trong đó có một thỏa thuận xử lý khủng hoảng với Việt Nam. Liên minh này cũng đang đàm phán FTA với Australia kể từ năm 2018. 

Ngày 1-12-2020, vài tuần trước khi hoàn tất đàm phán về hiệp định đầu tư toàn diện với Trung Quốc, EU đã nhất trí nâng cấp quan hệ với ASEAN lên quan hệ đối tác chiến lược và hướng tới mục tiêu ký kết một hiệp định thương mại. Trong khi đó, Pháp, Italy và Thụy Điển cung cấp số lượng vũ khí đáng kể cho lực lượng hải quân của các nước ASEAN, và kể từ năm 2018, EU đã đồng chủ trì Cuộc họp nhóm giữa kỳ về an ninh biển thuộc Diễn đàn Khu vực ASEAN. Các tổ chức xã hội dân sự châu Âu và các tổ chức có liên kết với chính phủ cũng nhiệt tình tham gia giúp đỡ các cộng đồng địa phương chống lại hành vi đánh bắt hải sản trái phép.

Cũng có nhiều câu hỏi về tác động của Chính quyền Biden đối với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của châu Âu. Phần lớn động lực thúc đẩy EU can dự quốc tế nhiều hơn bắt nguồn từ những lo lắng về chủ nghĩa biệt lập của ông Trump trước đây và điều họ nhìn nhận là thái độ coi thường liên minh xuyên Đại Tây Dương này. Tuy nhiên, ông Biden đã cam kết sẽ tham vấn nhiều hơn với các đồng minh. Một số người có tiếng nói trong lĩnh vực an ninh quốc gia thuọc đản Dân chủ như Michele Flournoy, người suýt trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, cho rằng châu Âu có thể muốn tập trung vào an ninh Bắc Đại Tây Dương. Điều này sẽ cho phép Mỹ dành nhiều nguồn lực hơn cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.