Chống cúm gia cầm: Nhiệm vụ nóng toàn cầu

Thứ Tư, 19/10/2005, 08:47

Không dịch bệnh nào riêng của ai, cúm gia cầm đã thực sự nhe nanh vuốt trước hầu hết các quốc gia trên thế giới. Không chỉ những nước châu Á mà ngay cả hàng loạt nước châu Âu cũng đang phải vất vả đối phó với một trong những đại dịch tai hại nhất thế kỷ XXI này...

Bắt đầu tác oai tác quái từ cuối năm 2003 tới nay, chỉ tính riêng tại khu vực Đông Nam Á, đã có khoảng 70 người bị thiệt mạng vì virus H5N1 của dịch cúm gia cầm. Cũng tại đây đã có tới hơn 140 triệu gia cầm bị chết và thiệt hại kinh tế ước tính lên tới 10-15 tỷ USD. Nguy hiểm hơn là virus H5N1 hoàn toàn có thể thay đổi dạng thức để vượt qua các chướng ngại vật của những vaccine hiện có và gây nên những cơn bột phát chết người mới.

Bản đồ lan tỏa của virus H5N1 hiện vẫn đang tiếp tục được nới rộng. Trong lúc tại châu Á vẫn còn những nước chưa diệt trừ được cúm gia cầm thì tại hàng loạt nước ở trong và ngoài châu Âu như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Rumanie, thậm chí cả Croatia... cũng đang ngày càng xuất hiện nhiều thông tin về những trường hợp mới nhiễm virus H5N1. Nguy hiểm hơn nữa, theo lời Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Ly Chen Uk, việc người có thể nhiễm biến thể virus H5N1 chỉ còn là vấn đề của thời gian.

Đã có không chỉ một lời cảnh báo về việc virus H5N1 có thể biến đổi sang một dạng thức mới đủ khả năng giết người và lây từ người sang người. Trong trường hợp dự đoán đen tối này trở thành sự thật thì có thể có từ 5 đến 150 người có nguy cơ thiệt mạng vì bị nhiễm loại virus tai hại đó...

Nhân loại từng phải chịu một đại dịch tương tự là dịch cúm năm 1918, làm hơn 40 triệu người chết. Những đại dịch khác, xảy ra vào những năm 1957 và 1968, tuy khiến ít người chết hơn nhưng cũng đã làm nảy sinh vô số những vấn đề xã hội nóng bỏng. Dịch cúm gia cầm, nếu gây ra những cái chết của người vô tội trên quy mô đại trà, cũng có thể làm rung chuyển hệ thống chính trị ở không chỉ một quốc gia.

Hiện nay, ngay cả những nước phát triển nhất trên "lục địa cũ" xem ra vẫn chưa sẵn sàng để đối phó với nguy cơ cúm gia cầm H5N1 vượt biên vào lãnh thổ của mình. Theo tờ "The Financial Times" ngày 15/10, hầu hết các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đều chưa dự trữ đủ vaccine cũng như thuốc chống virus H5N1. Tất cả lượng thuốc đang có ở EU chỉ đủ cung cấp cho khoảng 10% dân số EU, trong khi WHO yêu cầu EU phải tích trữ đủ thuốc cho ít nhất 25% dân số...

Trước hiểm họa chung này, cộng đồng quốc tế đang tìm nhiều cách phối hợp với nhau để chống lại đại dịch mới. Ngày 16/10, nữ phát ngôn viên của Tổng thống Rumanie đã thông báo về việc các nước thuộc lưu vực sông Danube đã bắt đầu ngồi vào bàn cùng nhau thảo luận về các phương thức ứng phó với mối đe dọa cúm gia cầm sau khi bệnh dịch này được phát hiện ở hai ngôi làng Rumanie.

Các quan chức thú y của EU đã tức tốc nhóm họp ở Brussel bàn cách triển khai chiến dịch chống H5N1 và xem xét các biện pháp giảm thiểu sự tiếp xúc giữa chim trời và gia cầm tại các khu vực có nguy cơ cao. Một Quỹ đoàn kết có tới 1 tỷ USD đã được lập ra ở Brussel để ủng hộ các nước thành viên EU sử dụng thuốc kháng dịch...

Bộ trưởng Y tế Mỹ Mike Leavitt trong chuyến công du mới đây sang các quốc gia Đông  Nam Á đã luôn bày tỏ sự lo lắng trước tốc độ lan truyền của virus H5N1 và cho biết, Washington quyết định cung cấp tới 23 triệu USD tài trợ để giúp ứng phó với mối đe dọa của dịch cúm gia cầm tại khu vực này, trong đó Việt Nam sẽ nhận được hơn 6 triệu USD cho công tác huấn luyện, mua sắm tài liệu và thiết bị, thành lập những toán ứng phó nhanh ở cấp làng xã và tiếp tục thực hiện cuộc vận động nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về hiểm họa dịch cúm gia cầm...

Công bằng mà nói, những nỗ lực của riêng lẻ các quốc gia cũng như của chung cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống dịch cúm gia cầm đã mang lại những kết quả khá khả quan, nhất là sau khi các cường quốc kinh tế cũng đã nhận thức được hiểm họa H5N1 đối với họ trong tương lai và nới hầu bao góp tiền cho công việc chung.

Theo lời ông Shiregu Omi,  Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, đang có cơ hội để thay đổi hướng đi của thời cuộc và ngăn chặn một đại dịch phát sinh từ virus H5N1. Điều cần nhất bây giờ là nâng cao tinh thần hợp tác với nhau và minh bạch trong việc công bố thông tin về dịch bệnh.

Việt Nam đang có những động thái tích cực đi theo hướng này. Và theo lời ông Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, "không chỉ Việt Nam mà bất cứ nước nào có kinh nghiệm trong chống dịch cúm gia cầm đều sẵn lòng giúp đỡ và hợp tác vì dịch cúm gia cầm đã trở thành mối đe dọa toàn cầu"

Trương Xuân Liên
.
.