Cháy rừng ở Hy Lạp: Một bộ trưởng và nhiều quan chức từ chức

Thứ Năm, 09/08/2018, 16:01
Tức giận vì phản ứng quá chậm chạp và thiếu trách nhiệm của chính quyền, người thân của các nạn nhân vụ cháy rừng lịch sử ở Hy Lạp đã thuê luật sư đâm đơn kiện cơ quan chức năng Hy Lạp đòi họ phải chịu trách nhiệm cho những mất mát quá lớn về con người trong vụ cháy rừng xảy ra hôm 22-7.

Trong khi đó, Chính phủ Hy Lạp cũng đang gặp vấn đề do ảnh hưởng từ vụ cháy rừng.

Hiện Chính phủ Hy Lạp đang trình xin Quốc hội thông qua khoản ngân sách chi cho công tác cứu trợ nạn nhân thảm họa cháy rừng. Trong khi đó, gia đình các nạn nhân đã nộp đơn lên văn phòng công tố để kiện các cơ quan chức năng Hy Lạp.

Đại diện nguyên đơn, luật sư Antonis Foussas cho báo chí biết, tất cả những tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về phòng cháy, chữa cháy và chăm lo sự an toàn cho người dân đều phải bị truy tố. Cụ thể hơn, Foussas cho biết, các bị đơn bao gồm cơ quan bảo vệ dân thường, Tỉnh trưởng tỉnh Attica, Thị trưởng thành phố Marathon và các cơ quan cảnh sát và phòng cháy chữa cháy.

Bộ trường Bảo đảm an toàn công chúng Nikos Toskas từ chức vì vụ cháy rừng.

Đơn kiện do gia đình của 2 nạn nhân tử vong trong đám cháy khởi kiện được cho là sẽ tạo đà cho các gia đình nạn nhân khác làm theo, có khả năng tạo nên làn sóng pháp lý chưa từng có trong lịch sử Hy Lạp trong vài tuần tới.

Tính đến thời điểm đám cháy đã được dập tắt hôm 1-8, thiệt hại về con người ước tính đã lên tới 91 người chết, hàng trăm người khác bị thương. Đó là chưa kể những thiệt hại về vật chất, tài sản. Đám cháy được cho là khởi phát từ khu vực Daou Penteli thuộc ngoại ô Đông Bắc Athens, do một kẻ nào đó đốt cây trong thời tiết nắng nóng gay gắt làm bùng phát đám cháy. Lửa lan càng nhanh hơn khi được tiếp sức bởi cường độ gió mạnh đến 125 km/giờ khiến cho mọi nỗ lực dập lửa trở nên vô hiệu.

Đám cháy lan nhanh nhưng người dân đã không được sơ tán kịp thời. Đã có những cái chết rất thương tâm được thuật lại trên báo chí khiến dư luận phẫn nộ, như trường hợp ông giáo già Vassilis Katsargytis, 70 tuổi, cùng người hàng xóm 73 tuổi Maria Pagomenou bị mắc kẹt bên trong gara ôtô của gia đình do cửa sắt cuốn không mở ra được vì cúp điện.

Trong cảnh hoảng loạn trước đám cháy hung hãn, cảnh sát giao thông còn hướng dẫn nhầm cho hàng chục lái xe chạy thẳng vào vùng tâm đám cháy khiến mọi người không có đường thoát! Nhiều người dân ở Mati đã nhảy xuống biển để thoát đám cháy nhưng rốt cuộc họ cũng bị chết đuối do các tàu hải quân và tàu thuyền tư nhân không đến cứu kịp.

Vụ cháy rừng lịch sử đang dồn thêm khó khăn cho chính quyền của Thủ tướng Alexis Tsipras. Những tiếng chỉ trích từ dư luận ngày một tăng khi người ta từng lúc phát hiện ra năng lực yếu kém và thái độ thụ động của bộ máy cứu hộ cứu nạn trong việc ứng phó thảm họa.

Ngày 27-7, năm ngày sau khi đám cháy rừng bùng phát, Thủ tướng Tsipras đã lên tiếng nhận trách nhiệm chính trị vì là người đứng đầu chính phủ, phải có trách nhiệm cao nhất. Ngày 30-7, Thủ tướng Tsipras và sau đó là Bộ trưởng Quốc phòng Panos Kammeros, đã trực tiếp đi thị sát thị trấn Mati, nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất, để nắm tình hình thực tế và có sự chỉ đạo phương án giải quyết thích hợp.

Tuy nhiên, động thái xâm nhập thực tế kèm lời nhận trách nhiệm của Thủ tướng Tsipras đã không thể hóa giải được làn sóng chỉ trích của dư luận cả nước nhắm vào các cá nhân, tổ chức trong bộ máy chính quyền.

Hình ảnh ngọn lửa hung hãn của đám cháy rừng.

Ông Dimitris Stathopoulos, người đứng đầu Liên đoàn lính cứu hỏa Hy Lạp, đã đứng về phía các nạn nhân và lên tiếng chỉ trích sự yếu kém của các cơ quan chức năng Hy Lạp. Ông cho rằng cơ quan khí tượng đã không dự báo được cường độ gió mạnh khiến cho việc triển khai công tác cứu hộ bằng máy bay thất bại do không thể cất cánh.

Ông Stathopoulos cũng chỉ trích cơ quan bảo vệ an toàn cho dân chúng đã không lắng nghe lời cảnh báo nguy cơ cháy từ đội lính cứu hỏa nên đã không kịp thời sơ tán dân, để xảy ra số thương vong cao.

Thêm vào đó, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Yanis Varoufakis cũng dội thêm dầu vào “đám cháy”, chỉ trích chính phủ Athens chỉ biết “đổ lỗi” cho tình trạng đốt rừng, cho khủng bố, phá hoại mà không nhìn nhận sự yếu kém trong tổ chức bộ máy, thiếu sự chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó khi có thiên tai, thảm họa xảy ra. Đáng nói hơn, lực lượng cứu hỏa Hy Lạp hiện trong tình trạng trang bị quá yếu kém, khó có thể ứng phó một cách hiệu quả trong trường hợp có đám cháy rừng lớn như vừa qua.

Ông Stathopoulos thừa nhận rằng, việc cắt giảm chi tiêu ngân sách trong cuộc giải cứu khủng hoảng ngân sách vừa qua đã có phần tác động quan trọng. Hậu quả của việc cắt giảm đó đã tạo ra tình trạng ít nhất 30% phương tiện cứu hỏa bị hư hỏng, không sử dụng được do quá cũ kỹ, sử dụng quá lâu năm, nhưng không được thay mới.

Vấn đề không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan ứng phó thiên tai, chữa cháy và cứu hộ, an toàn, mà còn là vấn đề quản lý người nhập cư sinh sống tự phát trong các khu rừng trên đất nước Hy Lạp. Khi họp thông qua gói ngân sách cứu trợ, các nghị sĩ trong liên minh cầm quyền đã tuyên bố sẽ thúc đẩy việc tháo dỡ, giải phóng 3.185 ngôi nhà xây cất trái phép trong các khu vực rừng và dọc duyên hải, những nơi có số thương vong cao nhất trong vụ cháy rừng vừa qua.

Dư luận giằng co chủ yếu xoay quanh Bộ trưởng Bảo đảm an toàn công chúng Nikos Toskas và một số quan chức khác của các cơ quan có liên quan. Rốt cuộc ông Toskas, 2 Phó Thị trưởng thành phố Marathon cùng một số quan chức các thị trấn, cơ quan chức năng đã phải từ chức hôm 1-8, với lời giải thích rằng “lương tâm không cho phép” tiếp tục ở lại vị trí đó.

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.