Chính sách đối ngoại thời Donald Trump: Gió bắt đầu đổi chiều?

Thứ Ba, 29/11/2016, 07:15
Từ sau cuộc điện đàm “thân mật” với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 14-11, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump tiếp tục khiến dư luận suy nghĩ rằng chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời ông làm Tổng thống sẽ có những thay đổi quan trọng theo hướng xích lại gần hơn với Nga, thể hiện cụ thể trong hai vấn đề nổi bật trong quan hệ hai nước hiện nay là Ukraina và Syria.

Sẽ không “ngáng đường” Tổng thống Putin trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria

Trong vấn đề Ukraine, ông Trump đã không ít lần bộc lộ quan điểm nghiêng về phía Nga. Cụ thể, người ta đang nhắc lại những lời phát biểu của ông trong thời gian vận động tranh cử vừa qua, trong đó hàm ý rằng ông có thể “chấp thuận việc bán đảo Crimea sáp nhập về Nga”. Ông Trump thường xuyên bị chỉ trích vì dùng những ngôn từ “có cảm tình” khi nói về nước Nga và đặc biệt là Tổng thống Nga Putin.

Trong giai đoạn tranh cử, Trump từng đưa ra lời nhận xét rằng Tổng thống Putin mạnh mẽ hơn Tổng thống Mỹ Obama. Trong một phát biểu trước cử tri hồi tháng 7-2016, ông Trump còn tuyên bố “sẽ xem xét” việc chính thức công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga.

Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Đối với Ukraine, những lời tuyên bố, nhận xét “có cảm tình” của ông Trump đối với nước Nga và Tổng thống Putin vẽ ra một viễn cảnh “đáng sợ” rằng Mỹ sẽ không quyết tâm đứng sau lưng Ukraine trong cuộc chiến chống lại sức ảnh hưởng của Nga ở miền Đông. Không có Mỹ đứng sau lưng, Ukraine sẽ khó lòng sử dụng sức mạnh quân sự để thực hiện điều họ muốn trong cuộc chiến với quân nổi dậy ở miền Đông.

Kiev lo ngại rằng, chọc giận Moskva đồng nghĩa với việc tự tay mình khơi bùng ngọn lửa xung đột tại các mặt trận ở các tỉnh miền Đông. Cuộc nội chiến với quân nổi dậy miền Đông Ukraine hiện nay đang “im lìm” trong thế bế tắc do các lãnh đạo phương Tây lẫn Nga đều chưa tìm được lối ra nào hợp lý hơn.

Cách đây đúng một tháng (19-10), Tổng thống Nga Putin đã có cuộc họp “4 bên” với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko chỉ đạt được kết quả khiên tốn là thống nhất triển khai lộ trình tái đàm phán hòa bình, một phần trong nỗ lực thực thi Thỏa thuận Minsk ký kết hồi tháng 2-2015 nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.

Vướng mắc lớn nhất trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng này là việc Ukraine nhất quyết phải đòi lại bán đảo Crimea, trong khi Nga kiên quyết cho rằng, Crimea vốn dĩ là lãnh thổn của Nga, và việc người dân bán đảo này đồng ý sáp nhập trở về Nga là hoàn toàn hợp lý. Do đó, Ukraine không có cơ sở để đòi Nga trao trả Crimea.

Trong một diễn biến khác liên quan đến chính sách của Mỹ đối với Syria, dư luận cũng đang rất quan tâm đến những động thái “chuyển hướng” đang diễn ra. Báo chí Mỹ hôm 23-11 đưa tin, con trai Tổng thống Trump là Donald Trump Jr đã có một cuộc họp bí mật với một chính khách của chính quyền Syria tại một khách sạn sang trọng ở thủ đô Paris, Pháp, vào ngày 11-10.

Cuộc gặp của các nguyên thủ châu Âu về vấn đề Ukraine tháng 10-2016.

Cuộc họp do bà Randa Kassis, lãnh đạo một nhóm hoạt động Syria yêu nước thân Moskva làm chủ trì. Cuộc gặp được đánh giá là một bước đi tiến tới việc Mỹ có thể thay đổi cách tiếp cận vấn đề Syria. Người nhớ lại cũng trong giai đoạn tranh cử, ông Trump đã có những tuyên bố hàm ý sẽ phối hợp cùng với Nga giải quyết khủng hoảng, chống khủng bố và IS tại Syria.

Đổi lại, ngay sau khi có kết quả bầu cử ở Mỹ, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã lên tiếng hoan nghênh việc ông Trump đắc cử và tuyên bố hy vọng nước Mỹ sẽ có cách giải quyết “tích cực” hơn cuộc khủng hoảng nội chiến tại Syria.

Các nhà phân tích ngoại giao đưa ra nhận xét rằng, gần như chắc chắn ông Trump sẽ không “ngáng đường” Tổng thống Putin trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria. Điều này được chứng minh bằng những tuyên bố trong tranh cử của ông Trump rằng ông cũng sẽ rút lại sự hậu thuẫn của Mỹ dành cho phiến quân đối lập ở Syria.

Những động thái, diễn biến nêu trên đang khiến cho lực lượng phiến quân đối lập chống Tổng thống Assad rơi vào thế cô lập, tương tự như Ukraine.

Rộng hơn Syria, chính sách của Mỹ về Trung Đông cũng sẽ ít nhiều thay đổi. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo New York Times gần đây, ông Trump cũng từng đánh tiếng về khả năng sẽ cử con rể đầy quyền lực của mình làm đặc phái viên để giải quyết xung đột giữa Israel với người Palestine.

Bên cạnh những lời nhận xét về Ukraine, những động thái đối với vấn đề Syria, là những nhận xét không hay về NATO kể từ khi được công nhận đắc cử tổng thống khiến dư luận băn khoăn về tương lai của khối quân sự lỗi thời này.

Donald Trump Jr (con trai tổng thống đắc cử Trump) cùng bà Randa Kassis chủ trì cuộc họp bí mật ngày 11-10 ở Paris.

Tại Diễn đàn An ninh quốc tế Halifax (HISF) lần thứ VIII ngày 19-11 vừa qua, những nhận xét của ông Trump về NATO đã tạo nên một bầu không khí u ám về tương lai “an ninh” của một số khu vực nóng có sự tranh chấp về lợi ích và ảnh hưởng giữa Mỹ với Nga.

Băn khoăn lớn nhất của nhiều người ở phương Tây là ông Trump vẫn chưa xác định rõ ràng quan điểm của mình đối với các vấn đề an ninh toàn cầu, với tư cách Tổng Tư lệnh quân đội Mỹ, Trump sẽ dẫn dắt nước Mỹ tham gia vào các hoạt động quân sự quốc tế như thế nào, như cuộc chiến chống IS chẳng hạn?

Người Tổng Tư lệnh thân Nga, cả bộ sậu an ninh cũng có vài người thân Nga, chắc chắn các chính sách về an ninh, đối ngoại của chính quyền Trump sẽ thay đổi nhiều, theo chiều hướng khác hẳn so với người tiền nhiệm, và giới phân tích đặt câu hỏi: Phải chăng “gió sẽ đổi chiều” trong chính sách an ninh, đối ngoại của Mỹ thời Tổng thống Trump, trong đó quan hệ Nga - Mỹ là một yếu tố quan trọng hàng đầu?

Những cái tên mới trong nội các và kế hoạch 100 ngày đầu ở Nhà Trắng

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã lựa chọn nữ Thống đốc bang South Carolina Nikki Haley vào vị trí Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc và bà Betsy DeVos, 58 tuổi, một chính trị gia, doanh nhân kiêm nhà hoạt động giáo dục đến từ bang Michigan vào vị trí Bộ trưởng Giáo dục trong nội các mới của mình.

Mặc dù không hoàn toàn ủng hộ ông trong cuộc vận động tranh cử trước đó, song 2 nữ chính trị gia này là những nhân vật đầu tiên có tên trong chính phủ của ông Trump. Ai có thể được ông xướng tên trong danh sách phân bổ nhân sự tiếp theo trong chính quyền mới và những vấn đề gì sẽ được ưu tiên trong 100 ngày đầu dẫn dắt nước Mỹ?

Theo xác nhận của nhóm chuyển giao quyền lực, ông Trump đã tiến cử Thượng nghị sĩ Jeff Session làm Bộ trưởng Tư pháp, tướng về hưu Mike Flynn làm Cố vấn An ninh quốc gia và Hạ nghị sĩ Mike Pompeo là Giám đốc Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA). Cả 3 nhân vật này đều đã chấp nhận đề cử của ông Trump.

Có nhiều tin cho biết, ông Trump đã gặp cựu ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Mitt Romney và cựu Thị trưởng New York Rudolph Giuliani, những nhân vật đang được coi là ứng viên hàng đầu cho vị trí ngoại trưởng. Trường hợp của ông Giuliani do tự tiến cử và Trump cũng rất thích ông này, nhưng việc Giuliani chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực đối ngoại là một rào cản cho việc bổ nhiệm. Trong khi đó, ông Romney tiết lộ đã có một cuộc trao đổi sâu rộng với tổng thống vừa đắc cử về chính sách đối ngoại.

Đối với vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, mặc dù ông Trump đang cân nhắc chọn Tướng James Mattis, song ngày 20-11, Tướng Jack Keane đã khước từ lời đề nghị này. Việc bổ nhiệm các tướng dù đã về hưu làm Bộ trưởng Quốc phòng có thể sẽ vấp phải sự phản đối của Quốc hội do luật pháp Mỹ quy định vị trí Bộ trưởng Quốc phòng phải do một quan chức dân sự đảm nhiệm, hoặc người đó phải cởi bỏ bộ quân phục ít nhất 7 năm.

Ông Donald Trump từng đến Moskva dự một cuộc thi hoa hậu vào năm 2009.

Đối với các vị trí khác, Thượng nghị sĩ Scott Brown được cho là ứng viên cho chức Bộ trưởng Bộ Cựu chiến binh. Thống đốc bang Oklahoma Mary Fallin là ứng viên Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Đô đốc Michael Rogers là ứng viên Giám đốc Tình báo Quốc gia. Cựu ứng viên tổng thống Mike Huckabee cũng có thể sẽ tham gia nội các của ông Trump nhưng chưa rõ vị trí cụ thể.    

Một cái tên cho vị trí đối ngoại đó là nữ Hạ nghị sĩ bang Hawaii Tulsi Gabbard, một người thuộc đảng Dân chủ nhưng giống với ông Trump, bà cũng phản đối các động thái nhằm phế truất Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Bà Gabbard từng ủng hộ ứng cử viên tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ Bernie Sanders trong cuộc bầu cử sơ bộ.

Bà Gabbard từng nói rằng, bà muốn có cơ hội nói chuyện với ông Trump trước khi “những hồi trống chiến tranh mà những người bảo thủ kích động kéo chúng ta vào cuộc leo thang lật đổ chính quyền Syria”. Hiện chưa có thông tin nào về việc bà đã theo đuổi hoặc được bổ nhiệm vào một vị trí trong chính quyền.   

Cựu Thống đốc bang Texas Rick Perry - người bị ông Trump đánh bại trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa và từng gây chú ý trong cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên tổng thống năm 2011 khi ông quên tên Bộ trưởng Năng lượng - cũng tới gặp ông Trump. Ông không phát biểu với các phóng viên sau cuộc hội đàm nhưng có nhiều tin đồn cho rằng ông là ứng cử viên cho chức Bộ trưởng Quốc phòng, Nông nghiệp hoặc Năng lượng.   

Giới phân tích cho rằng ông Trump không chậm trễ hơn những người tiền nhiệm trong việc bổ nhiệm nội các. Năm 2008, Tổng thống Barack Obama, sau chiến thắng đã phải đợi đến nhiều tháng sau mới công bố danh sách các quan chức phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, tổng thống vửa đắc cử là người ngoài cuộc trong giới chính trị và từng cam kết sẽ chấn chỉnh bộ máy cầm quyền, bởi vậy một số nhân vật được ông lựa chọn khó có thể được Thượng viện thông qua hoặc được tiếp cận các thông tin mật.

Một số báo cũng bày tỏ quan ngại về việc gia đình ông Trump tham gia quá sâu vào công việc chính trị. Con rể ông Trump là Jared Kushner, được cho là đang tham khảo luật sư về khả năng làm việc trong Nhà Trắng. Luật pháp Mỹ có những quy định về việc chống gia đình trị và có thể ngăn cản việc Kushner được bổ nhiệm vào các vị trí trong chính quyền của Trump.

Một số luật sư và Ủy ban Giám sát trách nhiệm của chính quyền Mỹ cũng đang yêu cầu ông Trump làm rõ việc điều hành các công ty của gia đình sau khi nắm quyền. Theo thông lệ Mỹ, khi một tổng thống lên nắm quyền thì các tài sản của cá nhân sẽ được chuyển cho một quỹ tín thác độc lập điều hành, nhưng đến nay ông Trump chỉ nói sẽ chuyển cho các con quản lý.

Hiện công ty của Trump có dự án ở 18 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Azerbaijan, Qatar và Indonesia. 

Về kế hoạch 100 ngày đầu nhiệm kỳ, ông Donald Trump đã ngay lập tức công bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và thay thế bằng các hiệp định song phương mang công việc sản xuất trở lại Mỹ; xóa bỏ những quy định gây giảm việc làm trong ngành công nghiệp năng lượng của Tổng thống đương nhiệm Barack Obama; yêu cầu Bộ Quốc phòng lên kế hoạch bảo vệ cơ sở hạ tầng của Mỹ chống tấn công mạng và các loại hình tấn công khác; xem xét lại các chương trình cấp thị thực vốn đang tạo điều kiện cho người nước ngoài lấy đi công việc của người Mỹ; cấm quan chức nhà nước tham gia các hoạt động vận động hành lang trong vòng 5 năm kể từ sau khi rời nhiệm sở.

Nhận định về kế hoạch rút khỏi TPP, Đại diện Thương mại Mỹ Mike Froman cho rằng động thái của ông Trump đồng nghĩa với việc Mỹ tự loại mình khỏi các thị trường quan trọng, đối mặt với nguy cơ các nguyên tắc thương mại quốc tế đi ngược lại lợi ích của Mỹ. Giới chuyên gia đánh giá đây là một tin đáng thất vọng vì Mỹ tự bỏ vị thế lãnh đạo thương mại toàn cầu, trao quyền lực lại cho Trung Quốc.

Trương Hùng - Bảo Trân (tổng hợp)
.
.