“Chiến tranh thương mại” giữa Mỹ và Trung Quốc

Thứ Hai, 05/02/2007, 08:30
Sau nhiều năm ngoại giao hòa hảo, Mỹ lại gây chuyện trong vấn đề thương mại với Trung Quốc bằng lá đơn khiếu nại Bắc Kinh lên Tòa án trọng tài, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vì những trợ cấp không đúng trong một số lĩnh vực như thép, đồ gỗ, giấy, công nghệ thông tin và một số mặt hàng công nghiệp khác.

Như vậy, đây là lần thứ ba Mỹ đưa Trung Quốc lên "bàn cân" của tổ chức thương mại lớn nhất thế giới kể từ khi Bắc Kinh gia nhập WTO năm 2001. Bên cạnh việc cáo buộc Trung Quốc buôn bán không bình đẳng, phía chính quyền Washington còn dự định kiện Bắc Kinh gây ra tình trạng thâm hụt buôn bán cho các công ty của Mỹ bằng biện pháp trợ giá và ưu đãi thuế các mặt hàng trong nước. Ngay lập tức, Bắc Kinh đã có phản ứng và gọi động thái này của Washington là  một "lỗi lầm nghiêm trọng".

Đại diện Thương mại Mỹ Susan Schwab cho biết: "Trung Quốc đã sử dụng thuế cơ bản và các công cụ khác để khuyến khích sản xuất trong khi phân biệt đối xử các loại hàng nhập khẩu. Các loại trợ cấp của Trung Quốc đã làm méo mó môi trường kinh doanh với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Mỹ, khiến các doanh nghiệp không được cạnh tranh lành mạnh".

Theo một con số thống kê được đăng tải trên hãng BBC (Anh) thì thặng dư thương mại của Trung Quốc đã tăng tới mức kỷ lục trong năm 2006 là 177,5 tỷ USD (tăng 102 tỷ USD so với một năm trước). Con số này từng làm bùng lên cuộc tranh cãi về tỷ giá của đồng nhân dân tệ. Vài đối tác thương mại của Trung Quốc, đặc biệt là Mỹ đã chỉ ra rằng đồng nhân dân tệ được giữ ở giá thấp để thúc đẩy xuất khẩu mặc dù đồng nhân dân tệ từng được tăng giá chưa đến 2% từ lúc được định giá lại vào tháng 7/2005. Vì thế, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc một lần nữa đã cam kết sẽ tạo điều kiện giúp đồng nhân dân tệ linh hoạt hơn để giảm bớt thặng dư và tạo thế cân bằng thương mại. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Ngân khố Mỹ Henry Paulson trong một buổi điều trần tại Thượng viện hồi cuối tuần trước vẫn bày tỏ quan điểm cho rằng, Washington cần gây sức ép mạnh mẽ hơn nữa lên Bắc Kinh để hàng xuất khẩu tại Trung Quốc không bị đối xử phân biệt.

Trên thực tế thì sau gần 6 năm gia nhập WTO, Trung Quốc đang làm vỡ mộng các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới muốn thâm nhập thị trường khổng lồ này. Mặc dù Trung Quốc đáp ứng đầy đủ các điều kiện của WTO, thậm chí một vài điều kiện còn được thỏa mãn trước thời hạn (chỉ là những điều kiện có lợi) nhưng giới phân tích vẫn nhận định rằng Bắc Kinh đã sử dụng WTO như một công cụ cho "sự bành trường" thị trường của họ. Đương nhiên là không nước nào chịu nhượng bộ trước chính sách này của Trung Quốc nhưng họ cũng chẳng thể làm gì được. Chẳng hạn, năm 2003, Trung Quốc đã dựa vào WTO để kiện thành công Mỹ khi nước này nâng thuế nhập khẩu thép để bảo hộ ngành công nghiệp thép. Hay như sự thất bại của EU và Mỹ khi áp đặt hạn ngạch nhập khẩu hàng dệt may vào thị trường của họ từ ngày 1/1/2005. Kết quả là chỉ 6 tháng sau, hàng dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc đã tràn ngập thị trường EU và Mỹ... Đó chỉ là một vài ví dụ cho thấy vị trí quan trọng của Trung Quốc khi đàm phán trong WTO. Vì thế, từ giờ cho đến lúc chính thức yêu cầu Tòa án trọng tài của WTO đứng ra giải quyết tranh chấp, Mỹ sẽ tổ chức một số cuộc thảo luận thương mại với Trung Quốc. Đại diện thương mại của EU và Nhật Bản sẽ được mời dự những cuộc thảo luận này.

Nếu trong vòng 60 ngày tới, các cuộc tham khảo không thể giải quyết được tranh chấp, Washington có thể yêu cầu WTO lập ra một ban điều trần để phân xử. Nếu thắng kiện, Mỹ có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế chống Trung Quốc trong trường hợp Bắc Kinh vẫn từ chối thay đổi các chính sách trợ cấp và hỗ trợ. Còn ngược lại, nếu Trung Quốc thắng, nước này sẽ vẫn tiếp tục duy trì những chính sách trợ cấp đó

Huyền Chi
.
.