Chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng: Bom đạn thôi chưa đủ

Thứ Sáu, 26/09/2014, 16:39

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ nhóm họp trong tuần này để bàn về vấn đề vô cùng cấp bách hiện nay: chiến lược chống Nhà nước Hồi giáo (IS). Những vấn đề sắp được mang ra bàn hội nghị sẽ không chỉ bao gồm việc lập một liên minh rộng lớn tham gia chiến dịch ném bom IS mà còn cả việc thiết lập một hệ thống toàn cầu ngăn chặn làn sóng chiến binh từ nhiều nước đến tham gia chiến đấu cùng IS và sau đó hồi hương gây ra những hiểm họa khôn lường.

Cuộc chiến lâu dài

Ngày 22/9, quân đội Mỹ đã cho khai hỏa loạt tấn công bằng bom và tên lửa đầu tiên nhắm vào các mục tiêu IS trên lãnh thổ Syria.

Đô đốc John Kirby, thư ký báo chí của Lầu Năm Góc xác nhận: Cuộc tấn công đã được phát động bao gồm lực lượng phối hợp tác chiến với máy bay ném bom, máy bay chiến đấu và tàu chiến phóng tên lửa hành trình Tomahawk. Các đợt tập kích đã được dọn sẵn bằng hoạt động dùng máy bay do thám không người lái trong hơn một tuần qua để đánh dấu các mục tiêu IS dự kiến tấn công.

Cuộc tấn công hôm 22/9 nhắm vào 20 mục tiêu của IS bao gồm các tòa nhà tổng hành dinh phát động tiến công của IS trên đất Syria. Có 5 quốc gia khối Arập trong khu vực gồm Jordan, Arập Xêút, Qatar, Bahrain và UAE đã tham gia góp máy bay chiến đấu giúp Mỹ tấn công IS trong đợt này.

Bất chấp việc Mỹ và đồng minh tung hỏa lực đồng loạt ở cả 2 mặt trận, IS vẫn tiến hành những cuộc tiến quân ồ ạt vào khu vực người Kurd ở miền Bắc Syria. Chỉ trong vài ngày từ cuối tuần trước cho đến ngày 22/9, đã có trên 130.000 người ở Bắc Syria chạy nạn ồ ạt sang khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn 100 ngôi làng ở khu Kobani của người Kurd đã rơi vào tay IS.

Những lực lượng chiến đấu người Kurd ở Bắc Syria giờ đây không còn đủ sức chống lại IS nữa. Mối đe dọa đang tiến sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ và đồng minh có thể đưa máy bay ném bom lên miền Bắc Syria để ngăn chặn đà tiến quân của IS, nhưng điều đó đang đặt ra nguy cơ gây thảm họa nhân đạo hoặc bắn nhầm vào người tị nạn dọc tuyến biên giới.

Trong khi đó, Pháp là đồng minh châu Âu đầu tiên cử máy bay tham gia cùng với Mỹ ném bom các mục tiêu IS, nhưng từ chối tham gia ở Syria vì tính chất phức tạp của nó. Damascus đã tuyên bố không chấp nhận để Mỹ ném bom hay bắn tên lửa vào các mục tiêu IS trên lãnh thổ của mình trừ phi Mỹ có động thái phối hợp với Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad để cùng tiêu diệt IS. Hiện tại, Syria cũng đang trực tiếp chiến đấu chống IS bằng lực lượng trên mặt đất và không quân.

Dư luận quốc tế đang chờ đợi phản ứng từ phía Syria đối với hoạt động quân sự không xin phép của Mỹ. Có thể coi đây là hành động xâm phạm không phận, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Damascus cũng có quyền lo ngại đối với hành động phóng tên lửa từ tàu chiến của Mỹ, vì đó cũng có thể bị chuyển hướng tấn công vào các mục tiêu của quân đội Chính phủ Syria thay vì IS nhằm tạo lợi thế cho phiến quân Syria đối lập mà Mỹ đang tăng cường hỗ trợ để vừa chống trả quân đội chính phủ Syria vừa đối phó với IS. Tính chất phức tạp của chiến dịch tập kích IS trên lãnh thổ Syria nằm ở chỗ này.

Người Kurd ở miền bắc Syria chạy trốn lực lượng ISIS sang miền nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Bom đạn vô tình có thể vừa tiêu diệt IS nhưng đồng thời cũng có thể giết hại dân thường vô tội. Dùng vũ khí bạo lực để mong khống chế một phong trào thánh chiến nguy hiểm như IS là cách có thể tạo ra một số kết quả nhất thời, nhưng về lâu dài thì không thể kiềm chế được IS, chưa nói đến việc có tiêu diệt được tổ chức này hay không. Việc xây dựng một liên minh rộng lớn bao gồm cả những quốc gia Arập Hồi giáo trong khu vực am hiểu về lực lượng này và biết cách chiến đấu chống lại chúng thì mới có hy vọng đạt được một kết quả khả quan. Mỹ không mời Syria tham gia, Iran cũng không tham gia liên minh.

Thấy được ảnh hưởng mạnh của Iran đối với các lực lượng Hồi giáo trong khu vực, nhất là với lực lượng Shiite, Thủ tướng Anh David Cameron - một đồng minh thân cận của Mỹ - trong tuần này dự kiến sẽ có cuộc tiếp xúc tay đôi với Tổng thống Iran Hassan Rouhani (ngày 25/9) tại New York khi cả hai cùng tham dự khóa họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ).

Trong tuần này, Hội đồng Bảo an LHQ cũng sẽ nhóm họp bất thường để bàn phương án đối phó với IS. Một nghị quyết do Mỹ đề xuất sẽ được mang ra thảo luận tại hội nghị. Theo thông tin sơ bộ, dự thảo nghị quyết mang tính bắt buộc, và nội dung cơ bản của nó là buộc tất cả các quốc gia trên thế giới cùng tham gia vào một chiến dịch quy mô toàn cầu thiết lập các tiêu chuẩn cho các quốc gia nhằm ngăn chặn và dập tắt hoạt động chiêu mộ công dân các nước tham gia lực lượng thánh chiến IS và các tổ chức khủng bố địa phương ủng hộ IS, ngăn cản các thánh chiến quân quá cảnh qua biên giới nước mình để đến Syria và Iraq tham chiến, đồng thời ngăn chặn các thánh chiến quân từ Syria và Iraq quay trở về.

Hiện tại có khoảng 15.000 chiến binh từ 80 nước đang chiến đấu tại Iraq và Syria, trong đó khoảng 2.000 đến từ châu Âu và hơn 100 đến từ Mỹ. Australia, Pháp, Anh, Hà Lan là những quốc gia đang đối mặt với nguy cơ khủng bố cao nhất với số lượng chiến binh tham chiến ở Iraq và Syria khá đông. Ở Australia, mức độ báo động chống khủng bố đã được nâng lên mức báo động cao trong vài tuần gần đây.

Và ngày 18/9, 800 cảnh sát Australia đã mở chiến dịch truy quét các phần tử thánh chiến tại các thành phố lớn nhằm chuẩn bị cho các hội nghị nhóm G-20 sắp diễn ra và đã phá được một số âm mưu khủng bố, bắt giữ 15 phần tử thánh chiến tại trung tâm Sydney. Đây là những phần tử từng tham gia chiến đấu ở Syria và Iraq trở về.

Những quân át chủ bài không được trọng dụng

Câu chuyện về 49 người Thổ Nhĩ Kỳ bị IS bắt cóc ở miền Bắc Iraq  và giam cầm suốt 3 tháng rồi bất ngờ được hồi hương vào hôm 20/9 đang gây ra nhiều tranh cãi về khả năng “tiếp tay cho khủng bố” của chính quyền Ankara. Theo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, các con tin đã được lực lượng tình báo nước này giải thoát trong một chiến dịch giải cứu bí mật nhưng từ chối tiết lộ chi tiết.

Điểm nghi vấn ở đây là Ankara tuyên bố không hề trả tiền chuộc mạng, không có giao tranh với quân IS để cứu con tin, và cũng không có quốc gia thứ 3 nào làm trung gian. Với những thủ đoạn tàn ác như những gì IS đã chứng minh qua màn chặt đầu các con tin phương Tây, hay tàn sát không nương tay những người thuộc giáo phái khác ở Iraq và Syria, thì lý do mà phía Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra không thuyết phục được dư luận quốc tế.

Chưa hết, khi Mỹ đứng ra thành lập liên minh chống IS thì Thổ Nhĩ Kỳ miễn cưỡng theo nhưng chưa xác định có cho liên minh này dùng không phận để oanh kích quân IS ở Iraq hay không. Lý do được Ankara đưa ra khi đó là họ đang có công dân bị IS bắt giữ, nên nếu nhiệt tình ủng hộ Mỹ đồng nghĩa với việc các con tin của họ sẽ bị đe dọa.

Với lập luận như vậy thì chẳng có lý do gì IS lại thả 49 công dân Thổ Nhĩ Kỳ bởi làm vậy chẳng khác nào “cổ vũ” Ankara toàn tâm toàn ý với Mỹ hơn. Rõ ràng còn một lý do bí mật nào khác trong vụ giải cứu các con tin Thổ Nhĩ Kỳ.

Thủ tướng Anh David Cameron dự kiến gặp riêng Tổng thống Iran Hassan Rouhani để bàn hợp tác chống IS.

Thậm chí tờ The Independent của Anh mới đây còn đưa ra nghi vấn rằng, Thổ Nhĩ Kỳ có thông đồng với nhóm IS để chống lại lực lượng người Kurd tại Syria và Iraq. Việc các con tin được trả tự do diễn ra đúng lúc khoảng 70.000 người Kurd tại Syria đã trốn sang biên giới Thổ Nhĩ Kỳ để thoát khỏi sự tấn công của IS nhằm vào khu vực Kobani.

Nếu phân tích quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ gần đây sẽ cho ta thấy nhiều điều. Thổ Nhĩ Kỳ giáp ranh cả Iraq và Syria, và một số cơ sở của nhóm IS nằm gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara được xem là đóng vai trò chủ chốt trong liên minh do Mỹ dẫn đầu chống lại nhóm thánh chiến này. Mấy tuần vừa qua, cả Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đều đã đến thăm Ankara.

Chuyên gia phân tích chính trị Nuray Mert của Đại học Istanbul cho hay, có những nghi vấn ngoài vấn đề con tin về động cơ trong chiến lược của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đối phó với IS. "Thậm chí còn không chắc là Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng vấn đề con tin làm cái cớ để... không làm gì cả. Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng đánh mất uy tín trong mắt các đồng minh phương Tây trong việc thực thi đủ những biện pháp chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan" - ông Mert nói.

Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức liệt IS vào danh sách những nhóm khủng bố, nhưng Tổng thống Recep Tayyip Erdogan vẫn miễn cưỡng sử dụng danh xưng đó. Vào cuối tháng 6/2014, ngay sau khi IS chiếm giữ Lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Iraq, ông Erdogan cảnh báo giới truyền thông và phe đối lập chính trị Thổ Nhĩ Kỳ chớ tạo áp lực buộc ông đưa ra "những phát biểu khiêu khích liên quan đến nhóm này". Kết quả là Ankara đang bị cáo buộc ngoảnh mặt làm ngơ trước những nỗ lực tuyển mộ chiến binh IS ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu (trái) vào máy bay với các con tin ngày 20/9/2014, tại sân bay ở thành phố Sanliurfa, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới Syria.

Ông Mert cho biết, vì đảng cầm quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ có gốc gác Hồi giáo bảo thủ nên Thổ Nhĩ Kỳ cần phải rõ ràng hơn nữa trong lời nói và hành động khi lên án những phần tử của IS.

Ông nhận định: "Thổ Nhĩ Kỳ miễn cưỡng không muốn bị xem là lớn tiếng chỉ trích bất kỳ phong trào nào, dù tàn bạo hay sao đi nữa, bất cứ điều gì được thực hiện nhân danh đạo Hồi. Vì vậy mà nảy sinh mối ngờ vực. Huống hồ tất cả những lời cáo buộc này, đặc biệt là từ phía người Kurd, nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang giúp một số nhóm cực đoan chống lại đà tiến của người Kurd ở Syria".

Tuần qua Thượng nghị sĩ Mỹ Robert Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, đã lên tiếng bày tỏ mối lo ngại: "Những chiến binh nước ngoài thường vượt biên giới từ Thổ Nhĩ Kỳ vào. Nước này hoặc vì sợ hãi hoặc có thể vì ý thức hệ đã từ chối tham gia ngăn chặn dòng chiến binh và chống lại nhóm IS".

Một điểm tối khác trong liên minh này ít được mọi người chú ý đến, đó là vai trò của Israel. Nằm ngay sát vùng hoạt động của IS và là đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại Trung Đông nhưng Israel lại không được mời tham gia liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu. Các chuyên gia giải thích rằng, việc Israel dính líu đến, giống như trong Chiến tranh Vùng Vịnh, có thể làm cho các thành viên liên minh Arập lánh xa. Vì tình hình chính trị tại Trung Đông và cuộc tranh chấp không giải quyết được với người Palestine tiếp tục là một vấn đề nổi cộm, bất cứ sự dính líu nào của Israel vào những nỗ lực đa quốc gia trong vùng sẽ phản tác dụng.

Đây không phải lần đầu tiên Israel vắng mặt trong một liên minh chiến tranh tại Trung Đông. Khi Iraq xâm chiếm Kuwait vào năm 1990. Mỹ tập hợp được một liên minh gần 40 quốc gia nhưng Mỹ đã có một "nỗ lực bền bỉ" không cho Israel tham gia liên minh. Dù Israel muốn tự quảng cáo là một vốn quý chiến lược của Mỹ trong cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh vào năm 1990, nhưng Israel được xem như là một gánh nặng vì có những lo ngại là nếu để Israel gia nhập liên minh thì việc này có thể làm tan vỡ liên minh được căn cứ phần lớn vào các nước Arập.

Ngay cả sau khi Saddam Hussein mở một loạt các cuộc tấn công bằng tên lửa vào Israel, Washington từ chối chia sẻ những thông tin có thể giúp Israel trả đũa. Washington không cung cấp cho Jerusalem mật mã IFF, tức mật mã Quốc tế về Bạn hay Thù, để Israel có thể dùng quân đội giáng trả Iraq. Để đền bù cho "sự hạn chế thân hữu", Mỹ đã chuyển giao cho Israel các tên lửa Patriot có thể làm chệch hướng các tên lửa Scud của Iraq nhằm vào Israel và viện trợ khẩn cấp cho Israel 650 triệu USD ngoài 3 tỉ USD đã được cấp hàng năm.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tuần trước, lãnh đạo đối lập và là Chủ tịch đảng Lao động Isaac Herzog, đổ lỗi cho Thủ tướng Benjamin Netanyahu thất bại trong việc làm hòa với người Palestine: "Nếu Thủ tướng Netanyahu và các bộ trưởng của ông đã hành động khác hơn, và thương thuyết với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas một cách thỏa đáng, Israel sẽ là một phần của liên minh này". Ông Herzog nói thêm: "Chính Thủ tướng Netanyahu đã loại Israel ra khỏi liên minh chống IS vì đã không thương thuyết nghiêm chỉnh với Palestine".

Như vậy với việc hai quốc gia quan trọng bậc nhất trong cuộc chiến chống IS tại Trung Đông không được Mỹ tin tưởng hoặc sử dụng thì liệu rằng tuyên bố sẽ tận diệt nhóm IS của Tổng thống Obama tuần trước có trở thành hiện thực?

Văn Trương - Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.