Chớp cơ hội kết thúc cuộc chiến Syria

Thứ Hai, 27/11/2017, 19:59
Ngày 22-11 tại thành phố Sochi đã khai mạc cuộc họp thượng đỉnh 3 nước Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ với nội dung trọng tâm là giải quyết khủng hoảng ở Syria. Phát biểu khai mạc cuộc họp, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định có "cơ hội thực sự" để chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài nhiều năm qua tại Syria.

Vai trò quan trọng của Nga

Theo tin từ Điện Kremlin cho hay trong cuộc hội đàm ngày 20-11, Tổng thống Nga Vladimir Putin chúc mừng ông Bashar al-Assad về những thành quả của Syria trong cuộc chiến chống khủng bố. Tại cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong 2 năm qua, ông Putin cho biết chiến dịch chống khủng bố của Nga ở Syria đang đi đến hồi kết.

"Chiến dịch quân sự (tại Syria) thực sự đang đi đến hồi kết", Guardian dẫn lời Tổng thống Putin cho biết. "Tôi nghĩ hiện nay điều quan trọng nhất đương nhiên là giải quyết các vấn đề chính trị". Lãnh đạo Nga bày tỏ vui mừng trước việc Tổng thống Syria "sẵn sàng hợp tác với tất cả những ai mong muốn hòa bình và một giải pháp chấm dứt xung đột".

Tổng thống Bashar al-Assad cho biết những thắng lợi trong hoạt động chống khủng bố với sự hỗ trợ của lực lượng Nga là yếu tố rất quan trọng góp phần tiến tới giải quyết cuộc xung đột ở Syria thông qua ngoại giao. "Phải thừa nhận rằng hoạt động này cho phép chúng tôi có những bước tiến trong tiến trình chính trị ở Syria", ông Assad nhấn mạnh. Ông nói thêm rằng Damascus sẵn sàng tổ chức đối thoại với tất cả những ai quan tâm đến tiến trình này.

Nga triển khai chiến dịch không quân chống IS tại Syria từ ngày 30-9-2015 sau lời kêu gọi giúp đỡ từ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Hồi tháng 3, Tổng thống Putin đã yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu bắt đầu rút dần lực lượng Nga khỏi Syria, nhưng vẫn duy trì hiện diện quân sự tại cảng Tartus và căn cứ không quân Khmeimim.

Lãnh đạo Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran trong cuộc gặp thượng đỉnh. Ảnh: The Times of Israel.

Một quan chức quốc phòng Nga cho hay, cuộc chiến chống IS tại Trung Đông đang đi đến những ngày cuối. Các chiến binh IS ra hàng hoặc tháo chạy hàng loạt khỏi vùng giao tranh trong khi những vùng lãnh thổ từng bị IS chiếm đóng dần được liên quân giải phóng. Hiện IS chỉ còn kiểm soát một vùng lãnh thổ hẹp dọc biên giới Syria và Iraq.

Ngay sau khi có kết quả quân sự thuận lợi trên chiến trường, lập tức Nga đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh về Syria giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Tổng thống Nga V.Putin đã chứng tỏ vai trò đi đầu các quốc gia bảo trợ để tìm một giải pháp chính trị cho Syria. Tuy nhiên, để tìm một giải pháp chính trị thời hậu chiến  cho Syria không thể “một sớm một chiều”.

Đồng thuận và nhượng bộ

Ngày 22-11, tại cuộc gặp thượng đỉnh Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Tổng thống 3 nước đã thảo luận các bước đi tiếp theo để đảm bảo cho tiến trình bình thường hóa lâu dài tình hình tại Syria, bao gồm khởi động tiến trình chính trị, các yêu cầu để tổ chức Đại hội Đối thoại dân tộc Syria, tình hình tại các khu vực giảm căng thẳng, đặc biệt là tại các nơi có lực lượng người Kurd vũ trang, giúp đỡ nhân đạo cho Syria. Đối thoại giữa Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đang thổi luồng sinh khí mới cho tiến trình hòa bình Syria sau những vòng đàm phán thất bại và thiếu đột phá.

Chia sẻ với Đài phát thanh Sputnik (Nga) từ Beirut (Lebanon) ngày 22-11, phóng viên chiến trường Ali Musawi nhận định: “Chúng ta đã chứng kiến hội nghị Geneva I, Geneva II và nhiều cuộc thảo luận khác giữa các nước nhưng cuộc đối thoại giữa Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ là lần nghiêm túc nhất”.

Triển vọng hòa bình ở Syria dường như đang phụ thuộc vào hợp tác giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran trong việc thúc đẩy các cuộc đối thoại nội bộ quốc gia Trung Đông này. Phát biểu tại buổi họp báo sau cuộc gặp với Tổng thống Iran Hassan Rouhani và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố lãnh đạo 3 nước đã thông qua tuyên bố chung, trong đó xác định những lĩnh vực ưu tiên hợp tác về vấn đề Syria.

Theo Tổng thống Putin, Tổng thống Iran và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đều ủng hộ sáng kiến triệu tập đại hội đối thoại dân tộc Syria tại Sochi, đồng thời nhất trí xem xét vấn đề về thời gian và thành phần tiến hành sự kiện quan trọng này, nhằm bảo đảm sự tham gia rộng rãi của các phe phái ở Syria. Tổng thống Putin cho hay 3 nhà lãnh đạo đã chỉ đạo các cơ quan ngoại giao, an ninh và quốc phòng thảo luận về công tác chuẩn bị cũng như thời gian tổ chức đại hội đối thoại.

Syria đổ nát sau cuộc chiến kéo dài 6 năm. Ảnh: telegraph.co.uk.

Ông Putin khẳng định ban lãnh đạo Syria hoàn toàn ủng hộ tiến trình hòa bình, cải cách hiến pháp và tổ chức bầu cử tự do. Bên cạnh đó, 3 nước cũng đã nhất trí thúc đẩy hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố, đặc biệt là nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng thừa nhận rằng tiến trình sẽ không đơn giản, ông Putin nhấn mạnh "cần sự đồng thuận và nhượng bộ từ tất cả các bên, trong đó đương nhiên bao gồm Chính phủ Syria". Ông cũng bày tỏ tin tưởng vào thực tế rằng Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nỗ lực hết sức để biến đều này thành hiện thực.

Ông Putin cũng ghi nhận vai trò đặc biệt của 2 người đồng cấp Iran và Thổ Nhĩ Kỳ trong tiến trình Astana (Kazakhstan), cũng như trong việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn và thành lập các khu vực giảm căng thẳng. Ông bày tỏ hy vọng 3 nước sẽ tiếp tục nỗ lực tối đa để "Đại hội Đối thoại dân tộc Syria" đạt kết quả tốt nhằm tạo điều kiện cho nhân dân Syria tự lựa chọn tương lai và thống nhất các nguyên tắc thể chế nhà nước.

Theo Tổng thống Nga, chiến dịch quân sự quy mô chống lực lượng khủng bố ở Syria đang vào giai đoạn kết thúc. Nhờ có nỗ lực của Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ mà Syria đã thoát khỏi nguy cơ bị chia cắt, ngăn chặn được bước chiếm đóng của khủng bố quốc tế cũng như tránh được thảm họa nhân đạo.

Bộ Ngoại giao Syria đã hoan nghênh tuyên bố chung của lãnh đạo 3 nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran về vấn đề Syria sau cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra cùng ngày tại thành phố Sochi. Hãng thông tấn SANA của Syria dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này hoan nghênh tuyên bố chung cuối cùng của cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên tại Sochi trên tinh thần cam kết ủng hộ mọi hành động chính trị tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Syria.

Theo bộ này, sự ủng hộ của Chính phủ Syria cho thấy Damascus mong muốn chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay thông qua giải pháp chính trị. Bộ Ngoại giao Syria cũng khẳng định, Hội nghị thượng đỉnh 3 bên tại Sochi được tổ chức sau thành công của một loạt cuộc đối thoại hòa bình về Syria do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran bảo trợ diễn ra tại thủ đô Astana của Kazakhstan.

Trên thực địa, lực lượng Chính phủ Syria đã giành nhiều chiến thắng quan trọng trong cuộc chiến kéo dài hơn 6 năm qua. Mới đây nhất, ngày 19-11, quân đội Syria đã giải phóng hoàn toàn thành phố al-Bukamal, thành trì cuối cùng của IS ở Syria, và tiến tới đánh bại hoàn toàn tổ chức khủng bố này.

Con đường duy nhất đi đến hòa bình

Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng cần chấm dứt mọi sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc xung đột tại Syria. Nếu có sự hiện diện quân sự của nước ngoài, nhất định chỉ có thể do Chính phủ Syria mời đến. Ông Rouhani cũng nhấn mạnh cần "nhổ rễ" các nhóm khủng bố cuối cùng tại Syria và chuẩn bị không gian cho giải pháp chính trị, đồng thời nhấn mạnh rằng số phận của Syria hoàn toàn do người dân Syria quyết định, chứ không phải các nước bên ngoài.

Về phần mình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan cho biết các quyết định quan trọng sẽ được đưa ra nhằm đạt một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria, đồng thời cho biết cuộc gặp này đóng vai trò quan trọng để các bên phối hợp tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng, sao cho toàn dân Syria chấp nhận được.

Có thể thấy rõ, thực tế đã chứng minh chế độ Syria đã đứng vững. Tổng thống B.A.Assad, người chỉ mới 3 năm trước đây còn được các quan sát viên dự báo là không thể tránh khỏi thất bại, thì hôm nay ông đã giành lại quyền kiểm soát đa phần lãnh thổ. Nhưng sau khi đánh bại lực lượng khủng bố cực đoan, chính phủ của ông vẫn còn phải đối mặt với vấn đề thống nhất đất nước.

Không quân Nga tham gia các chiến dịch hỗ trợ quân Chính phủ Syria tấn công khủng bố. Ảnh: Atlantic Sentinel.

Tại Syria vẫn còn hàng chục phe nhóm, nhiều phe nhóm trong số đó hoàn toàn có thể gọi là khủng bố. Mỗi phe nhóm lại có một hệ tư tưởng và lực lượng địa phương ủng hộ tùy theo dấu hiệu sắc tộc hay tôn giáo. Và mỗi bên tham gia nội chiến ở Syria đều có người bảo trợ nước ngoài. Tới đây, quốc gia Trung Đông này - nơi hội tụ lợi ích của nhiều quốc gia có tầm ảnh hưởng trên thế giới, việc thiết lập một nền hòa bình bền vững là nhiệm vụ vô cùng phức tạp, đòi hỏi phải có nhượng bộ từ tất cả các bên liên quan.

Có thể thấy rõ các cặp quan hệ có liên quan đều có các mối quan hệ phức tạp. Phức tạp nhất là mối bất hòa giữa Iran và Saudi Arabia hay việc Iran tăng cường vị thế ở Syria khiến Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại. Trong khi đó, Israel cũng gia tăng báo động theo đà Iran tiến vào Syria, lập căn cứ. Mỹ cũng không đứng ngoài cuộc khi không phải vô cớ mà Mỹ tăng cường “sức mạnh” cho lực lượng người Kurd ngày càng thiện chiến...

Trong khi đó, tương lai của Syria vẫn phụ thuộc vào việc các nhóm đối lập phản ứng ra sao trước những nỗ lực của Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thúc đẩy các bên tìm giải pháp hòa bình. Thổ Nhĩ Kỳ được kỳ vọng sẽ có thể thuyết phục được các nhóm đối lập ở Idlib, nơi Ankara cử quân tới tham chiến, không liên minh với Mặt trận Nusra (al-Nusra Front) và Al Qaeda để có thể bước vào các cuộc đàm phán với Chính phủ Syria.

Các nhà phân tích cho rằng không thể phớt lờ Saudi Arabia trong tiến trình hòa bình ở Syria bởi Riyadh vẫn là một “tay chơi” lớn ở khu vực. Tuy nhiên, với những gì mà Tổng thống Nga Putin và Quốc vương Saudi Arabia Salman trao đổi hôm 21-11, giới quan sát cho rằng dường như Nga đang dẫn dắt tiến trình chấm dứt xung đột tại Syria.

Một thực trạng phức tạp đang tồn tại tại Syria là lực lượng chính phủ không còn đối thủ trên quy mô cả nước và kiểm soát đa phần lãnh thổ, song họ lại không thể kết thúc cuộc chiến trong khải hoàn và trả lại quyền lực “trọn vẹn” về tay ông Assad. Đơn giản vì các cường quốc có ảnh hưởng đứng đằng sau các nhóm nhỏ lẻ phản đối ông Assad không cho phép điều đó xảy ra.

Điều này đã cho thấy các hội nghị do Nga phối hợp với các nước như hiện nay đang làm là vô cùng quan trọng. Nó khẳng định một điều, mọi việc có khả năng giải quyết bằng con đường đàm phán, và cần phải làm như vậy. Nếu kịch bản không diễn ra như vậy, có thể cuộc chiến sẽ kéo dài và không có triển vọng.

Phía trước còn chông gai

Không để bị “lu mờ” trước “người khổng lồ” đang chiếm ưu thế ở Syria như Nga, Mỹ đã hối thúc đồng minh là Saudi Arabia tổ chức hội nghị gồm 140 người đại diện cho các nhóm đối lập Syria nhóm họp trước vòng đàm phán thứ 8 về Syria do Liên Hiệp Quốc (LHQ) bảo trợ. Tìm một tiếng nói chung của tất cả các lực lượng cách mạng, phe đối lập, các lực lượng dân sự, tổ chức độc lập chính trị là một việc rất khó, nhưng có thể đây là cách duy nhất nếu tất cả các nước bảo trợ thực sự muốn Syria có hòa bình.

Như vậy, cơ hội đã mở ra, nhưng việc nắm bắt nó thế nào cần phải có sự đồng thuận của nhiều phía, đây chính là thách thức lớn nhất không chỉ cho bản thân Syria mà còn cả là thách thức với các quốc gia bảo trợ. Mặc dù các bên tham chiến, nhất là lãnh đạo 2 quốc gia đứng đầu là Nga và Mỹ đều đã thống nhất tiến trình giải quyết xung đột tại Syria do LHQ dẫn đầu, chấm dứt khủng hoảng nhân đạo, cho phép những người Syria trở về nhà, bảo đảm một Syria ổn định thống nhất và không có sự can thiệp với mục đích xấu. 

Về phần Syria, Tổng thống Syria cũng cam kết một tiến trình chính trị bao gồm cải cách hiến pháp, tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống và nghị viện. Tuy nhiên không có gì đảm bảo hòa bình sẽ đến với Syria khi mà các nước bảo trợ liên tục đối đầu nhau trên mặt trận ngoại giao về nhiều vấn đề gắn với Syria. Như thiết lập các vùng giảm căng thẳng ở Syria khiến nhóm đối lập khó hoạt động hay các cáo buộc điều tra việc sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc tấn công ở Syria mà Mỹ đưa ra bỏ phiếu nhưng đều bị Nga phủ quyết bác bỏ...

Chìa khóa của những mâu thuẫn các bên chưa được hóa giải thì con đường đến hòa bình cho Syria còn rất xa. Trong khi đó, sau khi để mất các thành trì ở Iraq và Syria, các chiến binh IS có thể sẽ rút sâu vào sa mạc để tập hợp lực lượng và chờ ngày tái sinh như al-Qaeda trước đây. Hầu hết những người am hiểu tình hình đều có chung nhận định, các chiến binh dòng Sunni của "vương quốc Hồi giáo" tự xưng có thể đã bị đánh bại nhưng việc để mất lãnh thổ rộng lớn ở Syria và Iraq không đồng nghĩa với sự diệt vong của IS.

Hoa Huyền
.
.