Cháy tòa tháp đôi EVN: Thoát hiểm từ tầng 33

Thứ Tư, 21/12/2011, 14:25

Khoảng 16 giờ 15 phút ngày 15/12, xảy ra vụ cháy lớn tại tòa tháp đôi Trung tâm Điều hành và Thông tin viễn thông điện lực Việt Nam (EVN) ở phố Cửa Bắc, phường Trúc Bạch, Hà Nội. Hàng chục công nhân đang thi công hoàn thiện tòa tháp đã mắc kẹt chìm trong cột khói khổng lồ phủ kín hai tòa tháp.

Chiều tối 15/12, có mặt tại hiện trường vụ cháy, vòng qua các tuyến phố Phạm Hồng Thái, Nguyễn Khắc Nhu,… xung quanh tòa tháp đôi của EVN, chúng tôi bắt gặp rất nhiều gương mặt lo lắng của các công nhân thi công tòa nhà. Tất cả đều hướng ánh mắt âu lo lên phía các tầng cao vẫn cuồn cuộn khói đen. Trên cao, có tín hiệu đèn le lói. Có bóng khăn trắng vẫy. Hàng trăm, hàng nghìn người ở dưới đất nín thở theo dõi công tác cứu hộ, cứu nạn. Không tránh được những tiếng thở dài sốt ruột khi trời mỗi lúc một tối dần. Các tuyến phố xung quanh cũng bị cắt điện tối om.

Hỏi chuyện một công nhân có gương mặt còn rất trẻ, anh Nguyễn Ngọc Khiêm cho biết, lúc vụ cháy xảy ra, anh đang làm việc ở tầng một nên chạy được ra ngoài ngay. Sau đó, anh điện thoại cho một người bạn tên Nguyên để hỏi thăm, Nguyên cho biết đang mắc kẹt ở tầng 33 cùng hàng chục công nhân khác. Chúng tôi xin điện thoại của Nguyên.

18 giờ, Nguyên cho biết có khoảng 20 người đang trên tầng 33, mọi người rất lo lắng, phải dùng vải bịt mặt, mũi cho dễ thở. Những ai có điện thoại di động đều cố gắng duy trì liên lạc với những người dưới mặt đất. Sau đó và cho đến nửa đêm, chúng tôi tiếp tục liên lạc. Điện thoại đổ chuông nhưng không thấy Nguyên nghe máy. Đến 22 giờ, được Ban chỉ huy chữa cháy thông báo không còn ai trong tòa nhà. Những người mắc kẹt đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Thấy mừng quá. Đoán là Nguyên của chúng tôi chắc đã được đưa vào bệnh viện. Nhưng vẫn cứ thấp thỏm lo.

Sáng sớm 16/12, điện thoại thì Nguyên nghe máy. Mừng hú. Cả đêm qua lo lắng. Tôi phi ngay vào Khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh-pôn. Thạc sĩ Nguyễn Thông, Trưởng khoa cùng y bác sĩ đang khám lại cho số công nhân được đưa tới cấp cứu từ vụ cháy tòa nhà EVN. Bác sĩ Thông cho biết, tối 1512 có 26 người được đưa vào cấp cứu, 2 người đã về nhà luôn, còn 24 người được chuyển vào Khoa Bỏng. Với kinh nghiệm điều trị, bác sĩ Thông chẩn đoán tất cả bị bỏng hô hấp. Loại bỏng này không có biểu hiện đau đớn nhưng hết sức nguy hiểm vì nạn nhân đã bị hít một lượng lớn khí độc gồm ôxít các-bon và Cyanua. 

Những cột khói đen bốc lên từ tòa tháp EVN.

Trên giường bệnh, khuôn mặt  Trương Văn Nguyên (24 tuổi) quê Ân Thi, Hưng Yên (người công nhân mà chúng tôi đã liên lạc tối qua) vẫn xạm khói. Nguyên cho biết mới vào làm việc tại công trình tòa tháp EVN khoảng 1 tháng nay. Việc của Nguyên là kiểm tra các van nhiệt của điều hòa.

Nguyên kể lại, lúc xảy ra cháy, Nguyên đang ở tầng 29. Tổ làm việc của Nguyên còn có 2 anh khác cùng quê Hưng Yên là Đặng Phạm Nguyên và Nguyễn Văn Hùng. 3 người đang nghỉ chuẩn bị hết ca thì nhìn thấy khói ở dưới bốc lên mù mịt. Hoảng quá, cả 3 bảo nhau chạy xuống tầng dưới nhưng chỉ chạy được khoảng 2-3 tầng thì khói đen đã dày đặc, một số công nhân từ các tầng dưới chạy ngược lên. Tất cả theo thang bộ chạy tít lên tầng mái. Có tổng cộng khoảng 20 người thuộc nhiều tốp thợ khác nhau, không quen biết nhưng tất cả đều tụ vào chỗ có ánh sáng nhiều nhất. Mọi người bảo nhau cởi áo khoác để bịt mắt, bịt mũi cho đỡ ngạt.

Đến khoảng 17 giờ 30 phút, có gió to, mọi người phân công nhau đi tìm chỗ nào thoáng khí nhất để tập trung ngồi. Cứ luân phiên và thay đổi chỗ ngồi liên tục như vậy. Trời mỗi lúc một tối, gió thổi rất mạnh. Ai nấy bắt đầu run lên vì rét. Nhưng tất cả vẫn bình tĩnh, ngồi sát vào nhau truyền hơi ấm. Có tiếng đùa: Hôm nay xuống được đất, anh em mình phải liên hoan nhé. Cười, nhưng trong bụng thì căng thẳng và lo. Biết đâu, không cứu được thì sao…

Nguyên bảo đang học Trường Sư phạm kỹ thuật, có được học sơ qua về các tình huống sơ cứu khi cháy, cách điều hòa thở trong đám cháy nhưng với đám cháy ở độ cao như vậy thì chưa được học.  Họ chỉ xử lý theo tình huống thực tế lúc đó, thấy chỗ nào thoáng nhất thì ngồi. Nhưng có một nguyên tắc mà cả 20 người thống nhất, đó là phải luôn đi cùng nhau, không ai được tách rời. Và 20 cái đầu đều suy nghĩ xem có cách nào tự cứu mình thì chia sẻ cho những người còn lại cùng bàn bạc.

Khoảng 18 giờ, mọi người reo lên khi có 4-5 người lính cứu hỏa xuất hiện từ phía cầu thang bộ. Lính cứu hỏa mang theo rất nhiều khăn mặt ướt, chia cho anh em công nhân và hướng dẫn cách bịt vào mặt để tránh ngạt khói.  Lúc đó anh em nghĩ không thể bị chết rồi. Mừng lắm. Lính cứu hỏa xuống tầng 33 trinh sát, thấy đỡ khói hơn liền dẫn 20 công nhân xuống cho đỡ lạnh. Toàn bộ cửa kính thông gió được mở toang.

Nguyên nhân cháy do lửa hàn?

Là một trong số những người may mắn thoát ra ngoài từ tầng hầm tòa tháp A ngay từ những phút đầu tiên sau khi vụ cháy xảy ra, anh Nguyễn Huy Học, thợ hàn cho biết vào thời điểm xảy cháy, anh nhìn thấy lửa hàn bắn vào vật liệu bảo ôn đang thi công trong tầng hầm và nhanh chóng lan ra 3 tầng hầm nối liền 2 tòa tháp A và B. Trong tầng hầm không có nhiều vật liệu cháy, nhưng do chất cháy bằng nhựa nên tỏa ra rất nhiều khói độc.

Sáng 16/12, Sở Cảnh sát PCCC phối hợp Công an quận Ba Đình, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an tiến hành khám nghiệm hiện trường, làm rõ nguyên nhân cháy.

Lính cứu hỏa thông báo họ đã vận hành được vận thang (thang tời) dùng để lắp và lau kính mặt ngoài. Nhưng vận thang này tải trọng có hạn, mỗi lần chỉ được tối đa 5 người. Ai sẽ xuống trước đây. Không ai bảo ai. Mọi người thống nhất đưa những người lớn tuổi, người yếu xuống trước. Chuyến đầu tiên, nín thở. Vận thang tròng trành, cuối cùng cũng đã tiếp đất. Tiếp đến chuyến thứ hai.

10 công nhân còn lại, trong đó có Nguyên được lính cứu hỏa cùng cán bộ kỹ thuật của tòa nhà đưa xuống theo đường thang bộ. Đi tới tầng nào, tất cả gọi to và tìm xem có ai mắc kẹt không. Không có ai. Nhưng khói thì vẫn đen đặc. Một người đi trước bấm đèn pin dẫn đường. Người cuối cùng cũng bấm đèn pin soi. Cả đoàn bước đi vừa mừng, vừa thắc thỏm. Chừng được 5 tầng thì nghỉ lại, mở cửa sổ hít không khí. Rồi lại đi tiếp. Cứ mỗi lúc xuống được một tầng, lại mừng vì  cơ hội sống sót kéo dài thêm.

Đến tầng 15, đúng lúc vận thang từ dưới đất lên chuyến thứ 3. 5 người được chuyển xuống tiếp. Còn lại 5 người: Nguyên, 2 cán bộ Ban quản lý và 2 công nhân. Càng xuống thấp, thấy trong lòng mừng không tả xiết. Thế mà lúc trên tầng thượng, đã có người điện thoại về nhà, dặn dò gia đình, vợ con. Không ai khóc, nhưng họ đã nghĩ đến tình huống xấu nhất.

Cuối cùng, đoàn 5 người đi bộ lại xuống mặt đất trước nhóm đi vận thang. Lính phòng cháy, bộ đội đặc công đón ở cửa. Họ ôm chầm lấy nhau. Những người cuối cùng được đưa lên xe cấp cứu vào Bệnh viện Xanh-pôn. Nằm trên cáng mà anh em mừng đến trào nước mắt.

Trương Văn Nguyên bảo tôi rằng, qua cơn hoạn nạn, anh em công nhân thấy gắn bó với nhau hơn. Bình tĩnh, đoàn kết đã giúp họ thoát hiểm. Và có thêm kinh nghiệm tự cứu bản thân khi gặp tình huống cháy ở tòa nhà cao tầng.

Đại tá Tô Xuân Thiều - Phó Giám đốc Sở PCCC Hà Nội :

"Đã dùng hết sạch mặt nạ phòng độc và bình thở..."

- PV: Đồng chí cho biết đến thời gian nào thì các lực lượng hoàn thành công tác cứu hộ, cứu nạn?

- Đại tá Tô Xuân Thiều:  Chúng tôi đã áp dụng biện pháp yêu cầu nhà thầu kiểm danh kiểm diện toàn bộ những người thi công trong tòa nhà. Về phía Cảnh sát PCCC cũng đã kiểm danh kiểm diện toàn bộ CBCS tham gia chữa cháy, cứu hộ cứu nạn tại tòa nhà. Đến 22 giờ thì khẳng định không còn ai trong tòa nhà. Mặc dù vậy, để đảm bảo chắc chắn, đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội  yêu cầu Cảnh sát PCCC, Công an quận Ba Đình và Bộ Tư lệnh Thủ đô cử người kiểm tra từng tầng một, từ tầng hầm cho đến tầng 34, đến 24 giờ đêm mới xong.

- PV: Vào thời điểm cháy, có bao nhiêu người mắc kẹt trong tòa nhà? Cảnh sát PCCC đã cứu được bao nhiêu người, thưa đồng chí?

- Đại tá Tô Xuân Thiều: Vào thời điểm xảy cháy, trong tòa nhà mắc kẹt nhiều người nhưng những người từ tầng 9 trở xuống đã tự chạy xuống được. Cảnh sát PCCC đã dùng xe thang và vận thang ngoài tòa nhà cứu được 35 người. Có 26 người được chuyển vào Bệnh viện Xanh-pôn cấp cứu. Trong số này, có 1 người bị thương đứt gân ngón  tay do đập cửa kính.

- PV: Đồng chí đánh giá như thế nào về công tác cứu hộ cứu nạn trong vụ cháy này?

- Đại tá Tô Xuân Thiều: Khi tới hiện trường  lực lượng chữa cháy đã tiến hành trinh sát, sau đó chia làm 2 mũi : Một mũi tập trung chữa cháy, một mũi  làm công tác cứu hộ cứu nạn. Chúng tôi đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật, dùng loa phóng thanh yêu cầu mọi người thoát lên tầng cao nhất, thoát ra phía cửa ra vào chỗ đầu gió để tránh bị ngạt, bình tĩnh chờ lực lượng PCCC tiếp cận đưa xuống. Nói chung những người mắc kẹt đã chấp hành tốt những yêu cầu của Cảnh sát PCCC hướng dẫn qua loa phóng thanh, qua điện thoại di động nên công tác cứu hộ cứu nạn tương đối hoàn hảo.

- PV: Cảnh sát PCCC đã gặp những khó khăn gì khi chữa cháy tại tòa nhà này?

- Đại tá tô Xuân Thiều: Tòa nhà đó mặc dù có lắp đặt hệ thống PCCC nhưng do chưa đi vào hoạt động nên hệ thống này không có tác dụng gì. Tòa nhà có thiết kế 2 tháp cao 28 tầng và 34 tầng, có 2 cầu thang thoát nạn theo thiết kế là buồng thang kín nhưng do tòa nhà vẫn chưa hoàn thiện nên 2 cầu thang thoát nạn này coi như cầu thang ngoài trời, không có tác dụng ngăn khói, gây khó khăn cho công tác cứu hộ, cứu nạn.

- PV: Qua vụ cháy này cho thấy trang thiết bị của chính lực lượng Cảnh sát PCCC còn sơ sài…
 
- Đại tá Tô Xuân Thiều: Vụ  cháy này  không lớn nhưng có nhiều khói độc tỏa ra khắp 34 tầng của tòa nhà. Các thiết bị như mặt nạ phòng độc, bình thở, áo chống cháy… của Cảnh sát PCCC Hà Nội chỉ có hạn. Chính vì vậy lực lượng được huy động đến rất đông nhưng số người vào tòa nhà để vận hành công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn là rất hạn chế. Hiện thiết bị mặt nạ phòng độc, bình thở và áo chống cháy của lực lượng phòng cháy là rất thiếu. Ngày hôm qua phải "vét" của Cục Cảnh sát PCCC được hơn 10 bộ bình thở và đã sử dụng hết sạch. Đến hôm nay nếu Hà Nội mà xảy cháy thì không còn bình thở và mặt nạ phòng độc đâu…

- PV: Đồng chí có khuyến cáo gì đối với những người bị mắc kẹt trong các đám cháy nhà cao tầng nên làm thế nào để thoát hiểm?

- Đại tá Tô Xuân Thiều: Khi xảy ra sự cố cháy tại nhà cao tầng, với kinh nghiệm bản thân, tôi khuyến cáo mọi người nên bình tĩnh, dùng khăn mặt tẩm ướt, bịt đường thở như mũi, miệng, ép sát người xuống sàn nhà, tìm ra các cửa thoát hiểm. Nếu thấy không đảm bảo thì nên ra các hành lang, ban công để các lực lượng khác trợ giúp.

-PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Hương Vũ
.
.