Châu Âu sẽ đóng vì COVID-19?

Chủ Nhật, 15/03/2020, 14:13
Mỗi ngày có hàng ngàn ca nhiễm mới COVID-19 được ghi nhận ở châu Âu và số người tử vong cũng không ngừng tăng lên. Khả năng thực sự của việc cách ly khu vực châu Âu đang dần hiển hiện.

COVID-19 lan nhanh khắp châu Âu

COVID-19 đã tấn công không chỉ đối với Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ mà cả với vùng xa xôi Apennin của nước Nga. Theo lệnh của Thủ tướng Italy Giuseppe Conte, tất cả các cơ sở giáo dục của nước này sẽ đóng cửa cho đến ngày 3-4, toàn bộ sự kiện thể thao sẽ được tổ chức mà không có khán giả. Điều này cũng liên quan đến việc điều chỉnh các trận đấu của loạt bóng đá giải Series A. Các buổi biểu diễn tại nhà hát Teatro Alla Scala nổi tiếng cũng bị hủy bỏ.

Dịch COVID-19 có xu hướng lan rộng tại châu Âu.

Chịu thiệt hại từ COVID-19 còn là chuỗi nhà hàng của Italy. Hiện ở Italy đã có hơn 15 nghìn người dương tính với COVID-19 và hơn 1.000 người tử vong. Tại Đức, trên kệ cửa hàng tại các thành phố đã nhanh chóng trống rỗng. Bột, gạo, mỳ ống, đường, giấy vệ sinh đã hết sạch. Những hàng hóa được lưu trữ trong thời gian dài cũng được vét hết. Tình trạng tại các hiệu thuốc thậm chí còn tệ hơn: mặt nạ và chất khử trùng đã được bán hết từ lâu và các nhà cung cấp không thể bù đắp được sự thiếu hụt.

Do các mối đe dọa từ sự lây lan của COVID-19 ở châu Âu mà nhiều diễn đàn quốc tế đã bị hủy bỏ - từ các lễ hội uy tín và hội chợ chuyên nghiệp cho đến các buổi hòa nhạc của các ngôi sao nhạc pop và sàn trình diễn thời trang. Ngoài ra, mọi người biết rằng sắp tới sẽ không diễn ra những sự kiện: Hội chợ sách London, Thị trường chương trình truyền hình MIPTV tại Cannes, Triển lãm đồng hồ lưu niệm và trang sức Đồng hồ & Kỳ quan, Triển lãm ô tô Geneva, triển lãm công nghệ điện thoại di động MWC tại Barcelona...

Vấn đề đóng cửa biên giới

Trong điều lệ của Liên minh châu Âu có một điều khoản, theo đó tất cả các quốc gia của Liên minh trong trường hợp bất khả kháng có thể tự kiểm soát biên giới. Người phát ngôn chính thức của Ủy ban châu Âu Dana Spianant lưu ý rằng Bộ luật Schengen quy định hạn chế và thậm chí đình chỉ việc di chuyển tự do của người dân trong khu vực Schengen. Tuy nhiên, bà Dana cũng kêu gọi nên cân nhắc những mặt có lợi và bất lợi trước khi quyết định đưa ra những biện pháp cực đoan.

Nicolai Topomin, giáo sư của trường MGIMO (Đại học Quan hệ Quốc tế Moscow), chuyên gia về luật châu Âu, tin rằng EU có thể chọn việc đóng cửa biên giới giữa các quốc gia nhưng biện pháp này sẽ không đem lại hiệu quả mong muốn. Theo ông, ngay cả việc phong tỏa tại Italy, nơi được cho là nguy hiểm nhất hiện nay, cũng sẽ không mang lại kết quả khả quan vì bước tiếp theo sẽ là đóng cửa các quốc gia láng giềng, những nơi mà dịch bệnh đã có những bước ngoặt nghiêm trọng. Kiểm dịch bằng cách đó sẽ không thể ngăn chặn lây lan dịch bệnh mà lại gây thêm sự hoảng loạn.

Đồng ý với ý kiến này là Georgy Bazykin, phó giáo sư Viện Khoa học và Công nghệ Skolkovo khi ông lưu ý rằng, các nhà chức trách châu Âu đã muộn nếu có biện pháp kiểm soát biên giới giữa các quốc gia khu vực châu Âu vì điều này phải được thực hiện ở giai đoạn đầu bùng phát dịch và nếu có cơ hội phải nhanh chóng sản xuất vaccine thì hơn.

EU bắt đầu có động thái cụ thể đối phó với dịch COVID-19, dù muộn còn hơn không.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải đóng cửa biên giới cả bên ngoài và bên trong để đồng thời bảo vệ châu Âu cả từ ngoài nước lẫn trong nước. Vladimir Olenchenko, nhà nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga lưu ý, kênh nguy hiểm nhất cho sự lây lan của căn bệnh này có thể là dòng người tị nạn, từ đó sẽ dẫn đến một cuộc di cư lớn đến Hy Lạp, Bulgaria và Italy, nơi đã bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch COVID-19.

Kinh nghiệm từ Trung Quốc cần phải được khuyến cáo đối với châu Âu rằng, những biện pháp hạn chế khắc nghiệt nhất có thể, nếu như không làm dừng lại thì cũng làm chậm đáng kể tốc độ lây nhiễm dịch bệnh. Mikhail Schelkanov, lãnh đạo phòng thí nghiệm virus học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga tin rằng, nếu Trung Quốc thất bại trong kế hoạch về chiến thuật thì chắc chắn họ đã thắng về chiến lược.

Ông cho rằng, sự cô lập hoàn toàn một khu vực rộng lớn của Trung Quốc với dân số hàng chục triệu người có ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh tế hiện tại ở nước này nhưng trong tương lai, biện pháp này sẽ cho phép chính quyền làm chậm đáng kể tiến trình của COVID-19 lan khắp và cứu sống hàng ngàn người.

Tháng 4 - thời điểm quyết định cuối cùng

Có thể dự đoán rằng, nếu đóng cửa biên giới khu vực châu Âu, các nhà chức trách sẽ dựa phần lớn vào kinh nghiệm của Trung Quốc. Một số khu vực hoàn toàn bị cô lập với thế giới bên ngoài, trong khi những nơi khác sẽ áp dụng hạn chế việc đi lại. Nhiều khả năng cảnh sát sẽ tuần tra trên đường phố tại những thành phố khó khăn nhất để tránh nạn cướp bóc. Chắc chắn, sự tự quản của cư dân sẽ tăng lên: lối vào khu dân cư riêng lẻ sẽ phải theo quy định để dễ dàng tìm ra người có khả năng mang mầm bệnh.

Tất nhiên là nền kinh tế châu Âu sẽ chịu tổn thất do sự đóng cửa các biên giới. Theo chuyên gia, tùy thuộc vào thời gian của các biện pháp phòng dịch và kiểm dịch mà GDP của EU có thể giảm từ 5-10%. Các doanh nghiệp du lịch sẽ chịu thiệt hại lớn: tổn thất sẽ được tính toán bởi các công ty lữ hành, các hãng hàng không, khách sạn, nhà hàng, bảo tàng, hướng dẫn viên tư nhân cũng như lĩnh vực mua sắm theo định hướng du lịch.

Trong trường hợp nếu vào cuối tháng 4 tại châu Âu vẫn không thể ổn định tình hình, giải vô địch bóng đá của lục địa này sẽ khó khả thi đối với 11 thành phố, trong số đó có 8 địa điểm nằm trong những khu vực có nguy hiểm tiềm tàng - Rome, London, Glasgow, Dublin, Amsterdam, Bilbao, Munich, Copenhaghen.

Việc đóng cửa các nước EU có khả năng ảnh hưởng đến những kế hoạch của NATO. Chính quyền châu Âu lưu ý rằng các đơn vị của Mỹ không kiểm soát được sự di chuyển, do đó những đối tác châu Âu của NATO sẽ buộc phải từ bỏ bất kỳ cuộc diễn tập quân sự nào trên lãnh thổ của mình.

Dù sao, quyết định cuối cùng về việc có đóng cửa biên giới hay không ở khu vực Schenghen sẽ chỉ được đưa ra sớm nhất là vào đầu tháng 4.

Bích Nguyễn (Theo Russian)
.
.