Chính trường Liban lại bất ổn

Thứ Năm, 30/11/2006, 08:00

Ngày 21/11/2006, một nhóm vũ trang đã bất ngờ phóng 2 chiếc xe vào xe của Bộ trưởng Công nghiệp Liban Pierre Gemayel và vãi đạn vào ông bằng súng giảm thanh. Gemayel được đưa đến bệnh viện nhưng không lâu sau đó thì tắt thở. Vụ ám sát đã biến kỷ niệm Quốc khánh Liban vào thứ tư 22/11/2006 thành một ngày u ám. Một lần nữa, nhiều người lại cho rằng Syria đứng sau vụ ám sát...

“Bi kịch Kennedy” của Liban

Sự kiện ám sát Pierre Gemayel xảy ra sau khi Liban gần như tơi tả bởi cuộc chiến giữa quân đội Israel và Hezbollah; Hezbollah chuẩn bị cuộc xuống đường rầm rộ kêu gọi dân chúng lật đổ chính phủ của Thủ tướng Liban Fouad Siniora; và không lâu sau vụ 6 bộ trưởng Liban ủng hộ Syria (trong đó có 5 bộ trưởng người Shiite) đồng loạt từ chức...

Pierre Gemayel (34 tuổi, người Công giáo), được bầu vào Quốc hội năm 2000 và tái đắc cử năm 2005, là nhân vật chính trị thứ tư (chống Syria) bị giết sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Rafik Hariri vào tháng 2/2005. Chỉ vài giờ trước khi xảy ra vụ ám sát Pierre Gemayel (gương mặt lãnh đạo “Liên minh 14-3”, lấy theo ngày cuộc biểu tình chống Syria bùng nổ khắp Liban vào năm 2005 sau sự kiện giết Rafik Hariri), Hội đồng Bảo an LHQ đã chuẩn y thành lập phiên tòa xử vụ giết cựu Thủ tướng Rafik Hariri cùng 14 người khác theo yêu cầu từ Tổng thư ký LHQ Kofi Annan (dự kiến tổ chức bên ngoài lãnh thổ Liban với đa số thành viên hội đồng xét xử là chánh án nước ngoài cùng một công tố viên quốc tế). Tất cả 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an đều lên án vụ ám sát Pierre Gemayel.

Tại chính trường Liban, Gemayel là một trong những dòng họ chính trị nổi tiếng. Thân phụ nạn nhân - ông Amine Gemayel - từng ngồi ghế tổng thống từ năm 1982 đến 1988 và là con của Pierre Gemayel (trùng tên nạn nhân), người sáng lập đảng Kataeb (còn gọi là Phalange).

Dòng họ Gemayel giống như dòng họ Kennedy (Mỹ) với những bi kịch nối tiếp. Amine được bầu làm Tổng thống vào tháng 8/1982 để kế nhiệm anh mình (Bachir Gemayel), người vừa đắc cử vào tháng trước đó và bị ám sát chỉ 9 ngày trước khi chính thức nhậm chức tổng thống bởi quan điểm thân Israel (năm 1981, cô con gái 4 tuổi của Bachir cũng bị giết trong vụ khủng bố bom xe mà mục tiêu thật ra nhằm vào Bachir). Trước đó, trong cuộc bầu cử 1969, Amine được bầu thay thế người chú Maurice Gemayel với vị trí thành viên Quốc hội. Nhiệm kỳ tổng thống cũng là thời gian mà Amine chứng kiến sự can thiệp sâu vào nội bộ chính trị Liban từ Syria.

Vào thời điểm Amine sắp hết nhiệm kỳ (23/9/1988), Syria (lúc đó còn đóng quân tại Liban) yêu cầu đưa Michael Daher lên thay nhưng nhân vật này không được giới chính trị gia Công giáo ủng hộ, so với Dany Chamoun (con của cựu Tổng thống Camille Chamoun) hoặc Tổng tư lệnh Michel Aoun. Trong khi đó, Chamoun lẫn Aoun đều không được Syria và cánh chính trị Hồi giáo Liban đồng ý. Khủng hoảng nghiêm trọng bùng nổ; và chỉ 15 phút trước khi nhiệm kỳ chính thức chấm dứt, Tổng thống Amine Gemayel phải cấp tốc bổ nhiệm Aoun lên ghế thủ tướng (giữ vai trò quyền tổng thống nếu ghế tổng thống chưa có chủ) nhằm tháo gỡ cục diện bế tắc. Sau đó, René Moawad được bầu làm Tổng thống nhưng chỉ ngồi được vỏn vẹn 17 ngày (từ ngày 5 đến 22/11/1989) bởi bị ám sát chết!

René Moawad được thay bằng Elias Hrawi (từ trần ngày 7/7/2006), tại vị từ năm 1989 đến 1998. Và sau Elias Hrawi là (Tổng thống đương nhiệm) Émile Lahoud. Phần mình, sau khi giao quyền cho Michel Aoun, Amine Gemayel sang sống lưu vong Thụy Sĩ, Pháp và giảng dạy ở một số trường đại học Mỹ. Năm 2000, ông trở về Liban, thành lập đảng đối lập đụng độ trực diện với Tổng thống Émile Lahoud (Michel Aoun tại chức cho đến năm 1990, bị Syria tống khỏi Liban và chỉ trở về nước ngày 7/5/2005, 11 ngày sau khi quân đội Syria rút khỏi Liban).

Đối tượng chú ý của một số nước

Điểm lại vài chi tiết trên để thấy gia đình Gemayel đã gắn liền với lịch sử dân tộc Liban như thế nào. Liban nên “chơi” với ai đây - Syria hoặc phương Tây? Vậy thôi. Trong khi Tổng thống Émile Lahoud vẫn một lòng một dạ với Syria; thì đương kim Thủ tướng Fouad Siniora lại ở bên kia chiến tuyến. Nhậm chức ngày 19/7/2005 (thay Najib Mikati), Fouad Siniora (theo dòng Hồi giáo Sunni) là bạn thân của cố Thủ tướng Rafik Hariri trong hơn 45 năm. Tương tự Rafik Hariri, Siniora cũng thân phương Tây (tháng 4/2006, ông kinh lý sang Mỹ gặp Tổng thống George W. Bush) và quan điểm chính trị này bắt đầu trở thành một trong những nguyên nhân gây ra bất đồng chính kiến trong nước. Cùng Bộ trưởng Pierre Gemayel, Fouad Siniora chỉ trích sự can thiệp của Syria và giật dây của Hezbollah gây bất ổn nội bộ.

Trong thực tế, vụ ám sát Pierre Gemayel một lần nữa cho thấy sự phân cách chính trị trong xã hội Liban. Tại khu vực Hồi giáo Shiite (vốn thân Hezbollah), AK-47 đã nổ vang thể hiện thái độ vui mừng trước vụ giết Pierre Gemayel; trong khi đó; tại khu vực cộng đồng Công giáo, người ta thề sẽ trả thù cho nạn nhân. Liban đang chìm trong bi quan khi trở thành đối tượng can thiệp của nước ngoài, từ Syria, Mỹ, Pháp đến thậm chí Iran.

“Chúng tôi đã quá kinh hãi trước những điều tồi tệ nhất và mong rằng những gì sắp xảy ra sẽ ít tồi tệ hơn mà thôi” - nhận xét chua chát của Fawwaz Traboulsi, sử gia - giáo sư Đại học Hoa Kỳ (American University) tại Beirut. Song song đủ màu cờ sắc áo chính trị phức tạp, Liban còn là đất nước của 18 hệ giáo phái khác nhau (Công giáo hiện chiếm 35% trong dân số vỏn vẹn khoảng 4 triệu, giảm từ 55 đến 60% vào thời điểm trước cuộc nội chiến 1975-1990; sự tụt giảm là do tình trạng di cư ra nước ngoài trong khi tỉ lệ sinh Hồi giáo tăng dần; cộng đồng Shiite hiện chiếm đa số với 1,2 triệu người và Hồi giáo Sunni ít hơn một chút).

Lại là Hezbollah!

Sau cuộc chiến với Israel (tháng 7 và 8/2006), Hezbollah vẫn tồn tại như một sức mạnh chính trị trên vũ đài Liban. Ngày 19/11/2006, thủ lĩnh Hezbollah, Hasan Nasrallah, đã đưa “tối hậu thư” cho Chính phủ Fouad Siniora: yêu cầu từ chức hoặc phải tổ chức bầu cử sớm. Không chỉ rút 6 bộ trưởng khỏi nội các Fouad Siniora, Hezbollah còn xây dựng liên minh với Michel Aoun. Nhân vật này từng bị Syria trục xuất ra khỏi chính đất nước mình, nay bắt đầu quay sang đứng cùng hàng ngũ với Hezbollah (đồng minh của Syria)!

Sau vụ ám sát Pierre Gemayel, nội các Fouad Siniora đã mất 7 bộ trưởng. Nếu mất thêm 2 người nữa, nội các xem như bị vô hiệu hóa bởi không hợp hiến và coi như sụp đổ. Thủ lĩnh cộng đồng người Druze, Walid Jumblatt (quan điểm chống Syria) nói rằng sẽ còn nhiều vụ ám sát nữa cho đến khi cán cân trong nội các được quân bình! Trong thực tế, vài giờ trước khi Pierre Gemayel bị ám sát, một nhóm vũ trang đã vãi đạn vào Văn phòng Bộ trưởng Các vấn đề Quốc hội Michel Pharaon với mục đích đe dọa.

Đại sứ Pháp tại LHQ Jean-Marc de La Sabliere phát biểu: “Vụ ám sát (Pierre Gemayel) là hành động nhằm làm bất ổn Liban” và rằng: “Sẽ chẳng có hòa bình mà không có công lý tại Liban”. Với loạt diễn biến chính trị căng thẳng từ sau cuộc chiến Israel 33 ngày (tháng 7 và 8/2006) và cuộc bất đồng chính kiến gay gắt giữa nhóm chính trị ủng hộ Syria và nhóm thân phương Tây, vụ Pierre Gemayel đang trở thành tâm điểm của một xung đột mới, một giằng co mới, một tranh chấp can thiệp từ nhiều nước khu vực lẫn phương Tây..., quyết liệt hơn và khó dự báo hơn ở Liban!

Mạnh Kim
.
.