Chạy đua vũ trang trong lòng phương Tây

Thứ Năm, 01/08/2019, 16:40
Việc Nga tiếp sau Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) khiến cho “bóng ma” chạy đua vũ trang hạt nhân từng phủ bóng u ám lên châu Âu và toàn cầu thời Chiến tranh Lạnh có nguy cơ trỗi dậy.

Đặc biệt, vừa qua, Bộ trưởng Quân lực Pháp Florence Parly đã thông báo những nét chính trong chiến lược quân sự mới của Paris trong lĩnh vực phòng thủ không gian.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly đặc biệt quan tâm tới các loại vũ khí không gian. Ảnh: Cnet.

"Chiến tranh giữa các vì sao" đang trở lại?

Trong bài diễn văn tại căn cứ quân sự ở Lyon ngày 25-7 vừa qua, Bộ trưởng Quân lực Pháp (Bộ trưởng Quốc phòng) Florence Parly đã thông báo những nét chính chiến lược quân sự mới của Paris trong lĩnh vực phòng thủ không gian. Theo đó, Pháp sẽ tập trung đầu tư vào các phương tiện "phòng vệ tích cực". Cụ thể đó là các loại vũ khí mới được triển khai trên quỹ đạo Trái đất.

Song song, sẽ có một Bộ Tư lệnh thống nhất, giám sát các vệ tinh, đó là những nét chính của Chương trình phòng thủ và giám sát không gian. Bộ trưởng Florence Parly nhấn mạnh, trước các xung đột tiềm ẩn trong không gian do cạnh tranh giữa các cường quốc Mỹ, Nga và Trung Quốc, chương trình của Pháp không vi phạm các hiệp ước quốc tế cũng như không tạo thành một cuộc "chạy đua vũ trang" mà chỉ tổ chức "phòng vệ tích cực" cho các vệ tinh của mình.

Nhìn lại lịch sử, từ năm 1967 đã có một hiệp ước quốc tế nhằm quản lý hoạt động của các quốc gia trong lĩnh vực thăm dò và khai thác không gian ngoài tầng khí quyển, trong đó có cả Mặt trăng. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Florence Parly, "Hiệp ước đó không loại trừ quyền tự vệ chính đáng, không cấm quân sự hóa" không gian. Với các cường quốc, phía trên tầng khí quyển đang ngày trở thành một "trận địa không gian" mới cho những hoạt động bí mật.

Năm 1983, Tổng thống Mỹ lúc đó là Ronald Reagan đã phát động chương trình có tên gọi "Sáng kiến phòng thủ chiến lược" (IDS) với mục tiêu là đánh chặn các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mà Liên Xô có thể bắn tới lãnh thổ Mỹ, đề phòng Thế chiến 3 xảy ra. Nhưng cuối cùng Mỹ đã từ bỏ chương trình tốn kém này trước khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Khoảng 35 năm sau, Tổng thống Mỹ Donald Trump khơi dậy cuộc chạy đua vũ trang trong không gian với việc thành lập binh chủng US Space với mục tiêu không để người Nga chiếm ưu thế.

Từ khi công nghệ phát triển mạnh mẽ trong khoảng vài ba thập niên trở lại đây, cùng với việc các cường quốc đổ xô lên không gian, một đe dọa mới cũng xuất hiện, nhất là khi các hoạt động quân sự có thể được tiến hành từ trên cao cách xa Trái đất hàng nghìn km. Trong khi đó, các hệ thống phòng thủ ở mặt đất ngày càng lệ thuộc vào hệ thống thông tin hiện đại không thể thiếu là vệ tinh trên quỹ đạo.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, bà Florence Parly đặc biệt quan tâm tới các loại vũ khí không gian. Ảnh: Cnet.

Trả lời Đài RFI, chuyên gia Xavier Pasco, Giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược Pháp, phân tích: "Quân đội ngày càng dựa vào không gian nhiều hơn để tiến hành các chiến dịch quân sự. Trong cái nhìn của các nhà quân sự, các phương tiện không gian đang trở thành vấn đề sống còn. Giới quân sự đã nhận ra được điều này từ cách đây 15 năm nhưng Pháp thì mới nhận ra trong các chiến dịch quân sự gần đây. Pháp ý thức được điều này hơi muộn".

Cho dù dưới cái tên nào thì rõ ràng bản chất một cuộc chạy đua trên không gian đã thực sự bắt đầu. Bà Florence Parly lý giải, phòng vệ tích cực không phải là tấn công mà là khi có "các hành động thù địch thì Pháp phải có khả năng đáp trả tương xứng phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế".

Bà Florence Parly phác họa đường hướng chương trình phòng vệ tích cực: "Xác định, phân biệt đặc thù các hành động chơi xấu hay thù địch trong môi trường vệ tinh của chúng ta, tiếp tục phát triển các phương tiện hỗ trợ cho các chiến dịch quân sự, bảo vệ các phương tiện trong không gian của chúng ta và răn đe đối thủ".

Bà Florence Parly cho rằng, năm 2017, một vệ tinh quân sự của Pháp và Italy là Athena-Fidus đã bị một vệ tinh do thám được cho là của Nga đánh cắp thông tin. Sau đó, thiết bị này đã có những hành động tương tự đối với 8 vệ tinh của nhiều nước khác. Đã đến lúc Pháp phải tăng cường khả năng giám sát các vệ tinh của mình, nhật báo Le Monde nhận định.

Thách thức hiện nay là xác định các hành động gây hấn “dưới ngưỡng” xung đột. Về câu hỏi trong tương lai lực lượng không gian Pháp sẽ phản ứng thế nào với những hành động thù địch như vậy, bà Florence Parly quả quyết: Trong tương lai, các phương tiện "phòng thủ không gian của Pháp sẽ phải được trang bị các vũ khí laser cực mạnh để gây nhiễu đối thủ hoặc thậm chí phá hủy các tấm pin mặt trời của những vệ tinh ở gần".

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp (bên phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Đức (đứng giữa) bàn về một loại vũ khí mới. Ảnh: EurActi.

Paris cho biết đối tượng được “bảo vệ tích cực” như vậy có thể là những vệ tinh thương mại vì lợi ích an ninh quốc gia và cả những vệ tinh hợp tác với các đồng minh, đặc biệt là hệ thống định vị toàn cầu của châu Âu Galileo.

Cạnh tranh giữa các Binh chủng không gian

Để điều hành toàn bộ chương trình và hệ thống phòng thủ không gian như vậy, Bộ Tư lệnh không gian sẽ được thành lập vào tháng 9 tới. Trước mắt, bộ phận này nằm trong lực lượng không quân nhưng trong tương lai Pháp sẽ có binh chủng không quân và không gian. Trên phương diện pháp lý, Bộ Quân lực dự tính phải sửa đổi hệ thống luật năm 2008 về các hoạt động không gian.

Theo luật cũ, các hoạt động trong không gian của Pháp đặt dưới quyền quyết định của cơ quan dân sự, cụ thể là Trung tâm Quốc gia nghiên cứu không gian (CNES). Luật sửa đổi sẽ theo hướng sao cho quân đội có quyền quyết định một phần các hoạt động không gian nhằm tăng cường khả năng hành động mau lẹ, yếu tố cực kỳ quan trọng trong quân sự.

Số liệu chính thức của Chính phủ Pháp, ngân sách đầu tư hằng năm của Paris cho lĩnh vực không gian (cả quân sự lẫn dân sự) là 2 tỷ euro (2,22 tỷ USD), trong khi Mỹ mỗi năm chi 50 tỷ USD, Trung Quốc 10 tỷ USD và Nga 4 tỷ USD. Điều này cho thấy trong lĩnh vực không gian, Pháp tụt hậu khá xa, đồng thời lý giải tại sao Paris phải khẩn trương cho cuộc đua quân sự trên không gian như vậy.

Mới đây, Pháp đã thông qua luật về chương trình quân sự 2019-2025 với 3,6 tỷ euro dành cho phòng thủ không gian. Để có thêm phương tiện hoàn thiện hệ thống bảo vệ các vệ tinh, Bộ trưởng Quân lực Pháp thông báo sẽ bổ sung ngân sách 700 triệu euro từ nay đến năm 2025 - một khoản ngân sách vẫn bị các chuyên gia cho là còn quá khiêm tốn.

Paris kêu gọi mở rộng hợp tác với các đối tác lớn như Đức và Italy. Nhưng, trước sự cạnh tranh của Mỹ hay Trung Quốc, các nhà công nghiệp quốc phòng nhận thấy đầu tư của châu Âu là "vẫn còn chưa đủ".

Hiện, trên quỹ đạo Trái đất có khoảng hơn 2.500 vệ tinh hoạt động, chủ yếu là của Nga và Mỹ. Không lâu nữa con số này sẽ lên tới 8.000. Ưu tiên của Pháp là giám sát hoạt động vệ tinh. Bộ Quân lực Pháp cho biết sẽ tập trung nghiên cứu các loại “vệ tinh nano tuần tra”, có khả năng tự vệ, ngăn chặn sự phá hoại của các vệ tinh khác.

Quân đội Pháp sẽ có riêng vệ tinh chụp ảnh và những tính năng dịch vụ quan sát Trái đất. Pháp đã quyết định triển khai mẫu vệ tinh quỹ đạo cao GOET Tracker do Tập đoàn Arian Group chế tạo. Vệ tinh radar Grave sẽ được trang bị thêm các phương tiện quan sát cho quỹ đạo thấp. Ngoài ra, Pháp dự kiến trang bị cho quân đội loại radar chống tên lửa tầm xa.

Nước Pháp muốn một mình một ngựa   

Châu Âu với vai trò "đầu tàu" của Pháp và Đức quyết không chịu lùi về sau. Tháng 6-2017, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đồng ý cùng phát triển các hệ thống vũ khí hoàn toàn mới về công nghệ cho không quân nói riêng và quân đội của hai nước nói chung, cũng như mở rộng sang các nước châu Âu khác.

Theo sáng kiến của Pháp, nước này và Đức sẽ hợp tác chặt chẽ trong dự án phát triển một thế hệ máy bay chiến đấu và một dòng xe tăng mới cho Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, để có thể cùng lúc thực hiện cả hai dự án là điều không khả thi, theo đó hai nước còn ký hợp đồng đầu tiên cho một thế hệ máy bay chiến đấu mới, nhằm phát triển Hệ thống chiến đấu châu Âu mới (FCAS).

Vũ khí của Pháp ngày càng nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia. Ảnh: TRT World.

Theo dự án, thế hệ máy bay chiến đấu mới có thể được biên chế cho lực lượng không quân hai nước và các nước thành viên EU từ năm 2040 và mang lại cho ngành công nghiệp quốc phòng doanh số lên tới 500 tỷ euro. Người châu Âu muốn đảm bảo cơ hội cạnh tranh ngang hàng với Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Tuy nhiên, trước khi đi đến quyết định ký kết, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly phải tìm được tiếng nói chung trong vấn đề quy định xuất khẩu vũ khí.

Lẽ ra nước Anh cũng tham gia phát triển chung với Pháp và Đức, song sự kiện Brexit và những rắc rối ngoài dự đoán đã khiến Anh đứng ngoài các dự án của Pháp. Những người đứng đầu ngành quốc phòng của Mỹ và các nhà ngoại giao EU đã lên tiếng cảnh báo rằng lập trường cứng rắn của Pháp sẽ dẫn đến rủi ro gây chia rẽ giữa các nước thành viên NATO.

Một nhà ngoại giao EU giấu tên nói: "Pháp đang cố gắng ngăn cản bất cứ sự tham gia nào từ các nước Canada, Mỹ, Na Uy và Anh. Làm như vậy, những nước này cũng chấm dứt sự hợp tác với NATO, trong khi 25 trong tổng số 34 dự án trong khuôn khổ Pesco đều gắn chặt với các mục tiêu của NATO".

Cuộc đấu nội bộ của các nước phương Tây

Những căng thẳng trong lĩnh vực vũ khí nay đã "lây" sang lĩnh vực thương mại khi nguy cơ bùng nổ cuộc chiến thương mại Mỹ-Pháp đang ở rất gần, bất chấp việc Pháp là một đối tác thương mại và là đồng minh lâu đời nhất của Mỹ. Hiện, Pháp trở thành quốc gia tiên phong trong việc đánh thuế các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới - mà đa phần là của Mỹ.

Ngày 11-7, Thượng viện Pháp đã thông qua dự luật đánh thuế đối với các dịch vụ kỹ thuật số của “những gã khổng lồ” Internet tại Pháp, gọi tắt là GAFA, ghép các chữ cái đầu của 4 tập đoàn thống trị thế giới công nghệ hiện nay là Google, Amazon, Facebook và Apple, mặc cho Mỹ đe dọa đáp trả bằng “vũ khí yêu thích nhất” của chính quyền Tổng thống Donald Trump, đó là thuế quan.

Giống như Mỹ, Pháp cũng đang tìm mọi cách để quảng bá hình ảnh và sức mạnh của mình ở khắp nơi trên thế giới. Một cuộc cạnh tranh ảnh hưởng thực sự trong thế giới phương Tây đã bắt đầu diễn ra. Vào đúng thời điểm Đối thoại Shangri-La diễn ra tại Singapore tháng 5 vừa qua, khi Lầu Năm Góc đã đưa ra "Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" của Mỹ thì Bộ Quốc phòng Pháp cũng quảng bá một báo cáo mang tựa đề "Pháp và an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương". Cả Mỹ và Pháp đều cử một phái đoàn quan trọng đến Singapore.

Phát biểu tại Đối Thoại Shangri-La hồi đầu tháng 6, Bộ trưởng Florence Parly đã nhận định rất thẳng thắn về tình hình an ninh căng thẳng đang tác động đến khu vực Đông Á và cho rằng, cuộc chiến ở tầm cao mới bắt đầu. Bà Parly cũng nhấn mạnh 5 ưu tiên của Pháp ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có việc phát huy sự ổn định của khu vực thông qua hợp tác quân sự và an ninh, bảo vệ quyền tự do tiếp cận các tuyến hàng hải, cổ vũ cho những phương tiện đa phương để duy trì sự ổn định chiến lược.

Để đánh dấu quyết tâm của Paris dấn thân sâu hơn vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vào đúng lúc mở ra Đối thoại Shangri-La 2019, hàng không mẫu hạm Pháp Charles de Gaulle và đoàn tàu tháp tùng đã cập cảng Singapore, được coi như một lời khẳng định rằng Pháp sẽ hiện diện và bảo vệ lợi ích, sự ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cạnh tranh trực tiếp với các cường quốc phương Tây.

Hoa Huyền
.
.