“Chiến tranh lạnh” làm nóng Hội nghị An ninh Munich

Thứ Sáu, 19/02/2016, 19:20
Một trong các vấn đề làm nóng diễn đàn Hội nghị An ninh Munich diễn ra ở Đức là cuộc tranh luận gay gắt giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau khi NATO quyết định thông qua việc tăng cường sự hiện diện quân sự tại Đông Âu.

Ngày 13-2, trên diễn đàn Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cảnh báo: Nga và các nước phương Tây đang rơi vào một cuộc Chiến tranh lạnh mới vì "đường lối chính trị của NATO đối với Nga vẫn là thù địch và đóng kín".

Thủ tướng Nga kêu gọi phương Tây từ bỏ "học thuyết kiềm chế" trong quan hệ với Nga, phối hợp nỗ lực với Nga nhằm giải quyết những vấn đề thách thức thế giới: "Theo tôi, quan điểm của NATO hướng đến Nga là không thân thiện và mang tính cô lập. Chúng tôi bị đổ lỗi cho tất cả những gì được gọi là nguy cơ kinh khủng nhất đối với NATO, với châu Âu, với Mỹ và các quốc gia khác".

Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich.

Ba ngày trước đó, ngày 10-2, các bộ trưởng quốc phòng của 28 quốc gia thành viên thuộc NATO đã thông qua việc tăng cường sự hiện diện quân sự tại Đông Âu, với việc gia tăng số binh sĩ của lực lượng phản ứng nhanh, cơ sở cho lực lượng đồn trú tại 6 nước khu vực Đông Âu lên gấp 3 lần, từ 13.000 lên 40.000 quân, cũng như tăng cường các khí tài quân sự tới khu vực này. Đây được xem là một quyết định gia tăng căng thẳng vốn thường trực trong quan hệ Nga và NATO.

Phản ứng trước tuyên bố của Thủ tướng Nga, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định, NATO không từ bỏ việc tăng cường sự hiện diện quân sự tại Đông Âu, các biện pháp răn đe hạt nhân vẫn là một phần trong chiến lược của khối quân sự này. Theo đó, NATO vẫn sẽ tiếp tục phát triển dự án hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu và hệ thống này không nhằm chống lại Nga. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị Nga hợp tác trong vấn đề phòng thủ tên lửa.

Người đứng đầu NATO nhấn mạnh: "Nga là nước láng giềng lớn nhất của NATO và là một cường quốc thế giới. Nga đang ngày càng quyết đoán hơn và góp phần ổn định trật tự an ninh châu Âu. Chúng tôi không tìm kiếm sự đối đầu và chúng tôi không muốn một cuộc chiến tranh lạnh. Song chúng tôi cũng cần có phản ứng cứng rắn để làm sao có thể dung hòa được điều đó. Theo tôi cả hai bên phải tiến hành nhiều cuộc đối thoại hơn".

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Hội nghị An ninh Munich ngày 12-2.

Luận điểm cứng rắn của Thủ tướng Nga khuyến cáo việc NATO tăng cường sự hiện diện quân sự tại Đông Âu chính là một bước lấn nguy hiểm của NATO sang phía Đông đã khiến cuộc xung đột địa chính trị mới với Nga được bao hàm bằng cụm từ "Chiến tranh lạnh". Người ta nhớ lại  tuyên bố tương tự của ông Medvedev hồi năm 2008 (khi ấy trên cương vị Tổng thống Nga) rằng, trong bối cảnh cuộc Chiến tranh lạnh tái khởi phát, nước Nga có quyền "trong vùng lợi ích chiến lược" tại các nước từng thuộc Liên bang Xôviết, luận điểm này đã bị các quan chức và các nhà bình luận Mỹ phủ nhận kịch liệt khi cho rằng "Nga đang quyết tâm khôi phục lại ảnh hưởng tại các nước láng giềng".

Tháng 1-2009, khi Tổng thống Obama bắt đầu nhiệm kỳ của mình thì quan hệ giữa Nga và Mỹ đã ở mức tồi tệ đến nỗi một số nhà quan sát, đã gọi mối quan hệ đó như một cuộc Chiến tranh lạnh mới. Thay vì hợp tác với nhau một cách toàn diện, trong đó có những lĩnh vực truyền thống như kiểm soát vũ khí hạt nhân, thì hai bên lại đối mặt với những xung đột ngày càng gay gắt.

Tháng 8-2008, đã xuất hiện đối kháng quân sự có thể nói là không kém nguy hiểm so với cuộc khủng hoảng Vịnh Con lợn năm 1962. Cuộc chiến Gruzia - Nga thực chất là cuộc xung đột giữa Mỹ và Nga, bởi quân đội Gruzia được Mỹ đào tạo và trang bị. Trên thực tế, chính Washington chứ không phải Moscow đã bỏ lỡ cơ hội lịch sử để xây dựng lại quan hệ đối tác thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh.

Điều đó diễn ra vào đầu những năm 90 khi chính quyền Bill Clinton bắt đầu đối xử với Nga như với một quốc gia "đã bị thua" trong Chiến tranh lạnh, trong khi tự cho mình là kẻ thắng trận. Đây là tiền đề sai lầm vì Chiến tranh lạnh trên thực tế đã kết thúc sau những cuộc đàm phán trong giai đoạn từ năm 1988 - 1990, tức là trước khi Liên Xô tan rã - vào tháng 12-1991.

Đánh giá này đã được tất cả những ai tham gia tiến trình này nhất trí: cả Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachov, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và George Bush (Bush-cha). Nguyên nhân là do cách tiếp cận theo kiểu "được ăn cả, ngã về không" của chính quyền Bill Clinton, trong đó có ý định can thiệp vào chính sách đối nội và kinh tế của nước Nga, những lời hứa mang tính "chiến lược" chưa được thực hiện (trong đó quan trọng nhất là lời cam đoan của Bush-cha với Gorbachov năm 1990 về việc NATO sẽ không mở rộng về phía đông ra ngoài biên giới của nước Đức thống nhất), chính sách tiêu chuẩn kép đụng chạm đến lợi ích của Nga (xuất phát từ việc cho rằng nước Nga hiện không còn những lợi ích an ninh hợp pháp nào ở nước ngoài, thậm chí ở ngay trong khu vực của mình, trong khi Mỹ thì vẫn có).

Lần "nhỡ chuyến tàu" thứ hai của Mỹ là sau sự kiện nước Mỹ bị khủng bố vào 11-9-2001, chính quyền của Tổng thống Putin đã đưa ra đề nghị hỗ trợ chính quyền G.Bush (Bush-con) trong việc cung cấp thông tin tình báo, cũng như hỗ trợ trên chiến trường trong cuộc chiến chống lại lực lượng Taliban ở Afghanistan thậm chí nhiều hơn bất kỳ một đồng minh nào của Mỹ trong NATO.

Đổi lại, Tổng thống Putin chờ đợi một quan hệ đối tác Nga - Mỹ mà từ lâu người ta đã từ chối Moscow. Tuy nhiên, thay vào một quan hệ đối tác là việc Nhà Trắng nhanh chóng mở rộng NATO đến tận biên giới của Nga và đơn phương rút khỏi Hiệp ước phòng thủ tên lửa (ABM) vốn bị Moscow xem là hòn đá tảng trong vấn đề an ninh hạt nhân của mình.

Phải nhìn nhận rằng, Nga đang tăng cường can thiệp quân sự tại Syria để củng cố vị thế của mình trên trường quốc tế. Các cuộc hội đàm về lệnh ngừng bắn cho Syria đêm 11-2 tại Munich đã góp phần nâng vị thế của Nga sau khi các bên nhất trí thành lập một nhóm chuyên viên do Nga và Mỹ đồng chủ trì để quyết định các chi tiết kỹ thuật của lệnh ngừng bắn này.

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận.

Trong bài phát biểu cũng như tại phiên đàm luận với Thủ tướng Pháp Manuel Valls, ông Medvedev khẳng định: Phương Tây cần phải lựa chọn dứt khoát giữa việc hợp tác với Nga vì những lợi ích chung như chiến đấu chống khủng bố và đảm bảo ổn định tại Trung Đông và việc phải đối đầu với một cuộc xung đột kéo dài có quy mô toàn cầu.

Ông Medvedev cho biết Mỹ và Tây Âu đang phá hỏng kết cấu an ninh được hình thành sau Chiến tranh thế giới thứ II và đã đảm bảo được 70 năm tương đối ổn định cho thế giới. Sau khi đề cập đến Thế chiến II, ông Medvedev đặt câu hỏi: "Liệu chúng ta có nhất thiết phải làm rối tung cả thế giới hay không?".

Tướng Philip Breedlove, Chỉ huy tối cao của NATO, cho rằng ông Medvedev có quyền đưa ra quan điểm của mình, song nhấn mạnh: "NATO không muốn chứng kiến một cuộc Chiến tranh lạnh mới". Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cũng có chung quan điểm này khi nói: "Chắc chắn, chúng ta đang không rơi vào Chiến tranh lạnh".

Trong khi đó, Thủ tướng Pháp cho rằng sự can thiệp của Nga tại Syria khiến người dân nước này thêm khốn đốn, đồng thời hối thúc Nga "chấm dứt đánh bom nhằm vào dân thường Syria". Ông nói: "Pháp tôn trọng Nga cũng như những lợi ích của Nga. Chúng ta cần phải có hòa bình và cần phải tiến hành các cuộc đàm phán tại Syria. Để làm điều đó, chúng ta phải chấm dứt đánh bom dân thường".

Đáp lại, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định Nga sẽ không chấm dứt các cuộc không kích tại Syria và không hề "đánh bom nhằm vào dân thường". Ông Lavrov nhấn mạnh lệnh ngừng bắn sẽ không được áp dụng đối với các tổ chức như Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay Mặt trận Al-Nusra.

Cũng theo ông, cuộc đàm phán hòa bình về Syria tại Geneva (Thụy Sĩ) cần được nối lại trong thời gian sớm nhất có thể với sự tham gia của tất cả các nhóm đối lập Syria. Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh các bên tham chiến tại Syria ngừng bắn là một bước tiến đến khởi động đàm phán giữa các bên Syria.

Đàm phán giữa các bên Syria cũng không nên có bất cứ điều kiện tiên quyết nào và phải bao gồm nhiều đại diện của các phe đối lập. Ông nhấn mạnh không để lặp lại thực tế một phần phe đối lập Syria có thái độ không xây dựng và đưa ra các điều kiện trước khi đàm phán.

Vòng đàm phán hòa bình Syria mới nhất diễn ra ở Geneva đầu tháng này đã lâm vào bế tắc khi cả hai phe chính phủ và lực lượng đối lập Syria không chấp nhận nhượng bộ. Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Syria, ông Staffan de Mistura đã phải tuyên bố hoãn vòng đàm phán đến ngày 25-2 tới.

Cũng nhân dịp này, Ngoại trưởng Nga đã hối thúc liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu nên nhanh chóng hợp tác với quân đội Nga tại Syria, bởi cả hai đều có "chung một kẻ thù".

Đ.L. (tổng hợp)
.
.