Chợ tiền vùng biên giới

Thứ Ba, 12/04/2011, 18:50

Từ TP Đông Hà (Trung tâm tỉnh lỵ của Quảng Trị), phải hơn một giờ đồng hồ chạy xe qua những khúc quanh ngoằn ngoèo trên Quốc lộ số 9 tôi mới chạm chân tới thị trấn vùng biên Lao Bảo. Nơi có cửa khẩu quốc tế Lao Bảo của Việt Nam và cửa khẩu Den Savanh của nước bạn Lào...

Anh Trần Hùng Tú, một cư dân bản địa cho biết, ngày xưa vùng cửa khẩu này hàng ngày chỉ rải rác đôi ba chục chuyến xe chở hàng hóa qua Lào rồi mang củi hoặc thạch cao cho những hành trình ngược lại. Thế nhưng, từ khi Chính phủ cho phép thành lập khu thương mại đặc biệt Lao Bảo thì lượng người và hàng hóa đổ về đây ngày một nhiều hơn. Cũng kể từ đó, chợ tiền xuất hiện và phát triển ở miền đất biên giới này.

Người dân địa phương gọi những người làm dịch vụ này là những người đi xơng tiền. Họ là những chị em phụ nữ tuổi đời từ 20 cho đến 50, vì không có công ăn việc làm ổn định, trình độ văn hóa có hạn, nên khi thấy ngày càng có nhiều người qua lại vùng biên giới này để buôn bán, du lịch thì họ mới khai sinh ra dịch vụ xơng tiền.

Cứ mỗi đầu ngày, hơn một trăm chị em xơng tiền tập trung lại quanh khu vực cửa khẩu để chờ khách buôn bán quá cảnh hoặc là khách du lịch qua Lào, Thái Lan để mời chào đổi tiền. Thời gian đầu, chủ yếu là họ đổi tiền Việt sang tiền Kíp (Lào) và Baht (Thái Lan), nhưng về sau do nhu cầu của khách nên họ nới rộng quy mô ra thêm dịch vụ đổi tiền Việt ra tiền đôla (Mỹ), Nhân dân tệ (Trung Quốc) thậm chí cả đôla Úc, đôla Singapore và đồng euro... Bên cạnh đó họ còn làm dịch vụ bán các loại tiền Kíp, Baht, đôla, Nhân dân tệ còn mới, có mệnh giá thấp cho khách du lịch làm quà lưu niệm.

Chị Nguyễn Thị Trang nhà ở thị trấn Lao Bảo là một trong số những người có thâm niên làm dịch vụ đổi tiền tại cửa khẩu biên giới Việt-Lào này kể với tôi rằng: Làm nghề đổi tiền ở đây vất vả lắm, từ sáng sớm đã phải có mặt ở khu vực cửa khẩu, rồi cứ theo lệ bất thành văn nhóm nào ở vị trí nào thì ngồi chờ khách ở vị trí đó (thường chị em ở cùng thôn, cùng xã thì lập nên một nhóm). Chị em ở chợ tiền này vẫn thường tự trào về nghề nghiệp của mình là nghề nói và chạy. Không chạy thì không bắt được khách đổi tiền, mua tiền; không nói thì khách không hiểu giá trị các loại tiền Lào, Thái chênh lệch với tiền Việt bao nhiêu...

Khổ, có lẽ vì vậy mà chị em làm ăn ở đây khá đoàn kết, thống nhất với nhau. Tất cả các loại tiền ở vùng biên giới này, vào đầu ngày sẽ được thống nhất một giá do những đầu nậu tiền bên chợ Carol (thuộc huyện Carol, tỉnh Savanakhet, Lào) quy định. Vì vậy, tuy làm ăn theo mô hình cá thể, nhưng tuyệt nhiên ở chợ tiền này không hề có sự cạnh tranh thiếu lành mạnh nào để nhằm tranh khách hàng của nhau. Nếu ai đó vi phạm sẽ ngay lập tức bị góp ý, thậm chí là cô lập.

Thấy tôi lấy máy ảnh ra chụp cảnh mấy chị em xơng tiền đang ăn quà vặt để chờ khách, mấy cô gái trẻ vội khoát tay bảo "Anh đừng đưa chúng em lên báo nhé! Người ta mà cấm chợ là con em đói anh ơi...". Rồi một cô tên Hà tâm sự: Thực tình thì nghề đổi tiền, bán tiền ở đây không mang lại lợi nhuận lớn, ngày nào đắt khách cũng chỉ kiếm được độ hai trăm nghìn đồng. Chị em chúng em vẫn mong sao Nhà nước và chính quyền địa phương ở đây sớm xây dựng nên những cơ sở sản xuất kiểu như các Xí nghiệp may mặc, sản xuất đồ chơi, gia công các mặt hàng lâm sản... như các khu công nghiệp ở Bình Dương, Đà Nẵng... chắc chắn lúc ấy chị em chúng em sẽ nộp đơn để được vào làm việc ở đó. Có thể lao động phổ thông thu nhập hàng tháng thấp, nhưng dẫu sao cũng ổn định hơn nghề xơng xách nhiều may rủi này.

Ngồi chờ khách đổi tiền.

Có hỏi han, tâm sự với những chị em làm nghề đổi tiền, bán tiền lưu niệm ở vùng biên ải phía tây của Tổ quốc này tôi mới thấy được hơn một trăm con người mưu sinh ở chợ tiền này là hơn một trăm cảnh ngộ. Không phải ai cũng có đời sống khá giả, vốn liếng dồi dào để ngày ngày đổi tiền cho khách để thu về lợi nhuận. Cũng có những người vốn lớn, nên tìm được những mối đổi tiền nhiều, mỗi ngày đến vài trăm triệu Kíp. Nhưng cũng có những người phải chạy vạy khắp nơi, thậm chí phải vay nóng mới đủ vốn để hành nghề kiếm cơm qua ngày đoạn tháng.

Qua tìm hiểu tôi biết được, đại bộ phận chị em làm nghề đổi tiền ở vùng cửa khẩu này trước kia đều là dân làm nông nghiệp, họ làm công trồng củ mỳ, trồng cà phê ở các đồn điền, rồi họ lấy chồng cũng là những thanh niên địa phương. Ai đó có thoát ly ra khỏi nghề nông thì cũng chuyển sang nghề chạy xe ôm hoặc làm thợ phụ hồ vì trình độ chuyên môn hạn chế... gia cảnh của họ đa phần là nhọc nhằn, túng bấn. Vì vậy, họ miệt mài kiếm sống và khao khát con cái họ được học hành với ước mơ cuộc đời chúng sẽ không còn kham khó như cha mẹ...

Không biết rồi đây, những chị em làm nghề đổi tiền, bán tiền lưu niệm ở vùng biên giới Việt-Lào này sẽ kéo dài "sự nghiệp" của mình cho đến bao lâu nữa. Trong quá trình hội nhập và phát triển, chắc chắn rằng sẽ có nhiều nhà đầu tư, nhiều đoàn khách du lịch tìm đến với khu vực hành lang kinh tế Đông - Tây. Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Den Savanh sẽ ngày thêm nhộn nhịp.

Nên chăng, chính quyền tỉnh Quảng Trị phải vạch ra phương án "đi tắt đón đầu", sớm hình thành tại vùng biên giới quan trọng này những dịch vụ ngoại hối có quy mô hiện đại, văn minh, thuận tiện và minh bạch để đáp ứng tốt cho nhu cầu giao thương quốc tế, làm bệ phóng cho sự phát triển của nền kinh tế địa phương

Phan Bùi Bảo Thy
.
.