Châu Âu và bài toán “giải trừ cực đoan hóa”
Vấn đề chiến binh IS “hồi hương”
“IS mới chỉ thất thủ trên các mặt trận ở vùng Trung Đông nhưng còn lâu mới chết hẳn và chúng ta chớ trông mong vào điều này” - Gilles de Kerchove, điều phối viên chống khủng bố của EU - ra lời cảnh báo và đánh giá khả năng “các chiến binh thánh chiến nguồn gốc châu Âu quay trở về ồ ạt trong ngắn hạn do sự thất thủ của IS tại Iraq và Syria rất khó xác định”. Một số quay trở lại quê hương, một số khác tiếp tục chiến đấu trong các “vùng kháng chiến” hoặc trốn sang các nước lân cận, thậm chí là khu vực xung đột khác.
Kerchove dẫn ra rằng, có một số lượng đáng kể các chiến binh nước ngoài trong hàng ngũ của IS tại Libya đã cố gắng sử dụng quốc tịch của mình hoặc mối liên hệ gia đình để quay trở lại châu Âu. Trên thực tế, có đến 30 - 35% chiến binh thánh chiến quốc tịch châu Âu đã quay trở lại nơi mình sinh trưởng.
Ông Kerchove cảnh báo: Những người quay trở về vẫn duy trì liên hệ với hàng ngũ chỉ huy của IS tại các khu vực xung đột thông qua các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội và đặc biệt là qua Telegram, ứng dụng nhắn tin miễn phí được xem là phổ biến nhất hiện nay.
Trong khi đó, chính quyền các nước châu Âu không có được cách tiếp cận thống nhất đối với các chiến binh thánh chiến này và đang phải “vất vả” để kiếm tìm giải pháp ngăn chặn hiệu quả đối với xu hướng tuyên truyền khủng bố và chủ nghĩa cực đoan. Ông khuyến cáo các nước trong Liên minh châu Âu cần xây dựng một “cách tiếp cận toàn diện”, thực hiện trao đổi thông tin và kinh nghiệm thực tiễn.
Ngoài ra, cũng cần phải tăng cường hợp tác với các quốc gia được xem là “địa bàn quá cảnh” của các đối tượng khủng bố. Đến nay, gần một nửa các đối tượng khủng bố đã thành công trong việc trở về Áo, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Phần Lan, Hà Lan, Thụy Điển và Anh quốc.
Làn sóng tấn công khủng bố châu Âu trong thời gian qua ngấm ngầm chảy nhưng rất dữ dội. Theo các chuyên gia dự báo, khả năng thích nghi và sáng tạo của những kẻ khủng bố gây ra nhiều khó khăn đối với lực lượng an ninh. Mỗi ngày trôi qua, khi IS bị mất đi một phần “vương quốc Hồi giáo” của chúng thì cuộc chiến diễn ra trong lòng châu Âu mới thực sự bắt đầu.
Harry Sarfo từng xuất hiện trong video tuyên truyền của IS. |
Tháng 11-2016, nhật báo Die Welt của Đức đã công bố kết quả một công trình khảo sát do các nhà chức trách vùng Rhin thực hiện đối với 784 đối tượng đã tham gia các tổ chức khủng bố tại Syria và Iraq. Trong số những người mang quốc tịch Đức, độ tuổi từ 13 - 62, đã có 247 người trở về.
Nhìn vào hồ sơ của những người này thì không thể không dấy lên mối lo ngại. Khoảng 48% trong số họ tiết lộ rằng, họ vẫn trung thành với “môi trường cực đoan hoặc phong trào salafiste” - những thứ mà họ cho rằng đã giúp họ trưởng thành trong nhận thức và mạnh mẽ hơn”.
Chỉ có 8% trong số này cho biết, việc hồi hương là để “nghỉ ngơi”, có nghĩa là bỏ trốn khỏi chiến trường trước khi cố gắng quay trở lại Syria hoặc Iraq. Chỉ có 10% cho thấy sự thất vọng với hệ tư tưởng cực đoan mà họ đã từng tôn thờ, đặc biệt là với tổ chức IS.
Tuy vậy, bài khảo sát này ghi nhận 25% những đối tượng khủng bố quay trở lại Đức đang cộng tác với chính quyền. Điển hình là trường hợp của Harry Sarfo, một chiến binh thánh chiến trẻ đã nhận thức được sai lầm và bày tỏ suy nghĩ của mình một cách rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.
Trong bối cảnh số lượng các chiến binh thánh chiến sụt giảm do liên tiếp thất trận ở Iraq và Syria, cuộc khảo sát cũng cho thấy ngày càng ít chiến binh người Đức tin tưởng vào chiến thắng ở những chiến trường này, và số người mong muốn trở về tăng lên. Đây là vấn đề có liên quan đến đa số các nước châu Âu và đặc biệt là Pháp.
Pháp, nước mà kể từ năm 2015 đã nhiều lần trở thành địa điểm nơi xảy ra các cuộc tấn công khủng bố, với 240 mạng sống bị cướp mất, khoảng 350 phần tử cực đoan đang bị giam trong các nhà tù, gần 6.000 phần tử chủ chiến nằm trong danh sách bị cảnh sát theo dõi, và thêm 17.000 người khác bị xếp loại vào thành phần được coi như một “mối đe dọa tiềm tàng”.
Các số liệu này không cao đến như vậy ở Bỉ, nhưng quốc gia nhỏ bé này đóng một vai trò lớn hơn vị trí địa lý của mình khi nói đến phong trào thánh chiến ở châu Âu. Tính trên đầu người, Bỉ đóng góp nhiều chiến binh cho IS và các nhóm thánh chiến khác, hơn bất cứ nước Âu châu nào khác.
Cần chiến lược linh hoạt
Không phải quốc gia EU nào cũng bị ảnh hưởng bởi làn sóng thánh chiến. Việc có đông người Hồi giáo sinh sống không đồng nghĩa với việc quốc gia đó trở thành mục tiêu tấn công của Hồi giáo cực đoan. Nếu không tính Cyprus, hòn đảo đang trong tình trạng chia rẽ nghiêm trọng, Bulgaria là quốc gia EU có tỷ lệ người Hồi giáo sinh sống đông nhất.
Tuy nhiên, rất ít công dân Bulgaria được ghi nhận là đã tới Syria hay Iraq để tham gia các lực lượng thánh chiến. Italy và Tây Ban Nha nằm trong số 5 quốc gia EU có đông người Hồi giáo sinh sống nhất, và thực tế là số công dân của hai quốc gia này tham gia các lực lượng thánh chiến nước ngoài lại thuộc vào diện tương đối thấp.
Đối lập với cộng đồng người Hồi giáo sinh sống nhiều thế kỷ tại Bulgaria hay thế hệ thứ nhất của những người nhập cư đang sinh sống tại Italy và Tây Ban Nha, điểm chung lớn nhất của các quốc gia này là cộng đồng Hồi giáo là cộng đồng đông thứ hai, họ đa phần là con cháu của những người Hồi giáo đã rời bỏ mảnh đất quê hương ở châu Phi, Trung Đông và Nam Á từ nhiều thập kỷ trước.
Một cuộc khủng hoảng về bản sắc và nguồn gốc trong số những thanh thiếu niên là con cháu của người nhập cư Hồi giáo vào các quốc gia Tây Âu giàu có chính là một trong những nguyên nhân làm bùng phát làn sóng thánh chiến. Lớp người trẻ này hầu như luôn phải chứng kiến và bản thân cũng là nạn nhân của sự bất bình đẳng, phân biệt chủng tộc, vì thế họ luôn mang trong mình những tư tưởng bất mãn nhất định.
Trong khi đó, những kẻ thánh chiến đã lợi dụng điều này để tuyên truyền các tư tưởng của mình, vẽ ra một giải pháp bạo lực và cực đoan, chiêu dụ họ bằng ý tưởng về một nhà nước khác: một nhà nước của người Hồi giáo, tương tự những điều mà IS và al-Qaeda đã khơi dậy. Điều mà những kẻ thánh chiến cực đoan nhằm vào là quan điểm cho rằng, các nước châu Âu nói chung và các chính phủ Tây Âu nói riêng không thể tìm được cách giúp đỡ những cộng đồng người Hồi giáo thế hệ thứ hai trong một xã hội đa nguyên và đa dạng chủng tộc.
Các thể chế và thực thể dân sự đang thất bại trong việc thuyết phục những thanh niên thuộc thế hệ Hồi giáo thứ hai - dù thuộc tầng lớp xã hội hay có học thức thế nào - rằng tôn giáo của họ, hoàn toàn đồng nhất với bản sắc của họ và họ đều là công dân của một nền dân chủ tự do. Các cách tiếp cận đa chiều về văn hóa của Anh, hay các chính sách đồng nhất văn hóa tại Đức cũng đều đã thất bại.
Binh sĩ Pháp tuần tra trước Bảo tàng Louvre ở Paris. |
Hai nước Pháp và Bỉ đã gặp không ít khó khăn khi tìm cách thành lập các chương trình chống cực đoan hóa hữu hiệu. Pháp phát động chiến dịch chặn đứng cực đoan hóa trong giới trẻ bất mãn chỉ cách đây 2 năm, trễ hơn so với nhiều nước của Âu lục. Một kế hoạch để mở 13 trung tâm chống cực đoan hóa tại 13 quận của Paris đã bị bỏ ngang, sau khi một trung tâm thí điểm bị đóng cửa hồi đầu năm nay giữa một cuộc tranh cãi về các phương pháp được sử dụng.
Theo số liệu của Ủy ban Quốc phòng - An ninh Liên minh châu Âu, trong khoảng hơn 5.000 người châu Âu gia nhập tổ chức tại Syria và Iraq từ năm 2011-2016, có từ 1.200 - 3.000 người có thể trở lại lãnh thổ châu Âu, bao gồm 460 trẻ em ở Pháp. Một nửa trong số đó dưới 5 tuổi và 1/3 sinh ra trong vùng lãnh thổ do IS kiểm soát. Trẻ em là nạn nhân của sự truyền bá mạnh mẽ hệ tư tưởng, học vấn và xã hội.
Các bé trai được tuyển lựa từ khi 9 tuổi để chiến đấu và tham gia các hoạt động bạo lực, trong khi các bé gái thường bị buộc phải ở nhà cùng mẹ để học cách hỗ trợ người chồng tương lai của mình. Bé trai và bé gái đều phải chịu những chấn thương tinh thần trầm trọng khi quay về. Vì vậy, quá trình bình thường hóa và tái hòa nhập xã hội cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt, ngay sau khi họ trở về.
Nhà xã hội học Farhad Khosrokhavar, giáo sư Trường Cao đẳng Khoa học Xã hội Paris, lo lắng rằng hiện tượng cực đoan hóa vẫn được các chính quyền coi như một thách thức về mặt an ninh thuần túy. Ông nói, chính quyền các nước không tìm hiểu đủ sâu về hệ quả lâu dài của tình trạng một người bị gạt ra ngoài lề xã hội, loại ra ngoài vòng pháp luật.
Các yếu tố tâm lý cũng rất quan trọng. Tại một hội nghị ở London hồi năm ngoái, ông Khosrokhavar viện dẫn trường hợp một kẻ tấn công thánh chiến đã được chẩn đoán là mắc bệnh trầm cảm, hoặc các chứng bệnh tâm thần khác.
Các giới chức Pháp và Bỉ nhận xét: Các nhóm IS bất chấp các nỗ lực nhằm giảm thiểu quy mô hoạt động của họ trên mạng, IS vẫn có thể phổ biến những tài liệu tuyên truyền, mà họ linh động sửa đổi tùy theo hoàn cảnh để kích động ủng hộ viên, thử nghiệm những ý kiến mới và uốn nắn câu chuyện sao cho phù hợp với chiến lược của mình.
Theo các chuyên gia, do ngày càng khó có thể tiến hành các cuộc tấn công khủng bố bài bản, những “thành viên rơi rớt” của tổ chức IS hoặc tuyên bố trung thành với IS đang có xu hướng dựa vào các “thủ lĩnh ảo”, những kẻ hoạt động độc lập với giới lãnh đạo thánh chiến để chỉ đạo các cuộc tấn công theo hình thức “sói đơn độc” với quy mô nhỏ nhưng mang hiệu ứng tuyên truyền sâu rộng.
Trong báo cáo công bố trên tạp chí của Học viện Quân sự Mỹ vào đầu năm nay, các chuyên gia viện dẫn các bằng chứng cho thấy, trên thực tế, nhiều đối tượng “sói đơn độc” được các phần tử IS cổ súy và chỉ đạo thực hiện các cuộc tấn công mà sau đó IS sẽ đứng ra thừa nhận tiến hành. Kể từ năm 2014 đến nay, Mỹ đã phát hiện ít nhất 8 âm mưu tấn công khủng bố liên quan những đối tượng được chỉ đạo bởi những phần tử “thủ lĩnh ảo” vừa đề cập.
Cựu Thủ tướng Pháp Manuel Valls miêu tả hiện tượng cực đoan hóa là “một mô hình xã hội chết người” nhưng các nỗ lực nhằm tìm hiểu thấu đáo hơn chủ nghĩa cực đoan hóa thường vấp phải sức kháng cự từ giới lãnh đạo chính trị, đặc biệt khi họ đối mặt với sức ép phải chặn đứng các cuộc tấn công khủng bố.
Cựu Thủ tướng Pháp nổi tiếng với tuyên bố, ông đã quá mỏi mệt với “những lý do xã hội và văn hóa” để biện minh cho phong trào thánh chiến. Ông từng phán: “Giải thích là xóa bỏ trách nhiệm”. Ông lưu ý rằng, ngay cả khi đang mất gần hết lãnh thổ, IS vẫn phát động chiến tranh thông tin, vẫn tuyển mộ người và kích động bạo lực.
Đối với IS, việc sản xuất các tài liệu tuyên truyền và phát tán thông tin có lúc được xem là quan trọng hơn cả chiến dịch quân sự thánh chiến. Vậy thì, “cộng đồng quốc tế cũng phải sáng tạo và có óc chiến lược như vậy trong lối tiếp cận của mình để chống chiến tranh thông tin của IS”.