Châu Âu trước thách thức sinh tử

Thứ Tư, 08/04/2020, 22:18
Hiện nay, chính phủ các nước châu Âu đều đang tập trung toàn bộ sức lực vào cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 nhưng đằng sau nó, một cuộc chiến có ý nghĩa then chốt không kém đối với tương lai của EU cũng đang mở ra - cuộc chiến về những cách thức mà các nước châu Âu cần phải xử lý đối với những phí tổn khổng lồ của đại dịch này.

Chữ “V” hay chữ “U”?

Hiện không có giải pháp dễ dàng nào cho châu Âu vì thiệt hại đối với các nền kinh tế của lục địa này sẽ rất lớn và kéo dài bởi dịch bệnh. Lựa chọn thực sự mà châu Âu đang phải đối mặt là liệu tất cả các nước cùng nhau gánh chịu hay mỗi nước phải gánh lấy những thiệt hại này.

Sự tồn tại của Khu vực đồng euro (Eurozone) đang bị đe dọa. Những ước tính về phí tổn tiềm tàng của đại dịch đối với các nền kinh tế châu Âu là không thể tính toán chính xác trong giai đoạn này, bởi có quá nhiều biến số. Không ai biết được cuộc khủng hoảng này sẽ kéo dài bao lâu và các nước châu Âu sẽ phải đóng cửa trong bao nhiêu tuần hay bao nhiêu tháng.

Châu Âu cũng không thể thoát khỏi tác động của sự đình trệ kinh tế ở Trung Quốc và các nước khác của châu Á cũng như ở Bắc Mỹ. Một số người dự đoán sự phục hồi ở châu Âu sau dịch bệnh sẽ là “hình chữ V” với khả năng phục hồi mạnh mẽ sau đợt suy giảm sâu hiện nay, trong khi những người khác giả định một sự phục hồi dài hơi hơn, “hình chữ U”.

Mặc dù mỗi kịch bản hàm chứa những lựa chọn chính sách khác nhau nhưng một số kết luận chính được đưa ra đã đủ rõ ràng. Thứ nhất, những thống kê quốc gia ban đầu từ mỗi nước thành viên EU cho thấy tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng này sẽ rất lớn. Chẳng hạn, trong những ngày gần đây, cơ quan thống kê của Pháp công bố sản lượng kinh tế Pháp giảm 35% và cuộc khủng hoảng này sẽ làm giảm 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Pháp nếu nước này đóng cửa 1 tháng và giảm 6% nếu nước này đóng cửa 2 tháng.

Tại các nước thuộc Eurozone, hầu hết đánh giá giờ đây đều dự đoán về sự thu hẹp 15% GDP trong quý II năm nay và khoảng 10% cho cả năm 2020, những con số có thể so sánh với những con số kỷ lục trong những ngày đen tối nhất của thời kỳ Đại suy thoái những năm 1930 và tồi tệ hơn gấp 10 lần so với sự suy giảm kinh tế trong cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008.

Hơn nữa, các chính phủ trên khắp châu Âu giờ đây cam kết không chỉ duy trì lương cho người lao động bị ảnh hưởng bởi suy giảm kinh tế mà còn rót tiền vào các doanh nghiệp quốc gia nhằm cứu họ khỏi sụp đổ và gia tăng chi tiêu nhà nước cho việc chăm sóc sức khỏe với mức độ lớn nhất kể từ cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai.

Bên cạnh đó, EU lần đầu tiên trong lịch sử cũng đã phải chấp nhận điều không thể tránh khỏi là nâng mức trần thâm hụt ngân sách. Nhưng đây chỉ là biện pháp ngoại lệ, tạm thời. Và như hầu hết các nước mắc nợ ở châu Âu đều biết rõ, về cơ bản họ chỉ có thể vay mượn phần nào số tiền mà họ hiện cam kết chi tiêu nếu Đức và phần còn lại của Eurozone có thể đảm bảo cho việc vay mượn này. Không có sự đảm bảo đôi bên này, việc trả vốn và lãi cho khoản nợ này sẽ trở nên thiếu bền vững, như với Hy Lạp, nước đã phải đối mặt với tình trạng phá sản cách đây một thập kỷ.

Kinh tế suy thoái sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người dân châu Âu.

Đồng lòng quản lý biên giới

Tuy vậy, EU hiện nay tỏ ra đồng lòng và hợp tác trong vấn đề quản lý đường biên giới và cách lý phòng chống đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh trao đổi thương mại trong một nền kinh tế toàn cầu hóa và tự do đi lại trong khối Schengen có thể làm lây lan dịch bệnh, ngoài việc quyết định đóng cửa biên giới với các nước ngoài khối trong thời hạn 30 ngày, nhiều chính phủ các nước thành viên EU cũng tăng cường kiểm soát biên giới, thậm chí đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh.

Theo các nước thành viên EU thuộc Khối Schengen (gồm 22 trên 27 nước thành viên EU) và những nước ngoài EU nhưng thuộc Khối Schengen (Thụy Sĩ, Na Uy, Liechtenstein, Iceland), việc kiểm soát hoặc đóng cửa biên giới đã được quy định tại Điều 23 của Luật Biên giới Schengen. Theo đó, các nước trong Khối Schengen có thể đóng cửa biên giới trong thời hạn 30 ngày và có thể gia hạn tối đa 24 tháng, trong trường hợp tồn tại mối đe dọa nghiêm trọng đến trật tự xã hội hoặc an ninh quốc gia.

Các nước đã đóng cửa biên giới gồm Cộng hòa Séc (đóng cửa đường biên giới trên bộ và trên không từ ngày 14-3 đến ngày 12-4); Hungary (đóng cửa biên giới với Áo và Slovenia, ngoại trừ với công dân Ba Lan, từ ngày 12-3); Croatia, Đan Mạch, Síp, Slovakia (đóng cửa biên giới, ngoại trừ với công dân Ba Lan); Estonia (đóng cửa biên giới trên bộ, trên biển và trên không với Litva từ ngày 17-3); Litva (đóng cửa toàn bộ biên giới từ ngày 14-3); Tây Ban Nha (đóng biên giới trên bộ với khách du lịch từ ngày 16-3); Bồ Đào Nha (đóng cửa biên giới với Tây Ban Nha, chủ yếu nhằm vào khách du lịch, từ ngày 17-3); Phần Lan và Hy Lạp (đã thiết lập lại việc kiểm soát đường biên giới với tất cả các công dân không thuộc châu Âu từ ngày 19-3); Bỉ (đóng cửa biên giới từ ngày 20-3).

Ngoài ra, một số nước khác đã đóng cửa một phần biên giới hoặc thực hiện kiểm soát chặt chẽ biên giới. Các nước vẫn mở cửa biên giới gồm: Italy, Cộng hòa Ireland, Hà Lan, Romania, Latvia, Luxembourg.

Các quốc gia châu Âu đang thực hiện là các biện pháp y tế khẩn cấp nhằm ngăn chặn dịch bệnh, bằng cách thực hiện giãn cách xã hội tối đa. Điều này được cụ thể hóa bằng việc thực hiện đóng cửa các cơ sở giáo dục, các dịch vụ thương mại không thiết yếu (ngoại trừ thực phẩm và y tế) và biện pháp phong tỏa, kêu gọi người dân hạn chế ra khỏi nhà được áp dụng ít nhiều nghiêm ngặt tùy theo từng nước.

Hiện nay, 7 nước châu Âu phối hợp thử nghiệm 4 phương pháp điều trị COVID-19. Theo nguồn tin từ Ủy ban châu Âu, 7 nước châu Âu (Pháp, Anh, Đức, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Tây Ban Nha) đã phát động chiến dịch Discovery nhằm tìm ra loại thuốc hữu hiệu nhất. 4 thuốc điều trị chống virus SARS-CoV-2 (gồm Remdesivir, Lopinavir, Ritonavir và Hydroxychloroquine) đã được thử nghiệm trên 3.200 tình nguyện viên.

Tùy theo kết quả đạt được, chính phủ các nước tham gia chiến dịch Discovery sẽ quyết định có cho phép dùng các thuốc nói trên hay không.

Hà Phương (Tổng hợp)
.
.