Châu Phi trước ngưỡng cửa một cuộc chiến chống khủng bố quốc tế

Thứ Năm, 26/07/2012, 17:55

Lục địa đen đang đứng trước ngưỡng cửa của một cuộc chiến chống khủng bố quy mô lớn với sự trợ giúp của phương Tây và sự ủng hộ của Hội đồng Bảo an LHQ. Tại cuộc họp thượng đỉnh vừa qua tại Addis Ababa (Ethiopia), nguyên thủ các quốc gia trong Liên minh châu Phi (AU) đều nhất trí ủng hộ cho ý tưởng tổ chức một chiến dịch quân sự tầm cỡ quốc tế nhằm chống lại lực lượng Hồi giáo của Al-Qaeda hiện đang kiểm soát gần như hoàn toàn miền Bắc Mali.

Trên danh nghĩa, cuộc chiến chống khủng bố quy mô lớn tại châu Phi sẽ chính thức được triển khai sau khi có sự phê chuẩn gần như là đương nhiên của Hội đồng Bảo an, khi làn sóng khủng bố đang bùng phát tại miền Bắc Mali đang gây ra sự lo ngại đặc biệt đối với tất cả các quốc gia thành viên thường trực.

Không có gì ngạc nhiên khi chủ đề bàn bạc chính tại Hội nghị thượng đỉnh AU lần này (khai mạc hôm 15/7 tại thủ đô Ethiopia) chính là tình hình tại Mali. Phát biểu tại hội nghị này, Tổng thống Alassane Ouattara của Bờ Biển Ngà đã phải cảnh báo, miền Bắc Mali đã trở thành "hang ổ của các nhóm khủng bố". Nhận định của Tổng thống Ouattara đã nhận được sự ủng hộ của tất cả các người đồng cấp, khi tất cả đều hiểu rõ rằng, lực lượng quân đội lạc hậu của Chính phủ Mali không  thể tự mình khôi phục lại toàn bộ vùng lãnh thổ đã bị mất nếu như không có sự can thiệp quân sự từ nước ngoài.

Theo các kế hoạch sơ bộ, sẽ có khoảng 3.300 binh sĩ từ các nước trong ECOWAS (Cộng đồng kinh tế Tây Phi với 15 quốc gia thành viên) sẽ được cử tới Mali. Tuy nhiên nếu so sánh với lực lượng đông đảo của các nhóm khủng bố đang nắm giữ miền Bắc Mali, con số trên có lẽ là không đủ. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp  Jean-Yves Le Drian trước mắt đã hứa hẹn, các lực lượng gìn giữ hòa bình châu Phi sẽ nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của Paris và châu Âu. Tuy nhiên, Pháp - "quốc mẫu" cũ của Mali cũng như phần lớn các quốc gia trong ECOWAS - cũng khẳng định sẽ không đóng vai trò chủ chốt trong chiến dịch tương lai sắp tới. 

Theo nhận định của các chuyên gia, các nước châu Phi cũng như quân đội Mali nếu không có sự giúp đỡ của phương Tây sẽ khó có cơ hội giành lại khu vực miền Bắc Mali (có diện tích chiếm gần 2/3 lãnh thổ nước này) từ tay lực lượng khủng bố Hồi giáo. Pháp và Mỹ nhiều khả năng sẽ giúp đỡ về tài chính và kỹ thuật cho lực lượng gìn giữ hòa bình, hỗ trợ cho họ từ trên không, cung cấp thông tin tình báo, thậm chí sử dụng các đơn vị đặc nhiệm của mình để đột kích vào những mục tiêu trọng điểm.  

Chính quyền Mali trên thực tế đã đánh mất quyền kiểm soát của mình tại các khu vực phía bắc ngay từ tháng 3, sau khi quân đội chính phủ tại đây đã bị liên quân Hồi giáo và người Tuareg ly khai đánh cho tan tành. Nếu nhìn nhận một cách khách quan, những sự kiện bi kịch vừa qua tại Mali chỉ là một trong những hậu quả của cuộc nội chiến tại Libya. Không phải ngẫu nhiên ngay từ mùa thu năm ngoái nhiều chuyên gia đã cảnh báo: sự sụp đổ của chế độ Muanmar Gaddafi có thể gây bất ổn tình hình tại hàng chục quốc gia châu Phi từ khu vực miền Nam cho tới Sahara. Sau cái chết của nhà lãnh đạo Libya, hàng trăm tay súng thiện chiến người Tuareg chiến đấu cho ông ta đã chạy sang Mali, làm những hạt nhân mới cho phong trào của những anh em cùng bộ lạc chống đối lại chính quyền trung ương tại đây trong suốt 20 năm qua. 

Các phần tử Hồi giáo cực đoan phá hủy một lăng mộ tại Tombouctou.

Được trang bị những vũ khí hiện đại từ những người Tuareg tại Libya, phe ly khai chỉ trong vài tuần lễ đã kịp đánh bật quân đội Mali ra khỏi tất cả các khu vực ở miền Bắc nước này, lập ra một quốc gia chưa được ai thừa nhận có tên Azawad. Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn, sau khi quyền hành thực tế tại khu vực này lại rơi vào tay những băng nhóm có liên quan tới Al-Qaeda như Ansar Dine và "Phong trào vì sự thống nhất và thánh chiến tại Tây Phi" (MUJAO). Những tay súng của những băng nhóm này đã gạt bỏ được người Tuareg ra khỏi hầu hết các thành phố chủ chốt ở phía bắc, trong đó có cả trung tâm du lịch nổi tiếng toàn thế giới Tombouctou.

Gần đây, thành phố Tombouctou đã trở thành tâm điểm chú ý của các phương tiện truyền thông trên toàn thế giới, sau khi các tay súng Hồi giáo cực đoan đã thay nhau phá hủy hàng loạt những lăng mộ có mặt trong danh sách các di sản thế giới của UNESCO. Chúng tuyên bố: Người Hồi giáo cần phải tôn sùng duy nhất có thánh Allah, còn chuyện thờ cúng các vị thần thánh khác là trò tà đạo và đại bất kính. Việc phá hủy các lăng mộ tại Mali được công chúng quốc tế đánh giá chẳng khác gì vụ phe Taliban tại Afghanistan phá hủy các pho tượng phật khổng lồ. Đây cũng là một trong các nguyên nhân chính thúc đẩy các chính trị gia tại phương Tây và châu Phi phải xúc tiến nhanh việc chuẩn bị cho chiến dịch chống khủng bố tại miền Bắc Mali.

Nếu chiến dịch trên không được nhanh chóng triển khai, một phần lãnh thổ rộng lớn tại miền bắc Mali (có diện tích tương đương gấp đôi nước Đức) rất có thể sẽ trở thành một Somali thứ hai, "một lỗ đen" là nơi các băng nhóm Hồi giáo cực đoan sử dụng làm nơi ẩn náu cho mình. Mối nguy cơ trên, theo như các chuyên gia, sẽ là chất kết dính các quốc gia thành viên trong Hội đồng Bảo an (mặc dù đang có nhiều bất đồng về vấn đề  Syria và Iran) vẫn đồng lòng thông qua một nghị quyết bật đen xanh cho một cuộc chiến chống khủng bố quy mô lớn tại Lục địa đen

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.