Chiến trường Idlib, Syria: “Cờ ngoài, bài trong”

Thứ Hai, 01/10/2018, 16:12
Những trận chiến khốc liệt cuối cùng trên chiến trường Syria đang diễn ra cùng thời điểm với diễn biến ngoại giao vô cùng căng thẳng, cả bên trong và ngoài Syria. Trước khi các bên tung những đòn quyết định trong trận chiến cuối cùng, những tính toán chia phần đã đi trước một bước. Nhưng, “vùng đất dữ” này thật không dễ tìm thấy cơ hội cho trận cuối.

Giờ G chưa điểm

Bao giờ sẽ có trận đánh cuối trong một “cuộc chiến triền miên”? Câu hỏi quá khó này phản ánh thực tế vô cùng rối ren tại Syria, khi tất cả các bên có liên quan tới Syria đều phải “kiềng” nhau bởi những thế mạnh của đối thủ. Lấy ví dụ, dù rất “giận” Israel trong vụ máy bay trinh sát Ilyushin-20 (Nga) bị bắn rơi, nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã quyết định không làm cho những căng thẳng này lan rộng khiến cuộc chiến ở Syria có nguy cơ mở rộng, leo thang.

Bởi cho dù đưa ra những tuyên bố rất mạnh mẽ với việc máy bay bị bắn hạ, nhưng Nga vẫn chưa đưa ra phản ứng thực sự nào đối với những hành vi vi phạm của Israel trên lãnh thổ Syria. Hãy nhìn vào thực tế sẽ thấy, việc Nga thận trọng trong trường hợp này có nhiều nguyên nhân sâu xa.

Ngoài việc có khoảng 1 triệu người Do Thái của Nga đang sống tại Israel, những nòng pháo, tên lửa của Mỹ, Pháp đang nóng lòng muốn phát động một cuộc tấn công quân sự nhắm vào Syria khiến cho mọi hành động đều phải đắn đo suy tính rất kỹ càng khi tình hình có thể vượt kiểm soát và “nguy kịch” bất cứ lúc nào.

Mặt khác, nếu Nga bước vào trận chiến chống lại Israel sẽ vô cùng nguy hiểm về mặt quân sự. Không chỉ bởi Israel mà còn bởi những tham vọng không hề giấu giếm từ các đồng minh của Israel. Do đó, Moscow đã tự giới hạn mình trong các hoạt động ngoại giao.

Binh sĩ Chính phủ Syria làm chủ nhiều khu vực ở Aleppo. Ảnh: BUTERLIN.

Nhìn một cách tổng thể sẽ thấy, Israel đã quyết định chấp nhận việc Nga can dự rất sâu vào tình hình Syria, bởi mục tiêu chính của Israel là việc họ không bao giờ từ bỏ hoạt động chống lại sự hiện diện của Iran ở Syria và theo một mức độ nào đó, khi Nga “lờ” đi việc này trong giới hạn nhất định, Israel cũng không thể vượt quá giới hạn “ngầm”.

Nhiều nhà quan sát chính trị cho rằng, cả Nga và Israel hay Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, khối các nước Arab, hay EU... đều có những bài toán của riêng mình trong thời khắc quyết định này.

“Đất dữ” Idlib - Điểm hẹn cuối cùng?

Đôi khi những nơi nhỏ nhất và ít người biết đến nhất lại gây quan ngại nhất, kể cả đối với các nước lớn. Tỉnh Idlib nằm ở phía Tây Bắc Syria, gần Địa Trung Hải và biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Thông thường, thế giới hầu như không quan tâm đến việc ai là người kiểm soát tỉnh này. Nhưng về địa chính trị, đôi khi những nơi nhỏ bé và ít người biết đến nhất lại gây quan ngại nhất đối với các nước lớn - và điều này đúng với Idlib.

Bản thân tương lai của tỉnh này có thể không phải là vấn đề toàn cầu nhưng nó đã trở thành địa điểm diễn ra cuộc đối đầu giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Mỹ và Syria. Nếu người Kurd cũng bị lôi kéo vào, buộc họ phải xem xét lại ai là đồng minh và ai là kẻ thù. Đây là một câu chuyện về chính trị nước lớn. Idlib chỉ là bối cảnh.

Nhìn vào thực tế thấy rõ, chiếm thế thượng phong từ quân sự đến thời cơ, được Tổng thống Nga Vladimir trợ giúp tối đa nhưng không dễ dàng để quân đội Chính phủ Syria có thể “đè bẹp” các lực lượng nổi dậy ở Idlib, căn cứ cuối cùng của phe nổi dậy ở miền Bắc Syria. Trước hết, dưới sức ép của Thổ Nhĩ Kỳ, ý định của Nga, Iran và Syria muốn tấn công dứt điểm Idlib phải tạm gác sang một bên. Idlib chính là một trong những cản lực mà Nga và Chính phủ Syria phải vượt qua trên con đường “bình định” Syria.

Theo phân tích của Anthony Samrani, giáo sư chính trị của Đại học Lyon (Pháp) trên trang mạng L’Orient Le Jour, sở dĩ Nga phải tạm dừng chiến dịch Idlib vào giờ chót vì sợ mất “điểm tựa” ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ. Trong nỗ lực ngăn cản phương Tây tham gia định đoạt số phận Syria, Tổng thống Putin đã tổ chức Hội nghị Astana với 3 nước trụ cột gồm một bên là Nga và Iran (ủng hộ Damascus), còn bên kia là Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ cho phe nổi dậy.

Ankara bằng mọi giá phải giữ Idlib vì đó là át chủ bài trong “canh bạc” Syria và cũng để tránh bị làn sóng người tị nạn tràn sang Thổ Nhĩ Kỳ nếu căn cứ cuối cùng của phe nổi dậy thất thủ.

Trang mạng Stratfor mới đây cho hay, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận về căn cứ địa cuối cùng của các lực lượng nổi dậy Syria. Tại vòng đàm phán gần đây nhất ở Sochi (Nga) ngày 17-9, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố hai bên đạt thỏa thuận về việc thành lập một khu vực phi quân sự do hai nước tuần tra chung có chiều rộng 15-20 km, có hiệu lực vào 15-10 tới.

Thỏa thuận này sẽ ngăn chặn các lực lượng ủng hộ chính quyền Syria được Nga hậu thuẫn phát động chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm tái chiếm Idlib từ các nhóm đối lập, giúp tạm thời chấm dứt căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, vấn đề Idlib vẫn còn lâu nữa mới có thể giải quyết được. Hàng loạt trở ngại vẫn đang tồn tại có thể phá hoại thỏa thuận.

Nga đồng ý thỏa thuận nhằm duy trì quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ phản đối chiến dịch quân sự được Nga hậu thuẫn nhằm vào Idlib bởi chiến dịch này có thể phá bỏ một khu vực vùng đệm tại phía Bắc Syria, đồng thời có thể khiến hàng triệu người Syria chạy vào Thổ Nhĩ Kỳ để tị nạn.

Trong nỗ lực nhằm ngăn chặn chiến dịch quân sự, Ankara đã tăng cường thêm quân tới 12 vị trí đóng quân của nước này bên trong và xung quanh Idlib, đồng thời cam kết cung cấp thêm vũ khí và hỗ trợ các nhóm nổi dậy Syria do nước này hậu thuẫn. Điều đang nói về sự phức tạp ở đây là Nga vẫn có thể hậu thuẫn quân đội Syria tấn công vào tỉnh Idlib nhưng phải cố gắng tránh một sự đối đầu trực tiếp với các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách yêu cầu quân đội Syria tránh các vị trí đóng quân của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, do nguy cơ về các vụ tấn công mang tính chất tai nạn nhằm vào quân Thổ Nhĩ Kỳ là khá cao, một sự việc có thể hủy hoại quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, nên Moscow đã lựa chọn phương án thỏa hiệp với Ankara. Ngoài ra, bằng việc tránh các chiến dịch quân sự quy mô tại Idlib, Moscow làm giảm các nguy cơ về một cuộc tấn công tiềm năng tiếp theo của Mỹ và đồng minh vào Syria.

Mặc dù thỏa thuận trên thỏa mãn mục tiêu của Ankara là ngăn chặn một chiến dịch quân sự lớn vào Idlib nhưng điều đó không có nghĩa Thổ Nhĩ Kỳ không phải trả giá. Thổ Nhĩ Kỳ đã công khai cam kết sẽ trục xuất các lực lượng nổi dậy ra khỏi khu vực phi quân sự xung quanh Idlib như là một phần của thỏa thuận. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể đã cam kết với Nga về việc nước này sẽ làm nhiều hơn để triệt hạ các nhóm cực đoan vẫn đang hoạt động tại Idlib, ví dụ như nhóm Hayat Tahrir al-Sham và đảng Hồi giáo Turkistan tại Syria.

Các nhóm này và các chi nhánh tại khu vực không chỉ bao gồm nhiều tay súng Chechnya và Duy Ngô Nhĩ trong hàng ngũ mà còn tiến hành một số vụ tấn công vào các lực lượng Nga tại Syria. Trong một số vụ tấn công, các nhóm này đã sử dụng máy bay không người lái mang theo chất nổ tấn công vào căn cứ quân sự của Nga tại Latakia.

Khó khăn thứ hai của Nga là làm sao giải quyết được xung khắc giữa đồng minh Iran và đối tác Israel? Moscow làm ngơ cho không quân Israel oanh kích vị trí quân sự, tên lửa, kho đạn của lực lượng Iran và Hezbollah. Trong khi Nhà nước Do Thái thẳng thừng tuyên bố sẽ không để cho Iran bám rễ tại nước láng giềng Syria.

Ngày 17-9, 4 chiếc F-16 của Israel tấn công thẳng vào vùng được xem là “bản doanh” của Nga tại Syria, đó là tỉnh Lattakia. Điều trớ trêu là tên lửa phòng không S-200 do Nga cung cấp cho Syria thay vì phóng vào máy bay địch lại bắn hạ một máy bay trinh sát của Nga hoạt động trong khu vực, làm 15 quân nhân Nga thiệt mạng là ví dụ cho thấy tính phức tạp của sự đan xen lợi ích giữa các bên.

Điều quan trọng nữa không thể không tính tới là sự hiện diện của Mỹ. Trái với những lời đánh tiếng rút quân của Tổng thống Mỹ Donald Trump, quân đội Mỹ vẫn tiếp tục hiện diện tại miền Bắc và Đông Syria. Đây là vùng đất có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự sống còn của chính quyền Damascus bởi vì đất đai phì nhiêu và có nhiều mỏ dầu.

Cũng như Ankara, chính quyền Washington không thể bỏ lá át chủ bài quân sự này, vốn được Mỹ dùng để gây sức ép với Damascus và nhất là để ngăn Tehran theo đuổi một chính sách mở rộng ảnh hưởng từ Iran cho đến Địa Trung Hải. Với quyết tâm cản trở của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, hy vọng của Damascus về việc tái chiếm các khu năng lượng và nông nghiệp trở nên xa vời. Người Kurdistan-Syria do Mỹ yểm trợ, đang kiểm soát đến 30% lãnh thổ Syria, khó có thể chấp nhận sống chung hòa bình với Damascus.

Cuối cùng chính là lực cản từ các vương quốc Vùng Vịnh. Các nước này đã đặt nhiều điều kiện trong việc tài trợ tái thiết Syria. Điều kiện của Saudi Arabia là Syria phải “từ bỏ” Iran. Trong khi đó, chế độ Damascus từ chối công nhận và đàm phán với phe đối lập mà họ cho là lực lượng “khủng bố” cần phải tiêu diệt.

Vòng quay ly tâm

Trong khi Mỹ không có chiến lược rõ ràng ở Syria thì Tổng thống Nga đã thành công tại hội nghị Syria ở Sochi giữa tháng 9 vừa qua khi ký kết với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan một thỏa thuận đột phá về vấn đề Idlib. Putin đã hành động đầy khôn ngoan bằng cách đạt được thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, đồng thời hất cẳng Washington.

Thỏa thuận này tạo ra một vùng đệm do lực lượng cảnh sát quân đội Nga và binh lính Thổ Nhĩ Kỳ cùng kiểm soát để chia tách lực lượng thánh chiến và quân đội Syria, cũng như để Nga cung cấp vũ khí hạng nặng. Đây rõ ràng là những biện pháp được thiết kế để tạo ra những bất đồng giữa các phiến quân cấp tiến nhất và những lực lượng có khuynh hướng theo đuổi các thỏa thuận hòa bình do các lực lượng khác bảo lãnh.

Quân đội Syria đã giành được nhiều chiến thắng nhưng không dễ để có thắng lợi cuối cùng. Ảnh: FNA.

Chính sự biến đổi nhanh chóng này mà Israel cho dù chịu sức ép của Mỹ vẫn không thể rời bỏ Nga khi tuyên bố sẽ tiếp tục hợp tác với quân đội Nga trong các chiến dịch quân sự tại Syria. Tuyên bố của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đưa ra ngày 25-9 trong bối cảnh quan hệ giữa Tel Aviv và Moscow căng thẳng liên quan đến vụ bắn rơi máy bay Nga tại Syria cho thấy cả Nga và Israel đều có những điểm chung về lợi ích cần dựa vào nhau để thành công.

Nga cũng phải dựa vào những nước có tiềm lực mạnh như Israel để ổn định tình hình, giúp Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẵn sàng tiến hành các nỗ lực chung nhằm đạt được mục tiêu khôi phục chủ quyền và hòa bình lâu dài cho Syria. Chiến lược của Nga quyết lấp đầy khoảng trống do việc Mỹ rút khỏi Trung Đông.

Nga đang làm tốt bao nhiêu thì chính quyền ông Trump lại đang gửi đi các thông điệp đôi khi lẫn lộn và mù mờ bấy nhiêu về Syria. Việc Mỹ miễn cưỡng can thiệp quá mức vào Syria kéo dài qua hai chính quyền khác nhau là ông Trump và cựu Tổng thống Obama đang gây ra tranh cãi ngay trong nội bộ nước Mỹ.

Giờ đây, điều đang định hình các quyết định chính sách đối ngoại của Mỹ liên quan tới Syria được nhiều quan chức mỉa mai là “hội chứng Iraq-Afghazi”. Đây là tác động khủng khiếp của sự hao mòn kinh khủng của Chiến tranh Iraq, hành trình dài vất vả ở Afghanistan, hậu quả đẫm máu và đáng hổ thẹn của việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) can thiệp vào Libya - đặc biệt là vụ tấn công Benghazi vào ngày 11-9-2012 khiến Đại sứ Chris Stevens và 3 người Mỹ khác thiệt mạng. Tâm lý lo ngại rủi ro đã dẫn đến một thái độ nghiêm khắc mới đối với sự can thiệp nhân đạo ở nước ngoài.

Aaron David Miller, một chuyên gia về Trung Đông tại Trung tâm Wilson bình luận về sự can dự của Mỹ vào Syria: “Rõ ràng là một cách nhìn nhận tồi tệ. Đây là một thảm họa nhân đạo và đạo đức. Đây là dòng người di cư lớn thứ hai kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, với nửa triệu người thiệt mạng. Nhưng câu hỏi thực sự mà cả hai chính quyền đã tự đặt ra là liệu Syria có phải là một lợi ích quốc gia sống còn đối với chúng ta hay không? Chúng ta đã đặt câu hỏi đó từ năm 2012. Và không ai nghĩ ra một chính sách Mỹ tốt hơn việc chia tách sự khác biệt giữa không can thiệp và can thiệp hoàn toàn”.

Cho đến lúc này, xử lý cuộc chiến ở Syria vẫn là một thách thức. Đích đến cuối cùng vẫn còn rất xa khi còn rất nhiều người tham gia cuộc chiến này chưa muốn có một trận cuối cùng.

Hoa Huyền
.
.