Chính sách đối ngoại của Donald Trump khiến đồng minh lo ngại?

Thứ Năm, 02/03/2017, 15:30
Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ 2016, ông Donald Trump từng cam kết sẽ thực hiện những thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ, trong đó có việc mưu tìm những điểm tương đồng với Nga cũng như một hướng tiếp cận cứng rắn hơn với Iran và Trung Quốc...

Tuy nhiên, sau hơn một tháng nhậm chức, chính quyền của ông Trump lại đang tiến hành xác định lại những ưu tiên cần tập trung của Mỹ, bắt đầu thay đổi các mối quan hệ quốc tế cùng những truyền thống đã tồn tại mấy chục năm qua.

Giới phân tích cho rằng các tuyên bố về chính sách đối ngoại của ông Trump mâu thuẫn đến mức ông không thể áp dụng chúng một cách suôn sẻ vào hành động chính trị. Thậm chí lập trường cực đoan của ông Trump cùng xu hướng thích khiêu khích và cá tính dễ tự ái, tự yêu mình của ông đang khiến các đồng minh của Mỹ lo lắng.

Điểm chung mới Mỹ - Nga

Trong chiến dịch tranh cử, ông đã bày tỏ sự tán thành đối với phong cách lãnh đạo của Vladimir Putin, cũng như công kích người tiền nhiệm Obama. Ông Trump ít quan tâm đến việc tiếp tục duy trì một cuộc tranh cãi mà nguyên nhân sâu xa của nó ít có ý nghĩa đối với ông: việc mở rộng dân chủ tại khu vực hậu Xôviết và sự can dự của phương Tây tại một khu vực mà Nga coi là khu vực ảnh hưởng của mình.

Chính sách đối ngoại của Donald Trump khiến các đồng minh Mỹ bất an.

Ông Trump và các cố vấn của ông chỉ trích rằng xung đột này đòi hỏi Mỹ phải có sự hiện diện quân sự mạnh mẽ trở lại tại châu Âu và có thể ngăn cản hợp tác với Nga trong các vấn đề khác.

Nền tảng cho sự cởi mở của ông Trump đối với Nga là cách thức ông sắp xếp các ưu tiên của mình: Ông đã tuyên bố muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Nga để chống lại IS. Đối với ông, cuộc chiến chống IS quan trọng hơn việc kiềm chế Nga tại châu Âu. Trong đó, ông Trump đã bỏ qua việc Putin có một mục tiêu khác trong cuộc nội chiến Syria, cụ thể là duy trì quyền lực của Chính phủ Bashar al-Assad. Đồng thời Putin nhận ra rằng tại Washington đang có sự quan tâm đến việc 2 nước xích lại gần và ra tín hiệu cho việc này.

Nếu Mỹ cùng với Nga tập trung lại vào Syria, Ukraine có thể trở thành nạn nhân của sự thay đổi này. Một sự công nhận khu vực ảnh hưởng của Nga tại khu vực láng giềng phía đông của EU sẽ làm thay đổi căn bản vai trò của Mỹ trong an ninh của châu Âu. Tuy Đức và Pháp có vai trò lãnh đạo trong các cuộc đàm phán về Ukraine theo khuôn khổ Normandy, nhưng Mỹ lại có áp lực chính trị đáng kể ở hậu trường trong tiến trình xử lý xung đột.

Nếu Washington chấp nhận khu vực ảnh hưởng tại châu Âu theo yêu cầu của Nga, và nhường lại đông Ukraine và bán đảo Crimea cho Nga, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga sẽ không còn có cơ sở nữa. Chính sách trừng phạt của phương Tây sẽ không thể trụ vững trước sự rút lui của Mỹ và lập trường của châu Âu trong việc quản lý khủng hoảng tại Ukraine sẽ bị suy yếu đáng kể.

Một sự thay đổi chính sách như vậy sẽ đặt ông Trump vào thế chống lại đa số thành viên của đảng Cộng hòa, những người coi Nga là mối đe dọa đối với vai trò lãnh đạo của Mỹ và ủng hộ một sự hiện diện quân sự mạnh mẽ hơn chống lại Nga.

Trong hàng ngũ cố vấn của ông Trump, người ta có thể thấy những phát ngôn mâu thuẫn nhau. Có người cho rằng có lợi ích trong việc mở rộng hợp tác về chính sách an ninh với Nga để chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, nhưng có người lại ủng hộ một cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với Nga.

Cứng rắn hơn với IS?

Ưu tiên cao nhất đối với Trump là việc đánh bại tổ chức khủng bố IS. Trong chiến dịch tranh cử, Trump cho rằng Mỹ phải thay đổi nguyên tắc can dự của mình để có thể giải quyết mối đe dọa này. Trong số các công cụ để chống lại tổ chức này có tra tấn và gây áp lực đối với gia đình các phần tử khủng bố.

Theo quan điểm của ông, Nga có thể tham gia liên minh chống IS, thậm chí có thể cả Assad. Tổng thống Syria đã mời ông Trump trở thành đồng minh. Tuy nhiên, Assad và Putin trước hết muốn đánh bại phe đối lập tại Syria.

Nếu Washington tăng cường cuộc chiến chống IS, nước này phải đưa ra câu hỏi về sự tham gia của bộ binh Mỹ. Ít nhất việc này sẽ dẫn tới trách nhiệm bảo vệ dân thường được giải phóng, một nghĩa vụ mà ông Trump không muốn bị ràng buộc. Một cuộc thăm dò của Hội đồng các vấn đề toàn cầu tại Chicago cho thấy tuy công chúng Mỹ ủng hộ một cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với IS với sự trợ giúp của các cuộc không kích và lực lượng đặc nhiệm, nhưng không muốn sử dụng bộ binh.

Đàm phán lại thỏa thuận với Iran

Vấn đề trung tâm trong chiến dịch tranh cử của ông Trump là chỉ trích của ông dành cho thỏa thuận hạt nhân với Iran, nhằm mục đích ngăn chặn khả năng nước này phát triển vũ khí hạt nhân. Ông đã miêu tả Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) vào tháng 4-2015 giữa Iran với Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức là một "thỏa thuận tồi tệ nhất". 

Ông từng tuyên bố sẽ hủy bỏ thỏa thuận, nhưng trong một tuyên bố khác lại nói rằng muốn đàm phán lại thỏa thuận này với mục tiêu là một nước Iran không có vũ khí hạt nhân trong dài hạn. Yêu cầu này nhận được sự cộng hưởng lớn với phần lớn thành viên đảng Cộng hòa, vì họ coi thỏa thuận này là quá yếu ớt và tạo điều kiện cho việc trả lại số tiền bị đóng băng của Iran. Nhưng nhìn chung, Iran đã tuân thủ các điều kiện của thỏa thuận.

Tổng thống Donald Trump có thể hủy bỏ thỏa thuận mà không cần tới sự chấp thuận của Quốc hội; do vào thời điểm đó Obama muốn tránh Quốc hội để thông qua thỏa thuận, nên nó chỉ là một thỏa thuận cấp chính phủ. Tân Tổng thống Trump cũng có thể đẩy Iran tới tình thế phá vỡ thỏa thuận với các hành động đơn phương như các biện pháp trừng phạt mới - vì Iran cũng có phe theo chủ trương cứng rắn, những người chỉ trích sự mở cửa với phương Tây. Iran có thể ngừng các cuộc thanh sát hay bắt đầu hoạt động sản xuất tại các cơ sở làm giàu mới, và như vậy thỏa thuận sẽ sụp đổ.

Với một cách tiếp cận như vậy, ông Trump sẽ bị cáo buộc là hành động chống lại Nghị quyết số 2231 (năm 2015) của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, nghị quyết ủng hộ thỏa thuận hạt nhân. Việc này sẽ khiến các đối tác trong thỏa thuận khó có thể ủng hộ Mỹ với một bước đi như vậy - tất cả các nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an đều tham gia đàm phán.

Chính sách khí hậu không có sự tham gia của Mỹ

Ông Donald Trump coi hiện tượng biến đổi khí hậu do con người gây ra là một câu chuyện tưởng tượng của Trung Quốc, kể cả khi ông đã thừa nhận sau cuộc bầu cử là có tồn tại mối liên hệ giữa hoạt động của con người và hiện tượng ấm lên của Trái đất. Tuy nhiên trong đội ngũ chuyển giao, nhân vật có quan điểm hoài nghi biến đổi khí hậu Myron Ebell chịu trách nhiệm về Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA). 

Ông này cho rằng các quy định bảo vệ môi trường phải chịu trách nhiệm cho sự đình trệ về kinh tế tại Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump tuyên bố sẽ sử dụng các công cụ của EPA cho việc tái xây dựng cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực nước và môi trường. 

Việc này sẽ chấm dứt các khoản đóng góp cho Quỹ Khí hậu của Liên Hiệp Quốc, mà hỗ trợ các nước nghèo hơn trong công tác bảo vệ khí hậu. Đằng sau tuyên bố này và các ý tưởng khác - chẳng hạn như bãi bỏ các quy định về năng lượng than đá và fracking (khai thác đá phiến bằng thủy lực) - là mục tiêu tạo ra tăng trưởng và việc làm.

Đối với ngoại giao khí hậu quốc tế, sự rút lui của Mỹ sẽ là một cú đòn nặng nề. Tính hợp pháp của Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu tại Paris, có hiệu lực chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử, dựa trên sự tham gia của những nước xả khí thải nhiều nhất, trong đó có Mỹ và Trung Quốc. Tuy Mỹ sẽ phải thực hiện một quy trình kéo dài 4 năm để rút khỏi thỏa thuận này, nhưng đội ngũ của ông Trump đang xem xét những cách thức để đẩy nhanh hơn nữa quá trình rút lui này. 

Ngoài ra, không có công cụ ràng buộc nào để đảm bảo việc thực thi các mục tiêu quốc gia về môi trường hay chi trả các khoản đóng góp. Nếu lượng khí thải của Mỹ lại gia tăng trở lại, hay nói cách khác nước này cố tình bỏ qua các mục tiêu về khí hậu của mình để tận dụng các lợi thế về kinh tế, đây sẽ là một thất bại đối với các quốc gia trước hết nhìn nhận chính sách khí hậu từ quan điểm công bằng.    

Có khả năng việc rút khỏi thỏa thuận chống biến đổi khí hậu cuối cùng có thể tạo ra ít việc làm hơn, gây ra nhiều thiệt hại hơn và tạo ra nhiều kẻ thù hơn so với những gì ông Trump nghĩ. Tuy bước lùi về chính sách khí hậu của ông tại Mỹ sẽ nhận được sự ủng hộ của Quốc hội do phe Cộng hòa kiểm soát, nhưng nó sẽ vấp phải sự phản đối tại các bang và cấp địa phương, nơi hoạt động bảo vệ môi trường được thực hiện một cách tự giác và tách biệt khỏi Washington. 

Tại đây, nhiều bên tham gia được hưởng lợi từ sự chuyển hướng sang năng lượng tái tạo đang bắt đầu diễn ra tại Mỹ. Các nhà đàm phán của châu Âu có thể tìm thấy các đối tác mới cho quan ngại của họ về việc sử dụng mạng lưới hiện nay cho hợp tác dưới cấp liên bang.

Kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức, không chỉ luôn theo dõi những thay đổi lớn trong quan hệ với Mỹ, các nước đều đang chờ đợi xem Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp tục định hình các chính sách để "nước Mỹ trên hết" như thế nào.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.