Chênh vênh Brexit

Thứ Tư, 23/10/2019, 11:07
Nước Anh sẽ ra khỏi EU vào ngày 31-10 tới với thỏa thuận mới giữa ông Johnson và EU nếu thỏa thuận này được Quốc hội Anh thông qua trong những ngày còn lại của tháng 10 này. Nếu không, sẽ thật khó đoán định tương lai của Brexit, những kịch bản bất ngờ nhất cũng có thể xảy ra.

“Niềm vui ngắn chẳng tày gang”

Đến ngày 20-10, Chính phủ Anh vẫn khăng khăng rằng nước này sẽ rời khỏi EU trong 11 ngày nữa, bất chấp việc Quốc hội đã buộc Thủ tướng Boris Johnson phải yêu cầu xin gia hạn Brexit thêm một lần nữa.

Cuối tuần qua là khoảng thời gian đầy kịch tính khi các nghị sĩ Anh ở Hạ viện đã bỏ qua cơ hội quyết định xem xét thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Johnson đã đàm phán được với EU. Mọi cố gắng trở thành “cát bụi” đã khiến ông Johnson chịu sức ép ngày càng lớn nhằm tìm cách thoát ra khỏi tình thế bế tắc hiện nay liên quan tới việc khi nào và làm như thế nào để đưa Anh rời EU, sau khi các cử tri Anh đã bỏ phiếu ủng hộ Anh rời khỏi khối này với tỷ lệ rất sít sao trong một cuộc trưng cầu dân ý năm 2016.

Ngay tối 19-10, ông Johnson đã miễn cưỡng gửi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk một bức thư - theo yêu cầu của luật pháp  để yêu cầu xin gia hạn Brexit nhưng ông không ký tên vào bức thư này.

Lãnh đạo đảng Bảo thủ còn gửi bức thư thứ hai, có ký tên, trong đó khẳng định rằng ông không muốn gia hạn thêm Brexit, vốn đã bị trì hoãn đến 2 lần và cảnh báo rằng “việc gia hạn thêm nữa sẽ gây tổn hại tới lợi ích của cả Anh và các đối tác EU”. Không những thế, thông qua một bức thứ thứ ba của Đại sứ Anh tại Liên minh châu Âu Tim Barrow, London nói rõ thêm là đơn xin gia hạn Brexit chỉ được gửi đi để tuân thủ luật pháp.

Rốt cuộc ông Boris Johnson đã phải làm theo luật pháp nhưng một cách miễn cưỡng. Ông không gửi 1 mà là 3 bức thư, trong đó bức quan trọng nhất thì không có chữ ký của ông, còn bức mang chữ ký thì lại là một thông điệp chính trị có nội dung mâu thuẫn với thông điệp đầu tiên.

Có thể thấy, việc đảm bảo một thỏa thuận “ly hôn” mới tại hội nghị với EU hôm 17-10 là một chiến thắng cá nhân của Thủ tướng Johnson. Ông đã dành 48 giờ “điên cuồng” cố gắng thuyết phục các nghị sĩ ủng hộ nó và giành được sự ủng hộ từ nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ có quan điểm hoài nghi châu Âu, vốn đã 3 lần từ chối một thỏa thuận ly hôn trước đó do cựu Thủ tướng Theresa May thúc đẩy.

Tuy nhiên, Quốc hội - cũng giống như công chúng - vẫn bị chia rẽ về cách thức và thậm chí là vấn đề liệu Anh có nên chấm dứt hàng thập kỷ hội nhập với đối tác thương mại khăng khít nhất này hay không. Các nghị sĩ đã bỏ phiếu ủng hộ một kiến nghị của cựu bộ trưởng thuộc phe Bảo thủ Oliver Letwin rằng “họ sẽ không chấp nhận (thỏa thuận) trừ khi và cho đến khi việc thực thi luật được thông qua”. Trong khi các nghị sĩ bỏ phiếu bên trong Quốc hội, bên ngoài có hơn 100.000 người tuần hành yêu cầu một cuộc trưng cầu dân ý mới mà có thể đảo ngược Brexit.

Cuộc chiến với Quốc hội của ông Johnson sẽ còn dai dẳng.

Tầm nhìn của EU

Chính phủ Anh sẽ đưa ra một điều luật vào tuần tới để thực hiện thỏa thuận “ly hôn”, với cuộc bỏ phiếu đầu tiên sẽ diễn ra ngày 22-10. Theo giới quan sát, Anh vẫn hoàn toàn có thể rời EU vào ngày 31-10, nếu Nghị viện Anh kịp thời phê chuẩn Luật Áp dụng thỏa thuận - tên chính thức là Luật Thỏa thuận ly hôn.

Chính phủ Thủ tướng Johnson có kế hoạch đệ trình dự luật vào đầu tuần tới và có thể tổ chức nhiều phiên họp thâu đêm, với hy vọng thỏa thuận được thông qua trong thời hạn ngắn nhất.

Liệu EU sẽ vẫn “chiều lòng” nước Anh? Sau một cuộc họp chỉ kéo dài 15 phút hôm 20-10, các nhà ngoại giao EU cho biết EU sẽ chờ đợi chứ không vội vã đưa ra quyết định về yêu cầu miễn cưỡng xin gia hạn Brexit của Thủ tướng Anh Johnson.

Từ quan điểm của EU, lựa chọn trì hoãn Brexit có thể chỉ là thêm 1 tháng tới nửa năm, hoặc thậm chí còn lâu hơn. Một nhà ngoại giao cấp cao của EU nói: “Chúng tôi hy vọng mọi chuyện sẽ rõ ràng hơn vào cuối tuần này, hy vọng rằng tới khi đó chúng tôi sẽ nhìn thấy mọi chuyện ở London diễn biến ra sao”.

Một nhà ngoại giao cấp cao khác của EU nói: “Quả bóng chính trị hiện đang ở Westminster. Hãy xem mọi chuyện trong vài ngày tới diễn ra như thế nào”. Theo nhà ngoại giao này, nếu những diễn biến ở Quốc hội Anh cho thấy Brexit không thỏa thuận vào cuối tháng này là điều không thể tránh khỏi thì EU chắc chắn sẽ dấn bước. Các lãnh đạo của EU có thể sẽ đồng ý trì hoãn Brexit tại một cuộc họp khẩn vào khoảng cuối tuần.

Ngày 19-10, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nói rằng ông đã nhận được yêu cầu xin gia hạn của Anh và ông sẽ có “vài ngày” để tham vấn với các nước thành viên EU. Pháp dường như không mấy ủng hộ việc trì hoãn Brexit. Điện Elysée ngày 19-10 nhắc lại rằng một hạn định mới không có lợi cho ai cả.

Theo Tổng thống Pháp, cần chấm dứt các cuộc thương lượng này và nên tiến hành đàm phán về các mối quan hệ với Anh quốc trong tương lai. Nhưng đối với nhiều lãnh đạo châu Âu, chẳng hạn như Thủ tướng Đức Angela Merkel, thì việc dời ngày Brexit là điều không thể tránh khỏi. Còn Thủ tướng Phần Lan Antti Rinne, nước hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên của EU, ngày 20-10 cho rằng sẽ là “hợp lý” nếu đồng ý trì hoãn Brexit lần thứ ba.

Mặc dù đã quá mệt mỏi với Brexit, song các lãnh đạo EU vẫn muốn tránh một Brexit không thỏa thuận diễn ra lộn xộn, và nhiều khả năng sẽ không bác bỏ yêu cầu này.

Có lẽ, EU chắc rồi sẽ chấp nhận đề nghị của ông Johnson về gia hạn thời gian xử lý Brexit nhưng với điều kiện nhất định chứ không vô điều kiện mà xem ra không thể thiếu trong đó là sẽ không đàm phán lại một lần nữa với Chính phủ Anh về Brexit và gia hạn thời gian lần này là lần cuối cùng.

Hà Phương (tổng hợp)
.
.