Chính phủ nhiệm kỳ mới và những bước đột phá
Công việc cực kỳ quan trọng của kỳ họp Quốc hội lần này là bầu ra bộ máy nhân sự cấp cao nhất của nước nhà đã hoàn tất. Người dân đang đón chờ một bộ máy Chính phủ mới gọn nhẹ, hiệu quả dưới sự điều khiển vững vàng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đưa đất nước đi lên nắm kịp những vận hội mới.
Bộ máy Chính phủ sẽ vẫn giữ nguyên 22 bộ, ngành bao gồm 18 bộ: Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Ngoại giao; Bộ Nội vụ; Bộ Tư pháp; Bộ Kế hoạch - Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Công thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Giao thông - Vận tải; Bộ Xây dựng; Bộ Tài nguyên - Môi trường; Bộ Thông tin - Truyền thông; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Bộ Khoa học - Công nghệ; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế. 4 cơ quan ngang bộ gồm ủy ban Dân tộc; Ngân hàng Nhà nước; Văn phòng Chính phủ; Thanh tra Chính phủ. Ngoài ra còn có 8 cơ quan thuộc Chính phủ nhưng không làm chức năng quản lý nhà nước. 4 Phó Thủ tướng (giảm một so với Chính phủ khóa XII) sẽ phụ trách các lĩnh vực cụ thể là: Khối kinh tế tổng hợp và chính sách phát triển nông thôn; Khối kinh tế ngành và phát triển sản xuất; Khoa học - giáo dục và văn hóa - xã hội; Khối nội chính kiêm Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng.
Nếu so trong 5 khóa trở lại đây, tổ chức bộ máy Chính phủ khóa này có số bộ ngành và cơ quan ngang bộ ít hơn cả. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, sắp tới Chính phủ sẽ khẩn trương điều chỉnh chức năng nhiệm vụ, cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ theo hướng phù hợp nhất với tình hình thực tế. Về cơ bản, theo Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, mọi thay đổi sẽ được xem xét sau khi tổng kết, đánh giá toàn diện hoạt động của bộ máy cũng như chờ chủ trương sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 được thông qua vào các phiên cuối kỳ họp. Và theo người đứng đầu Chính phủ, bộ máy Chính phủ khóa XIII sẽ phải tiếp tục đổi mới để quản lý thống nhất, thông suốt từ trên xuống. Đồng thời đề cao trách nhiệm tập thể Chính phủ và từng thành viên Chính phủ. Thủ tướng còn khẳng định cần cụ thể hóa trách nhiệm từng thành viên, phân công công việc rõ ràng giữa các bộ, ngành để khắc phục sự chồng lấn trong công việc.
Trung tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thứ trưởng Bộ Công an với các đại biểu Công an tại kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Nhật Bắc. |
Trước đó, sau khi được Quốc hội khóa XIII tín nhiệm bầu tiếp tục giữ cương vị người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định "thực hiện tốt 3 khâu đột phá chiến lược mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đề ra là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ 2011 - 2016". Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 gồm 3 khâu đột phá, theo đó, một là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính. Hai là phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản nền giáo dục quốc dân, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. Ba là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, một tiêu chí quan trọng đo lường sự phát triển của thể chế kinh tế thị trường là mức độ cạnh tranh trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Cạnh tranh làm bộc lộ khả năng của các chủ thể kinh tế. Bởi thế, nhiệm vụ đặt ra trong nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Chính phủ là phải tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách để các loại thị trường hàng hóa, dịch vụ, tài chính, chứng khoán, bất động sản, lao động, khoa học công nghệ được tạo lập đồng bộ và vận hành thông suốt, có tính cạnh tranh cao và gắn kết ngày càng tốt hơn với thị trường thế giới, được quản lý và giám sát hiệu quả.
Thủ tướng nêu rõ quá trình tạo lập đồng bộ thể chế kinh tế thị trường theo yêu cầu trên phải gắn với việc hạn chế tối đa độc quyền kinh doanh trên các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. "Đây là hai mặt của một quá trình không thể tách rời". Thủ tướng cho rằng nhiệm vụ của Chính phủ thời gian tới là "phải xác định rõ những ngành nghề mà tính độc quyền còn cao để có chính sách và giải pháp phù hợp, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia kinh doanh". Và triết lý tăng trưởng mới cũng được người đứng đầu Chính phủ nêu ra, đó là: "Tăng trưởng dựa trên sức cạnh tranh".
Quang cảnh kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII. |
Với khâu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn kết với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, Thủ tướng đã chỉ ra rằng đó là yếu tố quyết định để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Bởi theo Thủ tướng Chính phủ, thì "đây là khâu quan trọng nhất trong 3 khâu đột phá, có vai trò chi phối việc thực hiện các đột phá khác. Vì chính con người tạo ra và thực thi thể chế, xây dựng bộ máy, quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng". Thực hiện tốt đột phá này sẽ làm tăng sức mạnh mềm của quốc gia, tạo ra sức mạnh tổng hợp, có ảnh hưởng quyết định đến việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng - một quan điểm quan trọng mà Đại hội Đảng XI đã xác định.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định, trong nhiệm kỳ 2011 - 2016, Chính phủ sẽ đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học công nghệ, hướng trọng tâm hoạt động khoa học công nghệ vào phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ban hành các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ưu tiên sử dụng các công nghệ tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, thân thiện với môi trường, phát triển kinh tế xanh.
Trong khâu đột phá về hạ tầng và một số công trình hiện đại, Thủ tướng chỉ ra việc cần phải ưu tiên phát triển hệ thống giao thông ở những vùng có dung lượng hàng hóa lớn, tuyến đường bộ Bắc - Nam, kết nối các vùng miền; hiện đại hóa năng lực dịch vụ của 3 cảng biển lớn ở 3 khu vực Hải Phòng, TP HCM, Vũng Tàu và miền Trung. Nạn ùn tắc giao thông và úng ngập ở thủ đô Hà Nội và TP HCM cũng là một trong những mục tiêu được ưu tiên của Chính phủ mới.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: "Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện nguyên tắc "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" theo đúng vai trò nhân dân là chủ nhân của quá trình phát triển, nhất định chúng ta sẽ thực hiện tốt ba đột phá chiến lược, tạo tiền đề có tính quyết định thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020"