Châu Âu lúng túng đối phó khủng hoảng di dân

Thứ Tư, 22/04/2015, 17:00
Ngày 20/4, Liên minh châu Âu (EU) đã họp khẩn cấp để bàn giải pháp đối phó tình trạng người từ Bắc Phi di cư trái phép qua biển Địa Trung Hải vào châu Âu đang trầm trọng đến mức khủng hoảng. Cuộc họp diễn ra sau khi xảy ra liên tiếp nhiều vụ chìm thuyền chở người di cư trái phép từ Bắc Phi vượt Địa Trung Hải vào châu Âu.

“Nghĩa địa” khổng lồ của những người vượt biển di cư

Vụ tai nạn nghiêm trọng mới nhất xảy ra vào đêm 18 rạng sáng ngày 19/4, tại vùng biển gần đảo Sicily, Italia. Thông tin từ các cơ quan chức năng châu Âu cho biết, khoảng 700 người được cho là đã chết hoặc mất tích trong vụ lật thuyền; chỉ 28 người sống sót, số khác đã chết ngay trên thuyền. Tổ chức Di dân Quốc tế (IOM) cho biết văn phòng tại Roma đã nhận được một cuộc gọi cầu cứu từ một chiếc thuyền chở người di cư. Chiếc thuyền đó chở khoảng 300 người.

Những thuyền nhân sống sót trong vụ lật thuyền ngày 19/4 được tàu cứu hộ đưa vào đảo Sicily, Italia.

Một người đàn ông 32 tuổi người Bangladesh sống sót trong vụ lật thuyền kể lại: chiếc thuyền của anh ta chở đến trên 950 người, trong đó nhiều người “chắc đã chết” vì cơ quan chức năng chỉ tìm thấy 24 cái xác cùng với anh ta. Cũng trong sáng sớm 20/4, thêm 3 người chết trong một vụ lật thuyền chở người di cư trái phép khác gần bãi biển Zephyros, Hy Lạp.

Trước đó, vào ngày 16/4, một vụ lật thuyền di cư khác ngoài khơi Libya đã làm chết 400 người. Sau các vụ lật thuyền chết người đó, các tàu cứu hộ của Italia, Malta và các nước lân cận đã hoạt động liên tục để cứu vớt những người sống sót trôi dạt trên biển hoặc trên những chiếc thuyền bị tai nạn.

Địa Trung Hải đang trở thành “nghĩa địa” khổng lồ của những người nhập cư vào châu Âu từ châu Phi. Từ vài năm trở lại đây, khi châu Âu tăng cường công tác quản lý chặt chẽ hoạt động nhập cư bất hợp pháp, các cửa ngõ trên bộ đã được bịt kín, thì Địa Trung Hải là cửa ngõ chính cho những người di cư trái phép. Theo thống kê không chính thức, mỗi năm có hàng chục ngàn người tìm cách vượt biển Địa Trung Hải xuất phát từ Libya và một số nước Bắc Phi khác, kể cả từ các quốc gia phía đông nam châu Âu như Hy Lạp, Síp,… Gia tăng cùng với số người di cư trái phép là số người chết mỗi năm do tai nạn lật thuyền, chìm tàu trên biển.

Trong 15 năm qua, đã có hơn 20.000 người chết do vượt biển sang châu Âu. Năm 2014, số người chết khi vượt biển Địa Trung Hải là 3.500 người. Tính đến ngày 20/4 năm nay, con số đã trên 1.500 người.

“Thà bỏ mạng trên biển còn hơn quay trở về quê…”

Không khó để nhìn thấy được nguyên nhân làm cho người di cư trái phép gia tăng đột biến trong thời gian gần đây. Hàng chục ngàn người từ châu Phi, Trung Đông và châu Á đã rời bỏ quê hương xứ sở mỗi năm để đến châu Âu với hy vọng tìm kiếm cuộc sống tốt hơn. Họ chạy trốn sự nghèo đói ở Somalia, chạy trốn bạo lực ở Libya, chiến tranh ở Nigeria, Chad, Bờ Biển Ngà, và cả chế độ hà khắc ở Ethiopia,…

Những thuyền nhân sống sót trong vụ lật thuyền ngày 19/4 được tàu cứu hộ đưa vào đảo Sicily, Italia.

Tình trạng bạo lực ở Libya còn tạo ra môi trường thuận lợi cho bọn cò mồi tổ chức đưa người vượt biển trái phép ngang nhiên kiếm ăn. Những người vượt biển không thành, bị bắt đưa trở lại đất liền và bị giam giữ trong các trại tập trung ven bờ biển Địa Trung Hải của Libya. Họ nói rằng, thà chết trên biển còn hơn quay trở về quê, vì trở về cũng coi như chết.

Sự gia tăng đáng ngại số người chết trên biển Địa Trung Hải khi cố nhập cư vào châu Âu đã khiến cho châu lục này đối mặt với những chỉ trích, phê phán của cộng đồng thế giới. Dư luận thế giới đang đặt câu hỏi: Trước tình trạng khủng hoảng di cư đang ngày càng nghiêm trọng này, châu Âu đã làm gì? Cho đến trước khi xảy ra các vụ lật thuyền nghiêm trọng tháng 4/2015, châu Âu dường như chẳng làm gì cả.

Ngay sau vụ lật thuyền ngày 16/4, Thủ tướng Italia đã kêu gọi lãnh đạo các nước châu Âu có hành động cụ thể để cùng với Italia tìm giải pháp hiệu quả nhất giải quyết cuộc khủng hoảng di cư này. Và cuộc họp khẩn cấp ngày 20/4 là động thái tích cực đầu tiên. Tuy nhiên, cho đến nay, nội bộ châu Âu vẫn đang thiếu thống nhất trong quan điểm xử lý vấn đề nhập cư. Các lãnh đạo châu lục này vẫn loay hoay tìm phương án làm giảm số người chết trên biển, nhưng chưa có phương án giải quyết tận gốc vấn đề nhập cư.

Italia là quốc gia cửa ngõ châu Âu thông ra Địa Trung Hải. Chính vì thế Italia cũng là quốc gia đối mặt thường trực với vấn nạn nhập cư trái phép. Theo thống kê của IOM, mỗi năm có đến hàng chục ngàn người nhập cư trái phép vào nước này, con số trong năm nay đã là 20.000 người, vẫn còn thấp hơn 4 tháng đầu năm 2014, nhưng số người chết trên biển thì đã tăng vọt gấp 9 lần. Ngoại trưởng Italia Paolo Gentiloni cho biết, đến 90% nỗ lực cứu hộ trong thời gian gần đây là do Hải quân Italia thực hiện khi nhận được lời kêu cứu của thuyền nhân.

Thủ tướng Italia phát biểu với Đài Phát thanh RTL rằng, ông muốn các đồng nghiệp EU phải can đảm đối diện với cái gốc của vấn đề di cư, đó là tham gia giải quyết tình trạng nghèo đói, bạo lực, chiến tranh và những vấn đề xã hội khác của châu Phi, mà cụ thể trước mắt là có những động thái quyết liệt hơn đối với mớ hỗn loạn ở Libya để triệt xóa tận gốc bọn đưa người vượt biển trái phép. Riêng trong vấn đề ngăn chặn làn sóng người nhập cư lâu nay vẫn chủ yếu là nỗ lực của Italia. Các nỗ lực cứu hộ người di cư trên biển Địa Trung Hải chủ yếu do Italia đảm trách với chương trình mang tên Mare Nostrum (Biển của chúng ta).

Nhưng tháng 11/2014, EU đã nỗ lực ngăn chặn tình trạng di cư trái phép bằng cách chấm dứt chương trình này và thay bằng chương trình Triton, hoạt động cách bờ biển Italia vài dặm, nhưng hiệu quả thấp vì kinh phí quá yếu kém. 

Nạn nhân của bọn buôn người

Trở thành cơn ác mộng với châu Âu nhưng chính bản thân người di cư cũng phải vượt hết ác mộng này đến ác mộng khác khi tháo chạy khỏi cái rốn xung đột Trung Đông. Một trong số đó là trở thành nạn nhân của bọn buôn người hám lợi, vô lương tâm.

Ngoại trưởng Italia Paolo Gentiloni.

Tại Libya, các băng đảng buôn người tự do hoạt động. Chúng lợi dụng tình hình khủng hoảng chính trị trầm trọng và kéo dài ở đất nước này để dụ dỗ, lôi kéo người dân Libya lên tàu tìm cuộc sống mới ở châu Âu. Cái giá cho một chỗ trên những con tàu thô sơ, xuống cấp và luôn trong tình trạng quá tải không hề rẻ. Có băng đảng đòi tới hơn nghìn euro đối với một người tị nạn.

Khi người muốn đi tị nạn không có tiền trao tay ngay, bọn buôn người sẵn sàng cho họ nợ và trả tiền sau. Tuy nhiên, một khi họ đã đặt chân lên đất châu Âu, họ bị món nợ này trói chân. Họ bị bắt làm việc cho bọn buôn người không khác gì nô lệ hoặc thậm chí bị ép bán nội tạng để trả nợ. Khi có thời cơ, họ sẵn sàng bị chúng bán cho các tổ chức tội phạm nước ngoài. Năm 2014, Italia đã bắt một nhóm buôn người quốc tế buộc người di cư trả tiền phí đưa họ từ châu Phi tới châu Âu bằng nội tạng.

Trên hành trình khổ nhục tới châu Âu, người di cư phải đặt cược tính mạng trên những con tàu tử thần, bị đối xử không khác gì con vật. Những người chết trên hành trình tới châu Âu nhiều khi bị bọn buôn lậu quẳng xác xuống biển để xua lũ cá mập háu đói bám theo tàu. Theo lời người còn sống sót vụ lật tàu ngày 19/4, bọn buôn người đã nhốt nhiều người trong các khoang tàu khóa chặt. Đó là một trong những lý do có quá nhiều người không thể thoát thân khi tàu lật.

Lợi dụng chính sách cứu nạn người di cư trên Địa Trung Hải của Italia, các băng đảng buôn người còn “tốt bụng” báo trước cho lực lượng bảo vệ bờ biển và tàu hải quân Italia ra cứu người di cư khi tàu của chúng sắp vào vùng biển nước này. Bọn chúng tin chắc rằng tàu của chúng sẽ được cứu, đến mức để tiết kiệm chi phí, chúng chỉ đổ nhiên liệu sao cho vừa đủ để tàu chạy đến vùng biển của Italia.

Theo Tổ chức Bác sĩ Không biên giới (MSF), mùa hè là mùa cao điểm của hoạt động đưa người vượt biển trái phép từ châu Phi sang châu Âu qua Địa Trung Hải, và đây cũng là thời điểm xảy ra nhiều vụ chìm, lật thuyền nhất. Chắc chắn tình hình di cư trái phép sẽ còn phức tạp hơn nhiều. Và nếu châu Âu vẫn giữ quan điểm bảo thủ trong vấn đề tiếp nhận và cứu hộ người nhập cư từ châu Phi, thì tình trạng nhập cư trái phép và số người chết trên biển Địa Trung Hải vẫn còn tiếp tục gia tăng.

Văn Trương - Thu Ngà (tổng hợp)
.
.