Chiến lược mới của Mỹ ở Afghanistan

Thứ Sáu, 20/03/2009, 17:45
Tham khảo ý kiến các nước đồng minh trong khối NATO và xem xét khả năng thương thuyết với những nhân vật ôn hòa trong phe Taliban - đó là những nét mới mà Mỹ muốn áp dụng tại chiến trường Afghanistan nhân chuyến thăm Brussels (Bỉ) của Phó tổng thống Joseph Biden hôm 10/3 vừa qua.

Bây giờ mới lắng nghe

"Tôi biết là quý vị đã quá mệt mỏi với cuộc chiến này (...) nhưng không ai trong số chúng ta có thể chạy trốn khỏi trách nhiệm của mình trước những mối đe dọa ngày càng gia tăng tại Afghanistan và khu vực lân cận" - Phó tổng thống Mỹ Joseph Biden nói như gằn từng tiếng sau 2 giờ đồng hồ ngồi nghe các cuộc thảo luận của 26 vị đại sứ Hội đồng Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Nếu như cuộc chiến chống khủng bố quốc tế do chính quyền Bush phát động trước đây đã làm cho các đồng minh châu Âu và những thành viên trong khối NATO bất bình thì nay chính sách của Tổng thống Obama trong vấn đề này trước hết là "lắng nghe và tham khảo" các đồng minh.

Trước tình hình an ninh ngày càng đi xuống tại Afghanistan và khu vực, đích thân Phó tổng thống Mỹ Joseph Biden đã lên tiếng yêu cầu sự trợ giúp quân sự của các nước thành viên NATO: "Chúng tôi rất cần sự giúp đỡ của quý vị để chiến thắng trong cuộc chiến này". Dưới con mắt của các đồng minh châu Âu, đây rõ ràng là một giọng điệu dễ nghe hơn nhiều so với thời kỳ của Tổng thống Bush.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã có những chuyến thăm nhằm xoa dịu mối quan hệ với đồng minh châu Âu vốn bị tổn thương nặng nề sau cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu của Tổng thống Bush.

Chuyến thăm lần này của ông Joseph Biden tiếp tục theo chiều hướng cải thiện quan hệ này và để chuẩn bị cho việc công bố chiến lược mới của Mỹ nhân chuyến thăm và làm việc sắp tới của Tổng thống Barack Obama vào ngày 3 và 4/4 tới tại Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại Pháp và Đức.

Lầu Năm Góc khẳng định Taliban đang hồi sinh. Chính phủ ở Kabul vẫn chưa giành được sự tin tưởng của người dân Afghanistan. Trong vài năm gần đây, các chiến binh Hồi giáo đã tái hợp và tiến hành nổi dậy dữ dội dưới trướng của Taliban.

Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Obama đã xem xét lại chính sách của Mỹ với Afghanistan và Pakistan. Trong quyết định lớn đầu tiên trên tư cách Tổng tư lệnh, ông Obama ra lệnh chuyển thêm 17.000 quân tới Afghanistan nâng tổng số quân của Mỹ tại đây lên 55.000. Cùng với số quân của các nước đồng minh khác, tính đến thời điểm này, Afghanistan có tới 87.000 binh lính nước ngoài đồn trú. Ông Obama lập luận rằng lực lượng này là cần thiết để ổn định tình hình an ninh tồi tệ tại Afghanistan. Một phần vai trò của lực lượng này là giúp tăng cường an ninh khi cuộc bầu cử tổng thống Afghanistan sắp tới.

Quân đội Mỹ sẽ được bổ sung đến Afghanistan.

Ông Obama cũng ra lệnh xem xét lại chính sách của Mỹ để các mục tiêu quân sự, ngoại giao và phát triển đều cân bằng, nhằm bảo đảm rằng Al-Qaeda và lực lượng cực đoan không có nơi an toàn để từ đó tiến hành các vụ tấn công. Thủ lĩnh mạng lưới Al-Qaeda là Osama bin Laden được cho là vẫn đang ẩn náu tại vùng biên giới nhiều núi non giữa Pakistan và Afghanistan, cũng là nơi ẩn náu của lực lượng cực đoan Taliban.

Làm hòa với kẻ thù

Theo phân tích của giới tình báo và quân sự, chính quyền Mỹ cho rằng, chỉ có 5% quân nổi dậy tại Afghanistan là không thể hòa giải, số còn lại là những người theo đường lối ôn hòa, một số khác theo Taliban chỉ vì tiền, nên trong một tuyên bố gây "chấn động" mới đây, Tổng thống Obama muốn chìa tay ra với những binh lính Taliban ôn hòa. Điều này là hoàn toàn trái ngược với chính sách của chính quyền tiền nhiệm.

Để minh chứng cho chiến lược mới này, ông Obama đã nêu ra những thành công trong chiến lược đưa một số phần tử nổi dậy người Sunni tại Iraq tới bàn đàm phán và tách khỏi Al-Qeada, và rằng có thể có những cơ hội tương đồng ở Afghanistan và Pakistan. Chiến lược ở Iraq do tướng David Petraeus, chỉ huy quân Mỹ tại Iraq thời điểm đó tiến hành.

Ông Obama cho rằng một phần của những thắng lợi ở Iraq là “nhắm tới những người mà chúng ta có thể coi là người Hồi giáo chính thống, người sẵn sàng làm việc với chúng ta vì họ hoàn toàn xa lạ với những thủ đoạn của Al-Qaeda tại Iraq”.

Tuy nhiên, người đứng đầu nước Mỹ cảnh báo: Afghanistan không phải là Iraq và những nỗ lực hòa giải sẽ đối mặt với nhiều khó khăn.

Ông nhận định tình hình ở Afghanistan phức tạp hơn. Ở đây, có ít khu vực được cai trị, các bộ lạc lại có một lịch sử về đấu tranh giành độc lập mãnh liệt. Những bộ lạc như vậy có rất nhiều và đôi khi xung đột với nhau, vì vậy vấn đề ổn định tình hình sẽ là thách thức lớn.

Trong cuộc hội đàm với Phó tổng thống Biden, Trưởng đoàn Ngoại giao của EU - Javier Solana khẳng định ngoài việc tăng cường về quân sự cùng với Mỹ, châu Âu sẽ giúp Afghanistan xây dựng một nhà nước pháp quyền và một xã hội dân sự tại đây.

Về phần mình, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đã hoan nghênh sự cởi mở của Tổng thống Mỹ Obama đối với ý tưởng của ông trong hợp tác với những thành phần ôn hòa của phe Taliban, để hối thúc phiến quân hãy lợi dụng cơ hội này tìm cách chấm dứt cuộc xung đột trong nước.

Phe Taliban đã không bình luận gì đối với lời kêu gọi của ông Obama, nhưng một nhóm Taliban đã nhiều lần bác bỏ đề nghị giải hòa của ông Karzai. Taliban cho biết, muốn đánh đuổi lực lượng nước ngoài ra khỏi Afghanistan rồi sau đó mới tham gia vào các cuộc đàm phán với các nhóm Afghanistan khác

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.