Châu Âu: Chính sách và biện pháp chống nhập cư lậu bị biến tướng

Thứ Bảy, 04/07/2015, 13:55
Trong khi chiến dịch ngăn chặn làn sóng nhập cư vào châu Âu vừa bắt đầu còn chưa biết hiệu quả ra sao thì ngay trong nội bộ các nước châu Âu đã xuất hiện chia rẽ về vấn đề này. Mạnh ai nấy làm và chỉ biết lo cho bản thân mình là tình cảnh chung trong chính sách chống di dân ở châu Âu. Đặc biệt, một số biện pháp đã tỏ ra cực đoan.

Ngày 22/6 vừa qua, châu Âu chính thức khởi động lực lượng EU Navfor Med, tên rút ngắn của lực lượng hải thuyền Liên minh châu Âu tại Địa Trung Hải. Đây không phải là một chiến dịch nhân đạo mà là một cuộc hành quân lâu dài với những phương tiện lớn với tàu chiến, tàu ngầm, máy bay trinh sát nhằm ngăn chặn những chiếc thuyền chở người nhập cư trái phép vào châu Âu. Italia đã nỗ lực vận động giải pháp này nên quyền chỉ huy được trao cho một viên tướng hải quân nước này, Enrico Credenlino, thông thạo tiếng Anh, Pháp, và Bộ Tư lệnh EU Navfor Med đặt tại Roma.

Các nước Pháp, Anh, Đức và Tây Ban Nha cung cấp tàu chiến, Tây Ban Nha và Slovenia cùng các thành viên khác gửi máy bay và trực thăng. Một lực lượng quân sự dồi dào có nhiệm vụ trấn áp những kẻ buôn người.

Một giới chức ngoại giao cao cấp của EU cho hay có 5 tàu mặt nước hải quân, do Hàng không mẫu hạm Cavour của Italia chỉ huy, sẽ cùng với 2 tàu ngầm, 3 máy bay trinh sát biển, 2 máy bay không người lái và 2 trực thăng tham gia vào chiến dịch. Chiến dịch này sẽ xác định, bắt giữ và phá hủy tàu thuyền trước khi nó được các đường dây buôn người sử dụng.

Trước mắt, các phương tiện của EU sẽ hoạt động trong hải phận và không phận quốc tế cho tới khi khối này có được sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) cũng như của Chính phủ Libya để tiến sâu hơn vào lãnh hải của các quốc gia này.

Các nhà chiến lược cho rằng, để đạt được hiệu quả, lực lượng tuần tra Địa Trung Hải của EU phải xâm nhập vào vùng duyên hải của Libya. Vấn đề là do không có ủy nhiệm của LHQ, lực lượng chống buôn người không thể can thiệp đến tận lãnh hải Libya.

Do vậy, lực lượng hải thuyền và không quân chỉ thực hiện công tác thu thập thông tin tình báo, nhận diện và định vị các đường dây buôn người trong khi chờ đợi một nghị quyết của HĐBA Một nhà ngoại giao châu Âu nhận định lạc quan: LHQ sẽ bật đèn xanh chặn bắt các con tàu khả nghi, hủy diệt tàu thuyền của đường dây vượt biển và oanh tạc các cơ sở trên bộ.

Ngày 22/6, Hải quân châu Âu khởi động chiến dịch chống buôn người qua đường biển.

Tài liệu của Sở Tình báo Pháp, do Le Monde trích dẫn, có lược kê những biện pháp mạnh như sử dụng tàu đổ bộ và lực lượng đặc biệt. Trong khi đó các tổ chức tranh đấu cho người tị nạn nói rằng hành động này chỉ ngăn trở những người muốn thoát khỏi hoàn cảnh nghèo đói và chiến tranh.

Theo đánh giá, sẽ phải mất ít nhất 6 tháng kế hoạch của EU về vấn đề nhập cư mới được thực thi toàn diện. Giới chuyên gia cho rằng các biện pháp ngăn chặn người nhập cư trái phép tràn vào lãnh thổ châu Âu bằng đường biển chỉ là bề nổi của tảng băng. Châu Âu tới nay có thái độ thụ động, chỉ quan tâm thực sự đến hồ sơ này khi vấn đề đã trở nên cấp bách. Và trong tình huống đó, EU lại chỉ đưa ra những biện pháp nửa vời, hay chỉ có hiệu quả trong ngắn hạn mà thôi.

Không mấy ai tin rằng, kế hoạch đang thực hiện của châu Âu là nền tảng cho một chính sách chung về nhập cư. Thực ra tại Bruxelles, các bên mới chỉ đề xướng những biện pháp để chăm sóc vết thương bề ngoài, nhưng không một ai đả động đến nguyên nhân gây ra thương tích hay tìm cách khắc phục hậu quả do vết thương đó gây nên.

Đa phần thuyền nhân từ châu Phi vượt biển đến châu Âu xuất phát từ vùng bờ biển Libya. Từ ngày ông Gaddafi bị lật đổ năm 2011, Libya rơi vào hỗn loạn đã trở thành trung tâm của các đường dây buôn người, và là căn cứ các mạng lưới khủng bố hoành hành, gây bất ổn định cả vùng. Điều đáng nói là chính các nước châu Âu đã can thiệp năm 2011 vào Libya với các cuộc oanh tạc, lật đổ ông Gaddafi.

Tóm lại, dòng người di cư vào châu Âu ngày càng tăng xuất phát từ những nước mà chính châu Âu đã tìm cách lật đổ chính quyền tại những nước đó để gieo mầm dân chủ. Điều mà EU nên làm là tìm cách tái lập ổn định, thịnh vượng tại các quốc gia ở bên kia Địa Trung Hải, để người dân châu Phi không có nhu cầu di tản.

Trước khi mở chiến dịch chung cho toàn châu Âu, mỗi nước “nạn nhân” của làn sóng di dân cũng đã tự mình đưa ra các biện pháp cấp thời. Chẳng hạn, Tây Ban Nha đã dựng một bức tường dài 175km dọc theo biên giới với Morocco. Chính phủ Italia đã có chương trình nhân đạo “Mare Nostrum” cứu vớt thuyền nhân.

Chương trình này hiện được thay thế bằng “Triton”, đây là một chương trình cứu vớt thuyền nhân của chính Liên minh châu Âu (chứ không phải của riêng Italia), và do cơ quan Frontex, một tổ chức của Liên minh châu Âu đặc trách về vấn đề nhập cư đến từ các quốc gia ngoài châu Âu. Tại Hy Lạp, một chương trình tương tự có tên Poséidon cũng đã được chính quyền Athens triển khai...

Truyền thông quốc tế đang đặc biệt chú ý đến cuộc chiến chống di dân ở Hungary. Khẳng định là đất nước bị làn sóng di dân từ châu Á và Trung Đông, sử dụng như “con thuyền trung chuyển” để sang Đức và Áo, ngày 23/6, chính quyền Budapest đã đơn phương tạm ngưng thi hành thỏa thuận về quyền tị nạn và yêu cầu Viena ngưng trục xuất di dân về Hungary.

Theo Hiệp ước tị nạn Dublin, một thành viên của EU có quyền trả một ứng viên xin tị nạn về quốc gia châu Âu mà đối tượng đặt chân đến đầu tiên. Từ đầu năm đến nay, hơn 60.000 di dân đã nộp đơn xin tị nạn tại Hungary, tăng gấp 23 lần so với cùng thời gian vào năm 2013.

“Con thuyền đã đầy”, chính phủ cánh hữu Hungary tuyên bố như trên để biện minh cho quyết định đơn phương không áp dụng hiệp ước châu Âu về tị nạn và Budapest là thành viên. Trên thực tế, đại đa số di dân (90%), chỉ dừng chân ở Hungary có vài ngày. Họ nhanh chóng chạy sang Đức và Áo để tìm cuộc sống mới.

Vấn đề dân nhập cư đang gây chia rẽ Liên minh châu Âu.

Khác với Italia và Hy Lạp, Hungary không bị làn sóng vượt biển tràn ngập đến mức gây khủng hoảng nhân đạo. Trong năm qua, áp dụng Hiệp ước Dublin, Chính phủ Áo trả lại Hungary 800 ứng viên tị nạn. Cho dù phải nhân lên gấp 10, thì Budapest thừa sức quản lý 8.000 người tị nạn. Tuy nhiên, Thủ tướng Viktor Orban không muốn đón một người tị nạn nào cả.

Không những sửa đổi Hiệp ước Dublin, Chính phủ Hungari còn dự trù sửa luật. Một ứng viên xin tị nạn sẽ bị gửi trả về Serbia một cách dễ dàng một khi đơn xin bị bác bỏ. Nói cách khác, không còn hy vọng để được Budapest cấp quy chế tị nạn.

Ngày 24/6, Chính phủ Áo đã phản ứng mạnh mẽ, lên án thái độ của Hungary là “không thế chấp nhận được”. Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz cảnh báo đồng nhiệm Hungary Peter Szijjarto coi chừng các “hệ quả tiêu cực”. Sau cuộc thảo luận với Ngoại trưởng Áo và trước áp lực của Bruxelles, Budapest lập tức rút lại quyết định không tôn trọng thỏa thuận Dublin. Đích thân Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto thông báo tin này vào chiều 24/6.

Tuy nhiên, Chính phủ Hungary lại đột ngột ra tuyên bố về việc nước này sẽ đơn phương dựng một hàng rào dây thép gai trên toàn tuyến biên giới phía nam với Serbia để ngăn chặn làn sóng tị nạn chủ yếu đến từ quốc gia láng giềng này. Bức tường dựng lên giữa lòng châu Âu này bắt nguồn từ tư tưởng bài ngoại đang có xu hướng lên mạnh ở Hungary.

“Sáng kiến” này của Hungary lập tức bị giới ngoại giao quốc tế và nhiều nước châu Âu phản đối. Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu cho dù có những quan ngại mang tính nguyên tắc trong vấn đề này, vẫn chưa thể làm được gì theo hướng ngăn cản vì việc xử lý làn sóng nhập cư và bảo vệ biên giới là thuộc thẩm quyền của từng quốc gia thành viên EU.

Vấn đề đang được đặt ra là việc xây một hàng rào như thế - ngoài chuyện phản cảm trong một châu Âu thống nhất, thì có hiệu quả trong việc điều tiết người tị nạn hay không? Có cách nào tốt hơn không để xử lý vấn đề nhập cư và tị nạn? Đây là những câu hỏi đang gây ra những tranh luận và phản hồi rất gay gắt trên báo chí và công luận Hungary và châu Âu.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.